Đổi mới nghị trường
TT - Một dấu ấn quan trọng của quá trình phát triển là những đổi mới trong sinh hoạt nghị trường của Quốc hội (QH) VN. Nhân mùa bầu cử QH, Tuổi Trẻ ghi lại với những cột mốc đổi thay tích cực qua câu chuyện của những người trong cuộc.
Kỳ 1: Cởi mở với báo chí
Ngày 28-3-2011, tại phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ QH, luật sư Nguyễn Đăng Trừng nhận xét các phiên thảo luận, chất vấn ở QH được truyền hình, phát thanh, tường thuật trực tiếp trên báo chí “rất hấp dẫn đối với bà con cử tri. Nhiều cử tri nói với tôi là họ thích theo dõi các phiên họp này của QH như thích xem phim, kịch, tuồng, cải lương hay”.
Chính thời sự nóng bỏng ở nghị trường đã làm nóng các trang báo. Và lực lượng báo chí vào tác nghiệp tại QH ngày càng đông. Trong khi cách đây chưa xa, các nhà báo đến nghị trường lại khá... rảnh rang.
Nguyên chủ tịch QH Nguyễn Văn An - Ảnh: Việt Dũng |
Nhà báo nhàn rỗi
Báo chí đưa tin để dân giám sát Khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch QH khóa XI, tôi quyết định cho báo chí vào dự và đưa tin các phiên họp hằng tháng của Ủy ban Thường vụ QH. Tôi nói rằng mình là đại biểu thì phát biểu thế nào dân cần phải biết để dân giám sát, chứ nói xong rồi ra nghị quyết tập thể thì dân theo dõi sao được. Cử tri cần biết đại biểu nói thế nào để còn đánh giá thái độ, quan điểm từng người chứ. Nguyên chủ tịch QHNguyễn Văn An |
Ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi tại căn phòng nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội: “Khoảng mười năm bao cấp. Có thể nói lúc đó chúng tôi viết về QH rất nhàn, nhàn lắm. Vì làm báo lúc đó thế này: khai mạc và bế mạc kỳ họp QH thì đã có Thông tấn xã VN. Hồi đó QH chưa có tranh luận, chưa có chất vấn. Các đại biểu QH muốn phát biểu thì phải viết vào giấy trước để gửi lên trên duyệt. Các bài đó in thành tập, gửi cho các báo về tha hồ dùng. Như vậy phóng viên không có công sức gì ở đây cả, tôi đến QH chỉ chờ lấy tập phát biểu đó về trích ra đăng”.
Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An cũng nhớ lại: “Khóa VII tôi là trưởng đoàn Hà Nam Ninh, muốn phát biểu phải viết bản thảo gửi lên để đoàn chủ tịch duyệt. Bài của mình không bị sửa, nhưng theo lệ cứ phải gửi lên trước”. Ông Thái Duy nhớ lại: “Báo chí thời đó chưa có phỏng vấn trong QH có lẽ là vì QH chưa tranh luận, chưa chất vấn, chưa có bộ trưởng trả lời. Báo chí tường thuật kỳ họp QH trong trạng thái nhàn nhã cho đến khi tư tưởng đổi mới thấm sâu vào nghị trường...”.
Chứng thực lời ông Duy, ông Vũ Mão - đại biểu QH 20 năm liên tục kể từ ngày đổi mới, trong đó có 15 năm phụ trách công tác “bếp núc” của QH (với vai trò chủ nhiệm Văn phòng QH) - kể: “Đúng là trước những năm 1990, báo chí chỉ được đăng tin là QH hôm nay làm gì, quyết định cái gì chứ không có chuyện tường thuật tranh luận này nọ. Tin nào được đưa và kỹ đến đâu thì phải được duyệt. Mà người duyệt phải là tổng thư ký hoặc chủ nhiệm Văn phòng QH. Cho nên từ chỗ nghiêm ngặt với báo chí đến chỗ cởi mở với báo chí là một quá trình. Từ khóa IX thì đổi mới mạnh mẽ, nhất là từ năm 1992. Tôi nhớ là báo Tuổi Trẻ, quãng những năm 1993-1994 - là tờ đi đầu trong tường thuật, phỏng vấn nghị trường, lúc đó các cậu đã hỏi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt bên lề kỳ họp”.
