Friday, May 11, 2012

Nỗi Đau, Chữ Viết


----- Forwarded Message -----
From: Dzung T <dzungthedinh@yahoo.com>
To: Exryu-WW <exryu-ww@yahoogroups.com>; "exryu-ww-vannghe@yahoogroups.com" <exryu-ww-vannghe@yahoogroups.com>; Exryu-Forum <exryu-ww-forum@yahoogroups.com>
Sent: Friday, May 11, 2012 7:34 PM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Fw: Nỗi Đau, Chữ Viết

 

----- Forwarded Message -----
From: Maggi Tran <>
To:
Sent: Thursday, 10 May 2012 2:58 PM
Subject: Nỗi Đau, Chữ Viết

Nỗi Đau, Chữ Viết


Hoàng Hải Thủy, 6-5-2012 

"Lời Nói bay đi, Chữ Viết ở lại."

Mời quí vị đọc một Hồi Ký Tù Ðầy của Ký Giả Hồ Văn Ðồng. Bài viết của ông được trích từ tác phẩm "Quê Hương Bạn Hữu Tù Ðầy" do Trung Tâm Ðộc Lập, Stuttgart, Cộng Hòa Liên Bang Ðức, ấn hành nhân "Ngày Văn Nghệ Sĩ Việt Nam 1990" được tổ chức tại Stuttgart.

Nhà báo Hồ Văn Ðồng bị VC bắt đi tù khổ sai nhiều năm ở quê hương, ông bị VC bắt 2 lần, ông vượt biên và định cư ở Virginia, Hoa Kỳ, ông từ trần năm 2005 ở Virginia, hưởng thọ 83 tuổi.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

HỒ VĂN ÐỒNG. Hồi Ký: Ở Tù với Trần Dạ Từ.


Ngày 3 Tháng Tư, 1976, khi Công an Cộng sản mở chiến dịch hốt gọn văn nghệ sĩ Sài Gòn, tôi đang ở Phan Rang, ngụp đầu trong một cánh đồng mía.


Là một anh nhà báo về già, từ nhiều năm trước 1975, sau khi đóng cửa nhật báo Quyết Tiến, sang nhượng cơ sở nhà in ở đường Võ Tánh cho anh Ðặng Văn Bé, chủ nhiệm nhật báo Thách Ðố, tôi thực sự về vườn, hiểu cả theo nghĩa đen: Tôi ra Phan Rang, mua khu đất, tự tay trồng dăm ba mẫu mía, vật lộn với chủ nhân mấy lò nấu đường trong khu, mỗi tháng tôi chỉ về thăm nhà ở Sài Gòn vài ngày.

Khi Cộng sản chiếm Sài Gòn, dù có chung tâm sự với anh em làng văn làng báo, tôi vẫn cười cười nói với anh em:

"Moa đâu còn là nhà báo. Moa là nông dân. Lê Nin kêu nông dân là liên minh vững chắc của giai cấp vô sản tiên phuông. Mao chủ tịch còn sửa lưng cả Lê Nin, kêu nông dân là thành phần cốt cán của cách mạng. Các toa phởn phơ ở thành phố quen hư thân mất nết, ngán đi kinh tế mới. Moa đã tự giác đi kinh tế mới lao động sản xuất từ khuya rồi. Nông dân trăm phần trăm, moa còn ngán chó gì nữa."

Ngày 9 tháng 3, 1976, khi tôi xách cái bị lát nông dân từ Phan Rang về Sài Gòn thăm nhà, công an Cộng sản đã rình sẵn từ bao giờ, theo chân tôi vô nhà tôi còng tay tôi cái rụp. Tại Sở Công an Thành phố, trước là trụ sở Nha Cảnh sát Ðô thành, đường Trần Hưng Ðạo, khi cánh cửa sắt nặng nề của phòng giam mở ra, tôi nghe nhiều tiếng cười. Một giọng nói vui vẻ vang lên:

"A... Ðồng Ðen đây rồi. Ði đâu giờ này mới chịu mò tới? Nhờ anh tí, bắt anh em chờ mãi."


