Tuesday, May 24, 2011

24/05 Tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong ngày bầu cử 22 tháng 5 năm 2011


24/05/2011 10:28
Ngày 23 tháng 5 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã ký Báo cáo số 1751/BC - BNV Báo cáo tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong ngày bầu cử 22 tháng 5 năm 2011.

Theo Báo cáo số 1751/BC-BNV, Bộ Nội vụ báo cáo nhanh tình hình tổ chức ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; trong đó có một số nội dung như sau:
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 192/2011/CT-TTg ngày 31/01/2011 về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử, Bộ Nội vụ đã có các báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử về tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo tiến độ từng giai đoạn triển khai của cuộc bầu cử và tình hình chuẩn bị cho ngày bầu cử.
Ngày 22/5/2011, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Hơn 62 triệu cử tri cả nước đã thực hiện quyền chính trị cơ bản nhất của công dân, thực hiện việc bầu cử các đại biểu đại diện cho nhân dân tại Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong nhiệm kỳ khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ mới 2011-2016.
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐBQH KHOÁ XIII VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2011-2016 TRONG CẢ NƯỚC
1. Không khí khai mạc ngày bầu cử 22/5/2011

Công tác tổ chức ngày bầu cử ở các tỉnh, thành phố diễn ra đúng luật, an toàn, trang trọng, tạo được không khí khai mạc sôi nổi và ngày bầu cử là ngày hội toàn dân. Một số Tổ bầu cử của các tỉnh như Trà Vinh (226 Tổ Bầu cử), Ninh Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Vĩnh Phúc khai mạc sớm vào lúc 5h-6h sáng ngày 22/5/2011. Nhìn chung các khu vực bỏ phiếu trong cả nước đều khai mạc đúng giờ quy định.

Theo báo cáo từ các địa phương, không khí giờ khai mạc cuộc bầu cử diễn ra trang trọng, nghiêm túc. Ở nhiều địa điểm bỏ phiếu, cử tri tham dự khai mạc đông và tham gia bỏ phiếu sớm, nhanh so với tiến độ chung. Nhiều nơi, có số cử tri tham dự khai mạc đông như tại một số Tổ bầu cử của Hà Nội 300 cử tri dự khai mạc; tỉnh Bắc Ninh có một số Tổ bầu cử có 135-140 cử tri dự khai mạc. Theo thống kê bước đầu, số cử tri trung bình dự khai mạc khoảng 50-70 cử tri ở các khu vực bỏ phiếu; lượng cử tri tham dự thấp nhất cũng có 30 người. Tại các địa phương, các vị lãnh đạo cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cụ cao tuổi, cử tri lần đầu tiên đi bầu cử đã tham dự khai mạc và bỏ những lá phiếu đầu tiên. Tại tổ bầu cử số 3, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ bầu cử đã mời hai cử tri là Cụ Kim Thị Vinh 105 tuổi và cụ Nguyễn Thị Chuyên 107 tuổi dự khai mạc và bỏ phiếu đầu tiên trước khi các cử tri khác thực hiện quyền công dân.
Đài truyền hình, cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương đều cử phóng viên tham dự một số điểm bầu cử để kịp thời đưa tin, phản ảnh trực tiếp không khí Lễ khai mạc ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND tại một số khu vực bỏ phiếu trên địa bàn. Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức các điểm cầu truyền hình trực tiếp tại một số địa phương để phản ánh không khi ngày bầu cử, giờ khai mạc và tiến độ thực hiện bầu cử của cử tri trong cả nước.

Để động viên cử tri địa phương tích cực tham gia bỏ phiếu, nhất là cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện đã xuống tận các thôn, bản, ấp để cùng bà con thực hiện bầu cử. Các thành viên Uỷ ban bầu cử, Ban Bầu cử các cấp và thành viên Tổ bầu cử phân công thành viên xuống từng địa bàn để vận động cử tri tham gia bầu cử. Một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã tổ chức các xe đưa đón công nhân tham gia bỏ phiếu ở các điểm bỏ phiếu. Đối với các điểm dân cư xa khu vực bỏ phiếu hoặc nơi các địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, các địa phương đã tổ chức hòm phiếu phụ, hòm phiếu di động để phục vụ bà con tham gia bỏ phiếu.
2. Về tiến độ cử tri đi bỏ phiếu bầu cử ở các địa phương

