Monday, September 12, 2011

12/09 Lạm phát do đâu?


▪  DƯƠNG NGỌC
12/09/2011 10:04 (GMT+7)
 
Năng suất lao động xã hội của Việt Nam năm 2010 đạt 40,3 triệu đồng/người, chỉ tương đương với 2.067 USD, thấp xa so với các con số tương ứng của một số nước - Ảnh: Getty.
Câu hỏi này được đặt ra chủ yếu cho thời kỳ gần đây, đặc biệt là một năm qua.

Tuy nhiên, lạm phát có những nguyên nhân chung, có nguyên nhân sâu xa, tiềm ẩn từ thời gian trước và do có độ trễ của chính sách, nên cần xem xét diễn biến trong thời gian dài.

Diễn biến lạm phát

Trong 36 năm qua (tính từ năm 1976), lạm phát tại Việt Nam chỉ có 1 năm giảm (2000), 12 năm tăng 1 chữ số, 20 năm tăng 2 chữ số, 3 năm tăng 3 chữ số.

Thời kỳ 1976-1985, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế tăng trưởng chậm, có năm bị giảm, làm mất cân  đối cung cầu (thiếu cung), tiền nhiều hơn hàng.

Thời kỳ 1986-1991, lạm phát phi mã, trong đó 1986-1988 tăng tới 402,1%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế bị khủng hoảng, tăng trưởng thấp, làm cho thị trường bị thiếu cung, tiền nhiều hơn hàng. Có một nguyên nhân quan trọng là việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hầu hết những mặt hàng bao cấp hiện vật bằng tem phiếu định lượng trong thời kỳ trước, tạo ra mặt bằng giá chung mới cao hơn nhiều.

Thời kỳ 1992-1995, lạm phát còn cao, nhưng đã thấp hơn nhiều so với các thời kỳ  trước. Nguyên nhân chủ yếu do cung đã tăng (tăng trưởng kinh tế 1991-1995 đạt 8,2%/năm, đặc biệt lương thực vượt nhu cầu trong nước, đã có xuất khẩu với khối lượng lớn; Chính phủ đưa ra phương châm: đối với ngân sách thì thu lấy mà chi; đối với ngân hàng thì vay lấy mà cho vay-có nghĩa là Nhà nước không phát hành tiền cho bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt.

Thời kỳ 1996-2003 được coi là thiểu phát, khi CPI tăng rất thấp (mặc dù năm 1998 tăng cao 9,2% do tác động của khủng hoảng khu vực, với tỷ giá năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,6% và giá lương thực tăng 23,1%, giá thực phẩm tăng 8,6%. Nhưng nhìn chung cả thời kỳ này đã có 3 năm, trong đó có 1 năm giảm, 2 năm tăng thấp; giá lương thực, thực phẩm giảm hoặc tăng thấp.

Thời kỳ từ 2004 đến nay là thời kỳ lạm phát cao trở lại, gần như lặp đi lặp lại, cứ 2 năm tăng cao mới có 1 năm tăng thấp hơn. 

Năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, thì năm 2006 tăng 6,6%. Năm 2007 tăng 12,63%, năm 2008 tăng 19,89%, thì năm 2009 tăng 6,52%. 

Năm 2010 tăng 11,75%, năm 2011 sau 8 tháng đã tăng 15,68% (nếu tính theo năm thì tháng 8/2011 so với cùng kỳ năm trước đã tăng tới 23,02%). Dự báo cả năm phải phấn đấu tích cực mới ở mức 18% (nếu theo “quy luật” trong mấy năm qua thì khả năng năm 2012 sẽ tăng thấp hơn và từ đó có thể nhận thấy việc Chính phủ đưa ra chỉ tiêu dưới 10% của năm 2012 là có tính khả thi).

Nguyên nhân

Lạm phát về thực chất là sự mất giá của đồng tiền so với hàng hóa, dịch vụ, với nguyên nhân tổng quát là mất cân  đối giữa tổng cung và tổng cầu, mà biểu hiện của nó là mất cân đối tiền-hàng: tổng cung cao hơn tổng cầu, tiền nhiều hơn hàng thì lạm phát (còn tổng cung ít hơn tổng cầu, tiền ít hơn hàng thì thiểu phát). 

Nguyên nhân chủ yếu của lạm phát bao gồm những yếu tố tác động đến hai vế của quan hệ cân đối này, tức là các yếu tố tác động đến tổng cung, đến hàng và các yếu tố tác động đến tổng cầu, đến tiền. 