Ký Giả Hồ Văn Ðồng. CHOÉ vẽ.

Vẫn lối nói quen thuộc của giới làng báo miền Nam, thường dành cho anh em tới trễ trong một buổi họp mặt thân mật. Chỉ khác chút xíu: cuộc họp mặt lần này đông đảo chưa từng thấy, mà lại là họp mặt trong nhà tù Cộng sản.

Phòng giam mỗi bề khoảng 5 thước, lố nhố năm sáu chục người tù nằm ngồi, gần như nêm cứng, chen chân muốn không lọt.
"Lại đây nè, cha nội. Xớ rớ chi vậy."


Giọng nói quen thuộc lại vang lên. Một anh chàng thấp lùn phe phẩy tay quạt, mặt mũi vêu vao, đang ngoác miệng ra cười, vẫy vẫy tôi. Tôi nhận ra anh bạn phóng viên Anh Quân. Bên cạnh Anh Quân là anh Doãn Quốc Sỹ, anh Ðằng Giao, anh Trần Dạ Từ… Phòng giam nêm chặt kiểu cá mòi đóng hộp, dưới mái tôn nóng điên người, tất cả đều ở trần, quần cụt, mồ hôi nhễ nhại. Tôi chào tất cả và nói: "Ðông đảo phe ta cả, vui quá há."


Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ. CHOÉ vẽ.

Anh Doãn Quốc Sỹ cười hiền lành: "Vui thật ông ạ. Còn Khô Vinh đại sư nữa kìa."

Tôi nhìn theo mắt anh Sỹ hướng về một góc phòng. Trên bệ xi-măng cạnh cầu tiêu chung trong góc phòng, tôi nhận ra anh Nguyễn Mạnh Côn. Khô Vinh đại sư là tên một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Anh em gán cho anh Côn biệt danh này vì anh gầy gò, người nhỏ thó, xương xẩu giống hệt một nhà tu khổ hạnh. Ngồi trần trụi bên cầu tiêu, Khô Vinh đại sư nhìn tôi cười cười, tỷ ra dấu chào.

Phòng giam chúng tôi ở, được gọi bằng một tên hoa mỹ là "Tập thể Hai." Tại Sở Công an, còn có Khu A, Khu B, Tập thể Một, phòng giam nữ, và các phòng biệt giam… Thời điểm này, không kể khám Chí Hòa, Ðề lao Gia Ðịnh, trụ sở các phường quận, nghe nói Khách sạn Ðại Lợi và nhiều cao ốc, nhà cửa khác trong thành phố, đều đã biến thành nhà giam.

Số văn nghệ sĩ bị giam ở nhiều nơi, nhưng đông nhất vẫn là Ðề Lao Gia Ðịnh cũ, (nay được gọi bằng bí số: T 20, và Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu) và ngay tại Sở Công an.


Nhà Văn Nữ Nhã Ca. CHOÉ vẽ.

Khi công an Cộng sản bắt văn nghệ sĩ, họ bắt vợ chồng Trần Dạ Từ – Nhã Ca, họ bắt cả vợ chồng Ðằng Giao – Chu Vị Thủy, chị Thủy ôm cháu nhỏ mới sinh bẩy ngày vào tù. Chị Thủy là con gái nhà báo Chu Tử. Có anh em nói, danh sách bắt bớ này phần chính do Vũ Hạnh đề nghị. Vũ Hạnh thời trước, viết phê bình văn nghệ cho báo Bách Khoa theo lối hiện thực xã hội kiểu Cộng sản, rồi nằm trong tờ Ðiện Tín của nhóm Lý Quí Chung, chuyên viết những truyện kháng chiến đường rừng. Báo Sống của anh Chu Tử có hồi chỉ đích danh Vũ Hạnh là Cộng sản nằm vùng.

