Tác giả: KHÁNH LINH (THỰC HIỆN)
Vấn đề là phương pháp tiếp cận, có thật vì cộng đồng và xuất phát từ cộng đồng không? Theo tôi đấy là tiêu chí quan trọng nhất, là thước đo để xem xét vấn đề bảo tồn di sản phi vật thể.
LTS: Việc bảo tồn và vinh danh các giá trị, di sản phi vật thể là câu chuyện dài, cần được các chuyên gia, các nhà chuyên môn lên tiếng, tư vấn và tham góp, để những di sản phi vật thể được vinh danh có đời sống riêng, và giá trị riêng của nó luôn được gìn giữ đúng cách, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa Việt. Mới đây, Tuần Việt Nam đã phỏng vấn PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia về chủ đề này.
Danh hiệu không phải là tiền
- Không khó để nhìn thấy tác động của danh hiệu di sản thế giới đối với các khu di tích như Huế, Hội An, Mỹ Sơn... Đó là sự hỗ trợ đắc lực của chuyên gia nước ngoài trong công tác trùng tu, bảo tồn di sản. Nhưng còn với di sản phi vật thể thì sao?
- Cần hiểu đúng, giá trị danh hiệu của UNESCO không phải là tiền. Họ không phải là nơi cung cấp tiền cho công tác bảo tồn hay phát huy giá trị di sản. Quan trọng là họ đưa ra được những quan niệm và phương pháp tiên tiến cho việc bảo tồn. Họ có đội ngũ chuyên gia lành nghề, sẵn sàng tư vấn cho các nước. Điều này không chỉ áp dụng với di tích mà cả di sản phi vật thể nữa.
Trước đây UNESCO cũng chỉ quan tâm đến di sản vật chất. Toàn bộ sức lực của UNESCO tập trung vào loại hình di sản này, vì dễ nhìn thấy sự biến dạng, sự mất mát của những di tích, những tượng đài giá trị, mà nếu mất đi thì thế giới thành... không có ký ức.
Nhưng hơn 20 năm trở lại đây, UNESCO đã phát hiện ra nếu chỉ có di sản vật chất thì không đầy đủ. Chính những giá trị văn hóa tinh thần đã và đang mất đi rất nhiều trong quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa, và với tác động của du lịch... khiến cái chúng ta vẫn hay gọi là bản sắc bị mất đi nhanh chóng. Vì thế mới đưa ra khái niệm vật thể và phi vật thể, chứ trước kia khi nói đến di sản thì chỉ là di tích thôi. Khái niệm phi vật thể ban đầu còn chưa được thừa nhận, nhưng dần dần người ta chấp nhận sự phân loại như thế để tác nghiệp.
Với di sản phi vật thể, UNESCO đã xây dựng định hướng bảo tồn, phát huy di sản trong cộng đồng, chống xu hướng làm mất đi bản sắc của các dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa. Vai trò của UNESCO là thiết lập quan điểm, cách thức tiếp cận, và đội ngũ chuyên gia của họ sẵn sàng giúp đỡ các nước.
- Còn trách nhiệm của nước chủ sở hữu di sản thì sao? Hình như chúng ta mới chỉ nhìn danh hiệu di sản như sự vinh danh? Ông đã nói giá trị lớn nhất của danh hiệu được vinh danh, đối với di sản là cách thức tiếp cận, là đội ngũ chuyên gia, nhưng đó chỉ là tác động từ bên ngoài?
- Danh hiệu di sản thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đi kèm theo trách nhiệm rất lớn, trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng.
Một trong những tiêu chí rất quan trọng để một di sản được UNESCO công nhận là cam kết của Nhà nước về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó. Là xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn, trong đó phải khuyến khích và đặt cộng đồng làm trung tâm. Khi được danh hiệu, Nhà nước phải thực hiện cam kết ấy.