a) Đến thời điểm 10 giờ ngày 22/5/2011

- Đến 10 giờ, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có tỉ lệ cử tri đi bầu cử đạt trên 50% số cử tri có tên trong danh sách tham gia bầu cử ở địa phương, nhiều tỉnh có số lượng cử tri đi bầu cử đông ngay sau giờ khai mạc như tỉnh Lai Châu đã có 44/974 khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri đi bầu cử; xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh phúc đã có 100% cử tri đi bầu cử, ngoài ra có 35 khu vực bỏ phiếu tại các huyện Lập Thạch, huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, Sông Lô của tỉnh có 100% cử tri đi bầu và một số khu vực bỏ phiếu của Phú Yên (55 khu vực), Bình Định 150 khu vực, Quảng Trị 57 khu vực đã có 100% cử tri đi bầu.

- Một số tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đạt tỉ lệ cử tri đi bầu cao đến thời điểm này là tỉnh Vĩnh Phúc đạt 85% tỉ lệ cử tri đi bầu; Lào Cai 80%; Bạc Liêu 81,65%. Một số tỉnh có tỉ lệ cử tri đi bầu đạt đến thời điểm này là Nam Định 20%, Bắc Ninh 27%, An Giang 30%, Bình Phước 35%.

- Tại các khu vực bỏ phiếu thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang, nhiều khu vực bỏ phiếu đã có 100% cử tri là chiến sỹ công an, quân đội đã tham gia bỏ phiếu.

b) Đến thời điểm 16 giờ ngày 22/5/2011

- Hầu hết các địa phương trong cả nước đã đạt tỉ lệ trên 80% cử tri đi bầu so với số lượng cử tri trong danh sách. Nhiều tỉnh có tỉ lệ cử tri đi bầu đạt trên 90% như Thừa Thiên –Huế đạt 99,66%, Bình Phước đạt 99,07%, Sơn La đạt 98,3%, Đà Nẵng đạt 98,17%, Quảng Nam và Đắc Nông đạt 98%, An Giang đạt 97,75%, Trà Vinh 97,44%; Thủ đô Hà Nội đạt 95,36%.

- Trong cả nước, nhiều khu vực bỏ phiếu ở các tỉnh, thành phố đã có 100% cử tri đi bầu cử. Thành phố Hà Nội có 1.242 trên tổng số 4.807 khu vực bỏ phiếu đã có 100% cử tri đi bầu cử; cử tri trong lực lượng vũ trang Công an và Quân Đội đã cơ bản hoàn thành việc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, một số tỉnh có cử tri đi bầu đạt chưa cao như Bắc Ninh đến 15 giờ, toàn tỉnh mới đạt 78,26%, trong đó chỉ mới có 14 khu vực bỏ phiếu trên tổng số 1.000 khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri đi bầu. Cá biệt tỉnh Hưng Yên đến thời điểm 14 giờ, tại 02 khu vực bỏ phiếu của xã Cửu Cao, huyện Văn Giang mới chỉ đạt 37,6% và 39,8% cử tri đi bầu cử; xã Việt Hoà, huyện Khoái Châu chỉ đạt 40,66% cử tri đi bầu. Uỷ ban bầu cử tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ, đạt tỉ lệ đi bầu trên 50% ở các khu vực bỏ phiếu này. Tuy nhiên, dự kiến, các Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu này phải kéo dài thời gian bỏ phiếu sau 19 giờ.

c) Đến thời điểm 19 giờ ngày 22/5/2011

- Đến 19 giờ (giờ kết thúc bỏ phiếu theo quy định của Luật), theo tổng hợp từ các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc bỏ phiếu.