Xét theo các mặt này, thì các nguyên nhân của lạm phát thời gian qua bao gồm các yếu tố sau.

1. Xét tổng quát là sản xuất trong nước chưa đủ cho đầu tư và tiêu dùng cuối cùng, hay đầu tư và tiêu dùng vượt qua sản xuất lên đến trên dưới 10% hàng năm, phải nhập siêu, phải vay nợ từ nước ngoài để bù đắp. 

Khi tổng cầu vượt quá tổng cung thì Việt Nam không chỉ ở vị thế nhập siêu, mà còn rất dễ rơi vào lạm phát cao, nếu có sự bất ổn ở bên ngoài (khủng hoảng, lạm phát...) và có trục trặc ở bên trong (thiên tai, dịch bệnh, bất ổn vĩ mô...). 

Vốn đầu tư/GDP gia tăng từ 34,9% trong thời kỳ 1996-2000 lên 39,1% trong thời kỳ 2001-2005 và lên 43,5% trong thời kỳ 2006-2010. Tiêu dùng cuối cùng/GDP của Việt Nam đã tăng tương ứng từ 71,1% thời kỳ 2001-2005 lên 72,2% thời kỳ 2006-2010. 

Đây là tỷ lệ cao so với một số nước (năm 2009 của Việt Nam là 72,8%, trong khi của Brunei là 47%, Trung Quốc 48,7%, Singapore 52,4%, Malaysia 64%, Indonesia 68,2%, Thái Lan 68,3%, Ấn Độ 69,6%, Hàn Quốc 70,3%...). 

Tiêu dùng cuối cùng/GDP của Việt Nam cao và tăng lên, có một phần do quy mô GDP bình quân đầu người thấp, có một phần do tiêu dùng có xu hướng tăng lên; nhưng có một phần do đã xuất hiện tình trạng “ăn chơi sớm” và chuộng hàng ngoại của một bộ phận dân cư.

Do đầu tư và tiêu dùng cuối cùng vượt xa so với GDP, nên nhập siêu tăng lên qua các thời kỳ (thời kỳ 1996-2000 mới gần 9,4 tỷ USD, đã tăng lên trên 19,1 tỷ USD thời kỳ 2001-2005 và tăng lên gần 62,8 tỷ USD thời kỳ 2006-2010). 

Trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó đáng lưu ý có các mặt hàng mà một nước đi lên từ nông nghiệp phải nhập khẩu lớn như thủy sản, sữa và sản phẩm sữa, rau quả, ngô, dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu, cao su, gỗ và nguyên phụ liệu, đường, thịt; mà một nước có bờ biển dài nhưng phải nhập muối; một nước có tỷ lệ xuất khẩu/GDP cao, nhưng do tính gia công, lắp ráp cao mà nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn, như nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; một số loại hàng tiêu dùng có kim ngạch lớn, như điện thoại các loại và linh kiện, ô tô nguyên chiếc, xe máy nguyên chiếc, hóa mỹ phẩm... lên đến mấy tỷ USD.

2. Nguyên nhân tiềm ẩn, sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp. Hiệu quả đầu tư thấp thể hiện ở hệ số ICOR cao và tăng lên qua các thời kỳ (thời kỳ 1996-2000 là 5 lần, thời kỳ 2001-2005 lên 5,2 lần, thời kỳ 2006-2010 lên 6,2 lần, cao gấp đôi nhiều nước trong khu vực). 

Tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của Việt Nam từ năm 2003 trở về trước ở mức trên dưới 57%, từ 2004 đã giảm xuống nhưng vẫn ở mức trên dưới 40%, trong khi ICOR của khu vực này cao gấp rưỡi hệ số chung của cả nước. 

Năng suất lao động xã hội của Việt Nam năm 2010 đạt 40,3 triệu đồng/người, chỉ tương đương với 2.067 USD, thấp xa so với các con số tương ứng của một số nước (năm 2008 của Nhật Bản 73.824 USD, Brunei 72.500 USD, Singapore 62.724 USD, Hàn Quốc 38.235 USD, Malaysia 17.718 USD, Thái Lan 6.915 USD, Trung Quốc 5.460 USD, Indonesia 4.597 USD, Philippines 4.535 USD, Ấn Độ 2.706 USD...).

