Nếu thời điểm lịch sử được người viết lựa chọn đã quá xa và nhân vật lựa chọn là người danh tiếng, thì anh ta sẽ phải đối mặt với cả rừng tư liệu của chính sử, huyền sử và cả dã sử nữa. Lựa chọn tư liệu nào, lựa chọn cách khai thác nào là cả một vấn đề lớn, quyết định thành - bại của tác phẩm.
A-lếch-xăng Ðuy-ma, đại văn hào Pháp (1803 -1870) chuyên viết tiểu thuyết và kịch lịch sử đã có tuyên ngôn về phương pháp của mình như sau: 'Lịch sử là chiếc đinh treo, là chiếc khung để tôi dán lên đó bức tranh của mình'. Ngay lập tức lời tuyên bố của nhà văn bị những nhà lịch sử, nghiên cứu lý luận phê bình, những người theo chủ nghĩa 'tư liệu cần mẫn' thời đó dấy lên một làn sóng phản đối gay gắt. Nào là không tôn trọng sự thật lịch sử, bóp méo, xuyên tạc lịch sử không thể chấp nhận... Mặc dầu vậy, tác phẩm của A. Ðuy-ma vẫn được người đọc Pháp và thế giới hào hứng đón nhận.
Thường thì trong sáng tác văn học - nghệ thuật, các nhà văn, nghệ sĩ, các nhà biên kịch bám vào một nhân vật lịch sử nào đó, sưu tầm tư liệu trong sử sách, những bàn ra tán vào của các nhà sử học, nghiên cứu lý luận đăng tải trên sách báo, tạp chí, rồi cả những chuyện kể, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, huyền sử, dã sử, mọi nguồn, càng nhiều càng tốt, rồi từ nguồn tư liệu đó dựng lên một hình mẫu nhân vật với những đức tính chung nhất không thể tranh cãi như uy, đức, trí, dũng, nghĩa, nhân, yêu nước, thương dân, căm thù giặc, sáng ngời lý tưởng cách mạng... Có được hình mẫu nhân vật rồi thì tái dựng những việc nhân vật làm đã được ghi lại trong sử sách. Chẳng hạn như với Lý Công Uẩn thì viết Chiếu dời đô, xây thành Thăng Long thành thủ đô ngàn năm văn hiến... Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là những năm tháng bôn ba đi tìm đường cứu nước, tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thành lập Ðảng Cộng sản, tuyên truyền về nước gây dựng phong trào, trở về nước lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, tiếp tục lãnh đạo quân dân kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Toàn là những việc lớn mà chỉ một việc thôi cũng đủ tạo nên một sự nghiệp rạng rỡ một đời người. Tất cả những điều ấy đều là sự thật lịch sử đã được thời gian kiểm chứng, có điều hầu như tất thảy đều thuộc phạm vi thuần túy lý trí. Và chắc hẳn những tài liệu, những công trình nghiên cứu về các vị đó không đến nỗi khó tìm.
Bài toán đặt ra cho các nhà biên kịch là từ một sự kiện lịch sử, những điều chỉ được ghi trong chính sử vài dòng, lại là những vấn đề thuần túy lý trí làm sao tạo dựng được một bộ phim, làm sao tạo được câu chuyện có tính kịch, một tiết mục giải trí hấp dẫn được thiên hạ, kéo thiên hạ vào rạp? Mấu chốt của vấn đề nằm ở đó.
Theo tôi, điều quan tâm đầu tiên khi định viết về một nhân vật lịch sử đó chính là nhân tính hóa con người đó. Hãy đặt nhân vật vào những mối quan hệ đời thường, luôn tâm niệm rằng người đó cũng là con người như bạn như tôi với cá tính riêng, có tất thảy sở trường, sở đoản; cũng yêu, cũng ghét, cũng suy tưởng, lạc quan, tuyệt vọng, vùng vẫy... Chỉ có điều cùng với mỗi hành động của vĩ nhân là một lần làm cả thế giới xoay chuyển. Ðó chính là sự khác biệt của vĩ nhân với người thường chúng ta.
