Sunday, August 28, 2011

28/08 Nội hàm chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc

Chủ nhật, 28 Tháng 8 2011 00:00
EmailInPDF.
Bài viết của tác giả Phạm Sao Mai*phân tích quá trình hình thành, những nội dung của chiến lược “Phát triển hòa bình” của Trung Quốc, các nhóm phương thức sẽ sử dụng và và khả năng thành công của chiến lược này.Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc không mong muốn sử dụng phương thức chiến tranh nhưng ít có khả năng từ bỏ hoàn toàn phương thức sử dụng sức mạnh.

Chủ đề phát triển hòa bình tuy gần đây mới được Trung Quốc đề cập nhiều song trên thực tế không phải là vấn đề mới. Trong các học thuyết, tư tưởng triết học cổ đại và các triều đại Trung Quốc sau này đều đề cập tới nội dung phát triển và hòa bình. Tuy nhiên, nguồn gốc trực tiếp đưa đến quan điểm trỗi dậy hòa bình hoặc phát triển hòa bình như hiện nay bắt nguồn từ luận điểm của Đặng Tiểu Bình về hòa bình và phát triển trong những năm 1970. Tiếp theo, Đại hội 13 Đảng Cộng sản Trung Quốc (1987) lần đầu tiên xác định hòa bình và phát triển là chủ đề của thời đại. Luận điểm này được đề cập xuyên suốt đến Đại hội 16 (2002) nhưng là hai chủ đề riêng biệt và chưa gắn với chủ thể Trung Quốc.
Tháng 10/2003, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, giáo sư Trịnh Tất Kiên phát biểu công khai về khái niệm “trỗi dậy hòa bình" tại Diễn đàn Bác Ngao, nhấn mạnh "sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là bộ phận trỗi dậy hòa bình của châu Á". Sau đó tháng 12/2003, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức đề cập đến khái niệm "trỗi dậy hòa bình"[1]. Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận quốc tế và trong nước, Trung Quốc có điều chỉnh, tránh đề cập đến khái niệm "trỗi dậy hòa bình" và thay bằng "phát triển hòa bình". Tháng 4/2004, cũng tại Diễn đàn Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định Trung Quốc sẽ "kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình". Sau đó không lâu, tại Hội nghị Hội đồng Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Thượng Hải, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện phương châm đường lối "cải cách mở cửa, phát triển hòa bình". Từ đó đến nay, khái niệm "phát triển hòa bình" thường xuyên được sử dụng.
Tháng 12/2005, Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc ra sách trắng "Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007 đề ra quan điểm “phát triển khoa học xây dựng xã hội hài hòa", khẳng định "Trung Quốc trước sau không thay đổi đi theo con đường phát triển hòa bình"[2]. Chiến lược phát triển hòa bình cơ bản hình thành.
Đến nay, chưa thấy quan chức và học giả Trung Quốc nêu khái niêm tổng quát về chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc. Tuy nhiên, sách trắng "Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc" đã khái quát chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc với một số hàm ý sau: “Phát triển của Trung Quốc là trên cơ sở hòa bình ổn định, đồng thời lấy sự phát triển để bảo vệ hòa bình; Trọng điểm của phát triển là nâng cao sức mạnh quốc gia; Trung Quốc phát triển không cản trở và không đe dọa ai, không xưng bá”. Từ đó, sách trắng đề cập năm nội dung cốt yếu, đó là: (i) phát triển hòa bình là con đường Trung Quốc phải trải qua; (ii) lấy sự phát triển của Trung Quốc thúc đẩy hòa bình và phát triển của thế giới; (iii) dựa vào nội lực và cải cách sáng tạo để thực hiện phát triển; (iv) thực hiện cùng có lợi, cùng thắng và cùng các nước phát triển; (v) xây dựng thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài và cùng phồn vinh.
Trên cơ sở năm điểm này của sách trắng cùng các phát biểu của lãnh đạo và học giả Trung Quốc về trỗi dậy hòa bình, có thể rút ra một số nội dung cụ thể của khái niệm chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc như sau:
Thứ nhất, không ngừng nâng cao quốc lực tổng hợp trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế và thực hiện bốn mục tiêu hiện đại hóa.
