Friday, September 30, 2011

30/09 Mục tiêu phát triển của Việt Nam cần thay đổi khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm

07:24 | 30/09/2011

Hiện nay kinh tế toàn cầu đang ở vào một giai đoạn nhiều rủi ro và nguy hiểm do những bất ổn từ nền kinh tế Mỹ và tình trạng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Những yếu tố này có thể sẽ có tác động mạnh tới các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó.
Với độ mở lớn như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới vừa mới công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra nếu bất ổn kinh tế tại châu Âu không được giải quyết. Quỹ này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm 2012 chỉ còn 4%, thấp hơn mức 5% của năm ngoái.

Như đã nói ban đầu, khi kinh tế thế giới tổn thương, thì kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động. Khi phân tích về nguyên nhân đẩy lạm phát của Việt Nam tăng cao, ngoài yếu tố chủ quan là do tiền tệ, các cơ quan chức năng của Việt Nam còn chỉ ra nguyên nhân từ tác động của kinh tế thế giới. Có nhiều năm, nhập khẩu của Việt Nam luôn chiếm 80 – 90% GDP, thì khó tránh khỏi tác động giá quốc tế tăng. Còn hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam. Vì vậy, điều mà các chuyên gia của IMF khuyến cáo là các nước có nền kinh tế mới nổi, trong đó có nước ta, nên sớm có đối sách. Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam Ben Bingham cho rằng, Việt Nam không thể tránh khỏi tác động tiêu cực từ sự phát triển chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Để tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian tới, Việt Nam nên chú trọng nâng cao hệ thống an sinh xã hội để giúp người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Đối với nhà đầu tư, điều quan trọng là nêu lên được những tiềm năng dài hạn của nền kinh tế, để khuyến khích họ bỏ vốn, bảo đảm được như thế sẽ khôi phục được tăng trưởng kinh tế.
Một thách thức khác với kinh tế Việt Nam được IMF cảnh báo là lạm phát cao khoảng 19% trong năm nay. Yếu tố này sẽ khiến kinh tế chỉ tăng trưởng khoảng 5,8%. Năm tới, khó khăn này sẽ bớt đi khi lạm phát khoảng 12% và tăng trưởng kinh tế là 6,3%. Cũng theo IMF, thời gian gần đây Chính phủ Việt Nam đã có động thái tích cực nhằm phát huy tiềm năng nền kinh tế trong dài hạn hơn, đặc biệt là những nỗ lực và động thái để giúp duy trì mức ổn định nhất định của nợ công. Song, dù sao thì thâm hụt ngân sách vẫn là thách thức của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lâu dài, vì vậy cần được khắc phục tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế học Andrea Pescatori, Vụ nghiên cứu kinh tế, IMF khuyến nghị, Chính phủ nên đặt mục tiêu lạm phát cơ bản vì nếu chỉ nhìn theo lạm phát thông thường thì sẽ bị ảnh hưởng lên xuống thất thường theo biến động của giá cả. Các nền kinh tế đặc biệt, các nước thuộc khu vực mới nổi và đang phát triển phải đặt ra chính sách về mục tiêu lạm phát và mục tiêu này nên đặt ra trong trung hạn.
Cũng ở góc độ nghiên cứu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho rằng, sẽ có sự đánh đổi giữa nỗ lực chống lạm phát trong trung và dài hạn với mục tiêu tăng trưởng. Để giữ được mức độ tăng trưởng trên 6% trong năm 2012 và những năm tiếp theo không phải là điều dễ dàng gì. Bởi đầu tư toàn xã hội đang giảm, từ mức 42,3% trong 5 năm qua xuống còn 38% trong năm nay và sẽ tiếp tục giảm 2% nữa trong năm tới.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, nút thắt được các chuyên gia khuyến cáo tháo gỡ là vốn cho doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều ngân hàng cam kết cho vay từ 17 – 19%/năm, nhưng rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn với giá này. Thêm nữa, dù tiếp cận được thì đây vẫn là mức giá vốn rất cao. Nếu không tìm cách hạ được lãi suất xuống, thì sẽ khó cho sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Để giảm tác động từ bất ổn kinh tế thế giới, thì kinh tế trong nước phải có thể trạng và sức khỏe tốt hơn. Trước mắt, ưu tiên số một của Chính phủ vẫn là kiểm soát lạm phát, từ đó làm tiền đề ổn định vĩ mô. Dù tăng trưởng sẽ phải đánh đổi, nhưng sẽ củng cố được lòng tin và tránh được những tác động xấu từ bên ngoài. Thêm nữa, khi lạm phát được kiểm soát, các chính sách an sinh xã hội sẽ mang lại tác động lớn hơn với chi phí thấp, và không làm tổn thương đến người nghèo, người thu nhập thấp.
Đức Hiếu

No comments:

Post a Comment