Monday, August 15, 2011

15/08 Vị trí của Ôxtrâylia trong ván bài Mỹ-Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ hai, 15 Tháng 8 2011 16:01
EmailInPDF.
Trong bài phân tích Bluffing their way into crisis” đăng trên tờ "Người đưa tin Xítni buổi sáng" gần đây, giáo sư chuyên về nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học quốc gia Ôxtrâylia (ANU) Hugh White nhận định Ôxtrâylia có thể đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Theo giáo sư Hugh White, người đồng thời cộng tác với Viện Chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Xítni, trong vài tháng tới, mọi người sẽ được nghe nhiều về Biển Đông, khi các nhà lãnh đạo châu Á tham dự những cuộc họp thượng đỉnh thường niên. Ôxtrâylia không bận tâm tới việc ai sở hữu những bãi đá nổi và bãi đá ngầm rải rác trên vùng biển đó, nhưng Canbơrơ có một quyền lợi lớn trong cuộc chơi mưu mẹo giả-thật gây bực tức đang diễn ra ở đó. 
Vấn đề này không còn liên quan đến chính bản thân những bãi đá nổi, hay thậm chí dầu mỏ và khí đốt có thể có xung quanh những bãi đá đó, mà là về sự kình địch ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh việc ai sẽ là người sử dụng quyền lực ở châu Á. Trừ phi cả hai nước này đều rất cẩn thận, một sự cố nhỏ ở quần đảo Trường Sa có thể hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung, đẩy châu Á vào một cuộc khủng hoảng lớn, và phá hủy những nền tảng của chính sách đối ngoại Ôxtrâylia. 
Các cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa cũng như những đảo nhỏ khác trên Biển Đông đã tồn tại trong nhiều thập niên, nhưng đã có một bước ngoặt mới kể từ năm 2009 khi Trung Quốc, sau nhiều năm kiềm chế, bắt đầu thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền của mình một cách quyết đoán hơn. Bắc Kinh bắt đầu bằng việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ khu vực, coi đó là một "lợi ích quốc gia cốt lõi" và thực thi những tuyên bố chủ quyền đó một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philíppin. 
Điều này không phải là miễn phí đối với Trung Quốc. Hình ảnh được Trung Quốc nuôi dưỡng một cách kỹ càng về một người bạn rộng lượng của Đông Nam Á đã bị sứt mẻ nặng nề. Vậy tại sao Trung Quốc làm điều đó? Đáng tiếc, câu trả lời hợp lý nhất lại là điều gây lo lắng nhất: Người Trung Quốc giờ đây cảm thấy đủ mạnh để cư xử một cách kiêu căng hùng hổ. Sự quyết đoán ở Biển Đông chỉ là một dấu hiệu của điều này. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã trở nên táo bạo hơn nhiều trong rất nhiều vấn đề, và đặc biệt táo bạo hơn trong những vấn đề về sức mạnh trên biển ở Tây Thái Bình Dương. 
Do đó, điều này dường như là một thách thức trực tiếp và có chủ tâm đối với vị trí của Mỹ với tư cách là cường quốc biển quan trọng nhất ở châu Á. Đó chắc chắn là điều mà Oasinhtơn nhận thấy. Nhưng đó là một nước cờ dạo đầu mạo hiểm, bởi vì một cuộc xung đột với Mỹ sẽ là một thảm họa đối với Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh có lẽ tin rằng Mỹ sẽ lùi bước và để cho Trung Quốc khẳng định những đòi hỏi bá chủ khu vực của Bắc Kinh. Điều gây khó chịu là Oasinhtơn đã phản ứng. 
Kể từ năm ngoái, Mỹ đã có những bước tiến rõ ràng nhằm chống lại thách thức của Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam và Philíppin. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố ở Hà Nội rằng Mỹ có "những lợi ích quốc gia" ở Biển Đông. Các quan chức khác đã tái khẳng định những nghĩa vụ của Mỹ bảo vệ lãnh thổ Philíppin theo liên minh quốc phòng hai nước, và Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận được quảng bá rộng rãi trong khu vực đó. Tất cả những điều đó đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Oasinhtơn sẽ hậu thuẫn Hà Nội và Manila trong việc dũng cảm đương đầu với Bắc Kinh. Danh tiếng của Mỹ ở Đông Nam Á đã tăng lên, trong khi của Trung Quốc lại giảm đi. 
