Monday, August 22, 2011

22/08 Cần chính sách thương mại để hỗ trợ hiệp hội doanh nghiệp

07:00 | 22/08/2011
Phòng Thương mại châu Âu tại Viêt Nam (EuroCham) vừa công bố cuốn sách “Kiến nghị chính sách thương mại của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam”, nêu lên những bất cập trong chính sách ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam.
Phát triển sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm cung cấp cho tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu đang là mục tiêu chiến lược đặt ra cho các hiệp hội, ngành hàng, nhất là khi nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi như: lạm phát cao, thị trường tiền tệ, lãi suất ngân hàng bị thắt chặt. Bên cạnh đó, một số chính sách về thuế, thủ tục hải quan, sở hữu trí tuệ, môi trường... cũng đang đặt doanh nghiệp trước nhiều khó khăn, cần sớm được tháo gỡ.
Theo ý kiến của 9 Hiệp hội, doanh nghiệp thì khó khăn, vướng mắc hiện nay là xung quanh các vấn đề về thuế, xuất nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, cơ sở hạ tầng và ban hành văn bản pháp luật. Trang Web Luật Việt Nam thống kê có tới 11.240 văn bản chưa xác định được là còn hay không còn hiệu lực. Hơn nữa, một số văn bản pháp luật ghi không rõ ràng về thời hạn ban hành văn bản hướng dẫn, cơ quan hướng dẫn thi hành, Nghị định không chi tiết... Điều này làm cho doanh nghiệp rất khó tra cứu để thực hiện theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Thủ tục hải quan vẫn còn rườm rà, quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện chưa chi tiết; việc hài hòa mã số hàng hóa với thông lệ quốc tế chưa được quan tâm đúng mức để giảm sự khác biệt trong áp dụng mã số hàng hóa khi làm thủ tục xuất nhập khẩu. Công tác giải quyết các tranh chấp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn chậm khiến doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại lớn về kinh tế... Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu tin rằng, những nội dung đề cập trong cuốn sách Kiến nghị chính sách thương mại của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam sẽ là những kiến nghị để Chính phủ, Quốc hội có thể tham khảo khi sửa đổi Luật, hỗ trợ cho hiệp hội, doanh nghiệp liên tục phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Những kiến nghị trong cuốn sách cũng sẽ giải quyết khó khăn cho nhiều ngành. Vì đây là một trong những kênh mà các doanh nghiệp chủ động phản ánh những khó khăn của mình. 
Nhiều hiệp hội và doanh nghiệp cho biết, về thủ tục hải quan, số mã HS hiện nay vừa thừa, vừa thiếu, cho nên nhiều loại hàng hóa áp mã này cũng đúng mà áp mã khác cũng đúng. Ví dụ, tùy thuộc người thụ lý cho áp mã này thì thuế suất chỉ 5%, nhưng áp mã khác thuế suất lên tới 10% và thực tế không có cơ sở nào để chứng minh đúng - sai, nên doanh nghiệp dễ bị ép. Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai phản ánh, có 70% số các doanh nghiệp là đầu tư nước ngoài gặp vướng mắc trong khâu vận dụng và thực thi các quy định của pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp... Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương cho biết: các doanh nghiệp ở Đồng Nai cần nhất là thông tin, hiểu về quy định của pháp luật và các thủ tục. Câu lạc bộ đã có những hỗ trợ về khâu thủ tục, chính sách thuế thông qua Website của Câu lạc bộ.
Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu và các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức một cuộc tọa đàm với các đại diện của các Bộ và cơ quan liên quan tại Hà Nội. Giám đốc điều hành EuroCham Matthias Dhn cho biết EuroCham đã dùng những kinh nghiệm của EuroCham trong việc viết cuốn sách trắng từ năm 2008 đến năm 2011 để hỗ trợ các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam viết cuốn sách đầu tiên về kiến nghị chính sách thương mại. EuroCham hy vọng tạo ra một kênh đối thoại năng động giữa các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và Chính phủ; từ đó các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao uy tín,  tiếng nói và tăng năng lực cạnh tranh trên thương trường.
Còn rất nhiều ý kiến đóng góp được các hiệp hội và doanh nghiệp gửi gắm trong cuốn sách này, như: nên bỏ thủ tục đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện quy định này khi tham gia sản xuất kinh doanh; sớm ban hành các quy định cụ thể về cấp C/O giáp lưng; bổ sung quy định về xử lý trường hợp xâm phạm tài sản trí tuệ trong thời gian đã nộp đơn và chờ thẩm định; đơn giản hóa các thủ tục khi thành lập hiệp hội, bãi bỏ quy định về xin phép đại hội và nội dung báo cáo đại hội nhiệm kỳ thay bằng thủ tục thông báo...
Mong rằng, những vướng mắc chính đáng được tháo gỡ sẽ giúp cho hiệp hội và doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Xuân Lan

No comments:

Post a Comment