Theo kết quả thống kê, nhiều tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ cử tri đi bầu cử cao so với cử tri trong danh sách như: Hà Giang, Hoà Bình, Lạng Sơn đạt tỉ lệ 99,99%, Lào Cai đạt tỉ lệ 99,98%; Nam Định 99,70%; Sóc Trăng 99,69%; Thừa Thiên Huế 99,66%, Vĩnh Long 99,51%, Bình Định đạt tỉ lệ 99,45%; Cao Bằng 99,24%, Đà Nẵng 99,29%. Tuy nhiên, một số tỉnh đạt tỉ lệ thấp như Bình Thuận 75,15%; Bắc Ninh 78,26%; Gia Lai 77,43%; Hải Dương 78%.

Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 59.280.079 trên tổng số 62.498.643 cử tri đã tham gia bỏ phiếu, đạt tỉ lệ trung bình trong toàn quốc là 94,85%.

d) Đến thời điểm 22 giờ ngày 22/5/2011(thời điểm kết thúc hoàn toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cả nước)

Đến thời điểm này, cả nước đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo báo cáo từ các địa phương, tỉ lệ cử tri đi bầu so với cử tri trong danh sách cả nước đạt cao; hầu hết các tỉnh, thành phố đều đạt trên 97% cử tri đi bầu cử. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ rất cao như Lạng Sơn, Hoà Bình, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Sóc Trăng đạt tới 99,99%, Đồng Nai đạt 99,93%, Ninh Thuận đạt 99,83%.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung cho việc kiểm phiếu để sớm xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn để kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.
3. Tình hình thời tiết trong ngày bầu cử

Mặc dù trước ngày bầu cử, nhiều địa phương trong cả nước có mưa lớn, song chính quyền địa phương và các Tổ bầu cử đã có phương án phòng tránh và khắc phục nên đã thực hiện tốt việc bảo quản, gìn giữ hòm phiếu, phiếu bầu, tài liệu liên quan và các cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngày bầu cử.

Đến thời điểm 10h ngày 22/5/2011, nhìn chung, thời tiết ngày bầu cử ở hầu hết các địa phương ba miền Bắc – Trung – Nam diễn biến tốt, trời nắng đẹp, thuận lợi cho cử tri đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân. Một số nơi có mưa nhỏ, cá biệt có nơi có mưa đá như ở Quảng Nam, Kon Tum … nhưng các địa phương đã có phương án dự phòng giải quyết, không ảnh hưởng đến công tác bầu cử và việc bỏ phiếu của cử tri.

Thời điểm từ 16 giờ đến khi kết thúc hoàn toàn cuộc bỏ phiếu bầu cử (22 giờ), một số tỉnh, thành phố có mưa to cục bộ tại một số khu vực như Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên. Cá biệt có một số nơi xảy ra lốc xoáy, mưa giông dẫn đến mất điện ở một số điểm dân cư của một xã của tỉnh Phú Thọ, Thái nguyên, Hưng Yên, Khánh Hoà, Sóc Trăng ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ bầu cử và công tác tổng hợp kết quả bầu cử.
4. Dư luận trong nhân dân về tình hình thực hiện công tác bầu cử

Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp chính quyền địa phương, công tác phổ biến, quán triệt và tuyên truyền đầy đủ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân trong cuộc bầu cử và sự đôn đốc, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền nên ngay từ thời điểm khai mạc, cử tri đã hăng hái, tích cực tham gia bầu cử, thực hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Theo báo cáo từ các địa phương, nhìn chung dư luận trong nhân dân tốt, cử tri phấn khởi, tin tưởng vào sự thành công của cuộc bầu cử. Mỗi cử tri đi bầu cử đều mong muốn góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Biểu hiện cụ thể nhất là tỉ lệ cử tri đi bầu cử ở hầu hết các địa phương đạt cao. Nhiều địa phương do có tỉ lệ cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu ngay từ sau giờ khai mạc nên nhiều khu vực bỏ phiếu đã hoàn thành sớm việc bỏ phiếu.

Không khí dân chủ, cởi mở trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật là không khí chung của nhân dân ở các địa phương trong cả nước trong ngày bầu cử.
5. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử

Theo báo cáo từ các địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đến thời điểm này của ngày bầu cử được bảo đảm và giữ vững trong toàn quốc. Các lực lượng công an, quân sự ở địa phương đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.
Tin: Phương Hằng (Nguồn: Báo cáo số 1751/BC - BNV)

No comments:

Post a Comment