Wednesday, May 25, 2011

13/05 Những quyết định lịch sử

Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011)

Cập nhật lúc 15:21, Thứ sáu, 13/05/2011 (GMT+7)


Bác Hồ tại Pháp năm 1920.

Tháng 6-1911, quyết định đi sang Pháp để tìm đường cứu nước là quyết định đầu tiên có ý nghĩa lịch sử, thể hiện rõ tư duy độc lập và sáng tạo của Hồ Chí Minh. Tháng 12-1920, sau gần mười năm hoạt động thực tiễn sôi nổi và việc tiếp nhận lý luận ban đầu làm sáng tỏ hơn con đường cứu dân tộc mà Người đang đi tìm đã dẫn tới một quyết định quan trọng tiếp theo của Hồ Chí Minh: Ðưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường của Lê-nin.

Những quyết định quan trọng đó khởi nguồn cho thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Quyết định sáng tạo đầu tiên trên con đường cách mạng

Ðể tìm câu trả lời về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc khi các điều kiện trong nước và thế giới có những thay đổi mới, Hồ Chí Minh quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước. Ðây là quyết định hoàn toàn mới, thể hiện rõ tư duy độc lập và sáng tạo của Hồ Chí Minh. Các nhà yêu nước trước đây thường theo con đường 'truyền thống' là đi sang phương Ðông: Xiêm (Thái-lan), Trung Quốc, Nhật Bản. Chưa ai đặt vấn đề, càng không ai chủ trương sang phương tây để tìm con đường cứu nước mới như Hồ Chí Minh dự định và quyết tâm thực hiện.

Tinh thần yêu nước, xả thân để cứu nước của các sĩ phu văn thân trong phong trào Cần vương chống Pháp xâm lược đã thất bại trước đó làm Hồ Chí Minh vừa rất khâm phục vừa phải suy nghĩ. Người cũng rất ngưỡng mộ những nhà yêu nước, những nhà cách mạng thế hệ trước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,... nhưng không tán thành đường lối cứu nước của họ. Hồ Chí Minh tìm đường sang phương tây, đến nước Pháp, nơi đã tuyên bố những lẽ phải về quyền 'Tự do, bình đẳng, bác ái' đã từng làm rung động lòng Người khi còn ở tuổi thiếu niên. Hồ Chí Minh thấy sự cần thiết '... phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi' (1).

Ngày 5-6-1911, khi ra đi tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: 'Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu' (2). Khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân là nguồn sức mạnh nâng bước chân, là ngọn lửa hồng thắp sáng, sưởi ấm tinh thần Hồ Chí Minh trên những chặng đường bôn ba.

'Tia sáng' đầu tiên của 'dòng ánh sáng'

Khoảng cuối năm 1917, Hồ Chí Minh từ Anh trở lại Pháp, khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bước vào giai đoạn kết thúc. Khoảng cuối năm 1918 hoặc đầu năm 1919, Hồ Chí Minh gia nhập Ðoàn Thanh niên xã hội và sau đó gia nhập Ðảng Xã hội Pháp, vì Người nhận thấy có mối liên hệ giữa những hoạt động của Ðảng với khát vọng giải phóng dân tộc của mình. Hồ Chí Minh là một trong số rất ít thành viên của Ðảng Xã hội Pháp khi đó là người dân của một xứ thuộc địa.

Khi Hồ Chí Minh trở lại Pháp, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã thành công. Mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng này, nhưng với sự nhạy bén về chính trị bên cạnh những trải nghiệm thực tiễn trong phong trào công nhân Pháp, tham gia cuộc đấu tranh ủng hộ nhân dân nước Nga Xô viết, Hồ Chí Minh từ 'nhận thức cảm tính', thông qua nghiên cứu sách báo, tài liệu đã tìm hiểu sâu hơn về Cách mạng Tháng Mười Nga. Người đã nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết kết hợp cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc ở Ðông Dương với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước khác.