3. Tổng thu ngân sách/GDP của Việt Nam thuộc loại khá cao (mấy năm nay đạt trên dưới 28%), nhưng thu từ dầu thô, từ hải quan, thu từ  đất đai là những khoản không trực tiếp phản ánh hiệu quả kinh tế và có xu hướng giảm (thu từ dầu thô năm 2005 chiếm 29,2%, 6 tháng đầu năm 2011 chiếm 13,9%; thu từ hải quan, tương ứng chiếm 16,7% và 22,5%; thu từ đất đai chiếm khoảng 6-7%). 

Bội chi ngân sách/GDP từ năm 2006 trở về trước ở mức thấp, nhưng từ năm 2007 đến nay ở mức cao, tuy đã có xu hướng giảm xuống trong vài năm nay, nhưng vẫn thuộc loại cao. Trong tổng chi ngân sách, tỷ trọng chi cho đầu tư, chi cho lĩnh vực xã hội là cần thiết, nhưng thuộc loại cao, nhất là chi cho đầu tư công-thể hiện Nhà nước còn “ôm” nhiều quá mà cần khuyến khích các nguồn lực xã hội.

4. Tiền tệ là nguyên nhân trực tiếp và bộc lộ ra cuối cùng của lạm phát. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP.

Năm 2010 so với năm 2000, tín dụng cao gấp trên 13,7 lần, trong khi GDP chỉ gấp trên 2 lần; hệ số giữa tốc độ tăng của tín dụng và của GDP lên đến trên 6,2 lần-một hệ số rất cao. Do vậy, dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức khoảng 125%, cao gấp đôi con số tương ứng của nhiều nước. Cùng với tăng trưởng tín dụng là tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, mà tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam không chỉ là tiền đồng mà còn có vàng, có ngoại tệ.

5. Tình trạng vàng hóa và Đô la hóa khá cao, tác động tiêu cực đối với lạm phát trên 4 mặt. 

- Hút vào đây một lượng vốn lớn của xã hội mà không được đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm để cân đối với tiền. 

- Vàng và USD trở thành phương tiện thanh toán, làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng lên. 

- Giá vàng trong nước biến động, nhiều lần cao hơn giá vàng thế giới, tác động tới nhập lậu, kéo tỷ giá biến động theo. Khi giá vàng và tỷ giá tăng cao lại tác động đến tâm lý, đến lòng tin vào đồng nội tệ... 

- Tỷ giá tăng tuy khuyến khích xuất khẩu, nhưng lại làm khuyếch đại lạm phát ở trong nước và đây là yếu tố lạm cho lạm phát của Việt Nam cao hơn lạm phát của thế giới; làm tăng nợ quốc gia khi tính bằng VND.

6. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường khi chuyển sang kinh tế thị  trường là tất yếu, đúng hướng, là một nội dung quan trọng của đường lối đổi mới. Tuy nhiên, kết quả của việc thực hiện lộ trình này nếu thực hiện dồn dập cùng một lúc sẽ tạo ra mặt bằng giá mới cao hơn, như đã từng xảy ra trong thời kỳ lạm phát phi mã, hay vào tháng 2-3 vừa qua.

7. Giá cả thế giới tăng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đối với lạm phát ở trong nước xét trên các góc độ khác nhau. 

- Tỷ lệ xuất, nhập khẩu/GDP của Việt Nam đã tăng nhanh và hiện ở mức khá cao (năm 1992 đạt 51,6%, năm 1995 đạt 65,4%, năm 2000 đạt 96,5%, năm 2005 đạt 130,8%, năm 2010 đạt 154,4%, khả năng năm 2011 sẽ còn cao hơn)-tức là có độ mở khá cao, đứng thứ 5 thế giới-nên biến động giá cả trên thế giới sẽ tác động nhiều đến biến động giá ở Việt Nam hơn các nước khác.

- Giá thế giới tăng sẽ làm cho chi phí đẩy ở trong nước tính bằng VND tăng kép: vừa tăng do đơn giá tính bằng USD tăng, vừa tăng do tính bằng VND tăng.

8. Ngoài ra, cũng cần tính đến sự chuyển động của dòng tiền giữa các kênh đầu tư. Từ quý II/2007, thị trường chứng khoán sau khi lên đỉnh đã đao xuống mạnh, làm cho một lượng tiền lớn từ kênh này chuyển sang làm cho giá bất động sản bốc lên và giá tiêu dùng tăng cao vào cuối năm 2007, đạt đỉnh điểm vào năm 2008. 

