Tuesday, May 24, 2011

10/05 Kỷ niệm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam 10/5


Người cao tuổi Việt Nam với bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng là lớp người có công lao xây dựng gia đình và đất nước, đã có đóng góp vẻ vang vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời có tiềm năng rất đáng trân trọng về nhiều mặt, giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, là bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh của cả dân tộc. Vì vậy, Người cao tuổi vừa là một mục tiêu ưu tiên, vừa là một động lực của sự phát triển đất nước.

Đảng và Chính phủ đã nhận thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xây dựng tổ chức nên đã cho phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam, theo đó ngày 10/5/1995 đã tổ chức Đại hội chính thức thành lập. Hội ra đời đáp ứng nguyện vọng đã có từ lâu của hàng chục triệu người cao tuổi, phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và xu thế của thế giới nên đã được đông đảo người cao tuổi hưởng ứng rộng rãi.

Hội Người cao tuổi Việt Nam ra đời là sự kế thừa truyền thống vẻ vang của Hội phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ trong một thời gian ngắn, Hội đã tập hợp được đông đảo các Hội phụ lão, Hội bảo thọ ở cơ sở. Đến nay hội đã có gần 10.000 Hội cơ sở (chiếm gần 90% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước), với mạng lưới các Chi hội (cấp Khu phố hay ấp, thôn), Tổ hội bám rễ sâu vào các cộng đồng dân cư (cấp Tổ dân phố), thu hút trên 6 triệu hội viên tham gia hoạt động. Hội đã trở thành một mặt trận rộng rãi đoàn kết Người cao tuổi trong cả nước.

Hội hoạt động mang tính toàn diện trên mọi lĩnh vực của một đoàn thể nhân dân “đặc thù” và chứng minh vai trò và tiềm năng của Người cao tuổi rất phong phú, đa dạng. Những kết quả mà hội đạt được trong 15 năm qua (ba nhiệm kỳ Đại hội từ 1995 tới 2010) về khai thác và phát huy nguồn lực quý giá này mới chỉ là bước đầu.

Từ Đại hội I (1995-2000) đã thông qua Nghị quyết số 46/91 về “những nguyên tắc thuộc đạo lý của Liên hợp quốc đối với Người cao tuổi”. Đó là 5 nguyên tắc về bảo đảm các quyền của Người cao tuổi : quyền được độc lập, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bị lệ thuộc của Người cao tuổi, quyền được tham gia của Người cao tuổi vào mọi công việc của cộng đồng, quyền được chăm sóc khi cần thiết, quyền được phát huy bản sắc riêng, quyền được tôn trọng về nhân phẩm.

Ngày 17/7/1992, Chỉ thị số 332/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc tổ chức ngày Quốc tế Người cao tuổi hàng năm nêu rõ :”Cũng như Ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Quốc tế người cao tuổi cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo cụ thể của cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng”. Đặc biệt từ năm 1995, sau khi Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập đến nay, Ngày Quốc tế Người cao tuổi ngày càng được tổ chức rộng khắp ở các địa phương và cơ sở, với nội dung phong phú, thiết thực, bổ ích, góp phần thúc đẩy các hoạt động tôn vinh, chăm sóc và phát huy Người cao tuổi. Luật Người cao tuổi có hiệu lực kể từ tháng 7/2010 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của Người cao tuổi, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi, đặc biệt đối với tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Cũng xuất phát từ sự đánh giá về công lao, vai trò và khả năng của Người cao tuổi, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã trao tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam bức trướng với 18 chữ vàng :”Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thể hiện sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối vói các thế hệ Người cao tuổi nước ta hôm nay và mai sau.

Về phía Nhà nước, các cấp chính quyền đều thành lập Ban công tác Người cao tuổi để tham mưu cho Đảng và Nhà nước tổ chức các hoạt động chăm lo và phát huy vai trò Người cao tuổi các cấp. Từ lâu, Đảng và Nhà nước với Chỉ thị 59 của Ban Bí thư và Chỉ thị 117 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trương toàn diện chăm sóc, phát huy Người cao tuổi và phải xã hội hóa sự nghiệp quan trọng này.

Thực tiễn trong những năm qua, toàn xã hội đều quan tâm cổ vũ động viên mọi người công dân VN ngay từ nhỏ còn sung sức phải cố gắng lớn rèn luyện, học tập, lao động lo cho cuộc sống tuổi trẻ và cả cho cuộc sống khi về già. Trong đó có cổ vũ toàn dân tham gia mua bảo hiểm xa hội cũng là việc làm cần thiết chuẩn bị khi về già.

Mọi người khi tuổi đã cao, vẫn phải coi trọng sự hiều biết và cống hiến cho gia đình và xã hội, tùy theo sở trường và điều kiện của tuổi cao, phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, cha mẹ ông bà có công sinh thành, nuôi nấng và lo lắng vun đắp cho con, khi cha mẹ tuổi cao, con cái có nghĩa vụ đền đáp công ơn cha mẹ, chăm nom cha mẹ, lo cho cha mẹ có cuộc hạnh phúc, ấm no.

Hội Người cao tuổi Việt Nam nhất là ở cơ sở từ ngày thành lập đến nay đã tích cực hoạt động, đoàn kết chăm lo cho cán bộ, hội viên và Người cao tuổi có cuộc sống khỏe, vui, sống tình nghĩa, sống có văn hóa và hữu ích cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, các đoàn thể nhân dân với các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ người hoạn nạn gặp khó khăn, Mặt trận Tổ quốc với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đang được phát triển rộng khắp đã và đang góp sức không nhỏ vào việc chăm sóc và phát huy Người cao tuổi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, UBND các cấp đã cùng với các đoàn thể nhân dân luôn tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Người cao tuổi hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả chính là thiết thực góp phần phát huy truyền thống tôn kính, trân trọng tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm của Người cao tuổi. Về phần mình, Hội Người cao tuổi cần có chương trình, kế hoạch khuyến khích hội viên tiếp tục cống hiến, chủ yếu với nghề cũ trên cương vị mới, làm nóng cốt cho mọi phong trào, cuộc vận động ích nước lợi dân, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Với tiềm năng to lớn của Người cao tuổi nước ta, có sự lãnh đạo của Đảng, giúp đỡ của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, Hội Người cao tuổi Việt Nam nhất định sẽ phát triển và trưởng thành nhanh chóng, góp phần tổ chức, động viên Người cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Với đại hội toàn quốc lần IV sẽ diễn ra vào cuối năm 2011, chắc chắn Hội Người cao tuổi Việt Nam có thêm sức mạnh và kinh nghiệm để chăm sóc về mặt tinh thần lẫn vật chất và phát huy vai trò Người cao tuổi trong xã hội ngày một to lớn hơn, hiệu quả thiết thực hơn.

Hội Người cao tuổi TP.Hồ Chí Minh trong một buổi đi bộ đồng hành - ảnh minh họa

Vương Liêm

No comments:

Post a Comment