Friday, August 5, 2011

05/08 Thách thức phát triển nguồn nhân lực

07:34 | 05/08/2011
Phân tích tình hình kinh tế quốc gia và quốc tế trong bài viết nêu bật những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của nguồn lực con người – lợi thế cạnh tranh trong quá trình phát triển và là nhân tố làm chuyển dịch lợi thế so sánh giữa các quốc gia.
Nhìn từ thực tế, nước ta được xếp vào nhóm quốc gia có cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 66% dân số. Cơ cấu này giúp cho thị trường lao động có được lợi thế cạnh tranh đặc biệt về giá và số lượng nhân công. Thực tế này cũng đang được các doanh nhân, giới sử dụng lao động trăn trở, góp ý với Chính phủ. Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vân Long, Hải Dương Bùi Anh Sáu cho biết, các doanh nghiệp đang phải khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Nguồn lao động trong nước đang cạn kiệt vì bây giờ học xong là đi học đại học, mà không biết rằng nhiều khi học đại học xong xin việc rất khó khăn. Trong khi đó không một người công nhân có tay nghề nào thiếu việc làm. Do vậy chúng ta phải đào từ người thợ thủ công cho đến công nhân kỹ thuật.

Nguồn: blogpost.com
Chất lượng nguồn nhân lực thấp là một thực tế đáng lo ngại, vì hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, giá nhân công rẻ không còn được coi là một lợi thế cạnh tranh đặc biệt nữa. Thay vào đó là chất lượng nguồn nhân lực. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động thiếu việc làm hiện nay là 5,1%, số lao động được đào tạo chỉ chiếm 30%. Chính vì thế, lực lượng trong độ tuổi lao động của Việt Nam chưa tạo nên sức bật về kinh tế, xã hội cho đất nước và Việt Nam chưa tận dụng những thế mạnh của cơ cấu dân số vàng. Nếu không sớm có đột phá trong phát triển nguồn nhân lực thì chất lượng nhân lực sẽ là lực cản đối với tiến trình thực hiện mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Đảng đã đặt ra.
Vậy khắc phục lực cản này như thế nào?
Theo các chuyên gia kinh tế, có ba việc cần làm trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước hết là hài hòa hóa quan hệ lao động để tạo một thị trường lao động ổn định, bền vững, tránh tình trạng tranh chấp lao động bùng nổ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, theo Trưởng văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phùng Quang Huy, trong những năm tới cần hoàn thiện hơn nữa các định chế, thể chế cho thị trường lao động Việt Nam. Trong đó các cơ quan của thị trường lao động cần được hoàn thiện, đặc biệt là tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn phải được phát triển và hoàn thiện hơn nữa, nâng cao năng lực của hai tổ chức này về việc tạo ra cơ chế hợp tác, đối thoại, xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, có hiệu quả trong tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hai tổ chức này phải có tính tương thích ở các cấp từ trung ương đến địa phương, hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động quan hệ hài hòa, xây dựng quan hệ lao động ổn định, tiến bộ theo chuẩn mực trong nước và quốc tế.
Đổi mới thứ hai là đổi mới hệ thống giáo dục theo quan điểm đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Lấy nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo làm trục xoay chính, kết hợp với mở rộng quy mô hợp lý. Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp… Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: khái niệm nguồn nhân lực rất rộng nên có khá nhiều cơ quan tham giá, nhưng vai trò chủ yếu và trung tâm phải là hệ thống giáo dục, hệ thống đào tạo: đào tạo nghề, đào tạo đại học… Không những chỉ có truyền đạt kiến thức mà còn xây dựng một cái nhân cách, phương thức sống, tinh thần kỷ luật. Nếu có sự bắt tay giữa cơ quan giáo dục, đào tạo và doanh nghiệp thì sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách hiệu quả hơn...
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 xác định: phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Do vậy, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp cần có một chương trình hành động cụ thể phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thu Thùy

No comments:

Post a Comment