Monday, August 22, 2011

22/08 Thẳng thắn và trách nhiệm để bảo đảm tiến độ và chất lượng lập pháp



06:58 | 22/08/2011
Ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII, UBTVQH đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Đây cũng là Hội nghị đầu tiên của UBTVQH Khóa XIII với đại diện lãnh đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan bàn tiến độ chuẩn bị và các biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện chương trình lập pháp 6 tháng cuối năm nay và chương trình lập pháp của năm 2012.
Theo Nghị quyết 07 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất thì tại Kỳ họp thứ Hai, QH sẽ cho ý kiến về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Quản lý giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi)... Qua phản ánh của đại diện các cơ quan soạn thảo thì việc chuẩn bị các dự án Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Hai khá suôn sẻ. Các cơ quan này cũng khẳng định, sẽ bảo đảm đúng tiến độ trình QH.
Song, nhìn vào tiến độ chuẩn bị cụ thể của các dự án luật, các cơ quan của QH lại không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, đến thời điểm này, rất nhiều dự án luật vẫn chưa được trình Chính phủ cho ý kiến. Thậm chí, một số dự án luật theo chương trình sẽ được trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp tháng Chín thì các cơ quan soạn thảo cũng dự kiến sẽ trình Chính phủ tại Phiên họp tháng Chín. Đơn cử như dự án Luật Quản lý giá do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo - Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định dự án Luật này đã cơ bản hoàn thiện, hoàn toàn khả thi và bảo đảm đúng tiến độ trình QH. Nhưng cũng theo Thứ trưởng Mai, dự án Luật Quản lý giá sẽ được trình Chính phủ xem xét tại Phiên họp tháng Chín tới đây. Sau đó, Bộ sẽ hoàn thiện dự án Luật rồi chuyển sang Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH để thẩm tra.
Một dự án Luật khác cũng do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế - theo chương trình cũng sẽ được trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp tháng Chín. Nhưng tiến độ chuẩn bị dự án Luật này còn khá bộn bề. Đến thời điểm này, dự thảo Luật vẫn chưa được gửi để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương; chưa xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; chưa được Chính phủ cho ý kiến, chưa được cơ quan chuyên môn của QH thẩm tra... Và mặc dù, lãnh đạo Bộ Tài chính bày tỏ quyết tâm sẽ bảo đảm đúng tiến độ trình dự án Luật để QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai nhưng các cơ quan chuyên môn của QH lại chưa thể yên tâm...
Chưa yên tâm là bởi, cứ theo tiến độ mà các cơ quan soạn thảo trình bày thì hình như khái niệm xong, cơ bản hoàn thiện của các cơ quan soạn thảo không trùng khớp với khái niệmxong, cơ bản hoàn thiện của các cơ quan chủ trì thẩm tra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc các cơ quan soạn thảo dự kiến trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp tháng Chín là quá muộn. Một dự án Luật để có thể xuất hiện trên bàn nghị sự của UBTVQH thì trước đó đã phải được trình Chính phủ cho ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh rồi chuyển sang cho cơ quan chuyên môn của QH thẩm tra. Đến Phiên họp tháng Chín, dự án Luật mới được trình Chính phủ thì cơ quan chuyên môn của QH sẽ có bao nhiêu thời gian thẩm tra dự án Luật để kịp trình UBTVQH tại Phiên họp tháng Chín? Cứ theo tiến độ này thì vẫn khó có thể khắc phục được tình trạng đuổi bắt của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng nêu thực tế, ngày mai cơ quan chủ trì thẩm tra họp để thẩm tra dự thảo Luật thì tối nay mới nhận được dự thảo luật và các tài liệu có liên quan. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ quan phối hợp thẩm tra phải nêu ý kiến của tập thể Ủy ban hoặc chí ít cũng phải là ý kiến của Thường trực Ủy ban nhưng đến giờ họp mới được cung cấp tài liệu, dự thảo luật thì cơ quan phối hợp thẩm tra lấy ý kiến của Thường trực Ủy ban vào lúc nào? Có cùng băn khoăn này, nhiều ý kiến tại Hội nghị tỏ ra bức xúc: các cơ quan chuyên môn của QH có phải là có ba đầu sáu tay đâu?
