Tại cuộc hội thảo quốc tế diễn ra ngày 5.7 tại thủ đô Manila, Philippines, nhiều chuyên gia về an ninh và ngoại giao đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc và các nước ASEAN cần nhanh chóng đạt được thoả thuận như bộ quy tắc ứng xử của các bên có liên quan đến Biển Đông nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột.
Một người biểu tình tuần hành trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila ngày 28.6.2011 để kêu gọi giải quyết tranh chấp trong hoà bình. Ảnh: Reuters
Tất cả các nhà phân tích đều nhận định rằng có nguy cơ xảy ra xung đột do các bên liên quan có những hành động gia tăng, nhằm khẳng định yêu sách của mình ở khu vực có tranh chấp Trường Sa.
Nguy cơ có giao tranh nhỏ
Giáo sư Carlyle Thayer thuộc đại học New South Wales của Úc cho rằng, “Tình hình hiện nay là cấp bách vì nếu không được giải quyết, tranh chấp ở Biển Đông có thể dẫn tới những cuộc giao tranh nhỏ trên biển”.
Từ đó, ông đưa ra giải pháp là Trung Quốc và ASEAN cần phải thống nhất phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên các nguyên tắc và cơ chế quy định bổn phận và trách nhiệm của các bên, gồm cả các nước không liên quan trong thoả thuận này.
Ông Thayer nói: “Chúng ta cần một bộ quy tắc của các nước có liên quan, bao gồm cả Mỹ, Australia và Nhật Bản”.
Từ năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC) nhưng tuyên bố này không đủ sức ràng buộc hành động của các bên, nhất là các nước có tiềm lực mạnh về kinh tế và quân sự. Philippines cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ DOC khi thả phao thăm dò ở vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Đáng chú ý, hôm 4.7, bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, hồi tháng trước một máy bay chiến đấu chưa được nhận dạng đã bay lượn phía trên, chỉ cách tàu cá của ngư dân nước này vài mét, nhằm xua đuổi họ ra khỏi khu vực gần quần đảo Trường Sa.
Ông Voltaire Gazmin từ chối suy đoán nhận dạng máy bay chiến đấu nói trên, nhưng ông cho biết, hầu hết các lần xâm nhập vào vùng mà Philippines tuyên bố chủ quyền trong và gần quần đảo Trường Sa đều được cho là tàu của Trung Quốc. Thậm chí, quân đội Philippines còn buộc tội cả tàu quân đội và tàu dân sự của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải trái phép.
Như vậy, từ tháng 5 đến nay, quân đội Philippines đã thông báo có ba vụ máy bay chiến đấu xua đuổi ngư dân của họ ở Trường Sa.
DOC phơi bày hạn chế
Tham dự hội thảo, ông Trần Trường Thuỷ của học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định, căng thẳng hiện tại ở Biển Đông phơi bày sự hạn chế của Tuyên bố DOC ký năm 2002.
Trung Quốc đã quay trở về điểm “không khoan nhượng” trong việc khăng khăng chỉ chấp nhận đàm phán song phương, và sự quyết đoán của nước này cho thấy “thế tấn công quyến rũ” hướng tới ASEAN đã mất xung lượng.
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể bị cô lập nếu cản trở các cuộc thảo luận để đi đến các nguyên tắc chỉ đạo và khả năng hình thành một thoả thuận chính thức, về nguyên tắc ứng xử của các bên (COC).
”Họ sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi”, ông Trần Trường Thuỷ nói, đồng thời chia sẻ quan điểm với ông Thayer rằng, các bên liên quan, như Mỹ, nên là một phần của thoả thuận ứng xử, dựa trên quy tắc ở Biển Đông.
Tại hội thảo, bà Nong Hong của viện Trung Quốc thuộc đại học Alberta nói, “Một cách chính thức, Trung Quốc cực lực phản đối bất kỳ sự can dự nào của các nước không có liên quan đến tranh chấp”. Theo bà, Trung Quốc đã nhất trí sẽ làm việc với các nước ASEAN để giải quyết tranh chấp ở Trường Sa nhưng muốn đàm phán với các bên liên quan hơn.
Ca Thy (Reuters, AP)
Philippines: cấm bí thư sứ quán Trung Quốc dự họp ở văn phòng bộ Ngoại giao
Bí thư thứ nhất sứ quán Trung Quốc tại Philippines bị cấm tham dự các cuộc họp ngoại giao tổ chức tại Philippines do có hành vi thô lỗ trong một lần tranh luận liên quan tới vùng biển có tranh chấp giữa hai nước, theo bộ Ngoại giao Philippines.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, bí thư thứ nhất đại sứ quán Trung Quốc là Li Yongsheng, người phụ trách lĩnh vực chính trị, đã cao giọng tại văn phòng bộ Ngoại giao Phillipines trong tháng trước trong khi tranh luận với các quan chức ngoại giao Phillipines về cáo buộc Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Biên bản của vụ châu Á và Thái Bình Dương của Philippines ghi lại bí thư Li “có hành động không phải của nhà ngoại giao” và do vậy tòa đại sứ Trung Quốc đã nhận được thông báo rằng vị bí thư này không được tham dự các cuộc họp tại văn phòng bộ Ngoại giao trong tương lai.
Văn bản được phóng viên của AP xem không ghi rõ tình tiết nhưng ít nhất, ba nhà ngoại giao Phillipines cùng xác nhận ông Li đã hùng hổ lớn tiếng khi Manila đưa ra các bằng chứng cho thấy phía Trung Quốc xâm nhập vào vùng nước ở Trường Sa mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.
Đại sứ Trung Quốc ở Philippines không có bình luận gì.
Phi Giao (Wall Street Journal)
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete