Tuesday, May 3, 2011

30/04 Ngày 30/4/1975 qua hồi ức nhà báo Trần Mai Hạnh

Tác giả: TRẦN MAI HẠNH

Nhà báo Trần Mai Hạnh với bài "Tiến vào Phủ tổng thống ngụy" là bài tường thuật đầu tiên của báo chí Việt Nam về giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30 - 4 – 1975. Nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tuần Việt Nam xin giới thiệu những hồi ức của ông về bài báo được viết ngay tại Sài Gòn vào thời khắc lịch sử ấy.

Ba sáu năm sau ngày 30 - 4 - 1975, bao sự kiện đã diễn ra, bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời trong quãng thời gian không ngắn ấy. Riêng với tôi, không chỉ có những giây phút vinh quang và thời khắc huy hoàng đã được chứng kiến, mà còn có cả những tai họa, những bi thảm tột cùng đã đến với cuộc đời. Trong những thời điểm khắc nghiệt nhất của số phận khi vướng vào vòng lao lý, chính thời khắc huy hoàng trưa 30 - 4 - 1975 được chứng kiến và bài tường thuật đầu tiên của tôi về phút giây lịch sử tại Dinh Độc lập ngày nào đã giúp tôi bình tâm lại, giúp tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng cao đẹp của người cộng sản mà mình đã theo đuổi để tiếp tục sống có ý nghĩa trong cuộc đời này.

Mỗi khi nhớ về những giờ phút lịch sử trưa 30 - 4 - 1975 ở Dinh Độc Lập mà tôi may mắn có mặt, không hiểu sao bao giờ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong ký ức tôi cũng là khung cảnh đêm 29 - 4, đêm cuối cùng của chiến tranh:

Khi tôi cột xong chiếc võng dù ở bãi trú quân dã chiến trên đường từ Tây Ninh về, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn thì đã gần 12 giờ đêm. Tôi và anh Văn Bảo, phóng viên nhiếp ảnh của Việt Nam thông tấn xã vừa tới được địa điểm dừng chân này. Các anh Thông tấn xã Giải phóng trong đoàn phóng viên cùng tiến về Sài Gòn đã đến trước chúng tôi tới 6, 7 tiếng đồng hồ. Tôi và Văn Bảo bị bỏ lại quá xa vì xe máy thủng lốp, không tìm đâu ra chỗ vá xăm. Tôi trằn trọc, thao thức trong tâm trạng bồn chồn lạ lùng chưa từng trải qua trong đời. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng, Tây Ninh. Tiếng trọng pháo gầm, chớp lửa rực sáng bầu trời hướng đông nam trước mặt. Nơi đấy là Sài Gòn.

Chúng tôi được lệnh sáng mai sẽ bám theo các binh đoàn chủ lực tiến thẳng vào Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng.

Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng (hiện là Tổng giám đốc TTXVN) tại Huế sáng 4 - 4 - 1975

Trước khi lên đường, ông Đỗ Phượng xiết chặt tay tôi dặn dò: "Mai Hạnh cố gắng dọc đường viết thật nhiều tin, bài gửi về. Nhưng cố gắng viết được bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, mà tôi tin rằng sẽ không còn xa nữa. Đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng khi nghe Thông tấn xã Việt Nam báo cáo về việc tổ chức các mũi phóng viên tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đã chỉ thị rất ngắn gọn rằng: Đi bao nhiều tổ, bao nhiêu mũi phóng viên là do Ban lãnh đạo TTXVN quyết định. Tôi chỉ nhắc ba chữ: tin-bài-ảnh / ảnh-bài-tin. Nghĩa là đi bao nhiêu đoàn, bao nhiêu tổ phóng viên thì đi, nhưng nếu không viết được bài, không chụp được ảnh về thời khắc lịch sử trọng đại của đân tộc thì cũng bằng không".