Khi tôi bị bắt vô Sở Công an, chị Chu Vị Thủy đã được cho mang cháu nhỏ về quản thúc tại gia. Trong số văn nghệ sĩ nằm tù Cộng sản trong chiến dịch này chỉ có chị Nhã Ca là phụ nữ duy nhất. Suốt thời kỳ ở Sở Công An, chị bị nhốt sà-lim. Anh Nguyễn Mạnh Côn bảo tôi: "Con mụ dữ quá."

Tuy cười, anh rất quan tâm việc chị Nhã Ca bị bắt.

Một bữa, sau buổi "đi làm việc", có nghĩa là bị gọi đi hỏi cung, khi trở về phòng, anh Côn kể với chúng tôi:

"Moa nói với họ là bao nhiêu nhân vật quan trọng ở miền Nam này, đâu có người nào cách mạng bắt đi tù cả chồng lẫn vợ như trường hợp Trần Dạ Từ và Nhã Ca. Nhốt bà mẹ của 6 đứa con nhỏ, có đứa còn chập chững tập đi, thì vẻ vang gì. Nói thật, bà ta chỉ là một bà viết văn bình thường, chẳng hiểu biết gì về chính trị. Nếu sách bà ta có chống Cộng, ấy là do tôi mà có. Thả bà ta về, rồi muốn tôi làm trâu, làm ngựa gì cũng được".

Anh Côn hút thuốc phiện lâu năm, nên vào tù anh bị thuốc phiện vật lên vật xuống. Nhiều phen phải kêu cai tù đưa anh đi cấp cứu. Một buổi tối, công an mở cửa phòng kêu anh "đi làm việc." Vài phút sau đã thấy anh trở vô. Mọi người hỏi sao lẹ vậy, anh đáp:

"Tên X. gọi ra. Hắn đưa cho moa một cục, nói là cách mạng chiếu cố. Moa trả lại hắn, bảo tôi không cần nữa."

Tôi còn nhớ rõ, có người hỏi "Cục gì?" Ký giả Anh Quân, cũng là dân từng nằm bàn đèn thuốc phiện, nháy mắt: "Cái ông này. Cục Vàng Ðen chớ còn cục gì nữa."

Anh Côn đưa lên đầu ngón tay: "Bằng chừng này này".

Thấy Anh Quân suýt soa tiếc rẻ, tôi nói với anh Côn: "Sao anh không cầm đại vô, rồi cho Anh Quân nó phê."


Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn, người tù bị bọn Cai Tù Việt Cộng bắt Chết vì Khát và Ðói trong Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc. CHOÉ vẽ.

Người tù được chọn làm trưởng phòng, anh Hoàng Phú Lâm, gia đình chủ nhân Ðệ Nhất Khách Sạn, cũng là một quân nhân trong văn phòng ông Ðại tướng Cao Văn Viên ở Tổng Tham mưu. Anh Lâm từng chính mắt thấy ông bà Cao Văn Viên kính nể anh Côn như ông thầy, nên rất trọng anh Côn.

Từ lúc hết bị thuốc phiện hành, anh Côn tươi tỉnh hơn, trò chuyện vui hơn. Các bạn trong phòng giam thường ngồi quanh anh, nghe anh kể những truyện khoa học giả tưởng rất hấp dẫn.

Mấy năm trước, anh Nguyễn Mạnh Côn trở thành nhà thầu khoán có hạng trong quân đội. Anh Trần Dạ Từ đã thu xếp xong từ lâu, việc anh Phạm Duy bán lại cho anh Côn ngôi nhà lầu trong Cư Xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Năm 1975, cùng với Trần Dạ Từ, "Nhà thầu Nguyễn Mạnh Côn" bao dàn việc ấn loát binh thư cho Tổng Cục Quân Huấn do Tướng Nguyễn Bảo Trị làm Tổng Cục trưởng. Riêng dịch vụ này đã lên tới cả trăm triệu bạc, lại còn nhận thầu công việc đại tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội ở xa lộ. Khi bắt anh Côn và anh Từ, công an cộng sản dùng cả mấy xe chở đầy nhóc toàn sách binh thư chiến thuật, sách in dạy đủ món, từ cách dùng mìn, thủy lôi tới tổ chức biệt kích. Công an nghe đâu còn thu cả lô quĩ phiếu mấy chục triệu bạc tiền in binh thư chưa kịp lãnh ở nhà anh Trần Dạ Từ, hèn chi họ chả cho là hai anh là hai tay nguy hiểm ghê gớm. Các "đồng chí" làm sao tưởng tượng nổi, ở miền Nam, việc thầu in sách cho Bộ Thông Tin, cho Quân Ðội chỉ là việc làm ăn bình thường, người thầu khoán nào cũng có thể nhận làm những việc như vậy.