Giá vàng, giá bất động sản tăng cao vào năm 2009, đầu năm 2010 cũng đã hút một lượng tiền lớn vào đây, nên CPI cũng tăng chậm lại. Từ cuối 2010, chứng khoán và bất động sản đều giảm, góp phần làm cho sức ép tăng giá tiêu dùng cao lên. Sự chuyển động của dòng tiền giữa các kênh cũng góp phần tạo lên sự cộng hưởng và chia sẻ dòng tiền với thị trường tiêu dùng.

Như vậy, lạm phát ở  Việt Nam do nhiều yếu tố. Các giải pháp kiềm chế lạm phát cần tác động vào các yếu tố đó.
 
Thảo luận (25 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Nguyễn Đại 09:54 (GMT+7) - Thứ Hai, 19/9/2011
Cám ơn tác giả bài viết đã đưa ra chủ để rất "nóng" hiện nay để mọi người có thể tham khảo, học hỏi.

Tôi đã đọc bài viết và các ý kiến, tất cả đều nói về nguyên nhân lạm phát NHƯNG không ai tìm hiểu về các biện pháp khắc phục lạm phát, những biện pháp nào đã được thực hiện, hiệu quả ra sao, có nên tiếp tục sử dụng hay không.

Mong tác giả sớm có bài viết về chủ đề "Biện pháp khắc phục lạm phát tại Việt Nam".
Bùi Bỉnh Luân 23:27 (GMT+7) - Chủ Nhật, 18/9/2011
Nhất trí với bài viết. Tuy nhiên, nguyên nhân bao trùm, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là từ con người.

Các nguyên nhân như: năng lực sản xuất của nền kinh tế yếu, hiệu qủa đầu tư và năng xuất lao động thấp, bội chi ngân sách cao, tốc độ tăng dư nợ tìí dụng lớn, thực hiện lộ trình tăng giá một số mặt hàng không phù hợp… có phần liên quan đến năng lực của con người. Có thể nói là do tự ta gây ra.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như: tình trạng độc quyền, đầu cơ, nâng giá cũng là những nguyên nhân gây tăng giá. Đăc biệt, tình trạng chấp hành luât pháp, quy định không nghiêm nhưng không bị xử lý cũng là nguyên nhân rất quan trọng.

Vì vây, để giải quyết lạm phát không thể chỉ bằng biện pháp kỹ thuật, mà điều chủ yếu là phải tử công tác cán bộ, phải nâng cao kỷ cương, phép nước.
Thu Hiền 18:40 (GMT+7) - Chủ Nhật, 18/9/2011
Bài viết rõ ràng nhưng phân tích chưa sâu.
Lê Văn Hồng 08:50 (GMT+7) - Thứ Bảy, 17/9/2011
Các vấn đề mà tác giả phân tích ở trên thì trong lý thuyết kinh tế đã nói hết rồi. Nguyên nhân căn bản, cốt lõi là do đầu tư công không hiệu quả, do tham nhũng, lãng phí, việc thực thi pháp luật không nghiêm dẫn đến buôn lậu, đầu cơ đẩy giá,.... Các vấn đề đó là rất nghiêm trọng phải không các bác?
Trịnh Hoàng Linh 10:03 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Gửi các bạn đọc,

Đã học kinh tế thì ai cũng biết lạm phát có 4 nguyên nhân chủ yếu:

1. Lạm phát do cung tiền.
2. Lạm phát do cầu kéo.
3. Lạm phát do chi phí đẩy
4. Lạm phát do kỳ vọng.

Trong số 8 nguyên nhân mà tác giả bài viết nêu thì có đến 6 nguyên nhân có liên quan đến lạm phát do cung tiền mà phần tác nhân quan trong đều do việc đầu tư công kém hiệu quả.

Tại nguyên nhân 1 đó là: Vốn đầu tư/ GDP cao.
Tại nguyên nhân 2 : Hiệu quả đầu tư và năng suất thấp->Đặc biệt ở DNNN
Tại nguyên nhân 3: Bội chị ngân sách cao-> CP thu chi không hiệu quả.
Tại nguyên nhân 4: Tăng trưởng dư nợ tín dụng nhanh hơn tăng trưởng GDP->DNNN chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng tin dụng
Tại nguyên nhân 5: Chính sách tài khoá và tiền tệ không ăn khớp nhau.
Tại nguyên nhân 6: Hiện tượng độc quyền của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Tại nguyên nhân 7: Quản lý việc xuất nhập khẩu không hiệu quả
Tại nguyên nhân 8: Quản lý đầu tư công không hiệu quả. Có hiện tượng sử dụng sai mục đích vốn của nhà nước..

