Tác giả: HOÀNG LỘC
(VEF.VN) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là phải rà soát lại quy hoạch, tạm dừng phát triển quy hoạch mới, tránh tình trạng "vẽ ra nhiều nhưng hiệu quả rất thấp". Trong đó, nhất định không lấy đất lúa làm KCN.
Rời rạc, chưa đồng bộ
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KTT) diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, số lượng các KCN, KCX tăng mạnh trong 15 năm qua, cụ thể giai đoạn 1996-2000 thành lập 53 KCN, KCX với tổng diện tích tự nhiên hơn 9.000 ha, tăng 4,4 lần về số lượng và 4,1 lần về diện tích so với 5 năm trước đó. Giai đoạn 2001-2005 thành lập thêm 66 KCN tăng 24,5% về số lượng và 35,4%; giai đoạn 2006-2010 thành lập thêm 136 KCN, tăng 2 lần về số lượng và 3,5 lần diện tích so với giai đoạn trước đó.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, chất lượng công tác xây dựng quy hoạch KCN chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành. Điều này xuất phát từ khâu tổ chức, nghiên cứu xây dựng quy hoạch KCN chủ yếu xuất phát từ tư duy quy hoạch còn mang nhiều tính cục bộ, địa phương, chú trọng lợi ích của địa phương mà chưa tính toán đúng mức tới lợi ích của vùng, quốc gia.
Với các khu kinh tế, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, hiện khu kinh tế vẫn dựa vào nguồn ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Do đó, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng theo quy hoạch và thu hút đầu tư. Các công trình đi kèm đối với các khu kinh tế ven biển như cảng biển nước sâu, sân bay, đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, nhiệt điện...chưa phát huy được lợi thế về vị trí địa lí và hạ tầng giao thông của từng địa phương.
Là địa phương tập trung nhiều KCN, KCX, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, khu vực Đông Nam Bộ có hàng trăm KCN, KCX nhưng do phát triển một cách tự phát nên đến nay phần lớn các khu công nghiệp đã gần như không được kết nối với thực tế của xã hội, của nền kinh tế vùng. Ông Quân dẫn chứng, hiện các KCN ở khu vực này nhưng lại không được gắn với mạng lưới các trường đại học, đào tạo nghề liên quan. Từ đó công nghiệp phụ trợ của Đông Nam Bộ phát triển rất kém, hầu như chỉ đi làm thuê cho các nhà đầu tư lớn của ngoài nước.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều địa phương đều cho rằng, cái khó hiện nay là các địa phương chưa có một mô hình chung hiệu quả nào để địa phương và các doanh nghiệp định hướng theo. Thực tế mỗi địa phương phát triển một kiểu, thiết kế mô hình không đồng nhất. Do đó, vai trò dẫn lối đưa đường của Bộ KH&ĐT trong xây dựng, phát triển KCN chưa thật rõ ràng. Thậm chí cả hội nghị tổng kết 20 năm nhưng không có một ai nêu ra mô hình cho một khu công nghiệp, khu kinh tế như thế nào là hiệu quả, trong khi đó mới chính là cái chúng các địa phương cần.
Tránh tình trạng "vẽ" KCN
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận thực tế mà các địa phương đặt ra. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng mong muốn địa phương và doanh nghiệp thông cảm và chia sẻ với Chính phủ. Bởi hiện nay dư địa ưu đãi cho các KCN, khu kinh tế theo mô hình cũ không còn nhiều vì VN đang trong tiến trình mở cửa, hội nhập.
"Điều mà Chính phủ có thể làm được trong lúc này là yêu cầu các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ sách nhiễu và phải xắn tay vào cùng doanh nghiệp để làm KCN, khu kinh tế mới mong có hiệu quả cao", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, quan điểm của Chính phủ là phải rà soát lại quy hoạch, tạm dừng phát triển quy hoạch mới, tránh tình trạng "vẽ ra nhiều nhưng hiệu quả rất thấp". Trong đó nhất định không lấy đất lúa làm KCN. Bên cạnh đó, đảm bảo hình thành, phát triển hệ thống các KCN nòng cốt có vai trò dẫn dắt phát triển các ngành công nghiệp quốc gia.
"Chính phủ đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư chọn lọc, hiệu quả, nâng cao tỉ suất đầu tư từ mức trên 2 triệu USD/ha lên mức 40-100 triệu USD/ha, tập trung hàm lượng công nghệ cao. Các nhà quản lý cần thay đổi nhận thức rằng cơ sở hình thành, thu hút đầu tư vào KCN trong thời gian tới không chỉ gói gọn ở vấn đề ưu đãi thuế, đất đai,... mà phải là một quá trình các cơ quan quản lý, chính quyền sát cánh bên cạnh nhà đầu tư", ông Hải nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tạm dừng, không triển khai các KCN, KCX mới mà các khu cũ chưa lấp đầy dự án hoặc đang triển khai dở dang. Bộ KH&ĐT tiếp tục phân cấp mạnh mẽ, phát huy vai trò các Ban quản lý. Đồng thời đẩy mạnh phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương để nghiên cứu thành lập một Ban chỉ đạo cấp trung ương kịp thời xử lí những vướng mắc của KCN theo phản ánh các nhà đầu tư cũng như định hướng trong thu hút đầu tư.
Tính đến 12/2011, cả nước có 58 tỉnh, thành phố với hơn 280 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 76.000 ha. Các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỉ USD , tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỉ USD.
Đối với khu kinh tế, theo Bộ KH&ĐT, hiện cả nước có 15 KKT ven biển với tổng diện tích 662.249 ha và 28 KKT cửa khẩu với tổng diện tích hơn 600.000 ha. Tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển gần 250.000 tỉ đồng trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng 75.000 tỉ đồng (chiếm 30%), vốn đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 175.000 tỉ đồng (chiếm 70%). Còn tổng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ hạ tầng KKT cửa khẩu từ 5 năm qua là 3.926 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ được phân bổ cho các KKT cửa khẩu giáp Trung Quốc chiếm tỉ trọng 55%; Lào và Campuchia ở mức tương đồng trên 20%.
|
No comments:
Post a Comment