07:24 | 21/08/2011
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chủ động, sáng tạo vượt khó là tinh thần chủ đạo được doanh nghiệp nước ta vận dụng. Với phương châm tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp hoặc tiếp tục kiên trì với chiến lược kinh doanh đã đề ra, hoặc chuyển đổi lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, không để đồng vốn chết, tiếp tục làm ra của cải vật chất cho xã hội, duy trì việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nguồn: dddn.vn |
Hiện nay, khó khăn về vốn và thị trường đang ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những tin vui về sự phát triển của doanh nghiệp Việt trên thương trường. Trong đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục được các tổ chức đánh giá là doanh nghiệp có uy tín do phát triển vững chắc trong thời gian qua. Trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp, tiếp cận mọi đối tượng tiêu dùng trong nước. Doanh nghiệp cũng tham gia nhiều chương trình mang tính nhân văn, vì cộng đồng, như xây dựng Quỹ sữa vươn cao Việt Nam với mục tiêu nâng cao thể chất và trí lực cho thế hệ trẻ. Theo Giám đốc điều hành Nguyễn Quốc Khánh, Vinamilk đặt mục tiêu trở thành một trong 50 công ty hàng đầu thế giới trong ngành chế biến sữa; cung cấp tới người tiêu dùng những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Khi nước ta mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, có nhiều dự đoán doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ bị các đại gia phân phối nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối mặt với khó khăn, các doanh nghiệp phân phối trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài trong thế yếu hơn về vốn, công nghệ và quản lý. Việc mở rộng hệ thống bán lẻ trên toàn quốc của Saigoncoop, Fivimart, Hapromart... đã chứng minh thực tế này. Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội Mai Khuê Anh khẳng định, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã cạnh tranh tốt được với doanh nghiệp nước ngoài. Và để không bị thua trên sân nhà, doanh nghiệp bán lẻ trong nước tiếp tục nỗ lực để cạnh tranh được với những tập đoàn phân phối lớn trên thế giới có kế hoạch thâm nhập thị trường nước ta.
Những ví dụ trên đây đều là doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu, có thực lực và vượt khó tương đối thuận lợi. Còn đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh khó khăn, thậm chí phải giải thể, ngừng hoạt động. Nhưng thực tế cũng cho thấy, một số doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra bằng sự năng động, sáng tạo của mình. Ví dụ là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đồ mỹ nghệ là thứ hàng hóa được ưu tiên cắt giảm trong mua sắm của các gia đình, kéo theo sự thu hẹp thị trường. Trước khó khăn này, doanh nghiệp đã chủ động lựa chọn phân khúc người có thu nhập khá để khai thác, giúp tăng lượng hàng hóa được tiêu thụ. Doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới thiết kế mẫu mã, tìm chất liệu độc đáo, giúp tăng doanh thu. Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ nghệ Viễn Đông Nguyễn Sơn Hà cho biết, việc thuê thiết kế nước ngoài đã giúp tạo sự độc đáo cho sản phẩm, từ đó, tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường nước ngoài.
Thống kê của các Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xin phá sản ở lĩnh vực này, nhưng lại đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực khác để thích ứng với điều kiện mới. Như vậy, doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều vận dụng hiệu quả bài học lớn từ Cách mạng tháng Tám mùa thu lịch sử 1945 là biết tận dụng thời cơ. Doanh nghiệp vẫn tìm được những cơ hội trong khó khăn, đặc biệt là biến cái khó thành điều kiện tốt để cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới Võ Đại Lược, không nên nhìn nhận việc phá sản, giải thể doanh nghiệp một cách tiêu cực. Việc doanh nghiệp xin phá sản ở lĩnh vực này, lại đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực khác thể hiện quá trình thay đổi cơ cấu hoạt động của mình, chọn mô hình hoạt động toàn diện hơn. Và với vai trò là lực lượng kinh tế nòng cốt, tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ dẫn dụ, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Ngọc Diệu
No comments:
Post a Comment