Đoàn gồm 10 cán bộ, phóng viên, kỹ sư vô tuyến điện, điện báo viên và lái xe do đích thân Tổng giám đốc Việt Nam thông tấn xã Đào Tùng dẫn đầu đi trên hai chiếc xe Uoát của Liên Xô, mới tinh. Những năm tháng đó, hầu hết xe sử dụng kể cả trong và ngoài quân đội đều là com măng ca của Trung Quốc và Rumani (cánh phóng viên thường nói đùa là "vừa đi vừa đẩy"). Vì vậy đi trên hai chiếc xe mới tinh, hiện đại như vậy vào chiến trường thật là quá hoành tráng. Anh Đào Tùng ngồi ngay cạnh lái xe, như anh nói là để dễ quan sát và chụp ảnh. Là người đứng đầu hãng thông tấn chiến lược của nhà nước nhưng anh lúc nào cũng máy ảnh bên mình và sẵn sàng chộp mọi khoảnh khắc đáng nhớ.

Xe vừa lăn bánh, anh Đào Tùng hào hứng: "Các cậu thấy không, đời phóng viên thật không hạnh phúc nào bằng. Hơn hai mươi năm trước, cũng buổi sáng như thế này tôi được cử theo bộ đội vào giải phóng Điện Biên rồi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội để viết tin bài, chụp ảnh. Hôm nay lại được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tại sao cánh ta lại không cho phép mình hình dung ra cảnh tượng tiến vào giải phóng Sài Gòn nhỉ?".

Theo kế hoạch, đoàn chúng tôi sẽ theo đường mòn Hồ Chí Minh ngay từ Vĩnh Linh để vào B2. Nhưng mới vào đến binh trạm Vĩnh Linh thì Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đã được giải phóng, quân ta đang tiến đánh dọc quốc lộ số một. Anh Đào Tùng quyết định thẳng tiến theo quốc lộ I, đến đâu tắc đường thì lại rẽ lên đường mòn Hồ Chí Minh đi tiếp. Bám sát các binh đoàn chủ lực, chúng tôi đã tiến vào hàng loạt các thành phố, thị xã, thị trấn vừa được giải phóng: Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Nam, Bình Định, Qui Nhơn, Plei Ku, Buôn Ma Thuột, Bình Phước, Đức Lập, Bù Đăng, Bù Đốp, Lò Gò (Lộc Ninh)... và tới "R"- nơi trú quân của Thông tấn xã giải phóng và cơ quan tuyên huấn Trung ương cục Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam...

Phóng viên tin, ảnh được phiên chế thành từng tốp, được hướng dẫn, gợi ý về chủ đề, mỗi người được phát một bản đồ về đô thành Sài Gòn có đánh dấu các vị trí quan trọng của địch và hướng dẫn đường đi ngắn nhất từ các hướng tới thẳng Dinh Độc Lập. Điện của Phó tổng biên tập Đỗ Phượng gửi vào hàng ngày, được anh Đào Tùng trích đọc cho toàn thể cán bộ, phóng viên đang hội quân tại "đại bản doanh" của TTXGP ở Tây Ninh. Nhờ đó chúng tôi hình dung ra không khí sôi động ở Thủ đô và cả nước.

Tôi háo hức và xúc động run người khi nghe Phó tổng biên tập Đỗ Phượng trong một bức điện kể, đêm đêm ông và nhiều đồng chí lãnh đạo thông tấn thức theo dõi tin chiến thắng và rất hồi hộp nghĩ không hiểu liệu phóng viên nào sẽ may mắn có mặt đầu tiên để bấm máy và viết bài tường thuật về Sài Gòn trong những phút giây lịch sử.

Sáng sớm 29 - 4 -1975 anh Trần Thanh Xuân đi com-măng-ca dẫn đầu đoàn phóng viên TTXGP tiến về Sài Gòn. Còn tôi và Văn Bảo được anh Đào Tùng tiễn ra tận cửa rừng. Phút chia tay, anh ân cần dặn dò và chụp với hai chúng tôi một bức ảnh kỷ niệm.

Cả nghìn cây số dọc đường chiến tranh, bom rơi đạn nổ, bao hiểm nguy rình rập, bao tình huống tưởng không thể khắc phục rồi cũng vượt qua. Chúng tôi đã từng chạy bộ đẩy xe cả chục cây số dưới trời trưa nắng như đổ lửa để giúp lái xe vượt qua những trảng cát ngút ngàn. Chúng tôi đã từng vào làng mượn thuyền của dân buộc ghép lại thành chiếc phà tự tạo có một không hai, cho ô tô bò lên rồi bơi đẩy cả thuyền và xe chòng chành vượt sông khi cầu bị địch phá hủy. Chúng tôi từng hút chết giữa đêm trên "đường số 7 kinh hoàng" ngổn ngang xác địch rút chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng, khi quả bom sót lại bên đường phát nổ, khói bụi trùm phủ tất cả.