Tất cả những điều đó nghe có vẻ tốt, nhưng những gì sẽ xảy ra tiếp theo? Hoàn toàn chưa rõ ràng. Vấn đề là Mỹ không thể có đủ điều kiện để tiến hành một cuộc xung đột với Trung Quốc và Trung Quốc càng không thể có đủ điều kiện cho một cuộc xung đột với Mỹ. Có một yếu tố mưu mẹo lớn trong lập trường của Mỹ, cũng như của Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc lật tẩy mưu mẹo của Mỹ, giống như việc Mỹ đã lật tẩy trò của Trung Quốc? Trên thực tế, đó dường như chính xác là điều đang xảy ra. Chỉ vài tháng mới đây, Trung Quốc thậm chí mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định những tuyên bố chủ quyền trên những vùng biển tranh chấp với Việt Nam , ví dụ, hai lần cắt các cáp thăm dò của các tàu thăm dò Việt Nam . Quá dễ dàng để hình dung xem điều đó sẽ dẫn đến đâu. Trong sự cố tiếp theo, Việt Nam sẽ đáp lại bằng cách tấn công và đánh chìm một tàu tuần tra của Trung Quốc, Trung Quốc đáp lại bằng cách đánh chìm một tàu của Việt Nam, và khi sự leo thang treo lơ lửng trên đầu, Việt Nam đề nghị Mỹ giúp đỡ. 
Mỹ sẽ làm gì tiếp theo đó? Nếu Mỹ không làm gì hơn việc đưa ra những cảnh báo ngoại giao cứng rắn, mưu mẹo của Mỹ sẽ bị lật tẩy và vị trí của Oasinhtơn là cường quốc hải quân mang tính chi phối ở châu Á sẽ bị thất bại lớn. Uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ lại sụt giảm mạnh, và Trung Quốc có một chiến thắng lớn. Nhưng nếu Mỹ đề nghị sự giúp đỡ về vật chất, đặc biệt là nếu Oasinhtơn phái các tàu của mình, thì họ có xu thế đối mặt với một nguy cơ lớn là bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nghiêm trọng với Trung Quốc. 
Và Ôxtrâylia cũng vậy. Gần đây, Ôxtrâylia và Nhật Bản đã tham gia một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp với Mỹ ở Biển Đông mà không quảng bá rầm rộ. Cuộc tập trận này rất nhỏ, nhưng đó là điều hoàn toàn chưa có tiền lệ và do đó thông điệp mà cuộc tập trận phát đi là rất có sức mạnh. Thông điệp này là các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á hậu thuẫn chính sách đẩy lùi Trung Quốc của Oasinhtơn. Do đó, nếu Trung Quốc phản pháo, có thể chắc chắn rằng người Mỹ sẽ tìm kiếm và mong đợi Ôxtrâylia ở đó để hỗ trợ họ nếu và khi nổ ra tiếng súng. 
Tất nhiên, hy vọng là điều đó sẽ không xảy ra. Nhưng Mỹ và Trung Quốc đã tự đưa mình tới điểm mà cả hai bên đều không thể lùi bước mà xem ra không để thua trước nước kia. Trong những tình huống đó, cả hai nước sẽ rất dễ bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu toàn diện mà sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người. 
Vậy Ôxtrâylia nên làm gì? Về ngắn hạn, Canbơrơ cần cố gắng thuyết phục cả hai phía rút lui mà không tìm cách giành một thắng lợi đối với bên kia. Cả Oasinhtơn lẫn Bắc Kinh đều sẽ không muốn nghe thông điệp này, và tự bản thân Ôxtrâylia không thể làm nhiều để thuyết phục họ, nhưng Canbơrơ không phải làm một mình. Những lợi ích của Ôxtrâylia trong việc tránh một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung được các đồng minh châu Á của Canbơrơ chia sẻ. Việc dẫn dắt sức nặng tập thể của các cường quốc hạng trung ở châu Á nhằm thuyết phục cả hai bên hạ nhiệt và lùi bước cần có dạng "ngoại giao cường quốc hạng trung tích cực" mà Kevin Rudd (cựu Thủ tướng, hiện đang làm Ngoại trưởng Ôxtrâylia) luôn nói tới. Và với việc các nhà lãnh đạo châu Á sẽ gặp nhau trong vài tháng tới, giờ là lúc để làm điều đó. 
Về lâu dài, Ôxtrâylia sẽ tránh được các trận đấu đi, đấu lại không ngừng dưới dạng nguy hiểm này nếu Mỹ và Trung Quốc có thể lập ra một trật tự mới ở châu Á. Mỹ phải học cách thừa nhận và điều chỉnh với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, và Trung Quốc phải chấp nhận một vai trò trung tâm và liên tục của Mỹ. Nếu không, Thế kỷ châu Á thực sự lại là một khoảng thời gian tối tăm./.  
Theo SMH (ngày 2/8)
 Hương Trà (gt)

No comments:

Post a Comment