Thứ hai, thúc đẩy cải cách chính trị, xây dựng hệ thống pháp luật tương ứng với tình hình phát triển kinh tế xã hội, tăng cường giám sát các hoạt động chấp pháp, mở rộng dân chủ cơ sở, xây dựng văn minh.
Thứ ba, xây dưng trật tự chính trị kinh tế quốc tế mới, cụ thể là: (i) về chính trị, các nước không được áp đặt ý chí cho Trung Quốc; (ii) về kinh tế, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển để giảm chênh lệch giàu nghèo; (iii) về văn hóa, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh; (iv) về an ninh, tạo dựng quan niệm an ninh mới tin cậy, bình đẳng và cùng có lợi; (v) về cơ chế, tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác.
Trung Quốc nhấn mạnh chủ trương thay đổi và phát triển trật tự quốc tế hiện nay bằng biện pháp hòa bình, phản đối giải quyết vấn đề bằng bạo lực và xung đột bạo lực, tích cực tham gia xây dựng các thể chế quốc tế, nâng cao khả năng đề xuất sáng kiến xây dựng thể chế quốc tế, chủ động đưa ra ý tưởng về trật tự thế giới trong tương lai, bao gồm trật tự an ninh quốc tế, thương mại quốc tế và tài chính tiền tệ, duy trì hiệu quả và thúc đẩy hơn nữa ý tưởng về thể chế hóa hòa bình quốc tế, thúc đẩy phát triển văn minh và dân chủ chính trị quốc tế[3] theo hướng ngày càng có lợi cho Trung Quốc.
Thứ tư xây dựng tư duy quan điểm an ninh mới, trong đó nhấn mạnh an ninh và phát triển của Trung Quốc không thể tách rời hòa bình, an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc cùng các nước châu Á - Thái Bình Dương xây dựng môi trường an ninh khu vực lành mạnh, ổn định. Quan điểm an ninh mới của Trung Quốc sẽ giảm bớt tư duy ý thức hệ, tăng cường thực hiện an ninh tổng hợp. Một số học giả Trung Quốc cho rằng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự xuất hiện và tác động lẫn nhau của những mô hình mới về quan hệ an ninh chứng tỏ tu duy Chiến tranh lạnh đang giảm dần và quan điểm về an ninh mới phát huy vai trò ngày càng lớn hơn[4].
Thứ năm, thực thi chiến lược đối ngoại trên quan điểm lợi ích mới,tránh định kiến chính trị, sai lệch chính trị; thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn minh, chế độ chính trị; chống áp đặt quan niệm giá trị và thể chế chính trị. Đặc biệt cần có tầm nhìn lâu dài và sâu rộng hơn về lợi ích quốc gia trong mối quan hệ với lợi ích của thế giới.
Thứ sáu xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, tham gia sâu vào các cơ chế kinh tế và chính trị quốc tế và việc giải quyết những vấn đề lớn của quốc tế. Việc tạo dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm sẽ giúp gạt bỏ những nghi ngờ của các nước về vai trò của Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh cũng như các vấn đề khu vực
Từ đó có thể khẳng định mục tiêu xuyên suốt trong phát triển của Trung Quốc là đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới và xác lập vai trò nước lớn của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai mục tiêu này gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau. Đây là nhân tố bất biến trong chiến lược phát triển của Trung Quốc. Nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trên, Trung Quốc sẽ tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp cả về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại như sau:
(i) Nhóm biện pháp về chính trị
- Tích cực xây dựng mô hình phát triển đặc sắc Trung Quốc trên ba mặt sau:
Nhìn từ góc độ và ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội, mô hình Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề mà mô hình Liên Xô không thể giải quyết được.
Nhìn từ góc độ phát triển của văn minh nhân loại, phải giải quyết vấn đề mà mô hình phương Tây, đặc biệt là mô hình Mỹ không thể giải quyết ví dụ như những vấn đề nghiêm trọng phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, vấn đề chủ nghĩa bá quyền trong quan hệ quốc tế.
Phải giải quyết các vấn đề then chốt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc, ví dụ như vấn đề chênh lệch thu nhập quá lớn, vấn đề tham nhũng; đồng thời có khả năng giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn mang tính toàn cầu.
