07:33 | 10/12/2011
Điểm nhấn nổi bật cho tài chính Việt Nam năm 2012 sẽ là sự tiếp nối nhất quán các xu hướng chủ trương, điều hành và chính sách đang thực hiện năm 2011, nhưng có thể sẽ có sự cải thiện đáng kể một số chỉ tiêu kinh tế - tài chính vĩ mô. Trong bối cảnh nói trên, các tổ chức tài chính - tín dụng Việt Nam sẽ đối diện cả với nhiều thách thúc cũng như cơ hội mới về tài chính.
Đầu tiên phải nói đến việc các ngân hàng và công ty tài chính tiếp tục có sự căng thẳng về thanh khoản và thu hồi nợ cũ, nhất là những khoản cho vay với lãi suất cao trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Đặc biệt, nếu việc thu hồi nợ không tốt có thể còn làm gia tăng rủi ro mới gắn với sự giảm giá mạnh và trầm lắng hơn nữa thị trường bất động sản, kể cả bất động sản thế chấp. Điều này đồng nghĩa với sự thiệt hại trực tiếp giảm giá trị tài sản nợ của ngân hàng và công ty đầu tư tài chính nào có lượng tài sản nhận thế chấp các khoản cho vay và đầu tư bằng bất động sản.
Nguồn: 24h.com |
Bên cạnh đó, sẽ có sự gia tăng thách thức về nguồn huy động tài chính - tín dụng cả về quy mô, lẫn điều kiện tín dụng từ chủ trương tiếp tục tinh thần chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, ưu tiên kiềm chế lạm phát xuống 1 con số. Hơn nữa, sẽ xuất hiện áp lực mới về lựa chọn định hướng đầu tư tài chính và giải ngân các khoản tín dụng đầu tư gắn với sự gia tăng những rủi ro thị trường và đầu tư từ tái cấu trúc trong khuôn khổ quá trình tái cấu trúc kinh tế vĩ mô và vi mô. Nếu thiếu kiểm soát tốt, các hoạt động đầu tư tài chính và cho vay tín dụng phục vụ tái cấu trúc sẽ tăng rủi ro trên nhiều khía cạnh. Rủi ro từ khả năng thanh khoản kém hơn cho các khoản vay mới do giảm nguồn thu tài chính từ sự từ bỏ thị trường và sở trường, việc làm cũ, trong khi thị trường mới và sở trường mới chưa xuất hiện ngay và sức cạnh tranh mới chưa xác lập vững chắc. Rủi ro từ nguy cơ gia tăng nợ nần của doanh nghiệp - con nợ gắn với thiếu hụt nguồn vốn duy trì đầu tư cũ và cần thêm các khoản vay mới cho tái cấu trúc. Rủi ro từ sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng vốn đầu tư mới cho những dự án đầu tư mới trong khuôn khổ hoặc nhân danh tái cấu trúc, nhất là khu vực đầu tư công. Rủi ro từ việc lãng phí các dự án đầu tư dở dang theo mô hình đầu tư cũ. Các ngân hàng và công ty tài chính nào càng gắn với các hoạt động đầu tư đa ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì nhóm nguy cơ loại này càng cao…
Đặc biệt, ngay các tổ chức tín dụng và công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn theo mô hình cũ sẽ còn đối diện với nguy cơ giảm dần quy mô, phạm vi hoạt động hoặc phải tách ra hoạt động như một tổ chức tài chính - tín dụng độc lập và chuyên nghiệp trên thị trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt…
Hơn nữa, những nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam phải tái cấu trúc, thì bản thân chúng đồng thời cũng đang và sẽ là nhân tố trực tiếp hay gián tiếp tạo rủi ro cho các tổ chức tín dụng và đầu tư tài chính, đó là: kinh tế phát triển thiếu bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, an sinh xã hội, môi trường; lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao; cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng vẫn biến động bất thường...
Mặt khác, năm 2012 các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam cũng có thêm một số cơ hội thuận lợi về tài chính, như: thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát kết quả bước đầu. Việt Nam đã ký kết thêm nhiều Hiệp định và thỏa thuận quan trọng về hợp tác toàn diện và chiến lược với các đối tác lớn, như Nhật, Đức, Mỹ và một số nước khu vực. Đặc biệt, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức thế giới tin cậy vào sự ổn định và triển vọng đầu tư tốt cả về trung và dài hạn.
Các nước trên thế giới đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế của mình gắn với nhu cầu nội tại và bối cảnh mới, trong đó có cả sức ép từ biến đổi khí hậu toàn cầu… Quá trình đó tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận các chuyển giao cơ cấu từ các trung tâm phát triển hơn, nhất là các cơ sở công nghiệp phụ trợ, đón bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với vị thế cao hơn... Quá trình đó đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới về tăng tổng cung tiếp nhận các dòng vốn ngoại và cả những nhu cầu và cơ hội đầu tư mới gắn với chúng cho các ngân hàng và công ty tài chính trong nước.
Các tổ chức tín dụng và công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn theo mô hình cũ sẽ còn đối diện với nguy cơ giảm dần quy mô, phạm vi hoạt động hoặc phải tách ra hoạt động như một tổ chức tài chính - tín dụng độc lập và chuyên nghiệp trên thị trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt… |
Minh Phong
No comments:
Post a Comment