Từ các lý do trên có thể thấy cách làm đơn giản nhất là hạn chế đầu tư công. Cái gì xã hội làm được thì để "Xã hội hoá"-Tư nhân làm. Cái gì các doanh nghiệp trong nước làm chưa tốt thì để doanh nghiệp nước ngoài làm.

Doanh nghiệp tên nước ngoài mà đăng ký tại Việt Nam thì cũng là doanh nghiệp Việt Nam. Họ nộp thuế cho chính phủ Việt Nam, tuyển dụng nhân công Việt, đóng góp vào GDP, làm việc hiệu quả hơn... tại sao lại hạn chế doanh nghiệp nước ngoài. Tại các nước kinh tế phát triển hầu như ranh giới phân biệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước là không tồn tại. Tự do và công bằng thương mại chính là nguồn cội của thịnh vượng.

Nói theo cách ví von thì trên sân bóng đá, chính phủ không thể vừa là trọng tài, vừa là cầu thủ. Chính phủ hãy là một trọng tài nghiêm mình và là nhà cung cấp các dịch vụ sân bãi, tiện ích cho các cầu thủ thi đấu.
Trung Vũ 19:58 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/9/2011
@Gửi bạn Midu:

Bạn có biết nguyên tắc đầu tiên của việc phá giá tiền là gì không? Đã phá thì phá giá cho đủ lớn và sau đó phải thể hiện được chính phủ có thể kiểm soát được tình hình. Việc điều chỉnh tỷ giá nhiều lần như bạn nói rất dễ gây kỳ vọng cho các lần điều chỉnh tiếp theo.
Anhnt 14:06 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/9/2011
Bài viết hay nhưng chưa đủ và chưa đi vào nguyên nhân chính.
Nguyễn Đình Lý 11:11 (GMT+7) - Thứ Tư, 14/9/2011
Bài viết rất hay. Nhưng vấn đề này không mới. Quan trọng là Nhà nước nên có những chính sách mới phù hợp không nên tập trung vào đặc quyền, đặc lợi của thiểu số mới phát triển được đất nước.
Midu 07:49 (GMT+7) - Thứ Tư, 14/9/2011
Ngoài yếu tố giá cả thế giới, đầu tư công kém hiệu quả thì theo tôi một yếu tố rất quan trọng khiến lạm phát tăng nhảy vọt là điều chỉnh tỷ giá. Tỷ giá được nâng lên một lúc 9,3% khiến cho mọi thứ đảo lộn. Nếu chúng ta nâng từ từ, ít một thì đáng lẽ không có chuyện lạm phát có tháng tăng xấp xỉ 3%.
Lê Vinh 07:40 (GMT+7) - Thứ Tư, 14/9/2011
Bài viết rất hay, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết. Chúng ta cần những phân tích và kết luận thực tiễn.

Các bác sĩ có thể nói hàng giờ với đủ thứ nguyên nhân của triệu chứng sốt. Thế nhưng bác sĩ giỏi là bác sĩ có thể chẩn đoán đúng: bệnh nhân A này sốt do bệnh gì, chữa như thế nào.

Tương tự, chúng ta phải trả lời được câu hỏi: vậy lạm phát hiện nay do nguyên nhân nào là chính, khắc phục như thế nào. Chứ cứ siết chặt cung tiền như hiện nay chỉ giống như uống thuốc giảm sốt, có khi làm tổn hại nền kinh tế trong dài hạn.
Lê Minh Châu 16:01 (GMT+7) - Thứ Ba, 13/9/2011
Tôi cũng đồng ý với bạn Phương, nên thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề nội tại hơn là mổ xẻ những nguyên nhân, ảnh hưởng từ bên ngoài vì nước nào mà chẳng chịu tác động chung như thế.

