Cập nhật lúc 18:10, Thứ bảy, 14/05/2011 (GMT+7)
Ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống Tham nhũng - Thanh tra Chính Phủ |
NDĐT – Ngày 6-5, Bộ Nội vụ và Thanh Tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP quy định về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng (có hiệu lực từ ngày 21-6-2011). Phóng viên NDĐT đã trao đổi với ông Ngô Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ về điểm mới của Thông tư này.
PV: Ông có thể cho biết ý nghĩa sự ra đời của Thông tư liên tịch?
Ông Ngô Mạnh Hùng: Thực ra ngay trong Luật Thi đua Khen thưởng cũng đã có quy định về việc khen thưởng, động viên những người tố cáo, nhưng sau một thời gian khá dài văn bản cụ thể chưa giải quyết được. Đến năm 2009, khi làm Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng (PCTN), Chính phủ mới rà soát lại và thấy rằng, quy định đấy nhất thiết phải làm và giao Bộ Nội vụ chủ trì. Tuy việc soạn thảo văn bản diễn ra tương đối chậm so với tiến độ, nhưng cũng rất mừng là đến thời điểm này đã hoàn tất để công bố.
Thời gian qua rất nhiều người có thành tích trong tố giác PCTN nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức độ động viên họ về tinh thần là chủ yếu, chưa có hình thức khen thưởng về mặt Nhà nước hay động viên về mặt vật chất. Trong văn bản lần này, ngoài động viên còn có hình thức khen thưởng về mặt nhà nước mang tính pháp lý như: huân chương, bằng khen, giấy khen…Bản thân những người được khen cần có bằng chứng xác thực về thành tích của mình, chứ nếu chỉ là được biểu dương ở hội nghị, được quà lưu niệm thì thiệt thòi cho họ.
Mức thưởng đã được cân nhắc rất là nhiều. Khen thưởng trong PCTN, về nguyên tắc nằm trong quy định chung của pháp luật về thi đua khen thưởng. Theo đó, quy định về khen thưởng cho huân chương dũng cảm chỉ bằng 4,5 lần hệ số lương cơ bản. Rất may Luật Thi đua Khen thưởng cũng có cơ chế “mở”, cho nên ngoài mức khen thưởng 4,5 lần hệ số lương cơ bản trên, Thông tư liên tịch cũng quy định mức khen thưởng với đối tượng này bằng 30 lần mức lương cơ bản. Đây chính là động viên về mặt vật chất lấy từ quỹ PCTN. Đối tượng được xét khen thưởng là cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng
PV:Thực tế, những đóng góp của người dân, các cơ quan tổ chức xã hội trong trong công tác PCTN như thế nào?
Ông Ngô Mạnh Hùng: Thời gian qua, người dân tham gia chủ yếu bằng hình thức tố giác các hành vi vi phạm, thông qua đó tiến hành thanh tra phát hiện ra các vụ tham nhũng, nhưng chủ yếu dưới hình thức nặc danh, khuyết danh là chủ yếu. Một phần nguyên nhân chính là cơ chế khen thưởng chưa động viên họ dũng cảm đứng lên tố cáo tham nhũng, cũng như chưa có cơ chế bảo vệ an toàn cho họ. Bộ Công an đang trong giai đoạn soạn thảo văn bản về cơ chế bảo vệ đối với người tố cáo các hành vi vi phạm. Hai văn bản này được ra đời chính là hai công cụ bảo vệ một cách tương đối chặt chẽ người tố cáo.
PV: Văn bản là hành lang pháp lý, nhưng tính khả thi khi đưa vào cuộc sống mới quan trọng?
Ông Ngô Mạnh Hùng: Tôi nghĩ, văn bản này sẽ đi vào thực tế vì mấy năm vừa qua chúng ta liên tục tổ chức việc lựa chọn, biểu dương những cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh PCTN. Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vừa rồi cũng có đến 5 cá nhân có thành tích trong công tác PCTN tham dự. Nhưng do thiếu cơ chế nên họ chưa nhận được bằng khen cũng như chế độ khen thưởng xứng đáng.
PV:Vậy văn bản này có áp dụng cơ chế hồi tố hay không, thưa ông?
Ông Ngô Mạnh Hùng: Nguyên tắc của PCTN có đặc thù của nó. Vì không thể trong năm nay, anh có thành tích, đến cuối năm là được khen ngay. Nhiều khi đơn tố cáo gửi từ giai đoạn trước. Không chỉ có mới căn cứ quyết định khởi tố của cơ quan công an đã coi đó là vụ tham nhũng. Mà phải kể từ khi nộp đơn tố cáo, đến khi khởi tố, truy tố, xét xử, tòa tuyên án, ra quyết định thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có… thì mới có bằng chứng xác thực về việc tố cáo đúng hay sai. Lúc đó mới có cơ sở áp dụng vào để khen thưởng. Vì thế, những người đã được biểu dương trước đây thì vẫn có thể xem xét khen thưởng đợt tới nếu như tính đến thời điểm hiện nay mới có cơ sở xác định thành tích.
PV: Điều người dân quan tâm khi tố cáo hành vi sai phạm, tham nhũng không phải là mức thưởng mà chính là vụ việc của họ có được thụ lý giải quyết như thế nào?
Ông Ngô Mạnh Hùng: Hiện nay, về nguyên tắc khi nhận đơn tố cáo, tố giác của công dân trong thời hạn quy định thì phải thụ lý. Thực tế đúng là công tác giải quyết KNTC còn chậm, cũng có những hồ sơ, đơn tố cáo gửi nhiều lần mà các cơ quan chức năng chưa kịp thời vào cuộc dẫn đến suy nghĩ như vậy thôi. Về nguyên tắc, nếu họ tố cáo đúng quy trình, có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, chữ ký và các điều kiện khác đầy đủ thì nhất thiết sẽ được thụ lý.
PV: Xin cảm ơn ông!
* Theo Thông tư liên tịch, có bốn hình thức khen thưởng tương đương với bốn mức thưởng: Huân chương Dũng cảm với mức thưởng bằng 30 lần mức lương tối thiểu (tương đương 24,9 triệu đồng); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, mức thưởng bằng 20 lần mức lương tối thiếu (tương đương 16,6 triệu đồng); Bằng khen cấp bộ, mức thưởng bằng 10 lần mức lương tối thiếu (tương đương 8,3 triệu đồng); Giấy khen, mức thưởng bằng ba lần mức lương tối thiếu (gần 2,5 triệu đồng).
* Tiêu chuẩn xét khen thưởng: Không sợ hy sinh tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; Đã tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích chính trị, kinh tế, văn hóa, trật tự an toàn xã hội trong phạm vi bộ, ngành, tỉnh…
No comments:
Post a Comment