- Xây dựng thể chế chính trị mới phù hợp với trình độ phát triển của Trung Quốc. Nhiều học giả cho rằng thể chế chính trị của Trung Quốc trong tương lai có thể là "sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống (đặc biệt là tư tưởng Nho giáo), chủ nghĩa cộng sản và văn hóa phương Tây"[5]. Vận hành của hệ thống chính trị của Trung Quốc không dựa vào tranh luận chính sách giữa các đảng đối lập mà là tầng lớp lãnh đạo thông qua việc tập hợp ý kiến từ dưới lên để định ra một cương lĩnh chính thể, đồng thời quần chúng nhân dân có thể tham chính, nghị chính để đạt được sự thống nhất ý kiến từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới[6].
(ii) Nhóm biện pháp về kinh tế
- Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở mức độ cao, rút ngắn khoảng cách sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc so với Mỹ, trở thành cường quốc có năng lực chủ đạo trên cơ sở sức mạnh tổng hợp hùng mạnh, trong đó: đứng đầu thế giới về GDP, đứng đầu thế giới về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, đứng hàng đầu thế giới về thực lực khoa học - công nghệ, trở thành nước lớn về ứng dụng kỹ thuật, chiếm vị trí hàng đầu trong một số lĩnh vực khoa học quan trọng.
- Nâng sức cạnh tranh quốc tế lên vị trí đứng đầu thế giới, chiếm giữ lợi thế trong tình hình thế giới có biến động lớn, cạnh tranh gay gắt, nhất là trên bốn lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng; khoa học - công nghệ và giáo dục.
- Duy trì phát triển bền vững về kinh tế, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, cải thiện chỉ số phát triển con người, chất lượng đời sống vật chất, an ninh con người và môi trường sinh thái.
Để thực hiện các biện pháp lớn về kinh tế trên đây, trước mắt Trung Quốc cần: Tiếp tục đẩy mạnh các bước đi cải cách kinh tế, phát triển hài hòa, qua đó duy trì kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong một thời gian dài; Đẩy nhanh sự chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng kích thích nội nhu, dựa vào nội nhu để thúc đẩy phát triển; Đồng thời giải quyết tốt vấn đề thiếu hụt tài nguyên, đất đai và lương thực và tìm tòi đường phát triển liên tục; Tiếp tục tranh thủ vốn, công nghệ cao của nước ngoài; Xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại hoàn chỉnh, tích cực triển khai "Chiến lược đi ra ngoài ', kết hợp mở rộng đầu tư, hỗ trợ vốn tại các thị trường bên ngoài, vừa đa dạng hóa nguồn lợi nhuận, vừa.mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại các khu vực; Không ngừng nâng cao năng lực phát triển quốc gia phù hợp với các đòi hỏi của quốc tế.
(iii) Nhóm biện pháp quân sự
- Đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quốc phòng, không ngừng nâng cao sức mạnh để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về quân sự. Đây là một trong những biện pháp chiến lược luôn được Trung Quốc đề cao. Theo quan điểm của một số học giả Trung Quốc, Trung Quốc không nhất thiết sử dụng biện pháp quân sự trong quá trình phát triển, nhưng cần phải có sức mạnh răn đe cần thiết và cần phát triển sức mạnh quân sự. Có quan điểm cho rằng Trung Quốc muốn "trỗi dậy hòa bình" thì phải "trỗi đậy về quân sự"; sự trỗi dậy về kinh tế mà không có trỗi dậy về quân sự là sự trỗi dậy nguy hiểm bởi vì nó sẽ khiến cho một dân tộc trở thành dân tộc kinh tế". Do vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc cần có sự thống nhất giữa "phú quốc" với "cường binh"[7]. Theo đó, chi phí quốc phòng Trung Quốc sẽ tiếp tục được nâng cao, có thể sau này sẽ chiếm khoảng 2 - 2,5% GDP.
- Bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng; tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển; thúc đẩy hòa giải tiến tới thực hiện thống nhất hòa bình Đài Loan tuy nhiên không từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết.
- Từng bước chuyển trọng tâm chiến lược từ "phòng ngự lãnh thổ” sang “bảo vệ lợi ích”; cơ cấu lực lượng quân sự từ “đại lục quân” chuyển sang nhất thể hóa hải quân – không quân – vũ trụ - tin học. Về xây dựng năng lực tác chiến, chuyển từ “lấy thực chiến làm chính” sang “lấy răn đe làm chính”, xây dựng lực lượng quân đội hung mạnh tương xứng với địa vị quốc tế của Trung Quốc, có khả năng bảo đảm hiệu quả an ninh quân sự[8].