Danh hiệu chỉ có thể giúp cho mình quan niệm để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó, giúp mình chuyên gia tư vấn để làm cho tốt hơn. Và UNESCO cũng theo dõi quá trình từ sau khi công nhận thì tác động như thế nào đến di sản, những điểm tốt và chưa tốt.
Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế - Ảnh: Việt Dũng |
"Hậu di sản" chưa tốt
- Nhìn lại những di sản phi vật thể đã được công nhận đến nay, bản thân ông thấy công tác bảo tồn, phát huy của ta có tốt không?
- Với Nhã nhạc cung đình Huế, chúng ta làm khá tốt đấy. Trước đây ta không đánh giá đúng Nhã nhạc quý thế nào. Ta quan niệm đó là sản phẩm của thời phong kiến. Nhã nhạc gần như bị lãng quên, nói nôm na là gần "chết". Kể từ khi Nhã nhạc được công nhận là di sản văn hóa đại diện (tên gọi lúc đó là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại) thì chính ta mới nhận thức đúng giá trị của Nhã nhạc, mới dành công sức phục hồi những nhóm nhạc đó, đào tạo được những nhạc công, rồi phục dựng lại nhà hát. Nghĩa là... có lối thoát và cứu được di sản này
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thì đúng là còn rất nhiều vấn đề. Việc công nhận giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là rất đúng, kịp thời, nhưng những biện pháp của chúng ta- "hậu di sản" thì chưa được tốt. Chủ yếu vẫn là Nhà nước làm hộ, vì Nhà nước muốn bảo tồn, muốn thực hiện các chương trình các cam kết với UNESCO. Thế nên mới có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra mua chiêng, phát cho các buôn làng, bảo họ giữ lấy, bảo họ tập, mà không cần biết họ có nhu cầu hay không? Ở nhiều tỉnh Tây Nguyên, 70%- 80% dân đã không còn nhu cầu chơi cồng chiêng nữa.
Liệu có nên đề cử di sản tín ngưỡng thờ vua Hùng không? Dù chúng ta đã nộp hồ sơ vào cuối tháng 3 vừa rồi, tôi vẫn thấy băn khoăn về việc đề cử di sản này có nên hay không? Bản thân lễ hội đền Hùng đã "được" (hay "bị") "Nhà nước hóa" từ nhiều năm nay, chẳng cần cam kết thì Nhà nước đã đầu tư quá nhiều, mấy năm nay đều đầu tư tiền tỷ, thậm chí chục tỷ. Bộ mặt đền Hùng quả là đã thay đổi quá nhiều, đã "hoành tráng" lên rất nhiều, nhưng các cộng đồng thờ cúng Hùng Vương xung quanh đền Hùng có được hưởng lợi gì từ đầu tư của Nhà nước không? Dường như là những đình, đền ở các làng xung quanh vẫn không được đầu tư, mà chỉ quan tâm đến "cái lõi", quá quan tâm đến việc xây dựng không gian để ngày một hoành tráng. Khó có thể giải thích nổi khi cả đến đền Thượng kiến trúc vẫn nguyên vẹn mà không hiểu sao, lại đầu tư mới, cho dỡ đi chuyển về đền Trẹo để thay vào đó một ngôi đền mới. |
Cồng chiêng được chơi trong bối cảnh của các nghi lễ, UNESCO chẳng đã công nhận "không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" là gì? Không gian ấy chính là việc thực hành các nghi lễ, là ở rừng, ở bến nước hay ở từng gia đình. Đó là niềm tin của người dân, của cộng đồng...
Giờ thì Nhà nước tổ chức liên hoan cấp tỉnh, cấp huyện, kể cả liên hoan quốc tế, nghĩa là vô tình thúc đẩy thêm việc cồng chiêng thoát khỏi không gian của nó. Vì cách triển khai không đúng nên hiệu quả chưa thiết thực với người dân và cộng đồng. Và người ta thực sự ít quan tâm tới các lễ hội kiểu Nhà nước này. Như vậy là mới thực hiện được trách nhiệm của Nhà nước mà chưa tính đến trách nhiệm của cộng đồng.
