Tuesday, May 3, 2011

03/05 Trung Quốc lẳng lặng "đe" láng giềng bằng tàu sân bay

Tác giả: KATHRIN HILLE

Tại cửa hàng Ikea ở Đại Liên, thành phố phía đông bắc Trung Quốc, khách hàng chủ yếu là những phụ nữ trung tuổi, tới chọn lựa bộ đồ ăn và hàng dệt may.

Tuy nhiên, ở gian hàng bán đồ cho phòng ngủ, có những hoạt động xem ra khá khác thường. Một người đàn ông hướng chiếc máy quay đặt trên giá ba chân, cố xem hình ảnh một con tàu ở bến cảng: đó là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Được Trung Quốc mua lại năm 1998 từ Ukraine, tàu sân bay Varyag mang thiết kế thời Liên Xô đang trong giai đoạn hoàn tất như hãng Tân hoa đưa tin. Đầu tháng 4, Tân Hoa xã đưa ra những hình ảnh về một tàu sân bay đang trong quá trình khôi phục lại và gần như sắp hoàn thành. Đoạn chú thích các bức ảnh cho thấy, công việc sẽ sớm kết thúc và con tàu có thể hạ thủy vào cuối năm nay.

Đây là lần đầu tiên, hãng này đưa ra bằng chứng trực quan của dự án tàu sân bay vốn được xem là cốt lõi của tham vọng hiện đại hóa quân sự và hải quân của Trung Quốc. Tân Hoa xã dẫn lời tạp chí phân tích quân sự tại Canada, Kanwa Asian Defense Review, cho hay, con tàu sẽ sẵn sàng hạ thủy trong năm nay. Trên thực tế, việc Tân Hoa xã sử dụng thông tin này cho một chú thích ảnh dường như đã chính thức chứng thực điều này.

Những tấm ảnh khác mà Tân Hoa xã đăng tải có nội dung như: "Con tàu chiến khổng lồ gần ra mắt, thực hiện giấc mơ tàu sân bay 70 năm của Trung Quốc", chú thích khác nói: "Chỉ vài ngày trước đây, các diễn đàn quân sự trực tuyến trong nước dồn dập đăng tải những hình ảnh về tàu sân bay Varyag đang được xây dựng lại tại xưởng đóng tàu Đại Liên. Từ những tấm hình này, chúng ta có thể thấy dự án đang tiến vào giai đoạn cuối cùng".

Con tàu sân bay dự kiến sẽ hạ thủy trong năm nay và mang tên Shi Lang, cái tên của một đô đốc Trung Quốc thế kỷ 17 là người đã chinh phục Đài Loan.

Kể từ khi con tàu xuất hiện từ xưởng đóng tàu vào năm ngoái, rất nhiều người đã tìm đường đến Đại Liên, mang theo kính thiên văn và máy quay đắt tiền. "Tôi đã từng tới xưởng đóng tàu hải quân Vũ Hán để xem tàu ngầm, nhưng điều này quả thực thú vị hơn", người đàn ông trẻ tuổi có chiếc máy quay đặt trên giá ba chân vui vẻ cho biết.

Con tàu có thể nhìn thấy được từ các nhà cao tầng, các trục đường giao thông tầng cao ở Đại Liên nhưng hai cửa thoát hiểm của Ikea ở tầng ba được coi là vị trí đắc địa.

Và tàu sân bay Trung Quốc đã thu hút sự chú ý vượt ra ngoài biên giới nước này. Robert Willard, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương gần đây tuyên bố, các nước láng giềng Trung Quốc theo dõi sát sao những diễn biến mới xung quanh con tàu này. "Các đối tác khu vực của chúng ta đánh giá đây là bước tiến đáng kể trong khả năng quân sự của Trung Quốc", ông nói.

Quan chức hải quân Mỹ và hải quân các nước Thái Bình Dương khác nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ cần nhiều năm nữa trước khi có thể hoạt động hiệu quả một tàu sân bay. "Sở hữu tàu sân bay là một vấn đề, vận hành nó thậm chí là cả một nhóm tàu lại là điều hoàn toàn khác biệt", một sĩ quan hải quân nước ngoài đánh giá.

Vì lẽ đó và vì việc hạ thủy tàu sân bay được cho là khá lâu, nên giới phân tích coi con tàu không đóng góp nhiều vào việc giúp Trung Quốc bắt kịp hải quân Mỹ - vốn là cường quốc hải quân chiếm ưu thế và cũng là "đối tượng" để hải quân Trung Quốc cuối cùng có thể tìm cách thách thức.

Trong thời gian này, một thách thức dường như hiển hiện hơn đến từ chương trình tên lửa đạn đạo chống hạm mà các chuyên gia quân sự Mỹ tin rằng sẽ giúp Trung Quốc chạm tới mục tiêu là các tàu sân bay Mỹ.

Những bình luận từ các quan chức chính phủ Trung Quốc cho thấy, nước này coi tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh đang trỗi dậy của họ. Trung Quốc cũng tin rằng, tàu sân bay có thể giúp lực lượng hải quân thực hiện sứ mệnh tốt hơn ở những khu vực cách xa bờ biển Trung Quốc khi các lợi íchkinh tế đất nước ngày một mở rộng.

Sứ mệnh chống hải tặc của Trung Quốc tại vịnh Aden đã nhấn mạnh một điều, hải quân nước này đã phải vật lộn để giúp các binh lính trên một con tàu được cung cấp đủ nước ngọt và lương thực. Một căn cứ nổi trên biển sẽ cho phép sự hạ cánh dễ dàng với các máy bay chiến đấu, trực thăng có thể góp phần giải quyết nhiều vấn đề, Bắc Kinh tin như vậy.
Các nguồn tin quân sự Trung Quốc tránh đề cập tới các tính năng chiến đấu có thể của một tàu sân bay, nhưng những nhà phân tích quân sự độc lập cho rằng, một tàu sân bay đi vào hoạt động sẽ đẩy Trung Quốc tiến gần tới mục tiêu chiếm ưu thế trên không.

Còn với quân đội Trung Quốc (PLA), đưa Shi Lang vào hoạt động sẽ chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường dài trước mặt. "Chiếc tàu sân bay đầu tiên sẽ chắc chắn hướng tới việc đào tạo huấn luyện để hải quân PLA sẽ có thể tiến tới các vùng biển lạ", Gary Li, một chuyên gia nghiên cứu hải quân Trung Quốc tại Exclusive Analysis, tổ chức cố vấn rủi ro chính trị ở London, khẳng định.

Bắc Kinh vẫn im hơi lặng tiếng về nơi Shi Lang sẽ được triển khai hoặc chính xác họ sẽ làm gì với con tàu này. Ông Li nói rằng, về mặt tương tác giữa con tàu với các khả năng hải quân hiện tại, thì căm cứ Hạm đội Nam Hải ở đảo Hải Nam sẽ là chọn lựa tốt nhất. "Các tàu chiến, tàu khu trục hiện đại nhất cũng như tàu ngầm đã sẵn sàng ở đó và thêm một tàu sân bay sẽ dễ dàng cho phép một đội hình chiến đấu hình thành nhanh chóng nếu cần thiết", ông nói.

  • Thụy Phương (Theo FT)


No comments:

Post a Comment