Trong tù, nhiều khi vui chuyện có lần anh Nguyễn Mạnh Côn kể: "Một lần hai anh em tớ vô Tổng Tham mưu gặp Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, khi ra về tớ bảo Từ:"Hỏng mất cậu ạ. Một anh thi sĩ, một anh nhà văn, mở miệng ra toàn là nói tiền với bạc. Xe vô một sở chỉ huy quân đội mà anh em binh sĩ phải đứng đón, mở cửa xe cho hai thằng mình. Vậy thì mình còn chó gì là thi sĩ với nhà văn nữa. Cứ điệu này, chắc mình tiêu tùng luôn."

Anh nói thêm, một cách nghiêm chỉnh: "Cái vụ anh em mình ai nấy sạch sẽ vô tù, không chừng là vớ bở to đấy các cậu ạ. Tin lời tôi đi. Biết đâu, nhờ đó mà nhà văn, nhà thơ trong chúng mình tái sinh."

Anh Doãn Quốc Sỹ kết luận: "Mèo lại hoàn mèo."

Chúng tôi đều cười, mừng cho sự tỉnh táo lạc quan của anh Nguyễn Mạnh Côn khi anh đã chia tay được với Nàng Tiên Nâu.

Nhưng cũng ngay thời gian ở Sở Công an, anh Côn bắt đầu nói về cái Chết. Một bữa, anh bàn với tôi: "Lần này, sống mà về được, hai anh em mình phải sang Thủ Ðức, tìm một miếng đất, nhỏ thôi, làm sẵn một "sanh phần" cho bọn mình, ông ạ."

Sanh phần là ngôi mộ làm sẵn khi người còn sống. Thấy anh Côn và tôi bàn hoài chuyện mua đất, xây mộ sẵn cho mình, anh Trần Dạ Từ gạt đi, anh nói thời của bọn Ðỏ mà tính chuyện lo trước chỗ chôn mình là chuyện vớ vẩn.

Anh Côn nói với anh Từ: "Không vớ vẩn đâu, cậu ạ. Ðỏ Ðen gì cũng chỉ là nhất thời. Thời của họ cũng chẳng lâu lắt gì đâu. Các cậu sẽ được nhìn thấy nó sụp đổ như thế nào. Ở tuổi của Từ, điều này chắc như đinh đóng cột. Thế hệ các cậu, chính cậu, sẽ phải góp phần làm cho nó đổ, rồi ráng mà gánh vác lấy việc thu dọn sau đó. Còn tớ với ông Ðồng Ðen, bọn tớ già rồi, làm xong phần mình rồi. Bọn tớ nhất định cứ đi tìm đất làm sanh phần."

Anh Nguyễn Mạnh Côn là tác giả cuốn "Chống Mác-xít," nhiều năm phụ trách phần bình luận phát thanh bằng tiếng Pháp của Ðài Sài Gòn. Anh rất giỏi toán học, khoa học, anh viết văn, viết báo hình như bằng thứ chữ nghĩa chính xác của nhà toán học nhiều hơn là chữ nghĩa kiểu nghệ sĩ. Sau Hiệp định Paris, anh Côn cho phát hành cuôn sách dầy cộm, mang tên "Hòa Bình, nghĩ gì, làm gì?" Những người từng chỉ huy ngành Chiến tranh Chính trị, Cao đẳng Quốc phòng, như các Tướng Vĩnh Lộc, Trần Văn Trung, Nguyễn Bảo Trị… đều tâm phục anh.