- Nhưng vì thế mà chúng ta cho rằng, không nên làm hồ sơ công nhận di sản cho Không gian văn hóa cồng chiêng thì có đúng không?
- Chúng ta cần phải làm hồ sơ công nhận chứ. Vì giá trị thật sự của di sản, và cũng trong quá trình làm hồ sơ, ta một lần nữa nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản ấy. Cái cần nhìn lại là xem mình đã, đang và sẽ sử dụng biện pháp nào, có hữu ích cho cộng đồng không, để phục hồi và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng nói riêng, và các di sản khác nữa.
Vấn đề là phương pháp tiếp cận, có thật vì cộng đồng và xuất phát từ cộng đồng không? Theo tôi đấy là tiêu chí quan trọng nhất, là thước đo để xem xét vấn đề bảo tồn di sản phi vật thể.
Kể cả với một di sản vừa được công nhận năm 2009 là Quan họ cũng thế. Rõ ràng, Quan họ đã và đang mất đi không gian, mất môi trường vốn có. Thanh niên thời nay không hát giao duyên nữa. Chỉ còn các liền anh, liền chị đã rất lớn tuổi hát giao duyên với nhau, hoặc là các liền anh liền chị là nghệ sĩ trong đoàn văn công hát với nhau. Ở làng quê có phục hồi cũng chỉ để biểu diễn hay để biết hát thôi.
Quan họ đã mất môi trường diễn xướng, phải tính đến biện pháp thật sự để phục hồi và phát huy như thế nào? Phải chăng quan trọng là để các thế hệ sau biết và yêu làn điệu, biết hát, còn để nó sống thật thì rất khó.
Cảnh giác với tâm lý háo danh
- Một câu hỏi phải đặt ra, vậy thì chúng ta nên chọn những ứng viên như thế nào để đề cử di sản phi vật thể đại diện, hay di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp không?
- Rất nên đề cử, nhưng phải đề cử cho đúng. Như Hội Gióng được đề cử và công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện (năm 2010) là rất chính xác, vì bản thân di sản đang sống rất mãnh liệt trong cộng đồng, liên quan đến niềm tin của họ. Danh hiệu ấy khiến cộng đồng tự hào hơn, có trách nhiệm hơn để bảo tồn, làm cho di sản sống mãi. Quan trọng là Nhà nước phải tác động theo đúng cách, kể cả có hỗ trợ tài chính cũng đừng để làm hỏng di sản. Trách nhiệm vẫn là của cộng đồng, Nhà nước đừng can thiệp sâu và thô bạo như "trưng dụng" nó để trình diễn cho các cuộc liên hoan hay ngày lễ quan trọng mà không gắn với nghi lễ và bối cảnh của ngày hội
Nhưng ngược lại, liệu có nên đề cử di sản tín ngưỡng thờ vua Hùng không? Dù chúng ta đã nộp hồ sơ vào cuối tháng 3 vừa rồi, tôi vẫn thấy băn khoăn về việc đề cử di sản này có nên hay không? Bản thân lễ hội đền Hùng đã "được" (hay "bị") "Nhà nước hóa" từ nhiều năm nay, chẳng cần cam kết thì Nhà nước đã đầu tư quá nhiều, mấy năm nay đều đầu tư tiền tỷ, thậm chí chục tỷ.
Bộ mặt đền Hùng quả là đã thay đổi quá nhiều, đã "hoành tráng" lên rất nhiều, nhưng các cộng đồng thờ cúng Hùng Vương xung quanh đền Hùng có được hưởng lợi gì từ đầu tư của Nhà nước không? Dường như là những đình, đền ở các làng xung quanh vẫn không được đầu tư, mà chỉ quan tâm đến "cái lõi", quá quan tâm đến việc xây dựng không gian để ngày một hoành tráng. Khó có thể giải thích nổi khi cả đến đền Thượng kiến trúc vẫn nguyên vẹn mà không hiểu sao, lại đầu tư mới, cho dỡ đi chuyển về đền Trẹo để thay vào đó một ngôi đền mới.
