07:23 | 21/08/2011
Với những thay đổi căn bản trong phương thức quản lý, Luật Doanh nghiệp được ví như một đòn bẩy cho các doanh nghiệp chủ động sáng tạo phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Sau 5 năm áp dụng trong thực tiễn, Luật Doanh nghiệp đã cho thấy những ưu điểm và hạn chế. Vì vậy, việc rà soát Luật và các văn bản hướng dẫn là việc làm có ý nghĩa lớn trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và làm khó cho cả Nhà nước, doanh nghiệp sẽ tạo một cơ chế quản lý hợp lý, từ đó, tạo môi trường kinh doanh tốt cho lực lượng kinh tế này. Trong đó, vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp là do quy định không cụ thể về thủ tục pháp lý trước khi thành lập công ty. Hệ quả của tình trạng này là nhiều hợp đồng đã được ký kết trước khi thành lập sẽ được hợp thức hóa khi được cấp giấy phép kinh doanh. Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng không biết con gà có trước hay quả trứng có trước. Doanh nghiệp có trước hay hoạt động kinh doanh có trước không được phân định rõ vừa gây lúng túng cho người sáng lập, vừa có thể bị lợi dụng để hình thành doanh nghiệp ma.
Về việc xác định ngành nghề đăng ký kinh doanh, theo Luật sư Vũ Anh, các văn bản quy phạm pháp luật còn nhầm lẫn giữa ngành nghề kinh tế và kinh doanh thực tế. Đăng ký ngành nghề kinh doanh phụ thuộc vào ý tưởng của người điều hành, lãnh đạo và những người có trí tuệ, ý tưởng. Ý tưởng này phải đi trước người khác thế thì làm sao có được trong những ngành nghề mà hiện đang được quy định. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức loay hoay khi đăng ký thành lập doanh nghiệp do không tìm được ngành nghề kinh doanh phù hợp với ý tưởng. Hơn nữa, quy định của pháp luật không làm hạn chế khả năng sáng tạo của doanh nghiệp, song cơ quan chức năng khó quản lý sát sao hoạt động kinh doanh. Bởi bộ khung ngành nghề cứng sẽ buộc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải sửa đổi hợp đồng để phù hợp với pháp luật. Luật sư Vũ Anh đề nghị, để tránh tình trạng nắn chân cho vừa giầy, nên quy định đăng ký kinh doanh theo ý tưởng; cơ quan đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ rà soát xem lĩnh vực đó có thuộc pháp luật không cấm, hay có ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục không. Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Cao Bá Quát cho rằng, việc dùng mã ngành kinh tế theo Quyết định 10/2007 của Thủ tướng Chính phủ để khai vào hồ sơ đăng ký kinh doanh hiện nay là không hợp lý. Hãy để tự người dân đăng ký theo ý tưởng đầu tư của mình, tự lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
Đối với vấn đề con dấu, một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là một dấu hiệu nhận dạng doanh nghiệp, không là căn cứ pháp lý do dễ bị làm giả. Hình thức này không có khả năng xác nhận lại bằng vân tay, chữ ký, con ngươi, AND. Vì vậy, không nên bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu. Doanh nghiệp muốn có con dấu có thể tự quy định hoặc điểm dấu của mình và đăng ký bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con dấu được cơ quan có thẩm quyền cấp, nên có đầy đủ tính hợp pháp. Trong khi đó, việc photo chữ ký rồi sau đó đóng dấu đang được thực hiện tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy, để phù hợp với thực tế nước ta không thể tách bạch chữ ký và con dấu. Khi nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, thì cần duy trì con dấu để bảo đảm hiệu lực, chặt chẽ của việc xác lập, thực hiện các giao dịch của doanh nghiệp.
Vấn đề bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh cũng được đặt ra trong quá trình rà soát Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định thống nhất và rõ ràng đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là khi doanh nghiệp này đã tạo công ăn, việc làm, nộp thuế, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời gian qua. Nhưng theo đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, các quy định hạn chế đầu tư trong pháp luật đối với nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết để bảo vệ đầu tư trong nước, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nguyên tắc bình đẳng cơ bản trong khuôn khổ WTO cũng đều có những quy định ngoại lệ về việc phân biệt về quyền tiếp cận nguồn lực, phạm vi đầu tư và các biện pháp trợ cấp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, trên thế giới chưa có quốc gia nào cào bằng ranh giới quyền và nghĩa vụ giữa hai loại chủ thể đầu tư này.
Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác là định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản này để tháo gỡ khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung văn bản luật cần tính đến tác động toàn diện, cũng như sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Thực tế, một số khó khăn với doanh nghiệp hiện nay cũng do các văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái ngược nhau.
Mạnh Quang
No comments:
Post a Comment