Chúng tôi cũng đã có những giờ phút cực kỳ hoành tráng khi các chiến sĩ pháo binh bất ngờ đón bằng xe bộ đàm đi trước, xe tiểu đội bảo vệ súng đạn đầy mình đi ngay phía trước và phía sau hai chiếc Uoát của chúng tôi. Các chiến sĩ đã đón nhầm anh Đào Tùng vì cứ nhầm tưởng anh là Trung tướng Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh của mình. Đi trong đoàn xe hộ tống tiến về Phù Cát (Quy Nhơn ) vừa được giải phóng tức thời, anh Đào Tùng cười sảng khoái: "Vui thật. Thời buổi thần tốc đánh giặc, cứ ai đi trước thì là tướng. Hay thật đấy!". Gặp Trung tướng Doãn Tuế ngay sau đấy, câu chuyện này được thuật lại giữa không khí lửa khói của chiến trường, anh Đào Tùng, anh Doãn Tuế và cả chúng tôi với các sỹ quan có mặt đã ôm nhau cười vui như chưa bao giờ vui đến thế...

5 giờ sáng ngày 30 - 4 chúng tôi được lệnh lên đường. Anh Trần Thanh Xuân thông báo quân ta đã tiến sát Sài Gòn và yêu cầu các phóng viên phải bằng mọi cách vượt lên bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.

Xe máy tăng ga, đồng hồ báo tới trên 50km/giờ. Văn Bảo đèo tôi vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường...

Trần Mai Hạnh (trên xe máy, đeo kính) và các phóng viên TTXGP tại cửa ngõ Sài Gòn sáng 30 - 4 - 1975

Khoảng 11giờ45 phút trưa 30 -4 -1975 tôi tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Trần Mai Hưởng, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Đinh Quang Thành... đi theo sư đoàn 304 và lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử. Tôi tìm hiểu ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên là gì? Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào, ta tuyên bố chiến thắng như thế nào?... rồi lao lên ngay tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi lập tức hỏi và ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đồng chí Phạm Xuân Thệ, lúc đó là đại úy, trung đoàn phó trung đoàn 66 của Quân đoàn 2 cùng với lữ đoàn xe tăng 203 của quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Đinh Độc Lập). Tôi và Văn Bảo ra ngay bến Nhà Rồng. Tại đây Văn Bảo đã chụp được bức ảnh lịch sử, một chiếc tầu hải quân ngụy bị pháo ta bắn trúng bốc cháy ngùn ngụt, tôi phỏng vấn được một công nhân làm việc lâu năm ở cảng về tình cảm sâu nặng của người dân Sài Gòn với Hồ Chủ Tịch kính yêu và ngày thống nhất đất nước...

Sau khi viết xong bài tường thuật, tôi loay hoay không biết chuyển về Hà Nội bằng cách nào, cứ loanh quanh ở Việt tấn xã ngóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của TTXGP. Mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các đồng chí điện báo viên tìm chỗ đặt máy, căng ăng ten bắt được liên lạc tôi liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về, không phải điện về Hà Nội mà là điện về trụ sở TTXGP trên rừng Tây Ninh.

Sau này tôi được biết tối đó anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng thư ký Bộ biên tập cùng đi trong đoàn đã trực cạnh điện đài, xé từng đoạn bài tường thuật của tôi đang được điện về để anh Đào Tùng duyệt lại trước khi điện báo viên dùng điện đài công suất lớn điện tiếp về Hà Nội. Vì điện báo viên phải đánh mooc từng chữ, chữ "a", chữ "b", chữ "c"nên rất mất thì giờ. Bài tường thuật được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của Ban biên tập tin miền Nam của VNTTX phát báo ngay trong đêm 30 -4 -19745 cũng với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng". Bản tin phát báo đêm 30 -4 -1975 bằng têlêtíp của VNTTX chắc do quá khuya nên Báo Nhân dân ra sáng 1 -5 -1975 không đăng kịp. Báo Nhân dân ngày 2 -5 -1975 đã đăng toàn văn bài tường thuật này nhưng đặt lại đầu đề là "Tiến vào Phủ tổng thống ngụy". Bài báo ghi rõ tên người viết "Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn".