(iv) Nhóm biện pháp đối ngoại
-Xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ tương đối ổn định với các nước lớn chủ yếu trên thế giới, đặc biệt là Mỹ trên mặt trận chiến lược, ngoại giao, kinh tế, đồng thời mở rộng không gian an ninh và phát triển của Trung Quốc, tăng nhanh ảnh hưởng đối với thế giới thứ ba.
- Chủ động tham dự các thể chế an ninh đa biên và hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, nhất là trong việc quyết định những vấn đề lớn của thế giới; tích cực phát huy tác dụng của tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế bảo vệ hòa bình và phát triển của thế giới.
- Xử lý tốt mối quan hệ giữa "giấu mình chờ thời" và "làm nên sự nghiệp”
- Phát triển chiến lược văn hóa, xây dựng chiến lược văn hóa đối ngoại, tạo ra sức ảnh hưởng to lớn của nền văn hóa Trung Quốc trên thế giới.
Về phương thức trỗi dậy của Trung Quốc, các nhà chính trị và học giả thế giới có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, trong đó có một số dự báo đáng chú ý:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng Trung Quốc có thể không dùng đến biện pháp chiến tranh như các nước đế quốc trước đây, nhưng biện pháp sử dụng sức mạnh cứng để vươn lên là không thể tránh khỏi.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng Trung Quốc không thể thoát khỏi phương thức trỗi dậy của một số nước trước đây, có thể dùng biện pháp chiến tranh để phân chia lại phạm vi ảnh hưởng, thị trường hoặc để xây dựng một trật tự thế giới mới phục vụ cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
- Loại ý kiến thứ ba cho rằng cách thức Trung Quốc trỗi dậy sẽ có sự pha trộn giữa phương thức truyền thống của các đế chế Trung Hoa trước đây và mô hình trỗi dậy của Mỹ, trong đó việc quyết định phương thức nào sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của từng giai đoạn phát triển[9].
Điểm đáng chú ý là trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự lệ thuộc và đan xen lợi ích giữa các nước ngày càng lớn, đồng thời từ kinh nghiệm thành công và thất bại của một số mô hình trỗi dậy các nước cũng như các bài học về an bang trị quốc của các triều đại phong kiến Trung Quốc trước đây, có thể khẳng định Trung Quốc sẽ rất linh hoạt trong việc xác định phương thức trỗi dậy. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt với các nước trước đây, rất khó nhận định, thể hiện ở bốn điểm sau:
Một tà, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một hình ảnh "trỗi dậy lương thiện", rất khó để các nước định tính cho Trung Quốc. Đến các thế lực chính trị bảo thủ nhất ở Mỹ cũng khó định nghĩa một cách đơn giản Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ. Tổng thống Bush từng nói: "Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ song phương phức tạp nhất, là mối quan hệ không phải bạn cũng không phải thù, lại vừa là bạn vừa là thù[10]. Kissinger cũng cho rằng "chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, chúng ta phân loại các quốc gia dựa vào hành động của họ chứ không phải là ý thức hệ, đặc biệt là với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”[11].
Hai là, Trung Quốc kiên trì "trỗi dậy mềm". Trong cuốn "Chiến lược cường quốc của Trung Quốc”, Trưởng ban nghiên cứu Đông Á, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản cho rằng, điều mà Trung Quốc cảnh giác nhất là sự va chạm với Mỹ, vì thế họ phải tăng cường mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế, các vấn đề như an ninh Đông Á, vấn đề Đài Loan để tránh đối kháng trực tiếp[12]. Về mặt chiến lược, Trung Quốc nhấn mạnh chủ nghĩa phối hợp, chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực, tạo dựng môi trường bên ngoài có lợi, xây dựng cơ chế tồn tại cùng phụ thuộc, hợp tác dưới khẩu hiệu các bên cùng thắng. Nói cách khác, đây là sách lược "lấy nhu thắng cương" để tránh sự phản công của Mỹ.
Ba là, Trưng Quốc cố gắng "trỗi dậy trong hệ thống", rất khó để phản đối. Trung Quốc đã hội nhập với thế giới, đi vào quỹ đạo quốc tế, phát triển trong cùng một hệ thống với Mỹ, trỗi dậy trên cùng một vũ đài chứ không phải là tự lập một hệ thống riêng, như vậy vừa không phải mất chi phí thiết lập một hệ thống, vừa tiết kiệm được phí bảo vệ thể chế đó, không phải gánh chịu rủi ro vì phải thách thức với thế giới, đối kháng với hệ thống thế giới.