Có ông bạn dược sĩ già, nói là thông gia với gia đình nhà báo Ðỗ Quí Toàn, ở tù cùng phòng, không khoái chuyện xây sanh phần, nhưng nghe anh Côn bảo thời của bọn Ðỏ chẳng lâu lắt gì, thì như người vừa uống xong thuốc bổ, nhất định bắt cả anh Côn lẫn tôi phải xài tiếng Pháp, phân tích lời nói đó của anh Côn thật kỹ cho ông nghe.

Ông bạn dược sĩ già trong buổi truyện trò trong phòng tù VC năm nào hiện đang ở khu Irvine, Nam California. Vợ chồng Trần Dạ Từ ở Thụy Ðiển. Tôi vừa vượt biển vô được đất Mỹ. Ðằng Giao, Anh Quân còn ở quê nhà. Khi tôi viết bài này anh Doãn Quốc Sỹ đang tiếp tục nằm trong nhà tù. Riêng anh Nguyễn Mạnh Côn không còn nữa. Lời xưa anh nói, chỉ hơi sai một chút: Chúng tôi không còn dịp cùng nhau sang Thủ Ðức mua đất, đào huyệt, lo sẵn sinh phần cho mình.

Ðúng hai năm sau ngày anh Trần Dạ Từ ra khỏi nhà tù Cộng sản, cũng đúng một năm sau ngày Văn Bút và chính phủ Thụy Ðiển đón tiếp gia đình anh ở Stockholm, anh chị và các cháu sang Ngày 9 tháng 9, 1989, bạn hữu văn giới ở Hoa Kỳ đã họp mặt mừng đón anh chị ở Nam Cali.

Cùng với các anh Nguyên Sa, Phạm Duy, Mai Thảo, Tạ Tỵ, Viên Linh, Lê Ðình Ðiểu và nhiều anh em khác, tôi đã có dịp kể chuyện tôi ở tù cộng sản với Trần Dạ Từ và bạn hữu. Tiếc thay, khi vừa nhắc tới trái chuối, củ khoai hai anh em tôi chia cho nhau trong tù, là tôi đã òa khóc ngay trên diễn đàn, không sao nói được thành tiếng nữa. Sức lực tuổi già tệ hại quá. Bao nhiêu năm trong ngục tù, anh em nhà văn nhà báo đâu có ai thấy nhau khóc. Tất cả chúng tôi, ngay trong ngục tù, vẫn vui sống, vẫn tươi cười với nhau.

Tôi thú thật không hề biết gì về văn thơ. Về thơ Trần Dạ Từ ra sao tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết anh trong nghề làm báo. Tờ nhật báo cuối cùng của anh Từ, trước khi đóng cửa vì Luật Báo chí VNCH đòi chủ báo phải đóng tiền ký quỹ 20 triệu, in trong nhà in của tôi ở đường Võ Tánh. Vị trí làng báo Sai Gòn dành cho, Trần Dạ Từ làm tôi ngạc nhiên, cứ tưởng anh phải là một người lớn tuổi hơn. Khi gặp, tôi mới biết anh sinh năm 1940. Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, cả miền Nam chỉ có 9 nhật báo. Năm 1962, anh Trần Dạ Từ đã là Tổng thư ký nhật báo Dân Việt, một tờ báo gốc Thiên Chúa giáo cánh Bắc. Anh Chu Tử viết truyện dài và mục Ao Thả Vịt nổi tiếng, là từ báo này. Sau 1964, bộ biên tập bạn hữu của Từ sẽ còn điều khiển các tờ báo có lúc có số bán vượt mức như những báo Sống, Hòa Bình, Ðộc Lập.