Tối 30 - 4 - 1975, sau khi điện được bài tường thuật về Hà Nội, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn. Tôi cứ trên ô tô đi hết đường này tới khu khác, say sưa ngắm Sài Gòi trong đêm đầu tiên nguyên vẹn trở về trong lòng đất nước thống nhất. Sài Gòn - "hòn ngọc viễn đông " - lung linh, rực sáng ánh điện. Khi về tới trụ sở Việt tấn xã thì đã quá nửa đêm.

Sáng sớm 1 -5 -1975, việc đầu tiên tôi làm và kết quả thật nhanh chóng. Đó là "GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT" của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn -Gia Định cấp, cho phép tôi với tư cách phóng viên được phép hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. "GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT" ghi cả số khẩu súng ngắn K54 mà tôi được cấp từ Hà Nội. Đó có lẽ là chiếc thẻ nhà báo đầu tiên được chính quyền cách mạng (Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Đinh) cấp tại Sài Gòn trong buổi bình minh của lịch sử thành phố.

Giấy công tác đặc biệt Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định cấp ngày 1 -5 -1975 cho pv Trần Mai Hạnh

Trong lúc tôi xin "GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT" của Ủy ban quân quản, thì theo chỉ thị của anh Đào Tùng lúc tiễn tôi và anh Văn Bảo ở cửa rừng Tây Ninh, anh Văn Bảo đã kiếm được địa điểm làm trụ sở cho Phân xã Việt Nam thông tấn xã tại Sài Gòn. Anh cắm cờ Mặt trận vào cổng ngôi nhà đó và kiếm miếng bìa treo lên với dòng chữ viết tay của anh: "Cơ quan Việt Nam thông tấn xã tại Sài Gòn". Nhờ biết lái ô tô, anh Văn Bảo đánh mấy chiếc ô tô cực xịn vứt bỏ trên đường, trong đó có chiếc xe Zep mới tinh, màu trắng của Phủ tổng thống ngụy về ngôi biệt thự mà anh vừa kiếm được và nhanh chóng "tuyên bố chủ quyền". Cũng tại đây, ngày 1 - 5 tôi đã gửi một bức điện về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh báo cáo công việc với anh Đào Tùng.

Bức điện này, anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng thư ký Bộ biên tập VNTTX cùng đi trong đoàn được anh Đào Tùng giao đã lưu giữ suốt 31 năm, và trao lại cho tôi đúng sáng ngày 30 - 4 - 2006, tại cuộc gặp mặt cán bộ, phóng viên TTXVN từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do ông Đỗ Phượng chủ trì. Bức điện do điện báo viên TTXGP nhận, viết tay trên giấy đã ố vàng, bút tích có ghi:

" Hỏa Tốc.

Kg Anh Hai Đào

Nhận lúc 16 h , 1 - 5

Đã gọi điện ngay sang B22

để b/c điện này song o liên lạc đc "

Bức điện ở thời điểm lịch sử ngày ấy, hiện tôi đang lưu giữ, nội dung như sau :

" Điện anh Hai Đào Tùng

Báo cáo anh đã tìm được trụ sở ở 126 Phan Đình Phùng

và xin được 3 xe ô tô. Đề nghị anh cho anh Phạm Vỵ (thư

ký) và các anh Vĩnh, Sửu (lái xe) xuống ngay, sớm giờ

nào hay giờ ấy. Cánh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm... về ở cả

đây nên sinh hoạt, kinh phí có nhiều khó khăn. Đề nghị anh

cho chỉ thị gấp. Nếu anh không xuống được trong 1, 2 ngày

tới thì xin anh có thư trao đổi với anh Năm Xuân.

Sài Gòn 1 - 5 - 75

Mai Hạnh "

