Wednesday, May 25, 2011

13/07/2005 Những điểm mới của Luật Phá sản năm 2004

Cập nhật lúc 10:53, Thứ tư, 13/07/2005 (GMT+7)
So với Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Phá sản năm 2004 bổ sung quy định mới về việc quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản trong trường hợp đặc biệt (Điều 87). Theo đó, tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản trong các trường hợp sau đây:

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền tạm ứng phí phá sản do tòa án ấn định, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không còn tiền và tài sản khác để nộp tiền tạm ứng phí phá sản thì tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

- Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và nhận các tài liệu, giấy tờ do các bên có liên quan gửi đến, tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không còn tài sản hoặc còn nhưng không đủ để thanh toán phí phá sản. Nội dung quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản bao gồm: Ngày, tháng, năm ra quyết định, tên của tòa án và tên thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản; tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, căn cứ của việc tuyên bố phá sản; quyền khiếu nại, kháng nghị và thời hạn khiếu nại, kháng nghị; Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Theo quy định này thì người giữ chức vụ giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị của công ty, tổng công ty 100% vốn Nhà nước bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, kể từ ngày công ty, tổng công ty Nhà nước bị tuyên bố phá sản. Người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.

Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của doanh nghiệp, chủ nhiệm, các thành viên ban quản trị hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, những điều cấm trên đây không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, tòa án phải gửi và thông báo công khai quyết định cho doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, viện kiểm sát cùng cấp và đăng trên báo địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản có địa chỉ chính, báo hằng ngày của trung ương ba số liên tiếp; cho các chủ nợ, những người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản có hiệu lực pháp luật, tòa án phải gửi quyết định cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xóa tên doanh nghiệp, hợp tác xã trong sổ đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp Tòa án Nhân dân tối cao ra quyết định giải quyết khiếu nại, kháng nghị thì thời hạn có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.

Luật Phá sản năm 2004 còn bổ sung quy định đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh thì sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản họ không được miễn trừ nghĩa vụ về tài sản đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 90). Các nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật Phá sản năm 2004 cũng quy định khá cụ thể về khiếu nại, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, các chủ nợ, những người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản có quyền khiếu nại; Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Thời hạn khiếu nại, kháng nghị là 20 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo về quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kháng nghị, tòa án đã ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản phải gửi hồ sơ về phá sản kèm theo đơn khiếu nại, quyết định kháng nghị cho tòa án cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết. Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản không bị khiếu nại, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kháng nghị.

Việc giải quyết khiếu nại, kháng nghị được tiến hành như sau:

- Ngay sau khi nhận được hồ sơ về phá sản kèm theo đơn khiếu nại, quyết định kháng nghị, chánh án tòa án cấp trên trực tiếp chỉ định một tổ gồm ba thẩm phán xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, tổ thẩm phán phải xem xét, giải quyết và có quyền ra một trong các quyết định sau đây:

- Không chấp nhận khiếu nại, kháng nghị và giữ nguyên quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản của tòa án cấp dưới.

- Hủy quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản của tòa án cấp dưới và giao hồ sơ về phá sản cho tòa án cấp dưới tiếp tục tiến hành thủ tục phá sản.

Quyết định giải quyết khiếu nại, kháng nghị của tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

VŨ HOÀNG LONG (Biên soạn)

No comments:

Post a Comment