Sau khi bị bắt tù thời Phật giáo tranh đấu năm 1963, ra tù, Trần Dạ Từ tiếp tục làm tờ Dân Việt, nay đã đổi tên thành Việt Báo, do anh Phương Linh làm chủ nhiệm. Tôi còn nhớ đây là lúc thịnh thời nhất của Phật giáo miền Trung. Tờ tuần báo "Lập Trường" do nhóm các anh Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần xuất bản ngoài Huế, làm mưa làm gió một thời, tới mức các anh công khai đòi phải đưa thủ đô ra Huế. Có nghĩa phải coi Huế là thủ đô quốc gia. Bài quan điểm đòi Thủ đô chính trị phải là Huế lý luận rằng gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Thủ đô Quốc Gia VNCH phải là Huế, gần đèn, quốc gia mới mong rạng được.

Thời ấy, cánh chính khách theo các thầy ngoài Huế đang lên chân. Chủ báo Lập Trường được mời vô Sai Gòn làm thành viên Hội đồng Nhân Sĩ. Chính nghĩa chống độc tài quân phiệt rạng ngời, phần lại lo bị chụp mũ Dư đảng Cần Lao, chế độ cũ, làng báo Sài Gòn êm re.

Chính lúc đó trên tờ Việt Báo xuất hiện loạt bài ký tên Trần Dạ Từ, thẳng thắn "hỏi thăm" anh em nhóm Lập Trường, phản đối việc dời Thủ Ðô từng điểm một rành rọt. Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, phần quan điểm thời cuộc do anh Nguyễn Mạnh Côn, thường viết với bút hiệu Ðằng Vân Hầu, gọi việc anh Từ ký tên cho loạt bài này là "sự dại dột đáng kính trọng " của người viết báo. Còn nhớ, lãnh tụ sinh viên nổi danh thời 1964 là anh Nguyễn Trọng Nho, tuyên bố tán thành các luận cứ "không thể dời Ðô ra Huế" của Trần Dạ Từ. Làng báo Sài Gòn bắt đầu hưởng ứng lập trường của Trần Dạ Từ. Báo Lập Trường im tiếng, ít lâu sau, Lập Trường tự đóng cửa. Cao Huy Thuần lấy học bổng đi sang Pháp học. Sau 1975, báo Cộng Sản ở Hà Nội viết Cao Huy Thuần là nhà nghiên cứu, chuyên về tiểu sử Hồ Chí Minh.

Sống với nhau trong tù, nhất là qua anh Côn lúc đầu, biết thêm về anh Trần Dạ Từ, tôi càng ngạc nhiên hơn. Hóa ra đời văn của anh Từ còn kỳ lạ hơn tôi tưởng. Thấy anh hồi ngoài hai mươi tuổi đã làm tổng thư ký một tờ nhật báo Công giáo, lại là người đưa hồi ký của Linh Mục Cao văn Luận lên báo Ðộc Lập – Hồi ký Bên Lề Lịch Sử – tôi đinh ninh anh phải là tín hữu công giáo thì anh lại là một Phật tử. Trong bộ biên tập anh Từ điều khiển, nhiều người là đại khoa bảng. Tôi đinh ninh anh phải là người học hành cao lắm, hóa ra anh chưa học xong tiểu học. Tiếng Tây, tiếng Mỹ bập bẹ, cùng lắm chỉ đủ để đoán mò ra nội dung bản tin viễn ký hàng ngày, trước khi trao cho người phiên dịch trong tòa báo. Thì ra, người bạn đồng nghiệp trẻ của chúng tôi, vốn xuất thân là cậu bé bán báo, mười hai tuổi đã kiếm sống ngoài lề đường.

