Wednesday, May 25, 2011

19/05 Ðường lối đối ngoại Ðại hội XI và những phát triển quan trọng trong tư duy đối ngoại của Ðảng ta


Cập nhật lúc 02:34, Thứ năm, 19/05/2011 (GMT+7)
Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra khi đất nước ta bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Ðại hội Ðảng đã thông qua ba văn kiện quan trọng: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng.
Ba văn kiện quan trọng này nêu quan điểm, phương hướng cơ bản chỉ đạo cả lâu dài, trung hạn và ngắn hạn về đường lối đối ngoại, tạo thành một thể thống nhất. Cương lĩnh nêu những định hướng, nguyên tắc lớn, mang tầm chiến lược cho cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chiến lược cụ thể hóa đường lối đối ngoại nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Phần đối ngoại trong Báo cáo Chính trị đề cập nhiều định hướng cụ thể cho các hoạt động đối ngoại năm năm tới. Từ Báo cáo Chính trị đến Chiến lược và Cương lĩnh, đường lối đối ngoại của Ðảng được đề cập phù hợp với nhiệm vụ đối ngoại trong từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nhưng thống nhất về mục tiêu, nguyên tắc, phương châm và những định hướng lớn, lâu dài. Nội dung của phần đối ngoại trong các văn kiện đó hợp thành Ðường lối đối ngoại Ðại hội XI.
Kế thừa đường lối đối ngoại của 25 năm đổi mới, đường lối đối ngoại Ðại hội XI có những bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới, thể hiện ở những nội dung chính dưới đây:
Thứ nhất, về mục tiêu của đối ngoại, văn kiện Ðại hội XI nêu: 'Vì lợi ích quốc gia, dân tộc'(1). Cùng với lợi ích quốc gia dân tộc, Ðại hội XI cũng đặt mục tiêu đối ngoại là 'vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh'. Hai mục tiêu này thống nhất với nhau. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là cơ sở cơ bản để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh là phù hợp lợi ích quốc gia dân tộc và là điều kiện cần để thực hiện các lợi ích đó.
Lần đầu tiên, mục tiêu đối ngoại 'vì lợi ích quốc gia, dân tộc' được nêu rõ trong phần đối ngoại của Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Ðại hội Ðảng. Nói như vậy không có nghĩa Ðảng ta chưa từng xác định mục tiêu đối ngoại là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ khi Ðảng ra đời, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn luôn là mục tiêu phấn đấu của Ðảng ta. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI đã khẳng định 'Lợi ích cao nhất của Ðảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế' (2). Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX nhấn mạnh 'bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc' là một trong những mục tiêu then chốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (3).
Tuy nhiên, việc nêu rõ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại trong văn kiện Ðại hội XI của Ðảng có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định rõ hơn định hướng: Ðảng ta hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc, từ đó tái khẳng định sự thống nhất và hòa quyện giữa lợi ích của giai cấp và lợi ích của dân tộc. Khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại cũng có nghĩa là Ðại hội đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Nói cách khác, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Ðảng đến ngoại giao nhân dân, đều phải tuân thủ.
Thứ hai, về nhiệm vụ của công tác đối ngoại, văn kiện Ðại hội XI nêu rõ: 'Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới'(4). Phục vụ các mục tiêu quốc gia về phát triển, an ninh và nâng cao vị thế đất nước là nhiệm vụ nhất quán trong đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới. Ðiểm mới trong phần đối ngoại của văn kiện Ðại hội XI là xác định rõ hơn khía cạnh an ninh khi nêu rõ nhiệm vụ 'bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ'. Ðộc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là cơ sở tồn tại của một quốc gia. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là một trong những nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Việc nêu rõ điều này trong nhiệm vụ đối ngoại là nhằm đáp ứng những phát triển mới của tình hình, đồng thời khẳng định vai trò của đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Thứ ba, về các nguyên tắc phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động đối ngoại, tái khẳng định các nguyên tắc của đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới, Ðại hội XI nêu: 'Bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển', 'tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc'. Bên cạnh những nguyên tắc nhất quán này, văn kiện Ðại hội XI, phần định hướng giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới trên biển và thềm lục địa với các nước liên quan, nêu thêm nguyên tắc giải quyết các vấn đề tồn tại trên cơ sở các 'quy tắc ứng xử của khu vực'.
