Wednesday, August 10, 2011

10/08 Khả năng phục hồi của thị trường vốn Châu Á: Thử nghiệm qua các sự kiện kinh tế toàn cầu



(10/08/2011 09:00:00)
Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thị trường vốn châu Á mới nổi đã thể hiện khả năng phục hồi tuyệt vời trong năm qua, nhưng sự đi xuống rõ nét gần đây trong tình hình bất ổn kinh tế của Mỹ và khu vực châu Âu cho thấy cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và giảm thiểu biến động quá mức.
 
Theo ông Iwan Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của ADB, cơ quan chuẩn bị báo cáo: "Các nhà đầu tư toàn cầu cho rằng thị trường châu Á mới nổi vẫn còn dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đột ngột. Hiệu ứng dây chuyền từ các sự kiện tại Mỹ và châu Âu sẽ ảnh hưởng xa hơn đến các kết quả đầu tư, do nền kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ làm tổn hại đến xuất khẩu của châu Á".
 
Báo cáo Thị trường vốn châu Á (Asia Capital Markets Monitor – Báo cáo của ADB đánh giá hàng năm về hiệu suất và triển vọng của khu vực thị trường chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ) cho biết môi trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động trong vài tháng gần đây - với lo ngại của các nhà đầu tư về sự suy yếu của kinh tế thế giới, vấn đề nợ công của Mỹ và Châu Âu và tình trạng bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi.
 
Khi mà các thị trường châu Á mới nổi chưa quen ứng phó với những diễn biến này, thì các nền tảng vững chắc của khu vực cộng với chênh lệch tỷ giá so với các nước phát triển sẽ là những nhân tố kích thích dòng vốn chảy vào khu vực vào cuối năm nay.
 
"Trong khi việc huy động vốn tự do được coi là phúc lợi về mặt lý thuyết do nó thúc đẩy sự phân bổ nguồn tài nguyên tài chính hiệu quả hơn, các dòng vốn tài chính lớn và biến động là những rủi ro và thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi”, ông Azis cảnh báo.
 
Các dòng vốn lớn trong ngắn hạn đã phá vỡ chính sách tiền tệ trong nước, gây mất ổn định hệ thống tài chính và làm sứt mẻ tăng trưởng kinh tế.
 
Báo cáo Thị trường vốn khu vực châu Á đưa ra đánh giá đối với 11 nền kinh tế mới nổi châu Á: Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
 
Lo ngại về suy giảm tăng trưởng toàn cầu và những lo lắng về khoản nợ của Mỹ và châu Âu đã làm lan rộng tín dụng đối với trái phiếu chính phủ của khu vực châu Á mới nổi kể từ tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, nhu cầu về hối phiếu nợ chính phủ còn có thể được điều chỉnh do vị thế tương đối vững chắc và triển vọng tăng trưởng tích cực của khu vực. 
 
Thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, được hỗ trợ bởi triển vọng khả quan của nền kinh tế khu vực, lợi nhuận doanh nghiệp lớn, mức lợi tức thấp tại các nền kinh tế phát triển. Trong năm 2010, hầu hết đồng tiền của các nước châu Á mới nổi đều tăng giá- mức tăng cao nhất kể từ năm 2006- vì được hỗ trợ từ những dòng vốn lớn thu hút được do triển vọng mở rộng tăng trưởng và khoảng cách lãi suất so với các nước phát triển. Đồng ring-git của Ma-lay-xi-a dẫn đầu với mức tăng 11% so với đồng đô-la Mỹ. Xu hướng đi lên vẫn sẽ còn tiếp tục, bất chấp những điều chỉnh gần đây. 
 
Trong khi ghi nhận tăng trưởng tại các nền kinh tế châu Á mới nổi được dự đoán ở mức cao 7,9% trong năm 2011 và 7,8% trong năm 2012, báo cáo cảnh báo nguy cơ sụt giảm mạnh do các cơ quan tiền tệ khu vực đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát trong bối cảnh gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu và biến động tài chính cao.
 
Mặc dù có sự cải thiện sâu rộng trong thị trường vốn châu Á mới nổi, các lỗ hổng liên tục do những cú sốc từ bên ngoài cho thấy cần có những nỗ lực tập thể trong khu vực để tăng cường khả năng phục hồi thị trường. "Cung cấp thị trường có tính thanh khoản cao với hạ tầng mạnh là điều cốt yếu để hỗ trợ cho phát triển và hội nhập tài chính của khu vực", ông Azis nói.
 
HGiang

No comments:

Post a Comment