Tuesday, August 9, 2011

09/08 Thi “3 chung” và “1 riêng”


Thứ Ba, 09/08/2011, 04:08 (GMT+7)

Ông Lê Đức Ngọc - Ảnh tư liệu
TT - Tiếp sau quan điểm thi ĐH nhiều môn, PGS Lê Đức Ngọc - giám đốc Trung tâm Kiểm định, đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) - đề xuất một phương thức tổ chức thi rất cụ thể.
“Tôi cho rằng thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng số một ở nước ta hiện nay, vì kỳ thi này không chỉ để đánh giá trình độ học vấn tối thiểu cho người lao động cần có trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn có thể dùng để tuyển chọn đào tạo nghề sau trung học cho các bậc học: TCCN, CĐ và ĐH.
Vì hai lý do trên, kỳ thi này phải mang tính chuẩn hóa và thống nhất toàn quốc để đảm bảo có một thang đo thống nhất phản ánh chính xác, khách quan chất lượng của từng cơ sở giáo dục. Trong khi đó, việc tuyển chọn để đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nếu tỉ lệ “chọi” cao thì cần phải thi, còn ngược lại thì không cần thi.
Bối cảnh hiện nay ở nước ta so với năm 2000 - khi chúng tôi đề xuất “ba chung” (chung đợt, chung đề và chung điểm sàn tuyển sinh) - đã thay đổi căn bản. “Ba chung” như đã triển khai không còn phù hợp nữa với các lý do sau:
Một là do nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội, quy mô đào tạo nghề mở rộng, chưa kể những người chưa có nghề, hằng năm có trên 1 triệu người tốt nghiệp THPT cần được đào tạo nghề từ trung cấp, CĐ đến ĐH.
Hai là cơ sở đào tạo đa dạng và phát triển về số lượng: ngoài các trường (ĐH, CĐ, TCCN...) công lập, các trường tư thục đang phát triển đến độ phải giao cho các sở giáo dục - đào tạo tham gia quản lý.
Ba là tổ chức đào tạo nhiều loại hình: chính quy, vừa làm vừa học, từ xa, bồi dưỡng... tất cả đều cần tuyển đầu vào chủ yếu từ những người tốt nghiệp THPT. Thực tế vài năm gần đây đã xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo đã không tuyển đủ chỉ tiêu được giao hằng năm, điều đó chứng tỏ không cần thiết có cuộc thi tuyển sinh cho các cơ sở này mà chỉ cần lấy kết quả đánh giá trình độ học vấn THPT để xét tuyển là đủ.
Với bối cảnh trên, chúng tôi cho rằng đã đến lúc có thể triển khai đề án “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT” do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục - đào tạo đưa ra từ 2008. Tuy nhiên, chúng tôi muốn bổ sung, hoàn thiện đề án đó để nâng cao tính khả thi và giá trị của đề án trên quan điểm “đánh giá trình độ học vấn phổ thông để tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT”.
Chúng ta phải thừa nhận “ba chung” vừa qua là một bước đổi mới mang lại sự ổn định tương đối trong thi tuyển sinh ở nước ta. Vì thế khi có chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho các cơ sở đào tạo, phần lớn các cơ sở này cho rằng chỉ cần cải tiến chứ đừng bỏ “ba chung”. Vì vậy chúng tôi đề xuất tiến hành “ba chung” và “một riêng” cho cuộc thi “Đánh giá trình độ học vấn THPT” để xét tốt nghiệp THPT và để làm tiêu chuẩn tối thiểu cho tuyển sinh đào tạo sau THPT. Cụ thể như sau:
1. Chung đề: vì là cuộc thi đánh giá trình độ học vấn nên phải thi nhiều môn, nhưng cần ghép lại thành năm bài thi: toán (90 phút) hệ số 2, ngữ văn (90 phút) hệ số 2, ngoại ngữ (45 phút) hệ số 1, lý - hóa - sinh (135 phút) hệ số 3, sử - địa (90 phút) hệ số 2. Định hướng năm bài thi này hoàn toàn phù hợp với xu thế giáo dục tích hợp trong giáo dục phổ thông trên thế giới: tích hợp lý - hóa - sinh thành môn khoa học và sử - địa thành môn xã hội.
2. Chung đợt: mỗi đợt ba ngày thi gồm sáu buổi (một buổi thủ tục, năm buổi làm năm  bài thi). Mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm riêng. Chấm bằng máy. Công bố điểm đến từng thí sinh và công bố chung trên mạng (xem chi tiết bảng 1).
3. Chung điểm sàn tốt nghiệp THPT: từ 250 điểm trở lên là tốt nghiệp (ngoài ra cần có chính sách cộng điểm theo vùng miền và diện chính sách).
4. Và “một riêng” cho tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT: Căn cứ vào ba tiêu chí: chỉ tiêu được giao, kết quả của các bài thi chung, chính sách chung về cộng điểm theo vùng miền và điểm thi tuyển năng khiếu tùy theo ngành nghề khi cần thiết, cơ sở đào tạo sẽ tự xây dựng điểm chuẩn (xem bảng 2) để tuyển sinh chung hay cho từng ngành của cơ sở đào tạo.
Trừ toán và ngữ văn điểm tối đa là 100, mỗi môn lý, hóa, sinh, sử và địa tuy thi chung bài nhưng mỗi môn đều có điểm tối đa là 50, kể cả ngoại ngữ. Từ đó có thể tổ hợp thành các điểm xét tuyển khác nhau có điểm tối đa là 250, phù hợp với yêu cầu tuyển sinh cho các ngành nghề khác nhau. Trong trường hợp này, những thí sinh muốn thi tuyển lại chỉ cần tham gia thi các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn đã công bố của cơ sở đào tạo mà thí sinh dự tính xin xét tuyển.
Phương án cải tiến “ba chung” như trên sẽ đạt được các mục tiêu sau đây:
Một là đảm bảo một thang đo trình độ học vấn THPT quốc gia tối thiểu có tính đến các yếu tố vùng miền. Góp phần đảm bảo không có xáo trộn về phân ban và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục THPT.
Hai là đảm bảo công bằng về cơ hội, khách quan về đánh giá trình độ học vấn trong tuyển chọn cho giáo dục - đào tạo sau trung học.
Ba là đảm bảo phù hợp với bối cảnh hiện nay: giảm thiểu tiêu cực, phù hợp với điều kiện hiện hành, từng bước hoàn thiện phương án, không tạo nên xáo trộn sau mỗi giai đoạn phát triển... Cuối cùng là đảm bảo sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đào tạo sau trung học, từ người học đến dư luận xã hội...”.
THANH HÀ ghi
email
email
Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
top
(10)
Tôi đồng ý với ý kiến PGS Lê Đức Ngọc
09/08/2011 8:43:53 CH
Ý kiến của PGS rất hay, tôi đồng ý với phương án đó. Nhưng theo tôi thì nên cho thí sinh thích môn nào thì thi môn đó thì hay hơn, tất nhiên là những môn thích đó đều nằm trong những môn mà bộ giáo dục quy định. Còn về việc thi đại học thì theo tôi nên để các trường đại học tự tổ chức kì thi của chính mình với điều kiện toàn bộ đề thi phải được bộ giáo dục kiểm tra về chất lượng và phù hợp với ngành nghề mà trường đó đào tạo.
Bởi vì, nếu để các trường tự tổ chức thì họ sẽ chính là người kiểm tra chất lượng đầu vào của chính mình. Ngoài ra, làm được như vậy vừa khỏe cho nhà nước, vừa khỏe cho các trường và cũng khỏe cho học sinh nữa.

LƯU QUỐC TRÍ
Cần phải xem lại
09/08/2011 8:31:05 CH
Nếu làm như PGS thì học sinh vẫn có thể học lệch bởi vì đối với các môn dùng để xét tuyển ĐH, CĐ thì học sinh sẽ đầu tư nhiều, còn các môn còn lại thì học đủ điểm không bị liệt. Thế là vẫn đủ đậu tốt nghiệp và cũng đủ điểm để vào ĐH.
Còn một điều mình không hiểu tại sao lý-hóa-sinh lại nhân hệ số 3 còn ngoại ngữ chỉ hệ số 1 trong khi môn nào cần cho tương lai thì chắc hẳn ai cũng biết.
Theo mình thì vẫn thi 2 kì thi như hiện nay nhưng cần thay đổi. Kì thi Tốt nghiệp thì yêu cầu mỗi môn đều phải không dưới 5 mới đậu có như vậy học sinh mới có đủ kiến thức cơ bản nhất của mỗi bộ môn. Còn kì thi đại học thì ngoại trừ các trường có yêu cầu đặc biệt về 1 môn nào đó (ví dụ y dược cần môn Sinh), các trường còn lại nên tuyển khối D vì khối này có thể nói là toàn diện nhất.

ĐĂNG
Một kỳ thi, học đều các môn.
09/08/2011 8:12:08 CH
Tôi thấy ý của PGS Lê Đức Ngọc rất hay. Nhưng nên không chế điểm liệt, 100 điểm là tối đa thì khi dưới 50 xem như liệt.Nhưng ở đây có yếu tố vùng miền, vùng sâu khu vực 1 chẳng hạn, điểm liệt là 40, khu vực 2 là 45... vậy thì ta đâu ngại không công bằng. Nhưng nên tạo điều kiện để học sinh có thể không bỏ mất 1 năm trong trường hợp không qua được kỳ thi tốt nghiệp. Ví dụ, đầu tháng 6 thi tốt nghiệp THPT toàn quôc, đầu tháng 7 có một ngày thi lại thống nhất cho những ai không đủ điểm 1 hoặc 2 bài thi tìm cơ hội. Ai có 3 bài dưới điểm liệt bắt buộc năm sau phải thi lại toàn bộ.Giữa tháng 7 là các trường đại học đã có thể tuyển sinh được rồi. Như vậy cả nước không phải bị xáo trộn bởi 1 cuộc chuyển cư khổng lồ của đoàn sĩ tử và phụ huynh gần 2 triệu người trong vòng nửa tháng.
HỌ VÀ TÊN
Ủng hộ phương án này
09/08/2011 7:48:12 CH
Phương án của PGS Lê Đức Ngọc rất hay, và nó cũng trùng với dự kiến của tôi. Phương án này loại bỏ tệ học tủ, học lệch, loại bỏ những bất cập trong việc phải thi những môn chẳng dính dáng gì đến chuyên môn và quan trọng nhất là tạo được mặt bằng kiến thức khá hoàn chỉnh. Cách chấm điểm theo thang 100 cũng rất tốt. CHDC Đức trước đây và nước Đức ngày nay đã áp dụng thang điểm này. Nó cho phép đánh giá thí sinh chi tiết hơn. Đây là phương án khả thi vì nó không quá tốn kém và không gây xáo trộn lớn so với mô hình đang áp dụng hiện nay. Với phương án này, có thể căn cứ kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, cao đẳng mà không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi tuyển đầu vào cho đại học, cao đẳng như hiện nay.
TÂM N.M.
Đồng ý với bạn Oanh
09/08/2011 7:23:23 CH
Theo tôi, điểm thi tốt nghiệp môn nào dưới 5 hoặc dưới 4 xem như điểm liệt, vì hiện nay năm nào thi tốt nghiệp có môn Lịch sử thì học sinh cho rằng chỉ cần 1.0 điểm môn này là đủ (vì không bị liệt), còn để thời gian học các môn khác và tập trung vào các môn thi đại học.
VIỆT SỬ
Bạn Việt và Oanh ko đúng rồi
09/08/2011 6:50:06 CH
Nếu đặt khống chế dưới 5 điểm thì năm sau phải thi lại thì theo mình, chắc chắn 1 lượng lớn sinh viên mà đáng lẽ sẽ đậu đại học, cao đẳng sẽ không được thi đại học, như thế thì các trường sẽ không đủ chỉ tiêu, xã hội sẽ không đủ nhân lực. Thiệt hại sẽ rất lớn. Nếu chỉ vì chú trọng vào các môn xã hội mà gây ra thiệt hại như thế thì không đáng.
PROSPERLONG
Đồng ý với phương án của PGS Lê Đức Ngọc
09/08/2011 5:48:33 CH
Tôi tán thành đề án trên. Tuy nhiên, nếu theo ý kiến của anh Việt thì không được. Bởi lẽ, so mặt bằng chung cả nước, nếu ở các tỉnh, thành phố lớn thì không nói gì, còn ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi thì như thế không khả thi. Bổi lẽ, muốn không có môn nào dưới 5 thì không phải ai cũng làm được. Có lẽ, chỉ khoảng bằng hoặc dưới 50% học sinh đậu tốt nghiệp thôi. Là một người học sinh dưới vùng quê nghèo nên tôi hiểu điều đó. Đặc biệt là ngoại ngữ, có lẽ cả đời 1 học sinh quá yếu kém cũng không bao giờ đậu tốt nghiệp.
HUỲNH NHÂN
Tán thành với đề án
09/08/2011 9:37:13 SA
Từng trải qua thời kì THPT, tôi tán thành đề án trên, bởi lẽ:
1. Đảm bảo được vốn kiến thức tối thiểu mà học sinh phải đạt được, tránh tình trạng học sinh có sự phân hóa kiến thức quá cao giữa các môn.
2. Tiết kiệm được tiền, thời gian
3. Tích hợp được những yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh hiện nay
4. Hài hòa giữa ý kiến thi đại học nhiều môn và kỳ thi tuyển sinh hiện nay Đây là một đề án khả thi, tôi mong các cấp tiếp thu và sớm thực hiện. Cải cách giáo dục nếu sai một ly thì đi một dặm, bởi lẽ có hàng triệu người là nạn nhân.
Vả lại, tôi thấy hụt hẫng vì đa số giáo viên không hấp dẫn được học sinh trong lúc giảng bài. Tôi kiến nghị các trường sư phạm phải đề cao tiêu chí này để xét tốt nghiệp cho các nhà giáo tương lai. Thực tế tôi chỉ thấy những thầy có tuổi và một ít thầy giáo trẻ có nỗi niềm ưu tư với Tổ quốc, với dân tộc mới có sức hấp dẫn học sinh.

TRẦN TRỌNG KHẢI
Thi TN THPT: nếu môn nào dưới 5 điểm thì rớt
09/08/2011 9:22:04 SA
Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Việt, nhưng nên thi 6 môn giống như bây giờ, mà điểm liệt thì không như lúc trước, mà có môn nào dưới 5 điểm xem như rớt TN, để tránh trường hợp các em xem nhẹ môn này đầu tư học môn khác, nhất là các em rất xem nhẹ các môn xã hội.
OANH

No comments:

Post a Comment