Tác động của kinh tế toàn cầu là giống nhau nhưng ngay cả các nước trong khu vực cũng có tỷ lệ lạm phát thấp hơn nước ta.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng gốc rễ của mọi vấn đề là đầu tư công và quản lý đầu tư công không hiệu quả, cơ cấu tăng trưởng thiếu bền vững, sản xuất không đáp ứng nhu cầu trong nước luôn gây thâm hụt thương mại, cải cách doanh nghiệp nhà nước – khu vực chiếm đa phần vốn đầu tư của nhà nước, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao – diễn ra hết sức ì ạch.

Nói vậy nhưng ‘sờ’ đến đâu cũng có vấn đề. Mà vấn đề lớn nhất và không thể giải quyết được là sức ì của con người. Nếu không thế thì tại sao các nước khác người ta giải quyết được vấn đề lạm phát, môi trường, vấn đề phát triển khoa hoc công nghệ, và bao nhiêu vấn đề thậm chí ở tầm thế giới nữa còn ta thì không.
Victor 15:11 (GMT+7) - Thứ Ba, 13/9/2011
Còn 1 nguyên nhân chủ quan và quan trọng nhất: CON NGƯỜI.

Đó là những cán bộ quản lý kinh tế trình độ thấp, tham nhũng để cho lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân đứng trước lợi ích quốc gia nên mới dẫn đến các nguyên nhân trên. Các nguyên nhân trên không phải từ trên trời rơi xuống hoặc từ dưới đất ngoi lên. Nói như thần Kim Quy "Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó!".
Phương 09:38 (GMT+7) - Thứ Ba, 13/9/2011
- Xin đừng nói lạm phát là do chi phí tăng. Cả thế giới chịu giá dầu, giá vàng, giá lương thực tăng nhưng chả có ở đâu lạm phát cao như Việt Nam. Vậy nguyên nhân chính nằm ở Việt Nam mà thôi.

- Xin đừng bao giờ đổ thừa vàng hóa và đô la hóa. Nếu tôi cầm tiền đi mua vàng, không phải tôi chôn vốn chết mà là tôi đã đưa thêm tiền cho ông SJC kinh doanh. ngược lại nếu tôi bán vàng lấy tiền để tôi kinh doanh thì tức là ông SJC hay ông nào đó mua vàng phải bớt ít vốn kinh doanh của họ để trả cho tôi. Tiền vẫn lưu hành trong nền kinh tế, chả ai chôn vốn chết gì cả. Muốn mua vàng thì phải có tiền, nên cũng chả tự dưng mà đẻ ra thêm phương tiện thanh toán.

- Cái nhãn tiền ai cũng trông thấy, đó là tình trạng đào đường ở các thành phố lớn. Mỗi năm mỗi đào, có năm một con đường được đào lên lấp xuống vài ba lần. Tức là thay vì nước khác người ta chỉ tốn 1 đồng đào đường thì ta tốn 5-10 đồng... Nói tóm lại là thông qua con đường đầu tư công mà chúng ta vứt đi rất nhiều công sức và của cải của xã hội. Thành ra tiêu dùng cao mà cung lại ít. Không lạm phát mới lạ.

- Đầu tư công hô hào mãi nhưng thống kê lại thì mãi không giảm. Giải pháp có nhưng không làm, vậy có nên bàn suông mãi không.
Hoàng 08:59 (GMT+7) - Thứ Ba, 13/9/2011
Ngạc nhiên về ý kiến của bạn Loan, bravo. Căn nguyên gốc rễ đấy. Những cái khác chỉ là ăn theo.

Chúc bạn có những bài viết sắc sảo thêm để chúng tôi học tập.
CaHN 08:38 (GMT+7) - Thứ Ba, 13/9/2011
Pvd nói đúng.
Loan 22:19 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Theo tôi, bài viết trên đã khái quát tương đối đầy đủ về nguyên nhân của lạm phát, nhưng chúng ta cần nhấn mạnh yếu tố: quá đề cao chỉ tiêu đạt được gây nhầm phuơng hướng cho chính sách vĩ mô, và yếu tố mất cân bằng cơ cấu trong nền kinh tế mang tính gốc rễ chưa được sửa chữa từ xưa đến nay.
ĐV 22:05 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Thực trạng hiện nay đó là chúng ta sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Tôi thực sự rất buồn, không một công trình nào mà tôi ưng ý.