Trong điện mật của Đại sứ quán Mỹ tại Xinh-ga-po do mạng Wikileaks tiết lộ gần đây, ngày 30/5/2009, Cựu Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Quang Diệu nói với Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Steinberg: "Trung Quốc đang đi theo con đường giống như trong bộ phim truyền hình nhiều tập "Sự hưng thịnh của các cường quốc" đang phát trên truyền hình Trung Quốc. Người Trung Quốc... đã tránh được sai lầm mà Đức và Nhật Bản mắc phải là dám thách thức với trật tự thế giới đang tồn tại"[13].
Bốn là, Trung Quốc tiến hành "trỗi dậy cùng có lợi", trói chặt lợi ích của Mỹ và phương Tây. Sự gắn kết về lợi ích sẽ làm cho quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây hoặc cùng phồn vinh, hoặc cùng thương vong, khiến Mỹ và phương Tây khó gây lổn hại đến Trung Quốc. Ở một ý nghĩa nhất định, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng mang lại lợi ích cho Mỹ và các nước phương Tây khác, nhất là trong kinh tế và trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tóm lại, xét các nguồn lực của Trung Quốc hiện nay cũng như tiềm năng phát triển của Trung Quốc trong tương lai, có thể thấy nước này có đủ khả năng để thực hiện mục tiêu trỗi dậy. Xét tương quan so sánh lực lượng trên thế giới hiện nay, ngoài Trung Quốc, chưa có nước nào có khả năng trở thành siêu cường sánh ngang Mỹ. Các nhận định đánh giá của cộng đồng quốc tế về tương lai phát triển của Trung Quốc rất đa dạng, thậm chí đối lập nhau, nhưng xu thế chung là ngày càng có nhiều dự báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong tương lai. Có thể trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc không mong muốn sử dụng phương thức chiến tranh như các nước đế quốc trước đây nhưng ít có khả năng từ bỏ hoàn toàn phương thức sử dụng sức mạnh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa những cơ hội và thách thức này. Cách hành xử của cộng đồng quốc tế, trước hết là Mỹ, phương Tây và các nước châu Á, là nhân tố quan trọng tác động tới phương thức trỗi dậy của Trung Quốc. Cần có cách nhìn biện chứng, khách quan để tác động tích cực tới quá trình trỗi dậy này./.
Phạm Sao Mai
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, số 1 (84), 3/2011: 63 - 74


* Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao. Những quan điểm được nêu ra trong bài viết này là quan điểm riêng của tác giả.
[1] Tháng 12/2003, trong bài phát biểu tại Đại học Havard, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề cập "Trung Quốc ngày nay là một nước lớn cải cách mở cửa và trỗi dậy hòa bình". Cũng trong tháng 12/2003, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào trong phát biểu tại tọa đàm kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông đã nhấn mạnh “Trung Quốc phải kiên trì đường lối phát triển trỗi dậy hòa bình".
[2] Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 17.
[3] Vương Phàm, “Chiến lược nước lớn hòa bình của Trung Quốc”, Tạp chí Đương đại, ngày 17/3/2010
[4] Giang Tây Nguyên – Hạ Lập Bình, Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, Quyển 1, 2007, tr.435
[5] Xem Tạp chí Issues & Study, số 15/2009.
[6] Olded Shenkar, Thế kỷ 21 Thế kỷ của Trung Quốc, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2008, tr. 87.
[7] Lưu Minh Phúc, Trung Quốc mộng, sđd, tr. 212.
[8] Huang Yingxu – Wang Donghua, “Nhìn lại quết sách cường quân vệ quốc của Trung Quốc mới:, Liêu Vọng, số 31, 2009, tr.34.
[9] Tạp chí Issues Study, số 4/2009.
[10] Tạp chí Tri thức thế giới, số 11/2008.
[11] Tạp chi Tân Hoa Văn Trích số 9/2008.
[12] Tạp chi Gaiko Forum, số 3/2009.
[13] Tài liệu Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao, ngày 21/2/2010.

No comments:

Post a Comment