Thursday, August 4, 2011

04/08 Chủ động tái cấu trúc để ổn định kinh tế vĩ mô

06:57 | 04/08/2011
Một trong những sự kiện đáng chú ý về kinh tế trong Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII là Ủy ban Kinh tế của QH Khóa XII trình QH bản kiến nghị: Kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn. Trong đó, nổi bật là các kiến nghị về tái cấu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng... PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG VÕ TRÍ THÀNH cho rằng, cần chủ động tiến hành tái cấu trúc để ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Ủy ban Kinh tế của QH Khóa XII có những đề xuất quan trọng về cấu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Phó Viện trưởng có suy nghĩ thế nào về những đề xuất này?

Các đề xuất quan trọng của bản kiến nghị là tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển của kinh tế Việt Nam. Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế được đặt ra do hiện nay kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc. Trong khi đó, để kinh tế phát triển và tăng trưởng có chất lượng thì phải ổn định kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế bất ổn, nguồn lực phát triển sẽ bị phân tán. Người dân và các thành phần kinh tế sẽ tìm cách đưa nguồn lực vào các công cụ trú ẩn hay tài sản có giá. Như thế, nền kinh tế không sử dụng tốt nguồn lực cần có, lãng phí nguồn lực. Trong điều kiện này, nguồn lực có thể bị đem đầu cơ nhiều hơn thay cho đầu tư phát triển hiệu quả về dài hạn. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô bất ổn thì sẽ khó kiểm soát được sự tăng trưởng, dễ dẫn đến khủng hoảng. Thực tế cho thấy, các quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ đã tốn nhiều chi phí để khắc phục hậu quả khủng hoảng nợ công hiện nay. Hay như sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 - 1998, nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đã phải mất chi phí lớn cho thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Theo một số tính toán, chi phí tái cấu trúc nền kinh tế tương đương 20 - 30% GDP. Như vậy cần chủ động tiến hành tái cấu trúc để ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
- Bên cạnh kiến nghị về tái cấu trúc nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế cũng đề xuất dừng hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính, không phù hợp quy luật. Từ thực tiễn thành lập các tập đoàn kinh tế, Phó Viện trưởng có đồng tình với quan điểm này?
Các tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập hiện nay dường như mang tính hành chính. Không thể phủ nhận vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhưng để thực hiện được vai trò là định hướng cho sản xuất, kinh doanh thì cần tư duy lại về loại hình doanh nghiệp này. nhà nước vừa là chủ sở hữu và vừa là người quản lý quá trình phát triển đất nước. Những bài học đắt giá về tập đoàn nhà nước vừa qua khiến chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc vai trò, hình thái quản trị loại hình doanh nghiệp này. Hay nói cách khác là cần đánh giá, tổng kết nghiêm khắc trước khi thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước.
- Hệ thống ngân hàng thương mại được kiến nghị phải phát triển đồng bộ và cơ cấu lại để giảm rủi ro. Như vậy hoạt động của các ngân hàng thương mại nước ta có nhiều rủi ro tiềm ẩn không, thưa Phó Viện trưởng?
Theo quy định của pháp luật, các ngân hàng thương mại có quyền không phải ưu đãi cho vay với đối tượng nào. Tuy nhiên trong thực tế có câu chuyện tạm gọi là phân biệt đối xửgiữa các đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nhà nước có đặc điểm khác với ngân hàng khác. Bởi Nhà nước đóng vai trò là chủ sở hữu của loại hình ngân hàng này. Điều này dẫn đến mâu thuẫn là ngân hàng thường mong muốn có lợi nhuận, nhưng Nhà nước lại điều hành trên cơ sở hài hòa giữa các mục tiêu để phát triển kinh tế nói chung. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận lại về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là vai trò của ngân hàng thương mại nhà nước.
- Xin cám ơn Phó Viện trưởng!
Vũ Dũng thực hiện

No comments:

Post a Comment