07:10 | 15/08/2011
Thủ tướng đã xác định mục tiêu giai đoạn 2011 – 2016 là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đặc biệt là hạn chế độc quyền, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, các nhóm doanh nghiệp; xác định đúng liều lượng can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế với vai trò là kiến tạo phát triển thay vì điều hành. GIÁO SƯ (GS), NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ - CHÍNH TRỊ NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH cho rằng, hoàn thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế chính là tạo ra môi trường để các loại hình doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng.
- Giáo sư nhìn nhận như thế nào về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua tạo môi trường cạnh tranh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế?
Chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam rất cần được ban hành. Hoàn thiện sức cạnh tranh chính là tạo ra môi trường để các loại hình doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp phải bình đẳng trước pháp luật, không phải chộp giật và làm tiêu tốn tài nguyên khoáng sản, lao động của tổ quốc, làm hại đến môi trường. Ví dụ như doanh nghiệp trốn bảo hiểm sẽ giúp tăng lợi nhuận. Nhưng toàn bộ người lao động bị thiệt và Quỹ bảo hiểm của Nhà nước không thu hồi đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ. Đây là một dạng cạnh tranh không lành mạnh cần được xử lý nghiêm.
Nguồn: ITN |
- Nhưng khi vẫn còn ưu đãi, độc quyền của một số doanh nghiệp Nhà nước thì vẫn chưa thể tạo được một môi trường cạnh tranh. Để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế thì cần có những thay đổi trong thời gian tới, thưa GS?
Trước tiên, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ thì phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề ra chính sách, lộ trình thực hiện. Các ưu đãi bằng chính sách cần đúng hướng, không để bị lợi dụng, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Để phát huy hiệu quả của cơ chế, chính sách, thì trước khi ban hành cần được nghiên cứu, điều tra kỹ càng. Cần tính đến mặt phải, mặt trái của một chính sách ưu đãi khuyến khích nào đó. Làm được yêu cầu này phải có sự xắn tay của cả một hệ thống, một bộ máy chuyển động. Ví dụ như để khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, thì chính sách xã hội, đầu tư, thuế khóa, thanh tra, kiểm tra phải phối hợp đồng bộ. Và dựa vào sự hiểu biết và ủng hộ của người dân thì chúng ta mới hoàn thành được.
- Nâng cao sức cạnh tranh liên quan đến cả cạnh tranh trong nước và quốc tế. Thưa GS, cần kết hợp các cơ chế, chính sách để đạt được hai yêu cầu này?
Nếu nhìn bề ngoài thì cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh trong nước có vẻ mẫu thuẫn nhau. Nhưng sự thật là hai mặt đó bổ sung cho nhau. Có những lĩnh vực muốn thúc đẩy cạnh tranh nội bộ trong nước thì phải cho yếu tố cạnh tranh nước ngoài vào. Cụ thể là việc cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thu mua cà phê có sự kiểm soát đã tăng tính minh bạch, cạnh tranh, giúp giá bán có lợi cho người trồng. Nhưng cũng có lĩnh vực nên tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Tất nhiên không phải Nhà nước muốn hỗ trợ thế nào cũng được do phải tuân thủ các quy tắc của quốc tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp thuộc các ngành hàng lớn phải biết tổ chức hợp tác để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
- Cùng với đổi mới thể chế, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một nội dung rất quan trọng đó là phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Trong điều kiện hiện nay, cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào những khâu nào?
Thủ tướng đã yêu cầu cải cách thủ tục hành chính phải lên tầm cao mới hơn nữa, không để tình trạng trì trệ ở một số bộ phận như hiện nay. Công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã làm được rất nhiều việc như giúp doanh nghiệp thuận lợi trong đăng ký kinh doanh, rút ngắn thủ tục hành chính… Nhưng không thể phủ nhận, một số thủ tục vẫn phải qua nhiều cửa, mỗi một cửa lại phải tốn kém chi phí. Chi phí này đôi khi do các tiêu cực, tham nhũng gây ra. Do vậy, cải cách hành chính phải chống được tham nhũng, kiểm tra được hoạt động để tạo ra môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là bài toán phức tạp. Ngoài ra cải cách hành chính cũng phải theo nhận thức của toàn dân bởi vì trình độ của dân các vùng miền là khác nhau, lạc hậu cũng không được mà tiên tiến quá thì người dân cũng chưa thích ứng kịp. Ngoài ra, tôi rất tâm đắc với ý của Thủ tướng là chất lượng và đội ngũ lao động quản lý mà trong đó có đội ngũ lao động quản lý trình độ cao. Quản lý ở đây trước hết là quản lý hành chính Nhà nước, phải có đội ngũ quản lý có tâm huyết với đất nước, với dân tộc, có trình độ và đủ nhận thức để chống và hạn chế tham nhũng.
- Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò của Nhà nước nên được thể hiện ra sao, thưa GS?
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản trong phát triển đất nước. Để có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế chúng ta phải phát triển bình đẳng giữa các thành phần mà trong đó chúng ta vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Kinh tế Nhà nước vẫn đang nắm cơ sở vật chất, một khối lượng của cải vật chất rất lớn của xã hội. Song phải quản lý sử dụng khối lượng của cải đó cho có hiệu quả. Đây là sức mạnh để giữ nền kinh tế đi theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Song song đó vẫn tạo điều kiện, môi trường để các thành phần kinh tế khác vẫn phát triển nhanh, tăng sức mạnh cho nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Xin cám ơn GS!
Vũ Dũng thực hiện
No comments:
Post a Comment