Làn sóng “trực tiếp”
“Vậy ai là người mở lối cho báo chí vào QH?”. Trả lời câu hỏi này ông Vũ Mão nói: “Sự phát triển ấy là rất tự nhiên. Tôi nhớ từ khoảng cuối khóa VII (1981-1987), Chủ tịch QH Nguyễn Hữu Thọ rất mong muốn đổi mới QH, ông từng nói rằng “QH không nên là cây kiểng” và ông thật sự không muốn các đại biểu bị duyệt bài trước khi phát biểu. Đến khóa VIII thì không khí tự do phát biểu, tự do tranh luận bắt đầu sôi nổi và báo chí cũng tự nhiên có cơ hội để tường thuật, để phỏng vấn thôi chứ không ai bảo ai. Đó là xu thế đổi mới mà!”.
“Nhưng đến mùa hè năm 1994, khi khởi động truyền hình trực tiếp thì đây quả là câu chuyện khó quên” - ông Mão tiếp lời. Ông kể khi hoạt động của QH bắt đầu sôi động trên báo chí, các vị đại biểu QH, mà trực tiếp là các vị trong Ủy ban Thường vụ QH, nhận thấy các hoạt động ở nghị trưởng có sức hút rất lớn đối với cử tri, cần phải công khai hơn nữa để nhân dân theo dõi, thì ý tưởng về truyền hình trực tiếp phiên họp của QH cũng bắt đầu được đề xuất.
Ông Mão bảo tôi không nên đặt câu hỏi ai là người đề xuất vì bây giờ nói ra có thể người này người kia cùng nhận là ý tưởng của mình. Riêng ông Mão nhớ rất rõ vì khi đó ông phụ trách việc “bếp búc” của QH. Từ năm 1992 đến giữa năm 1994 là thời gian chuẩn bị đề án phát thanh, truyền hình trực tiếp. Thường vụ QH họp bàn trong ba phiên, sau đó trình Bộ Chính trị bàn trong hai phiên nữa và quyết định cho làm.
“Lúc đó tôi yên tâm lắm, bên truyền hình họ bảo kỹ thuật thì không vấn đề gì. Tôi cho anh em thông báo chương trình tới đại biểu QH và thông báo để dân đón xem. Ai cũng háo hức. Vậy mà đùng một cái, một ngày trước phiên họp dự định sẽ truyền hình trực tiếp, anh An Duyệt, phó ban thời sự Đài THVN, hớt hải đến tìm tôi nói: Anh Mão ơi khó rồi vì một số người nói là truyền hình trực tiếp phức tạp lắm, nếu để xảy ra vấn đề gì thì bọn em phải chịu trách nhiệm” - ông Mão trầm ngâm.
Ngay ngày hôm đó, ông phải chạy đi mời Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh, Phó thủ tướng Phan Văn Khải vào phòng chủ tịch đoàn hội ý. Ông Mão thuyết phục là việc này Bộ Chính trị đã quyết, đã thông báo công khai cho đại biểu và tới toàn dân, chúng ta không còn đường lùi nữa. Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh đồng ý thực hiện theo kế hoạch ban đầu.
Nhớ lại sự kiện này, nhà báo An Duyệt bình luận: quả thật đó là một trong những giây phút lịch sử đối với truyền hình nói riêng và báo chí nói chung; nó đánh dấu một bước ngoặt về cách thức đưa tin, về tư duy làm báo nhằm chuyển tải thông tin trực tiếp và chân thật nhất tới bạn đọc; và hơn tất cả, nó thể hiện trách nhiệm trước nhân dân về tính công khai, minh bạch của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao.
LÊ KIÊN
______________________
Tháng 6-1988, Quốc hội thực hiện một sự kiện chưa từng có: bầu chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ hai ứng cử viên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt.
Kỳ tới: “Tôi cũng phải trả lời chất vấn à?”
No comments:
Post a Comment