Thứ tư, về phương châm của đường lối đối ngoại, các văn kiện của Ðại hội khẳng định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ðiểm mới trong phương châm đối ngoại của Ðại hội XI là 'hội nhập quốc tế' và 'thành viên có trách nhiệm'.
Về hội nhập quốc tế, Ðại hội XI chuyển từ chủ trương 'Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác'(5) được thông qua tại Ðại hội X sang 'chủ động và tích cực hội nhập quốc tế'(6). Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa-xã hội...
Hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, nhất là khả năng tranh thủ hiệu quả hơn các nguồn lực bên ngoài. Cùng với hội nhập kinh tế, hội nhập trong các lĩnh vực khác sẽ tạo cơ hội lớn hơn trong tiếp cận tới tri thức tiên tiến của nhân loại, gia tăng mức độ đan xen lợi ích, từng bước làm cho đất nước trở thành bộ phận hữu cơ của khu vực và thế giới, chiếm vị trí ngày càng cao trong nền kinh tế, chính trị và văn hóa toàn cầu. Hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực cũng tạo cho chúng ta khả năng tận dụng được sự tác động qua lại, bổ sung lẫn nhau giữa hội nhập trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, từ hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác chuyển sang hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực đặt ra cho chúng ta một số thách thức mới. Tác động tiêu cực từ các diễn biến bên ngoài sẽ gia tăng. Những bất ổn không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh, chính trị, xã hội từ bên ngoài sẽ nhanh chóng tác động tới nước ta; các loại tội phạm xuyên biên giới như: Buôn bán ma túy, rửa tiền, thâm nhập tiền giả, tài liệu phản động, văn hóa phẩm không lành mạnh và các thách thức an ninh phi truyền thống khác có thể gây tác hại đến mọi mặt của an ninh quốc gia, từ an ninh kinh tế đến an ninh chính trị xã hội. Phạm vi và tốc độ lây lan của các cú sốc từ bên ngoài cũng gia tăng. Ðồng thời, yêu cầu bổ sung và hoàn thiện thể chế; cải cách và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, v.v... sẽ ngày càng lớn.
Theo đó, để giảm các tác động tiêu cực và khai thác tối đa các cơ hội từ hội nhập quốc tế, nội hàm và lộ trình của hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa-xã hội cần phải được xác định phù hợp với thế, lực của đất nước và bối cảnh tình hình đất nước sao cho hội nhập quốc tế phục vụ hiệu quả nhất mục tiêu phát triển, bảo vệ Tổ quốc XHCN và vị thế quốc gia.
Từ đường lối đối ngoại trên cơ sở tuyên bố 'muốn là bạn' (Ðại hội Ðảng lần thứ VII, lần thứ VIII), 'là bạn, là đối tác tin cậy' (Ðại hội Ðảng lần thứ IX), Ðại hội Ðảng lần thứ XI hoàn chỉnh và bổ sung thêm cụm từ là 'thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế'. Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế/tổ chức/diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu (ngoại giao đa phương), góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho ngoại giao song phương. Nội hàm mới này là một trong những cơ sở để xác định một trong những ưu tiên đối ngoại trong thời gian tới là 'xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh'. Tuy vậy, trách nhiệm bao gồm những gì và thực hiện trách nhiệm như thế nào luôn luôn cần được tính toán kỹ trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc, năng lực thực hiện của ta trong từng vấn đề, từng giai đoạn. Trách nhiệm cần được xác định theo các cấp độ: Trách nhiệm đối với dân tộc của mình; trách nhiệm đối với khu vực của mình; trách nhiệm đối với những vấn đề chung của nhân loại.