Cơ quan chuyên môn của QH không có ba đầu sáu tay. Nhưng những anh Bảy, chị Nhật, những buổi tối, phòng làm việc của các đại biểu chuyên trách của QH vẫn sáng... là thực. Có lẽ, không cần và không nên nhắc lại đường đi của một dự án Luật từ khi mới chỉ là sáng kiến lập pháp được đưa vào Chương trình lập pháp của QH, được soạn thảo, thẩm tra đến khi được QH thông qua như thế nào. Bởi lẽ, tất cả các công đoạn này, thời gian phải hoàn thành, chất lượng từng công đoạn ra sao đều đã được quy định rõ ràng, mạch lạc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Lâu nay, để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật trình QH, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của QH về chương trình lập pháp, các cơ quan chuyên môn của QH đã chủ động tham gia cùng cơ quan soạn thảo ngay từ giai đoạn đầu của dự án luật. Đã từ khá lâu rồi, công việc thẩm tra các dự án luật của cơ quan chuyên môn của QH không chỉ dừng lại ở việc xem xét, thẩm tra hồ sơ dự án luật do cơ quan soạn thảo trình. Cơ quan thẩm tra cũng phải chủ động tổ chức các hoạt động khảo sát, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án luật, chủ động giám sát, tổng kết việc thực thi các quy phạm pháp luật hiện hành trước khi nhận được hồ sơ dự án luật. Vất vả hơn, mệt hơn nhưng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã, với tình trạng gửi hồ sơ dự án luật vừa chậm vừa thiếu, thậm chí có những dự án luật rất sơ sài như hiện nay thì các cơ quan của QH đành phải chấp nhận để bảo đảm chất lượng các dự án Luật. Điều đáng nói là, khối lượng công việc của các cơ quan chuyên môn của QH sẽ ngày một nhiều. Nếu cứ duy trì mãi tình trạng làm luật như hiện nay thì sức ép đối với các cơ quan của QH sẽ rất lớn...
Chia sẻ với tâm tư và những lo ngại của các cơ quan thẩm tra của QH, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ ngay sau Hội nghị này cần khẩn trương, rốt ráo chỉ đạo các cơ quan soạn thảo hoàn thiện các khâu chuẩn bị các dự án luật theo đúng tiến độ. Thông cảm với các cơ quan soạn thảo vì Chính phủ mỗi tháng chỉ họp một lần, phải xem xét rất nhiều vấn đề KT - XH trong bối cảnh lạm phát như hiện nay là rất nặng nhưng công tác lập pháp cũng không thể chậm trễ vì các dự án luật được đưa vào chương trình đều là những dự án mà cuộc sống đang đòi hỏi, cấp thiết. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, cần đổi mới cách làm ngay từ cơ quan soạn thảo và Chính phủ để bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án luật. Ví dụ, có thể tổ chức các hội nghị do một Phó thủ tướng chủ trì để bàn cụ thể về các luật... chứ không nhất thiết cứ dồn tất cả các dự án luật vào Phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Về lâu dài, từ khâu xây dựng dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, các cơ quan có liên quan, nhất là Ủy ban Pháp luật phải thẳng thắn và trách nhiệm với nhau. Phó chủ tịch QH nêu rõ: nếu dự án luật nào mà cơ quan trình chưa xác định được phạm vi điều chỉnh, chưa rõ chính sách pháp luật như thế nào thì dứt khoát không đưa vào chương trình lập pháp của QH.
Phải thẳng thắn và trách nhiệm với nhau. Quyết tâm bảo đảm tiến độ và chất lượng chương trình lập pháp của QH phải đến từ cả hai phía...
Bạch Long

No comments:

Post a Comment