Nhân tính hóa nhân vật lịch sử không có nghĩa là làm méo mó biến dạng thành con người khác. Một người chuyên nghiệp sẽ bắt đầu bằng công việc sưu tập công phu, tuy nhiên sáng tạo nghệ thuật không bao giờ giống việc sao chép, và nhà văn, nhà biên kịch không phải người chép sử. Sưu tầm có thể tích lũy được không ít tư liệu, nhưng nếu không có một ý tưởng độc đáo, một bản 'thiết kế kỹ thuật' thì cũng không thể sử dụng tư liệu có hiệu quả được. Những người theo chủ nghĩa 'sưu tầm cần mẫn', những nhà lịch sử cực đoan hay thiếu thiện chí thường lấy tư liệu làm khuôn mẫu thước đo là họ muốn 'đóng hòm' nhân vật lịch sử, bó tay nghệ sĩ. Họ thường lạm dụng sự phản biện xã hội gây dư luận ngược chiều, tạo sóng nhiễu quanh những nhà quản lý nắm quyền quyết định, và nhiều khi tác hại vượt ra ngoài sự toan tính. Dự án làm phim Lý Công Uẩn là một thí dụ. Chỉ vì sự 'phản biện' chưa thật khách quan mà 'tạm giãn tiến độ' vô thời hạn.
Xin quay lại lời tuyên ngôn của A-lếch-xăng Ðuy-ma, ta có thể hiểu chiếc đinh treo và chiếc khung chính là bản thiết kế kỹ thuật cho tác phẩm của ông. Trong đó sự kiện lịch sử là chiếc đinh đóng chắc vào tường, hành động của nhân vật trong mối tương quan với con người, bối cảnh xã hội tạo nên cái khung, cái nền cho tác phẩm. Phần chủ yếu của tác phẩm, 'đứa con nhà văn đẻ ra cho lịch sử' lại phụ thuộc vào trí tưởng tượng sáng tạo, vào tài năng nghệ thuật. Goóc-ky đã từng nói: 'Không có hư cấu thì không thể có, không thể tồn tại tính nghệ thuật.' (M. Gorky toàn tập. T24, tr 330). Lối mô tả nhạt nhẽo, tầm thường, ghi chép sự kiện, thiếu sự bay bổng thường được biện minh bởi chiêu bài tính xác thực lịch sử. Tính xác thực trong trường hợp này thường mâu thuẫn với tính hư cấu, bị lên án là bịa đặt. Tuy nhiên, mọi người đều biết rõ rằng, những hình tượng nghệ thuật chói lọi trong khi xây dựng người ta đã sử dụng những phương tiện như phép ngoa dụ lại có tính xác thực nhiều hơn so với chủ nghĩa tư liệu cần mẫn, ngán ngẩm. Trí tưởng tượng sáng tạo trong một đề tài lịch sử không thể chỉ quy vào việc tổ chức tư liệu mà phải tạo ra những ấn tượng xúc cảm.
Những quyết định lịch sử của các nhân vật lịch sử thường mang tính lý trí, không mấy hấp dẫn với người xem, nếu không muốn nói là buồn chán. Nhiệm vụ của nghệ sĩ là sáng tạo ra những tình huống kịch tính, hư cấu những xung đột trong mối tương quan rất đời thường của nhân vật, trong quá trình vận động dẫn tới quyết định lịch sử đó. Dựa trên tính cách nhân vật mà hư cấu tạo ra kịch tính, biến đổi sự việc kém hấp dẫn tới mức trở thành lôi cuốn, nhưng cần tôn trọng những gì lịch sử đã ghi thành văn bản như bản chất sự kiện, địa điểm, ngày tháng, lời phát ngôn của nhân vật... Như vậy trí tưởng tượng phong phú của bạn mặc sức tung hoành mà không sợ phản lại lịch sử. Nhân vật lịch sử tất nhiên là người có ý chí, tham vọng lớn. Vậy là trong bản chất của sự kiện bao giờ cũng hàm chứa xung đột đối kháng. Bởi thế, bạn sẽ không lo thiếu kịch tính. Nếu chỉ dựa vào công tác sưu tầm tra cứu là không bao giờ đủ. Hãy phát huy tối đa sức tưởng tượng, hãy để cho trực giác lôi cuốn và nếu đi đúng hướng thì sự 'hư cấu' sẽ biến thành 'sự thật toàn vẹn'.
No comments:
Post a Comment