Tết năm 1955, trước khi người Pháp rời hẳn Việt Nam, Ðài Phát Thanh Pháp Á ở Sài Gòn tổ chức giải Thơ, phần thưởng lớn gấp ba giải thưởng của Ðài Phát Thanh Sài Gòn. Người được Giải Nhất là một thiếu niên 15 tuổi, khi tới Ðài mặc quần sọoc. Chủ sự chương trình Pháp Á là anh Hoàng Cao Tăng phải họp ban giám khảo mời chú thiếu niên ra thử tài đủ kiểu, xét xem chú có đúng là tác giả bài Thơ Giải Nhất hay không, lại buộc anh Hồ Ðình Phương, thư ký hội đồng, phải lập biên bản, ký bảo lãnh, mới chịu phát cho tác giả mấy ngàn bạc tiền Giải Nhất Thơ. Năm 1956, vẫn thiếu niên ấy, lại đoạt Giải Nhất Giải Truyện Ngắn của tuần báo Nhân Loại, do anh Tam Ích làm Trưởng Ban Giám Khảo. (Người đoạt giải nhì là anh Lê Vĩnh Hòa, sau này là nhà văn liệt sĩ của Mặt Trận Giải Phóng). Anh Hồ Ðình Phương phụ trách trang "Bình Thơ" trên báo Văn Nghệ Tiền Phong dành cả 4, 5 kỳ báo bình thơ của thiếu niên Trần Dạ Từ.

Bước vô làng báo chuyên nghiệp, thiếu niên 15 tuổi làm thơ văn ấy phải làm từ việc thầy cò, viết lấp chỗ trống đủ các mục, từ tin xe cán chó, tới bài quan điểm, rồi mới thành Ký giả Trần Dạ Từ.

Hồi còn tù ở Sở Công an, anh Nguyễn Mạnh Côn có lần nói với tôi: "Có dịp, ông nhớ bắt tên Từ học thêm, phải cho nó thật giỏi tiếng Pháp." Anh Côn kể từ lâu anh đã bắt anh Từ học thuộc bản Tuyên Ngôn của Ðảng Cộng sản bằng tiếng Tây. Tôi nghe mà phì cười. Học kiểu ấy thì làm sao mà khá cho nổi.

Hồi hai anh em tôi nằm bên nhau ở Trại Tù Khổ Sai Gia Trung, đến phiên tôi dạy anh Từ học tiếng Pháp. Lại có thêm một chuyện buồn cười. Không khá gì hơn ông thầy Nguyễn Mạnh Côn, anh Từ lại phải tụng cho bằng hết năm, sáu bản văn Lê Nin bằng tiếng Tây, nhờ hình Lê Nin in trên bìa sách, mà sách gửi được vô trại tù.

Tụng kỹ Lê Nin quá, có lần Trần Dạ Từ nói: "Có dịp, anh em mình phải chú giải lại Lê Nin bằng sự việc có thực, ông ạ. Tức cười thật, thì ra trí tuệ phương Tây bị bọn Cộng dùng chữ nghĩa lừa bịp."

Năm 1977, cũng tại Trại Gia Trung, chị Nhã Ca – chị được thả sau chừng một năm tù ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu – đi cùng vợ tôi lên Tri thăm anh Từ và tôi, sau đó anh Từ cho tôi biết anh Mai Thảo, sau cả năm bị bọn Công An lùng bắt, đang trốn nấp trong nhà chị Nhã Ca trên đường Tự Do. Tôi với anh Doãn Quốc Sỹ nhìn nhau, không biết nói sao.

Suốt cả năm không có tin nhà, chả biết vợ con sống chết ra sao, anh Từ không hề hé răng nói một câu lo âu hay buồn nản, anh vẫn bình tĩnh tụng Lê Nin Toàn Tập chữ Pháp. Anh Doãn Quốc Sỹ sau này, trong tù, sẽ thay tôi đọc cả chục bài thơ của Trần Dạ Từ, bằng tiếng Tây.

Nói rằng trong tù anh em văn nghệ sĩ chúng tôi không hề khóc, với tôi, là sai. Tôi đã có hai lần khóc trong tù Cộng sản.

Một lần, khi làm việc trực nhật, xuống bếp trại lãnh cơm đem về phòng cho anh em, thấy mấy cục cơm rơi phía ngoài nồi, tôi đói và tôi tiếc của trời, cho là chuyện thường, tôi bốc mấy cục cơm trên đất bỏ vô miệng.

