Đông Nam Á và Trung Quốc đối mặt với nhiều nguy xung đột phía trước khi các công ty khí đốt mở rộng hoạt động khai thác trong vùng biển tranh chấp.
Dàn khoan dầu khổng lồ "nửa chìm nửa nổi" của Trung Quốc đang chuẩn bị đưa vào Biển Đông. Ảnh: Shanghai Daily. |
Công ty năng lượng thuộc tập đoàn Philex Mining Corp. của Philippines lên kế hoạch khoan dầu tại ít nhất hai giếng và thực hiện khảo sát địa chấn bắt đầu từ năm tới tại Bãi cỏ Rong (Reeb Bank), một trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này diễn ra sau khi công ty dầu khí Forum Energy PLC do Philex quản lý kết thúc quá trình thăm dò địa chấn hồi đầu năm ở đây. Hoạt động này vốn đã là chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi trong quá khứ.
Các công ty khác bao gồm tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC và tập đoàn dầu khí Việt Nam Petro Vietnam đang cũng thực hiện thăm dò ở Biển Đông.
"Cần khai thác nhiều hơn trong khu vực", chủ tịch Philex Manuel Pangilinan nói hôm 2/8. Ông cho biết sẽ chi tới 86 triệu USD cho khai thác dầu ở Biển Đông từ giờ tới năm 2013. "Chúng tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất đối với các bên tranh chấp đó là hãy để chúng tôi làm việc".
Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Các bên khác cũng đưa ra tuyên bố gồm Trung Quốc và Philippines.
Trung Quốc chưa có phản ứng nào trước kế hoạch trên dù từng phản đối hoạt động khai thác ở Bãi Cỏ Rong trước đó. Năm nay, Philippines từng triển khai hai máy bay quân sự tới đây khi tàu khai thác dầu của họ nói đã bị tàu tuần tra của Trung Quốc quấy rối. Bắc Kinh khẳng định họ không xâm phạm chủ quyền của Manila.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc - hôm 2/8 buộc tội Philippines thiếu chân thành trong nỗ lực giải quyết xung đột chủ quyền và cảnh báo về hậu quả. Bài xã luận trên tờ này dẫn ra những hoạt động xây dựng gần đây của quân đội Philippines ở Bãi Cỏ Rong và tuyên bố Bắc Kinh sẽ không để yên.
"Những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược có thể kéo theo hậu quả", bài xã luận có đoạn.
Tháng trước, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua văn bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông nơi mà Trung Quốc và 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Tuy nhiên Tổng thống Philippines Benigno Aquino III vẫn tuyên bố sẽ nâng cấp tiềm lực quân sự của nước này để bảo vệ chủ quyền và căng thẳng vẫn lên cao.
Những động thái về khai thác dầu mỏ và khí đốt cùng với giá nhiên liệu cao càng làm tăng thêm căng thẳng. Công nghệ khoan dầu ở vùng nước sâu được cải tiến càng khiến các công ty vươn tới những vùng biển từ trước không thể khai thác. Trong khi đó, với giá dầu lên tới 95 USD/thùng và cầu cao hơn cung ở châu Á, sự khẩn thiết phải tăng cường khai thác càng trở nên cấp bách, dẫn tới nhiều xung đột hơn. Việt Nam cũng tố cáo Trung Quốc phá cáp tàu thăm dò địa chấn của họ trong vài tháng trở lại đây.
CNOOC vừa nhận giàn khoan dầu trị giá gần 1 tỷ USD, có thể hoạt động ở vùng nước sâu 3.000 m. Họ có kế hoạch triển khai nhanh chóng giàn khoan này tới Biển Đông. Phần lớn hoạt động khai thác dầu của Trung Quốc hiện này chỉ tiến hành ở độ sâu từ 10 tới 300 m.
Giám đốc CNOOC Yang Hua hồi tháng 5 cho biết CNOOC dự tính sẽ khoan 4-6 giếng dầu ở Biển Đông trong năm nay và sẽ tăng tốc trong vòng bốn năm tới. Ngoài giàn khoan dầu khổng lồ nói trên, các công ty năng lượng khác của Trung Quốc cũng mới nhận thêm tàu thăm dò địa chấn và tàu đặt ống ở vùng nước sâu.
"Một khi Trung Quốc nắm được công nghệ, họ sẽ quyết liệt hơn trong khu vực này", Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng thuộc đại học Hạ Môn ở Trung Quốc, nhận định. "Đây là một cuộc đua. Vùng biển này có tranh chấp, nó có tài nguyên", ông này nói và thêm rằng nếu các nước khác đang thăm dò thì Trung Quốc cũng sẽ làm thế.
Một phát ngôn viên của CNOOC thì cho rằng mục đích của chính phủ Trung Quốc là tránh xung đột ở Biển Đông. CNOOC sẽ phản ứng với các xung đột về khai thác về dầu mỏ theo lập trường của chính phủ Trung Quốc.
Một vấn đề hiện tại là vẫn chưa rõ lượng dầu mỏ có thể tìm thấy hoặc có thể khai thác với mức chi phí vừa phải là bao nhiêu. Bộ Năng lượng Mỹ có báo cáo cho rằng Biển Đông có trữ lượng từ khoảng 28 tỷ thùng dầu - gần gấp đôi trữ lượng của Trung Quốc - tới 213 tỷ thùng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nói con số 213 tỷ là không thực tế còn nhiều người khác thì cho rằng trữ lượng dầu ở Biển Đông có khi còn ít hơn 28 tỷ thùng.
"Những đồn đoán về tiềm năng dầu mỏ chưa được khai thác ở Biển Đông càng làm tăng tầm quan trọng chiến lược của nó", Tom Greider, một nhà phân tích năng lượng thuộc công ty tư vấn HIS cho biết. Dù thế, ông cho rằng "trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, quá trình khai thác mới ở giai đoạn đầu. Tiềm năng dầu mỏ trong các khu vực này vẫn còn đang được xác định".
Mai Trang (theo Wall Street Journal)
No comments:
Post a Comment