Trong hai số liên tiếp ngày 16 và ngày 17-6-1920, báo L'Humanité (Nhân đạo) đăng 'Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa' của V.I. Lê-nin. Hồ Chí Minh đọc văn kiện này sau khi đăng ít hôm và đã có được lời giải đáp cho câu hỏi khát khao đã cháy trong lòng mình hàng chục năm qua. Và cũng từ đó, Người đã thấy được cái cần thiết cho dân tộc Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo tư tưởng cách mạng của Lê-nin.

Những luận điểm của V.I. Lê-nin về những vấn đề dân tộc và thuộc địa trong bối cảnh mới của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới được luận giải trong Luận cương đã làm cho Hồ Chí Minh hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Ngày 30-12-1920, tại Ðại hội Tua, Hồ Chí Minh bỏ phiếu tán thành và trở thành một trong những sáng lập viên của Ðảng cộng sản Pháp, tham gia Quốc tế III (3).

Trong bóng tối dày đặc của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Từ một người yêu nước nhiệt thành, Hồ Chí Minh đã trở thành một chiến sĩ cách mạng tiên phong, trở thành một người cộng sản. Trong tất cả những người Việt Nam khi đó không chỉ có một mình Hồ Chí Minh là nhà ái quốc, không chỉ có một mình Hồ Chí Minh muốn cứu nước nhưng chỉ Hồ Chí Minh thành công, tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc khi đến với chủ nghĩa Lê-nin.

Kết quả của hoạt động thực tiễn và việc tiếp nhận lý luận ban đầu càng làm sáng tỏ hơn con đường cứu dân tộc mà Người đang đi tìm và đã dẫn tới một quyết định quan trọng tiếp sau quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước. Ðó là quyết định đưa phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng của Lê-nin.

Sáng tạo tiếp nối sáng tạo

Nghiên cứu, tiếp thu những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lê-nin về cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải bổ sung vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin những vấn đề của các dân tộc phương Ðông mà trong thế kỷ 19, do những điều kiện lịch sử, Mác và Ăng-ghen chưa thể có được hoặc có nhưng chưa phát triển một cách đầy đủ. Ðó là phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược ở các nước phương Ðông nói chung và Việt Nam nói riêng. Người đã phát hiện ra nội dung lớn mà các tác phẩm lý luận thời đó ít đề cập: Ðó là sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc và tinh thần yêu nước. Và để hoàn thành sự nghiệp cách mạng cần có sự kết hợp nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài, dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng trước hết cần có Ðảng cộng sản chân chính lãnh đạo vì Ðảng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc. Ðảng cộng sản là người đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Ðây là một quan điểm mới, sáng tạo của Hồ Chí Minh về tính tất yếu phải có Ðảng cộng sản ở một nước thuộc địa. Mùa xuân 1930, khi những điều kiện đã chín muồi, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chặt chẽ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

* * *

Nhà nghiên cứu Ga-bri-en Bo-ne nhận xét: 'Công trình phân tích về thuộc địa của Hồ Chí Minh vượt xa tất cả những gì mà cho đến lúc bấy giờ các nhà lý luận Mác-xít đã nói. Giống như thế kỷ trước Hô-xê Mác-ti nhà cách mạng lớn Cu-ba đã là một nhà Mác-xít - Lê-nin-nít đầy sức thuyết phục trước khi đọc Mác và chưa hề hiểu được rằng một người tên gọi Lê-nin sẽ khuấy động thế kỷ 20 bằng chủ nghĩa của mình, Hồ Chí Minh đã soạn thảo một chùm lý luận đầy uy tín không thể chối cãi được nhằm giải phóng người dân thuộc địa bị áp bức' (4). Sự sáng tạo đó là khởi nguồn dẫn tới thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc Việt Nam.

-------------

(1) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, Tập 1, trang 41.

(2) Sđd, Tập 1, tr 112.

(3) Sđd, Tập 1, tr 112.

(4) Tạp chí Thông tin lý luận, số 7-1993, tr 4.

NGÔ VƯƠNG ANH

No comments:

Post a Comment