Có người báo cho bọn quản giáo là tôi tự ý bốc cơm ăn, thế là bọn cán bộ ra lệnh họp đội, mang tôi ra đấu tố vì "tội lượm cơm của đội ăn riêng." Anh Từ bảo tôi:
"Nó muốn kiếm chuyện, chọc mình cãi cho nó có cớ bêu xấu mình rồi nhốt sà-lim, cùm chân, cho ăn đói. Chuyện không đáng cãi. Ðừng dại húc đầu. Anh đừng thèm cãi tiếng nào. Nhận ngay lỗi, tự mình xin chịu biện pháp kỷ luật. Vậy là hết chuyện để nó bới móc."


Phiên họp đội đấu tố được tổ chức. Tôi nói, bao năm rồi tôi vẫn nhớ nguyên từng tiếng, như sau:

"Tôi xin nhận tội đã bốc cơm của đội và của nhân dân bỏ vô miệng. Năm nay tôi 60 tuổi, một người chừng ấy tuổi mà tư cách không ra gì, bốc cả đến mấy cục cơm rơi bỏ vô lỗ miệng, ngay trước mặt bao anh em, thật xấu hổ. Tôi xin nhận tôi phạm cái tội này. Xin các anh em phê bình tôi. Xin cán bộ cho tôi chịu hình phạt, như cúp phần ăn, đi kỷ luật, để giúp tôi tự sửa mình. Xin hết."

Anh em tù im lặng. Không ai đấu tố lời nào. Sau đó cũng không thấy hình phạt. Ít lâu sau, khi nghe tin anh Nguyễn Mạnh Côn chết ở Trại Tù Xuyên Mộc vì anh tuyệt thực nên anh bị bọn Cai Tù không cho uống nước, lại nghe kể trước khi chết anh thều thào: "... Ðói, đói… Cơm cơm…" Tôi khóc.

Tôi còn khóc một lần nữa, khi tôi chuyển trại.

Ðược rời khỏi đội khổ sai nặng nề nhất trại, bị gọi là đội trừng giới, với nhiều người, là cái may. Với tôi, thì việc ra khỏi đội là phải xa anh Từ và bạn hữu. Trong tù, anh Từ là người lặng lẽ, không bao giờ chịu hái một cây rau cọng cỏ hoặc moi móc kiếm thêm củ khoai, củ sắn.

Gặp nhau lần cuối bên bờ suối, kiếm được củ khoai, tôi dúi vội cho anh.

Khi quay đi, một lần nữa, tôi khóc.

Xin các bạn họp mặt hôm 9.9.1989 chào mừng anh chị Trần Dạ Từ tha lỗi cho tôi, tôi đã vì khóc mà bỏ ngang phần phát biểu.


Viết tại Hoa Thịnh Ðốn, Tháng 3.1990

HỒ VĂN ÐỒNG


Công Tử Hà Ðông Sao Y bản chính.

Hoa Thịnh Ðốn Tháng 3, 1990. Hoa Thịnh Ðốn Ngày 30 Tháng Tư 2012 – đã 22 năm đi qua cuộc đời này kể từ ngày Ký giả Hồ Văn Ðồng viết bài hồi ký quí vị vừa đọc.


"Lời Nói bay đi, Chữ Viết ở lại."
"Chữ Viết ở lại..." Như Chữ Viết, Những Nỗi Ðau Ở Lại mãi với Người. Ở lại mãi cho đến khi Người chết. Rất có thể Người Chết mang theo Nỗi Ðau. Nhiều ký giả kể trong bài viết trên đây nay đã ra người thiên cổ.



Tôi hai lần gặp Hồ Văn Ðồng trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu. Anh hai lần bị bọn Công An Thành Hồ bắt giam. Hai mươi năm sau Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tôi gặp lại anh ỡ Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Khi vợ chồng tôi đến Virginia, anh đến phi trường đón chúng tôi. Tôi đưa anh tới nơi anh yên nghỉ ngàn đời.

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.



Cảm khái chừng bao! 



__._,_.___
Recent Activity:
.

__,_._,___


No comments:

Post a Comment