Saturday, December 10, 2011

10/12 Câu hỏi "khẩn" cho Bộ Kế hoạch- Đầu tư


Tác giả: MAI QUỐC ẤN

Câu chuyện chưa có luật và sự chậm trễ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ sở, ban ngành liên quan là một ví dụ cụ thể để chứng minh cho điều này. Và xét đến cùng, tất cả chúng ta đều thiệt hại, trước mắt là kinh tế và sâu xa hơn là cách tư duy của mình về một vấn đề... chưa luật.
Người viết đã từng đưa ra câu chuyện lãng phí đất ở các khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai trong bài "Doanh nghiệp vắng chủ, không lấy lại được mặt bằng" trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 27.11.2011 do các vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư... chưa có. Nhưng đây dường như không phải chuyện của chỉ riêng Đồng Nai...
Câu hỏi là vai trò của Bộ Kế hoạch- Đầu tư ở đâu trong cách tiếp nhận các thông tin phản ánh từ đời sống kinh tế thuộc lĩnh vực do mình quản lý?
Nhà quản lý cũng khóc
Đến thời điểm này, đã có 20 doanh nghiệp vốn nước ngoài tại Đồng Nai "bỗng dưng vắng chủ" khiến chính quyền địa phương, Ban Quản lý các KCN và các chủ nợ khó xử, lao đao. Các doanh nghiệp vốn nước ngoài bị phá sản nên dừng dự án từ lâu nhưng do họ vẫn còn đăng ký kinh doanh nên các thủ tục để bàn giao đất, cấp giấy xác nhận đầu tư cho doanh nghiệp khác là không thể.
Điều này cũng tồn tại ở khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với khoảng 10 nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người" khiến các dự án "treo" vô thời hạn. Qúa bức xúc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Qủang Ngãi, ông Võ Văn Thưởng phải chỉ đạo kiên quyết thu hồi các dự án "treo" nói trên để tạo điều kiện thông thoáng thu hút đầu tư. Tình trạng này không chỉ có Đồng Nai hay Quảng Ngãi gặp phải mà hầu hết các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế đều mắc.
Ông Võ VănThành, Phó Trưởng ban Quản lý KCN Đồng Nai thừa nhận: "Tình trạng đất ở KCN không thể thu hồi là tình trạng chung ở tất cả các nơi, chúng tôi đang chờ Bộ Kế hoạch- Đầu tư điều chỉnh. Với các doanh nghiệp, tập đoàn đã mất khả năng đầu tư và bỏ về nước. Chúng tôi cũng bí vì chưa biết xử lý ra sao.
Đất, tài sản còn lại như nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất... là cái thấy được nhưng những khoản nợ từ đi vay ngân hàng hay vay các công ty tài chính thì còn lớn hơn, không biết sẽ ra sao..."
Theo ông Võ Văn Thành, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã đưa vụ việc ra toà án nhờ giải quyết để trước mắt là thu hồi lại diện tích đất nền đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê nhưng bất thành. Tuy chủ đầu tư đã "bóng chim, tăm cá" nhưng tư cách pháp nhân của họ còn nằm đó thì không ai dám vào đầu tư tiếp và Ban Qủan lý các KCN cũng không thu hồi được đất của mình.
Khổ nhất là các chủ nợ, chỉ biết vác đơn đi kiện trong vô vọng vì cũng chưa có tiền lệ nào để xử cho thoả đáng.
Chính quyền địa phương cũng... muốn khóc. Vì các đơn vị trên địa bàn có văn bản thắc mắc, kiến nghị, xin chỉ đạo, chính quyền cũng chỉ biết chuyển ra Bộ Kế hoạch- Đầu tư chứ không giải thích được gì thêm ngoài câu "không có trong luật!".
Mà Bộ Kế hoạch- Đầu tư thì cũng chỉ có thể trả lời một cách rất chung chung là "sẽ xem xét, điều chỉnh" chứ hành động thực sự thì cũng chẳng thấy đâu...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Vũ Quang Vinh
Bộ Kế hoạch- Đầu tư quá thụ động?
Đem chuyện này trao đổi với các chuyên gia cải cách hành chính Nhà nước, người viết đều nghe chung một nhận xét: "Bộ quá thụ động!"
Đất đai là tài sản toàn dân. Khi tài sản ấy bị hoang phí vì cái gọi là cơ chế, vì những điều chưa có trong luật thì phải lập tức điều chỉnh ngay và điều chỉnh trên phạm vi rộng chứ không phải chỉ vì nhu cầu của một tỉnh mà phải vì lợi ích toàn dân. "Luật chưa có thì căn cứ vào Hiến pháp, cái gì có lợi cho dân cho nước thì phải làm ngay."- một chuyên gia cải cách hành chính Nhà nước nhận định.
Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2011 đã có 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này phản ánh phần nào hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các tác động của nó tới Việt Nam. Trong số 48.700 doanh nghiệp "mất hồn" ấy, có bao nhiêu doanh nghiệp "còn xác" ở các KCN, khu kinh tế thì không thấy Bộ nhắc tới. Và dĩ nhiên, diện tích đất lãng phí khổng lồ mà họ thuê (không có khả năng chi trả) cũng không được nhắc tới nốt.
Các chuyên gia kinh tế đã phản ánh việc chiếc áo đầu tư mang mác "công nhân giá rẻ" của Việt Nam đã lỗi thời. Nay xuất hiện thêm tình trạng "nghèo mà còn sang". Khi đất vẫn (phải) bỏ hoang, huy động vốn doanh nghiệp FDI, nhưng các doanh nghiệp này lại huy động nguồn vốn từ trong nước... là những điều cực kỳ phi lý nhưng đã, đang và có thể sẽ kéo dài ở Việt Nam nếu không có một kế hoạch cụ thể.
Bộ Kế hoạch đầu tư phải xây dựng kế hoạch ấy, nhưng từ đâu?
Không "siết" bằng mồm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Vũ Quang Vinh trong một trả lời gần đây bên lề Quốc hội đã khẳng định cần phải siết lại các quy định đầu tư, chọn lọc lại các doanh nghiệp FDI, thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp báo lỗ nhưng lại mở rộng quy mô sản xuất... Nếu làm được như vậy thì đúng là một tín hiệu đáng mừng, vì vẫn có những nhà đầu tư uy tín muốn đầu tư vào Việt Nam.
Điểm khác biệt là từ lời nói đến việc làm vẫn có một khoảng cách xa.
Tôi thực sự lo ngại cho Bộ trưởng Vũ Quang Vinh vì với vai trò Bộ trưởng, ông có thể đưa ra các quyết định mang tính chiến lược và có lợi. Nhưng xem ra sức ì của bộ này vẫn còn quá lớn.
Đất đai là tài sản toàn dân. Khi tài sản ấy bị hoang phí vì cái gọi là cơ chế, vì những điều chưa có trong luật thì phải lập tức điều chỉnh ngay và điều chỉnh trên phạm vi rộng chứ không phải chỉ vì nhu cầu của một tỉnh mà phải vì lợi ích toàn dân. "Luật chưa có thì căn cứ vào Hiến pháp, cái gì có lợi cho dân cho nước thì phải làm ngay."- một chuyên gia cải cách hành chính Nhà nước nhận định.
Lấy ví dụ từ các văn bản "kể khổ" từ các Ban Quản lý KCN, khu kinh tế và địa phương gửi đến Bộ chỉ có một mẫu trả lời chung chung như đã nêu ở trên. Và cứ thế quy trình ấy kéo dài đến nay, vẫn chưa có một phương án cụ thể nào để giải cứu đất đai ở các KCN, khu kinh tế được đưa ra.
Mặt khác, tính thụ động của các đơn vị được giao quản lý quỹ đất KCN, khu kinh tế và địa phương cũng quá lớn. Trong tất cả các cuộc phỏng vấn xoay quanh việc cơ chế, thủ tục cũ kỹ đang làm lãng phí lớn nguồn tài nguyên toàn dân- đất đai, tôi đều nhận được câu trả lời: "Chờ bộ quyết định, chờ luật ban hành..."
Những người có trách nhiệm các cấp quên mất là luật của chúng ta đang vất vả đuổi theo thực tế cuộc sống, và nếu không có một cơ chế một cách hợp lý thì rất khó tháo gỡ các vấn đề trên trong khi chờ luật mới.
Người viết không cho rằng nên khuyến khích "xé rào" trong khi chưa có luật. Nhưng với đặc thù quản lý của mình, chắc chắn các đơn vị thấy được mình cần làm điều gì cho HỢP LÝ.
Nói như một đồng nghiệp của tôi thì: "Đất KCN, khu kinh tế là đất chung mà của chung thì "không ai khóc". Nếu đó là đất nhà các ông ấy đem cho thuê mà ngưòi thuê không trả tiền thử xem... Chưa hết hạn hợp đồng thì cũng cắt hợp đồng và mời người ta đi ngay ấy chứ! Điều này HỢP LÝ mà..."
Trong khi đó, nhiều người cứ nói đến cách hành xử HỢP PHÁP và luôn mồm nói về thượng tôn pháp luật. Nhưng khi luật chưa có và luật chưa theo kịp cuộc sống thì cũng ... mù quáng thượng tôn?
Câu chuyện chưa có luật và sự chậm trễ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ sở, ban ngành liên quan là một ví dụ cụ thể để chứng minh cho điều này. Và xét đến cùng, tất cả chúng ta đều thiệt hại, trước mắt là kinh tế và sâu xa hơn là cách tư duy của mình về một vấn đề... chưa luật.
Mà chưa luật thì chưa thể "siết" được, thưa Bộ trưởng Vũ Quang Vinh!
Bộ trưởng có giải pháp nào không?

No comments:

Post a Comment