Thậm chí còn có thông tin, Sở VH-TT-DL, rồi phòng văn hóa can thiệp rất sâu vào việc thờ tự, nơi nào thờ Hùng Vương mới cho mở hội, còn thờ Thành hoàng với biểu tượng phồn thực thì không cho phép tổ chức vì cho đó là lạc hậu, dung tục. Đó có phải là cách ứng xử lấy cộng đồng làm trung tâm không, hay ngược lại ta đang can thiệp quá sâu và cản trở cộng đồng thể hiện những niềm tin từ bao đời nay của mình?
Ngay cả hội đền Hùng năm nay, lại càng tạo ra khoảng cách giữa Nhà nước và người dân. Tôi được biết là từ 5h - 9h là dân không được lên đền, để Nhà nước làm xong tất cả nghi lễ thì người dân mới được lên. Cách làm này phải chăng đã tạo ra sự phân cách rất lớn giữa Nhà nước và nhân dân, giữa quan chức và cộng đồng xung quanh đền Hùng.
Tôi mong muốn về nguyên tắc các lễ hội dân gian không nên có sự phân cách mà ngược lại đây chính là cơ hội tạo nên sự hòa đồng trong xã hội. Nhân đây cũng nhắc lại, tại đêm hội đền Trần vừa qua người ta cũng ứng xử cách biệt như vậy, không biết bao nhiêu quan khách, những người giầu có đi ô tô riêng về dự hội trên bãi để xe ngút ngàn, nhưng có mấy ai trong số này phải chen lấn như người dân hay họ có đường đi riêng để vào đền một cách dễ dàng?
Màn trình diễn ngựa bay phun lửa tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: VietNamNet |
- Phải chăng các tỉnh đều muốn tỉnh mình có di sản thế giới để thu lợi từ di sản, để phát triển du lịch nên mới "ép" như thế?
- Với di sản vật thể thì có thể đúng, vì cái lợi về thu hút du lịch là rõ nhất. Nhưng với di sản phi vật thể tôi nghĩ chuyện thu lợi trực tiếp là rất ít, thậm chí là không, mà ở đây chủ yếu giá trị của chúng được ẩn tàng và tác động đến cộng đồng một cách sâu xa. Ở đây dè chừng sẽ xuất hiện câu chuyện chạy đua bằng nhiều cách giữa các địa phương để tìm kiếm danh hiệu danh giá này. Cần cảnh giác với tâm lý háo danh mang tính địa phương.
Chẳng hạn có thể đơn cử như Phú Thọ, nơi đất tổ có Vua Hùng mà lại không có được di sản của nhân loại ư, lại thua kém các tỉnh khác thì không được. Tâm lý này có thể nhận diện khi ta xem xét quá trình đề cử di sản ở tỉnh này. Ban đầu Phú Thọ muốn đề cử đền Hùng là di sản văn hóa thế giới, nhưng bị bác ngay. Đến đề xuất ý tưởng về Không gian văn hóa Hùng Vương cũng bị bác. Hát xoan đã được đưa đi đề cử di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng vẫn chưa liên quan đến Hùng Vương. Phú Thọ định đề nghị Lễ hội Hùng Vương nhưng cũng không được đồng tình vì lễ hội này đã bị Nhà nước hóa quá nhiều, cuối cùng thì người ta đưa ra đề cử Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng.
Chúng ta cần phòng ngừa cuộc chạy đua âm thầm nhưng nguy hiểm này, người ta chỉ lo làm hồ sơ để di sản được công nhận mà không nhận thức đúng giá trị của di sản cũng như vai trò trung tâm để bảo tồn và phát huy phải là của cộng đồng. Hãy chọn đúng những di sản đang sống trong cộng đồng để đề cử, đó mới là sự tôn vinh đúng nhất!
No comments:
Post a Comment