Wednesday, May 25, 2011

21/05 Phát huy dân chủ, nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Thứ tư, ngày 25 tháng 5 năm 2011


Cập nhật lúc 01:49, Thứ bảy, 21/05/2011 (GMT+7)

Những ngày này đi trên đường phố có thể gặp ở nhiều nơi những pa-nô, biểu ngữ như "Quốc hội khóa XIII - Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", "Bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân".

Có lẽ, từ trước đến nay, chưa có kỳ bầu cử nào lại được gắn kết chặt chẽ với tinh thần pháp quyền như kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 này. Phải chăng vì ý Ðảng về Dân chủ và Nhà nước pháp quyền - những tâm điểm của Ðại hội Ðảng XI cũng chính là ước nguyện của lòng dân đã đúc kết nên biểu tượng Nhà nước pháp quyền của ngày hội bầu cử toàn dân năm nay, năm 2011, với trục xuyên suốt: DÂN (cử tri) -> ÐẠI BIỂU CỦA DÂN (Quốc hội và Hội đồng Nhân dân) -> NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CỦA DÂN.

Dân là nguồn cội, là chủ nhân của quyền lực nhà nước - nguyên lý ấy là nền tảng, là cái bất biến của Nhà nước Việt Nam trong suốt 66 năm xây dựng và trưởng thành. Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn vì giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đe dọa chính quyền cách mạng non trẻ, nhưng với niềm tin tưởng tuyệt đối ở sự sáng suốt và lòng yêu nước vô hạn của nhân dân, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, tự do, trực tiếp và bầu kín đã được tổ chức chỉ trong vòng chưa đầy năm tháng sau ngày Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội khóa I do nhân dân trực tiếp bầu chọn trong thời khắc lịch sử đó của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động theo đạo lý 'Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh'(1) và theo tinh thần 'Trăm điều phải có thần linh pháp quyền'.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thần linh pháp quyền ấy phải được hóa thân trước tiên và trên hết vào một nền hiến pháp theo ý tưởng dân quyền mà biểu hiện cụ thể chính là Hiến pháp 1946 được xây dựng trên ba trụ cột: đoàn kết toàn dân, bảo đảm các quyền tự do dân chủ và thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân. Hiến pháp đó đã khẳng định 'Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo'. (Ðiều thứ 1, Hiến pháp 1946). Thần linh pháp quyền ấy còn phải hóa thân vào tâm niệm và hành động theo pháp luật của mỗi công dân, mỗi cán bộ - công bộc của dân, từ lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước đến công chức cơ sở. Thật xúc động khi nhớ lại những lời chí tình, chí lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư Người đáp từ, cảm ơn cử tri trước ngày Tổng tuyển cử 'Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định...'(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra ứng cử tại ngoại thành Hà Nội và trúng cử với tỷ lệ rất cao, trở thành Chủ tịch nước đầu tiên được bầu từ lá phiếu của những đại biểu đại diện cho toàn thể quốc dân đồng bào. Thần linh pháp quyền ấy vừa là thước đo hoạt động của mọi cơ quan, công chức nhà nước vừa là chuẩn mực để nhân dân bầu ra, kiểm tra, giám sát các đại biểu trong việc thực hiện quyền lực do nhân dân giao phó.

Tiếp thu các giá trị về Dân chủ - Pháp quyền nhân dân đã được Ðảng, Bác Hồ và toàn dân ta khởi dựng từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, lập nên một chính thể dân chủ rộng rãi, với bản Hiến pháp 1946 lịch sử, trải qua bao nhiêu thử thách cam go của chiến tranh và hậu chiến tranh, của 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ đổi mới kinh tế đến đổi mới toàn diện đời sống xã hội, Ðại hội lần thứ XI của Ðảng đã khẳng định mô hình xã hội mà nhân dân ta xây dựng và hướng tới trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Ðể thực hiện mục tiêu đó, Ðảng ta đã nhận thức rõ phải đặc biệt chú trọng giải quyết các mối quan hệ lớn như đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị, giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; trong hệ thống chính trị phải đồng bộ giữa xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, phát huy đại đoàn kết dân tộc với xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh.

Bởi vậy, nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng XI, trước tiên và cốt lõi nhất chính là nhận thức đầy đủ và sâu sắc về mối quan hệ và cách thức sử dụng quyền lực nhân dân, quyền lực nhà nước và quyền lực chính trị của Ðảng theo các nguyên tắc pháp quyền vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Về quyền lực nhân dân, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã thể hiện một bước phát triển mới trong quan điểm của Ðảng về quyền lực nhân dân và cách thức nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Tiếp tục ghi nhận nguyên tắc ở nước ta tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, để bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực, Ðại hội Ðảng XI đã bổ sung, phát triển quan điểm: 'Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện'(3). Ðiều đó có nghĩa là tất cả quyền lực nhà nước, quyền lực của hệ thống chính trị trong đó có quyền lực của Ðảng - nhân tố lãnh đạo hệ thống chính trị, đều bắt nguồn từ quyền lực nhân dân, đều là quyền lực do nhân dân giao phó để thực hiện dân chủ, vì lợi ích của nhân dân. Nếu như theo Cương lĩnh 1991, dân chủ được thực hiện thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân cử ra và các hình thức dân chủ trực tiếp(4), trong đó 'nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân' như quy định tại Hiến pháp 1992 (Ðiều 6), thì nay, theo tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển, năm 2011), cùng với việc mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, nhân dân sẽ thực hiện quyền làm chủ (gián tiếp) bằng toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Ðảng cầm quyền, hoạt động quản lý của Nhà nước, hoạt động mang tính xã hội của các tổ chức, đoàn thể đại diện cho các nhóm lợi ích của nhân dân đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, để quan điểm của Ðảng về dân chủ đi vào cuộc sống, văn kiện Ðại hội Ðảng XI đã xác định: 'Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm'(5) đồng thời với nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân.