Nếu anh làm tốt, anh hoàn thiện đường xá, quy hoạch thành phố như nước ngoài thì hàng tháng có bắt chúng tôi đóng lệ phí đường xá chúng tôi cũng sẵn sàng, nhưng không, ai cũng tham của riêng, đâu cần biết con cháu mình mai sau là người gánh chịu đâu. Chung cư hời hợt dở khóc dở cười. Mua thì vài năm xuống cấp, trước khi mua thì nói ngọt, hứa ngọt nhưng khi ở thì nhận toàn trái đắng. Thị trường chứng khoán hỗn loạn như 1 cái chợ, bị thao túng thô thiển...

Tôi hoàn toàn ủng hộ hướng tới 1 hệ thống ngân hàng lành mạnh với các văn bản Basel I và II. Hiện tại nhiều người dân đang mất lòng tin vào tiền VNĐ.
Yến 18:34 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Những nhân tố này chắc là không sai nhưng có lẽ chưa đủ để nói về nguyên nhân lạm phát trong xã hội VN.

Những yếu tố như niềm tin của công chúng vào cuộc sống xã hội, nạn tham nhũng, bất công, thiếu rõ ràng, minh bạch trong xã hội cũng là những nhân tố tạo ra lạm phát khó có thể kiềm chế.

Những vấn đề này chủ yếu phát sinh từ khu vực nhà nước, thể hiện khả năng quản lý điều hành và hệ thống quản lý không ổn.
Hoàng 17:37 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Theo tôi, quan trọng nhất là đồng Việt Nam là đồng tiền yếu - tính thanh khoản quốc tế gần như bằng không.

Và các con buôn dễ dàng nhìn thấy điều này.
Ng Th 16:21 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Tôi xin chia sẻ những nguyên nhân lạm phát ở VN, mong cac ban đóng góp:

- Giá dầu và giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao trong những năm gần đây (2007 đến nay, lúc VN hội nhập sâu) do kinh tế -xã hội thế giới bất ổn.

- Giá lương thực tăng cao do khủng hoảng lương thực thế giới ( công nghiệp hóa và thiên tai).

- Cung tiền VNĐ tăng nhanh và sử dụng vốn kém hiệu quả, nợ xấu hệ thống NHTM tăng cao, một số tập đoàn nhà nước, DNNN vay vốn lớn nhưng kinh doanh không hiệu quả, nhiều vụ án phá sản liên quan đến cán bộ ngân hàng, tiền ra khỏi NH không quay về.

- Chạy theo tăng trưởng nhanh, đầu tư công kém hiệu quả, phân tán, manh mún, nhiều công trình dở dang chậm đưa vào sử dụng, tiền ra không có hang cân đối.

- Bội chi ngân sách mức độ cao >5% GDP và kéo dài liên tục, hiệu quả phân bổ NSNN không cao, các địa phương mang tính ỷ lại vào sự phân phát của trung ương.

- Bong bóng bất động sản, kéo mặt bằng giá cả vật tư, nguyên vật liệu tăng theo…kéo theo sự giàu có bất thường hoặc bất ngờ một số đại gia, dẫn đến tiêu dùng hàng cao cấp tăng, nhập siêu tăng, phá giá tăng.

- Đầu tư nước ngoài tăng, kéo theo cung tiền VNĐ tăng (mua ngoại tệ), tăng giá BĐS,…chuyển giá trốn thuế, làm tăng giá thành trong nước…

- Nhập siêu liên tục và kéo dài, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai ở mực độ nguy hiểm >7% GDP..kéo theo phá giá nội tệ liên tục, tỷ giá USD/VNĐ = x liên tục điều chỉnh tăng gây sốc giá trong nước (lạm phát kép).

- Hệ thống kiểm soát giá kém, nhiều cơ quan quản lý giá nhưng thiếu sự phối hợp, giá cứ tăng nhưng không hiểu tại sao?

- Chủ động điều chỉnh giá (xăng dầu, điện, nước, than..) theo cơ chế thị trường.

- Hệ thống bản lẻ, phân phối thu mua kém hiệu quả, trong khi giá cả tại các chợ thì không quản lý được.

- Giới đầu cơ, phao tin đồn nhảm và lũng đoạn giá có quá nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam, nhưng biện pháp quản lý thì kém, xử phạt còn nhẹ và không nghiêm minh, giám sát không thường xuyên.
Lê Xuân Hân 15:46 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Bài viết hay nhưng chưa đủ.
Nguyên Hà 15:41 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Một bài viết rất hay, nhưng sao không đưa ra vài giải pháp để khắc phục. Lạm phát ở Việt Nam là siêu lạm phát, nên nguyên nhân cũng phải nhiều hơn, giải pháp đưa ra chắc cũng rất khó.
pvd 11:16 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Lạm phát có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nếu nói trong một thời gian dài “trong 36 năm qua” thì nên đánh giá khái quát hơn: tổng số tiền lưu hành trên thị trường gia tăng lớn hơn số lượng giá trị gia tăng có được từ sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Thực vậy.