Thứ năm, về định hướng đối ngoại, bên cạnh định hướng bao trùm là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, Ðại hội XI nêu định hướng về: Giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ; ưu tiên đối tác và định hướng quan hệ ASEAN; đối ngoại Ðảng; ngoại giao nhân dân và định hướng tổ chức thực hiện. Về đối ngoại quốc phòng, an ninh, Ðại hội chỉ rõ: 'Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh', 'Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc'(7). Với định hướng này, đối ngoại quốc phòng, an ninh sẽ tiếp tục phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phù hợp với bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Về định hướng tham gia trong ASEAN, Ðại hội XI chỉ rõ: 'Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương'(8). Ðịnh hướng này là bước phát triển cao hơn từ định hướng: 'Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á-Thái Bình Dương'(9) được thông qua tại Ðại hội X. Bước phát triển này thể hiện, Ðảng ta khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên trong ASEAN, Việt Nam tham gia các hoạt động trong ASEAN với tư cách là một thành viên có trách nhiệm; chỉ rõ mục tiêu của các hoạt động của Việt Nam trong ASEAN là xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN; xác định rõ đặc tính của Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam phấn đấu cùng các nước xây dựng là một cộng đồng vững mạnh, có quan hệ chặt chẽ với các đối tác bên ngoài và có vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác ở khu vực; đồng thời khẳng định, phương châm tham gia hợp tác ASEAN là chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Với định hướng này, việc tham gia trong ASEAN trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, ngang với 'quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng chung biên giới'.
Thứ sáu, về triển khai các hoạt động đối ngoại, Ðại hội XI nêu: 'Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại'. Khi hội nhập quốc tế mở ra tất cả các lĩnh vực thì việc triển khai đối ngoại tất yếu phải toàn diện và để các hoạt động này không chồng chéo, không triệt tiêu lẫn nhau thì việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ. Tính toàn diện của đối ngoại Việt Nam được quy định bởi sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt trong hoạt động đối ngoại; tính toàn diện trong mục tiêu của chính sách đối ngoại và sự đa dạng của các mối quan hệ đối ngoại trong quá trình hội nhập.
Triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại, nói cách khác là xây dựng một nền đối ngoại toàn diện, sẽ tạo nên xung lực tổng hợp của các lĩnh vực, các loại hình, các kênh đối ngoại, nhưng cũng tạo nên một số thách thức mới. Nếu không có kế hoạch tổng thể và nếu không có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp nhịp nhàng giữa các kênh, các lĩnh vực đối ngoại thì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực và làm suy giảm hiệu quả của các hoạt động đối ngoại.
Coi triển khai đồng bộ và toàn diện là phương châm ưu tiên trong triển khai đối ngoại, Ðại hội XI sẽ tạo ra nhận thức và đồng thuận lớn hơn trong Ðảng và nhân dân về tính chất mới của sự nghiệp đối ngoại cũng như nêu rõ hơn yêu cầu tham gia tích cực và chủ động hơn của mọi lực lượng trong hoạt động đối ngoại, đồng thời đưa tới những bước tiến mạnh hơn theo hướng thống nhất chỉ đạo hoạt động đối ngoại của Ðảng, Nhà nước, các bộ/ngành và địa phương.
Với những bước phát triển mới trong đường lối đối ngoại Ðại hội XI, chúng ta càng tin tưởng chắc chắn rằng, sự nghiệp đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Ðảng sẽ tiếp tục thu được những thắng lợi mới. Tuy nhiên, để đường lối sớm đi vào cuộc sống, cần phải có nỗ lực vượt bậc trong tất cả các khâu, từ cụ thể hóa đường lối thành chính sách đến xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch, đề án đối ngoại. Là binh chủng chủ lực trong đối ngoại, Ðảng bộ Bộ Ngoại giao đã và đang triển khai học tập nghị quyết Ðại hội XI trong toàn thể Ðảng bộ và cán bộ của bộ; tổ chức nghiên cứu để đóng góp vào quá trình cụ thể hóa đường lối đối ngoại, nhất là những vấn đề liên quan đến việc xác định nội hàm, xây dựng lộ trình hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội. Bộ Ngoại giao cũng đang triển khai kế hoạch nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của bộ, phối hợp với các địa phương bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho các cán bộ đang công tác tại cơ quan ngoại vụ các tỉnh, thành phố; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai định hướng 'thường xuyên bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp' (10) đã được Ðại hội XI thông qua. Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các địa phương, Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực vượt bậc, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại Ðại hội XI.
PHẠM BÌNH MINH
Ủy viên BCH T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao
--------------------------------
(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - 2011, trang 236.
(2) Nguyễn Cơ Thạch, 'Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta', Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số tháng 1-1990.
(3) Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phát hành, NXB CTQG - 2003.
(4) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - 2011, trang 236.
(5) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG - 2006, trang 112.
(6) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - 2011, trang 236.
(7) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - 2011, trang 235, 236.
(8) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - 2011, trang 237.
(9) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG - 2006, trang 114.
(10) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - 2011, trang 238.

No comments:

Post a Comment