Về quyền lực nhà nước, Ðại hội Ðảng XI tiếp tục khẳng định toàn bộ quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, đều là quyền lực của dân, do dân giao phó và vì dân phục vụ, đồng thời đã bổ sung, phát triển nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo hướng vừa tiệm cận với giá trị chung của nhân loại vừa phù hợp với điều kiện chính trị - pháp lý đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ðó là nguyên tắc: 'Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp'(6). Yếu tố kiểm soát quyền lực được khẳng định nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước do nhân dân giao phó không bị lạm dụng, không bị tha hóa thành những hành vi chuyên quyền, độc đoán, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đi ngược lại lợi ích của nhân dân từ phía bất kỳ cơ quan nhà nước nào.

Trong cơ chế phân công thực hiện quyền lực nhà nước, Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hành quyền lập pháp để thể chế hóa bằng Hiến pháp và các đạo luật quyền làm chủ của nhân dân, các quyền tự do, dân chủ của công dân. Chính phủ, tòa án thực hành quyền hành pháp, quyền tư pháp để thực hiện trách nhiệm thi hành và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế, bảo đảm mọi vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân đều bị phát hiện và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Hiến pháp và các luật; hoàn thiện thể chế và cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền. Ðó chính là cách thức để thực hiện yêu cầu 'Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm' giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền. Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là bản thân Hiến pháp và các đạo luật cũng phải được đổi mới, hoàn thiện từ nội dung, hình thức thể hiện đến quy trình, kỹ thuật lập hiến, lập pháp để bảo đảm pháp luật của ta phải 'thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động'... và 'luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn' như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh(7). Chỉ có như vậy mới có thể khắc phục yếu kém, bất cập lớn được nêu trong Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh (1991-2011) của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X, cụ thể là chưa thể chế hóa đầy đủ ba vấn đề cốt lõi mang bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; trách nhiệm của Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và hoạt động của bộ máy nhà nước phải thật sự dân chủ)(8).

Về quyền lực chính trị của Ðảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định nhận thức đầy đủ hơn về bản chất của Ðảng, đó là Ðảng là đội tiên phong không chỉ của giai cấp công nhân, mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc(9). Với tư cách là Ðảng cầm quyền, quyền lực chính trị của Ðảng cũng bắt nguồn từ quyền lực nhân dân, Ðảng được nhân dân giao phó thực hiện quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ðảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, bằng tổ chức và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Trong Nhà nước pháp quyền dân chủ, hơn ai hết, Ðảng cầm quyền phải tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp phải vừa là văn bản để nhân dân thực hiện việc ủy quyền và xác lập về mặt nhà nước sự lãnh đạo của Ðảng đối với nhà nước và xã hội vừa để hiến định quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực của các tổ chức Ðảng và đảng viên. Ðoàn kết, dân chủ, trong sạch trong Ðảng phải là mẫu mực và hạt nhân của đoàn kết, dân chủ, trong sạch trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội.

Quốc hội khóa XIII có sứ mệnh lịch sử triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với những tầm nhìn, định hướng và giải pháp dài hạn, trung hạn về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Ðại hội Ðảng XI cũng đã xác định 'Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 phù hợp với tình hình mới'(10). Ðại biểu Quốc hội khóa XIII sẽ mang trọng trách là người đại diện cho ý chí của hơn 86 triệu người dân Việt Nam tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo, thảo luận và thông qua đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Hiến pháp sửa đổi vì vậy phải thể chế hóa những quan điểm, định hướng lớn của Ðại hội XI về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định những nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhân dân, quyền lực nhà nước; ghi nhận và bảo đảm các quyền tự do cơ bản của công dân để Hiến pháp thật sự trở thành nền tảng chính trị - pháp lý cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Mỗi lá phiếu bầu của cử tri với tinh thần trách nhiệm công dân chính là một viên gạch nhỏ làm nên con đường dẫn đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân tận tâm, gắn bó, trách nhiệm với cử tri chính là một nhịp cầu nhỏ nối đạo lý Dân chủ - Pháp quyền từ Ðảng, Nhà nước đến với mỗi người dân và ngược lại, đem tiếng nói, nguyện vọng và niềm tin từ nhân dân đến với Nhà nước, với Ðảng, góp phần làm cho dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp không chỉ là câu chuyện luận bàn nơi nghị trường mà trở thành công cụ thiết thân trong nếp nghĩ, nếp sống hằng ngày của mọi người dân, trong không gian chính trị - pháp lý - dân sự lành mạnh của đất nước chúng ta.

Hà Hùng Cường
Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Tư pháp

---------------------------------------------------------------------------

(1) Thư Hồ Chủ tịch gửi Ủy ban nhân dân các Kỳ, tỉnh, huyện và làng, Báo Cứu quốc số 69 ngày 17-10-1945.

(2) Báo Cứu quốc số 118, ngày 15-12-1945.

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hn, 2011, tr.85.

(4) Các Cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, tr.142.

(5) Xem (4), tr.85.

(6) Xem (4), tr.85; tr.141; tr.247.

(7) Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật Việt Nam - Nxb Pháp lý, Hn, 1990, tr.174.

(8) Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991-2011), Nxb CTQG, Hn, 2010, tr.130.

(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hn, 2011, tr.88.

(10) Xem (4), tr.247.

No comments:

Post a Comment