Nếu nói vì thiên tai thì thiên tai thì với 36 năm mọi nền kinh tế đều phải coi đó là yếu tố tất yếu, phải được tính đến, phải khắc phục.

Nếu nói vì kinh tế thế giới thì sau vài cuộc kinh tế thé giới khủng hoảng thì cũng bấy nhiêu lần kinh tế thăng hoa trong 36 năm đó rồi.

Nếu nói vì tăng trưởng đầu tư thái quá thì dồn lại sau 36 năm với hai chữ số của đầu “thái quá” hiện tại không thể lý giải “hợp lý” cho mức lạm phát 36 năm cộng lại.

Cũng không thể đổ tội cho ngành tín dụng hay các kênh cung ứng vốn mới toe của nền kinh tế, chẳng nhẽ 36 năm qua họ luôn là các tội đồ?

Càng không thể nói rằng dân ta chi tiêu quá mức khiến kinh tế ngày càng xuy xụp. Không có đâu, dân ta chịu khó tích cóp lắm, còn khối vàng trong dân cơ mà!

Vậy chung nhất là cái gì?

Chung nhất, sâu xa nhất, sai lầm của chúng ta: Đó là ta luôn coi Nền kinh tế là của Nhà nước, trong khi – thực chất – Nhà nước là của Nền kinh tế.

Thực chất nền kinh tế là cơ sở hình thành nhà nước. Nền kinh tế phải cần đến nhà nước như một công cụ không thể thiếu của nó. Do đó Nền kinh tế phải “nuôi” Nhà nước, phải cung cấp đủ tiền cho Nhà nước để Nhà nước hoạt động.

Thực tiễn luôn là như vậy, điều ngược lại vô lý và không thể.
Nhưng trong 36 năm qua Nền kinh tế luôn thiếu quan tâm đến Nhà nước, không cấp đủ tiền cho Nhà nước hoạt động.

Trong khi ngược lại, Nhà nước lại quá quan tâm bao cấp hỗ trợ cho quá nhiều thành phần, nhiều khi tưởng như toàn bộ Nền kinh tế luôn. Tiền hỗ trợ cho Nền kinh tế lấy đâu ra (?). Thành thử lạm phát thôi, mỗi năm một ít.
Nguyễn Trung 10:58 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Nội dung bài viết đã phân tích nguyên nhân khá đầy đủ và có cơ sở cho nhà chính sách chọn lựa giải pháp.

Lưu ý tỷ lệ tín dụng / GDP phải tính toán lại, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thông báo hàng năm vừa qua (có lúc hơn 30%) là danh nghĩa chưa trừ tỷ lệ lạm phát, nếu duy trì chủ trương phát triển ổn định bền vững thì tăng trưởng tín dụng hàng năm không quá 15% (và lạm phát không quá 10%).

Nếu thế các NH TM nên thận trọng dánh giá lại mình để nhanh chóng tái cấu trúc lại hoạt động (tài chính, quản trị rủi ro, danh mục đầu tư và nợ xấu), đã đến lúc NHNN không nương tay (vì lo bất ổn hệ thống?) áp dụng cả 2 giải pháp thị trường và hành chính để quản lý và đủ khả năng ứng phó tình huống bất ổn nếu có, TT 13 ,19 và 22 không hẳn là những văn bản hành chính đơn thuần mà là có tính toán kỹ lưỡng những chỉ số tài chính / an toàn vốn phải có cho 1 hệ thống NH lành mạnh (chỉ mới theo Basel I và II).

NH TM không thể mãi đơn thuần là cỗ máy huy động vốn mà lại không quan tâm đến năng lực quản trị (rủi ro) đến khi phát sinh vấn đề làm ảnh hưởng đến lợi ích xã hội thì trông chờ vào NH NN.
Nhi Thuỳ 10:41 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Bài viết rất sâu sắc, nhận xét nguyên nhân sâu xa của lạm phát rất hay.

No comments:

Post a Comment