RIA là công cụ hỗ trợ để “lượng hóa” được những tác động đối với các đối tượng bị điều chỉnh, từ đó hạn chế những quy định kém hiệu quả, giảm tác động xấu đến kinh tế xã hội nói chung cũng như quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Tác động “máy xén” thể chế
Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Michael Foster cho rằng, các quy định kém hiệu quả và không cần thiết đã làm phí phạm các nguồn lực quý giá của Nhà nước cũng như tăng gánh nặng và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, việc có một môi trường thể chế hiệu quả với các quy định có chất lượng cao là vô cùng quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Nhiều nước trên thế giới cũng đang xây dựng các quy định pháp luật khuyến khích tăng trưởng kinh tế, tăng cường phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM, công tác lập pháp ở Việt Nam nhìn chung còn thiếu sự tham gia thỏa đáng của công chúng vào quá trình xây dựng chính sách, cũng như chưa tham vấn đầy đủ công chúng và thiếu công cụ phân tích chính sách khoa học để bảo đảm luật đáp ứng được nhu cầu người dân. Tổ soạn thảo văn bản pháp luật thường xây dựng dự thảo văn bản mà không có hiểu biết đầy đủ về phương pháp xác định vấn đề, phương án chính sách, cân đối lợi ích chi phí của từng phương án và phương án thay thế tối ưu để giải quyết một vấn đề bất cập cụ thể.
Cố vấn thể chế cao cấp của Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) Scott Jacobs cho biết, số lượng văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan trung ương ban hành năm 2009 tại Việt Nam là 8520 văn bản. Trong khi đó, cùng thời gian này tại Mỹ số lượng văn bản pháp quy ra đời là 1.500 văn bản. Theo ông Scott, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện mức độ can thiệp của Chính phủ vào các mặt đời sống xã hội như đầu tư, tạo công ăn việc làm, tiền lương, thu nhập của người dân... Do đó, nếu văn bản pháp luật bị đưa ra không đúng sẽ khiến cho chi phí xã hội tăng lên gấp nhiều lần lợi ích đặt ra của chính sách, thậm chí sẽ “xóa sổ” cả một ngành nếu như ngành đó bị quá nhiều văn bản chi phối chồng chéo.
Việt Nam sau khi thực hiện Đề án Đơn giản hóa Thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) đã đơn giản hóa được 77% số văn bản pháp quy. Tác động kinh tế của việc thực hiện mô hình “máy xén” thể chế này đã đem lại kết quả Việt Nam tiết kiệm cho doanh nghiệp 1,4 tỷ USD GDP /năm, tỷ trọng khoảng 1,5% GDP với số việc làm mới được tạo ra là một triệu lao động/năm.
RIA và sự tiết kiệm chi phí
Theo nghiên cứu của USAID, đối với Việt Nam, việc thực hiện một RIA đầy đủ ước tính sẽ làm phát sinh chi phí khoảng 500USD cho một văn bản quy phạm pháp luật, nhưng sẽ tiết kiệm được cho khối tư nhân gấp 100 nghìn lần số tiền nhờ một hệ thống thể chế ít gánh nặng và hiệu quả hơn. Như vậy, một đồng bỏ ra cho RIA, doanh nghiệp và hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 100 nghìn đồng.
Đánh giá tác động pháp luật (RIA) là công cụ tham gia xây dựng pháp luật bao gồm các nội dung: xác định vấn đề bất cập của chính sách, mục tiêu chính sách, giải pháp chính sách để xử lý vấn đề bất cập; đánh giá tác động kinh tế, xã hội, sức khỏe, an toàn, môi trường, luật pháp của các giải pháp chính sách; bằng chứng và số liệu để chứng minh lập luận, biện minh cho sự can thiệp của Chính phủ; chuyển tải thông tin đến cơ quan hoạch định chính sách và các chủ thể có liên quan.
RIA khi được thực hiện tốt giúp giảm số lượng quy định không có chất lượng và không cần thiết. Tại Hàn Quốc trong năm đầu tiên thực hiện RIA, hơn 25% đề xuất quy định bị Ủy ban cải cách quy định bác bỏ. Thí dụ như đối với việc góp vốn trong liên doanh, các quyết định sai về giá mua cao và bán giá thấp gây thất thoát tài sản của Nhà nước hay ngân hàng, công ty bảo hiểm tự đánh giá tài sản của khách hàng gây thiệt thòi cho khách sẽ bị hạn chế. RIA cải thiện tính minh bạch của các quyết định, tăng cường tham vấn công chúng và sự tham gia của nhóm chịu tác động. RIA cũng cải thiện sự gắn kết trong chính phủ và trao đổi thông tin trong nội bộ các bộ.
Như việc thực hiện Đề án 30, các thủ tục hành chính được cải thiện, doanh nghiệp không phải chầu chực xếp hàng chờ làm hàng tá các thủ tục, từ đó tiết kiệm được thời gian công sức để đầu tư vào làm việc khác hiệu quả hơn, chi phí bỏ ra của doanh nghiệp giảm, như vậy gián tiếp tác động tổng thể toàn bộ nền kinh tế. Ông Scott cũng khuyến cáo các nhà làm luật rằng “giới doanh nghiệp họ nhớ rất lâu những quy định đem lại những khó khăn cho công việc của họ”. Có nghiên cứu cho rằng, từ những rào cản đó sẽ khiến giảm lượng đầu tư giảm đi ít nhất trong một vài năm vì những văn bản kiểu như vậy. Hiện nay phương pháp RIA được sử dụng ở 60 quốc gia và lãnh thổ, có tác động đến 70% GDP toàn cầu. Chính phủ các nước ngày càng nhận thức lợi ích khi sử dụng RIA vì sẽ giải phóng được nguồn lực nhiều hơn cho xã hội.
Hệ thống pháp lý ở Việt Nam còn đang có rất nhiều hạn chế và nhiều Luật còn trong quá trình xây dựng. Việc sử dụng các công cụ hữu hiệu để xây dựng pháp luật là rất cần thiết. Đơn cử như việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND là 14%/năm trong thời gian vừa qua nhưng không thực thi được khi các ngân hàng thương mại đều nhất loạt vượt trần, bất chấp các quy định của pháp luật. Nếu có công cụ RIA, cơ quan soạn thảo chính sách sẽ hạn chế được những hệ quả không mong muốn của một quyết định. RIA sẽ cung cấp thêm thông tin để các nhà hoạch định chính sách có những options (sự lựa chọn) nhiều hơn cho quyết định của mình. Thí dụ như đánh giá tác động của mức lãi suất 14%/năm thị trường sẽ phản ứng như thế nào, ở mức lãi suất 15% hay 16%/năm sẽ như thế nào. Công cụ RIA buộc các quy định sẽ phải trả lời được những đánh giá tác động khác nhau từ những sự tham vấn rộng rãi trong cộng đồng xã hội, như vậy đồng thời cũng là một cách thức truyền tải thông điệp của chính sách và giúp doanh nghiệp định hướng được yêu cầu từ nhà quản lý và có những ứng xử phù hợp và từ đó cũng hạn chế những cú sốc đối với cả nền kinh tế.
No comments:
Post a Comment