Phù hiệu phóng viên tại lễ mít tinh ra mắt UBQQSG - GĐ 7 -5 -1975

Buổi thời sự đặc biệt của Đài tiếng nói Việt Nam trưa 1 -5 -1975, sau khi đọc bản tin đặc biệt của TTXGP: "Từ sáng 1 - 5 -1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng", đã đọc trang trọng bài tường thuật "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng"của tôi. Mở đầu bằng câu "Cùng với các chiến sĩ Quân giải phóng, từ hướng tây - bắc, theo đường số 1, chúng tôi tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Thành phố Hồ Chí Minh hiện ra trước mắt chúng tôi trong một cảnh tượng rất đỗi huy hoàng...", bài tường thuật kết thúc với đoạn văn chính luận, giàu cảm xúc: "... Khi tôi đang viết những dòng này thì đường phố Sài Gòn rào rào rung chuyển bước chân của hàng triệu người. Trong tiếng reo hò, chào mừng, tiếng nói cười hân hoan và muôn nghìn âm thanh khác nhau hòa thành tiếng nói lịch sử : Từ nay chấm dứt 117 năm sống trong nô lệ. Từ nay vĩnh viễn sống trong độc lập, tự do. Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được mấy ngày, Sài Gòn đã đi đầu trong cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước, chống thực dân Pháp, và sau đó là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với chiến thắng lẫy lừng ngày hôm nay, Sài Gòn đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình, cắm cờ chiến thắng trên dinh lũy cuối cùng của địch. Sài Gòn đi trước về sau, ngày hôm nay đã làm rạng rỡ hơn bao giờ hết cái tên gọi thân yêu: "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng ".

Tôi đã rưng rưng nước mắt. Đời phóng viên có hạnh phúc nào, có niềm xúc động nào lớn lao hơn thế. Tuy ký tên tôi, nhưng bài tường thuật là của cả một tập thể với công sức của bao người... (Bộ Biên tập VNTTX, anh Đỗ Phượng, anh Đào Tùng....)

Nhờ có "GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT" của Ủy ban quân quản tôi đã đi được khắp thành phố, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, thu thập được nhiều tài liệu, tư liệu giá trị.

Và một cơ duyên, tôi may mắn có được trong tay đầy đủ nội dung các lời khai, những bản cung, những bản tường trình của nhiều tướng lĩnh thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và cả bốn vùng chiến thuật bị ta bắt tại trận hoặc ra trình diện chính quyền cách mạng; những tài liệu nguyên bản của phía bên kia gồm các thư từ, điện văn của tổng thống Mỹ Ních-xơn và G. Pho gửi Nguyễn Văn Thiệu; biên bản một số cuộc họp "Hội đồng an ninh quốc gia" của Thiệu; điện chỉ huy tác chiến của Thiệu và Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; phúc trình của một số tướng lĩnh quân đội Sài Gòn sau khi để mất các tỉnh thuộc quân khu I và quân khu III. Cùng với nó là thú nhận qua hồi ký và trả lời phỏng vấn của nhiều nhân vật chủ chốt gần gũi với Nguyễn Văn Thiệu, sau ngày giải phóng chạy ra sống ở nước ngoài; báo, tạp chí ở Mỹ, các nước phương Tây và Sài Gòn và những tài liệu tôi thu thập được trong quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam. Nhờ đó tôi viết được một số tác phẩm văn học đã được xuất bản như: "TÌNH YÊU VÀ ÁN TỬ HÌNH" (Nhà xuất bản Thanh Niên", "SỤP ĐỔ VÀ TỰ THÚ", "NGÀY TẬN THẾ" (Nhà xuất bản QĐND).

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA" tôi cũng đã cơ bản hoàn thành, năm 2000 tiểu thuyết đã được báo Văn nghệ đăng nhiều kỳ và Đài tiếng nói Việt Nam đọc dài kỳ trong buổi đọc truyện đêm khuya.

Lẽ ra cuốn sách "NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA" đã được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, tôi bị vướng vòng lao lý, chương cuối cùng chưa xong, không kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại.

Sau tai họa năm 2002, trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại cuộc gặp mặt, giao lưu với các phóng viên TTXVN từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoài lời kể của anh Văn Bảo về chuyến đi của hai anh em tôi, không ai nhắc đến số phận lịch sử của bài tường thuật về những giờ phút trọng đại vào trưa 30 - 4 - 1975 ở Dinh Độc Lập nữa. Nhân tình, thế thái và xã hội đã nhiều đổi thay. Có những thời điểm, con người không những chỉ cần phải im lặng mà còn cần phải biết cách im lặng thế nào.

Ba sáu năm - lại ngồi viết về những ngày tháng Tư của 36 năm trước. Anh Đào Tùng, thủ trưởng kính mến của tôi, anh Văn Bảo, anh Lâm Hồng Long, anh Lam Thanh và nhiều phóng viên TTXVN từng cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 nay không còn nữa. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai...


No comments:

Post a Comment