Wednesday, May 25, 2011

25/05 Nét riêng nào cho kiến trúc Việt ?

Cập nhật lúc 10:06, Thứ tư, 25/05/2011 (GMT+7)

Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng).
Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập. Năm nay, lần đầu tiên Ngày Kiến trúc Việt Nam được tổ chức rộng rãi trên cả nước. NDCT có cuộc trò chuyện với KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam.

PV: 63 năm là một chặng đường khá dài. Bên cạnh những gì đạt được, đâu là những tồn tại đáng trăn trở đối với một người trực tiếp làm nghề như ông?

KTS Nguyễn Tấn Vạn: Có mấy điều nổi cộm nhất cần phải nói đến. Thứ nhất, là thực trạng chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít có công trình, tác phẩm tốt, thành công về sáng tạo nghệ thuật. Trật tự, quy hoạch đô thị còn lộn xộn. Quy hoạch, kiến trúc đô thị và nông thôn chưa phát huy được vai trò xã hội, chưa hướng sự ưu tiên về đông đảo tầng lớp nhân dân lao động, nhất là nông dân và người nghèo đô thị. Các công trình văn hóa, phúc lợi, nhà ở xã hội chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa di sản bị xâm lấn, hủy hoại.

Thứ hai là về mặt đội ngũ. Chúng ta có một lực lượng KTS đông đảo với hơn 15.000 KTS cả nước, hơn 4.000 KTS hội viên Hội KTS Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng lại phân bố không đồng đều, phần lớn tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Những năm qua đã xuất hiện một số KTS tài năng, có phong cách, tạo nên thương hiệu đang dần tụ hội những điều kiện để cạnh tranh quốc tế nhưng số lượng này chưa nhiều. Ðặc biệt là không có các KTS đầu đàn và các bậc thầy. Ðây là điều đáng lo ngại trong phát triển nghệ thuật kiến trúc nước nhà thời kỳ mới.

Thứ ba, về xu hướng kiến trúc. Kiến trúc Việt Nam nhìn chung phát triển chung chung, mờ nhạt, thiếu bản sắc, tính hiện đại không triệt để, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Ðối với các xu hướng kiến trúc tiên tiến, đang phát triển trên thế giới như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng... cách tiếp cận và hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược, chưa được giới KTS thực thi thành công từ nhận thức thành hành động.

PV: Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có vai trò tập hợp, đoàn kết, định hướng và thúc đẩy sáng tác, Hội KTS đã làm gì để khắc phục những tồn tại đó, thưa ông?

KTS Nguyễn Tấn Vạn: Có hai nhiệm vụ lớn mà chúng tôi luôn quan tâm, đó là cố gắng cải tạo môi trường hành nghề và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ kiến trúc. Hiện nay, môi trường hành nghề của KTS còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, quyền tác giả, chế độ thiết kế phí, quy chế xét chọn và thẩm định dự án. Vì vậy, Nhà nước cần phải xây dựng luật về kiến trúc để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ; xây dựng thể chế quản lý, hành nghề kiến trúc... góp phần phát huy tài năng KTS, bảo đảm cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cho xã hội. Từ nhiệm kỳ trước, Hội KTS Việt Nam đã đề nghị, hiện nay Bộ Xây Dựng đang nghiên cứu, dự thảo. Hy vọng trong nhiệm kỳ này có thể được thực hiện.

Trong năm nay, Hội KTS Việt Nam hướng đến một số hoạt động lớn như: thúc đẩy hoạt động Kiến trúc Xanh; quan tâm đến vấn đề nhà ở của đồng bào nông thôn bằng việc tổ chức thi kiến trúc, vận động các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ xây dựng; mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế, cụ thể là đăng cai tổ chức Diễn đàn KTS châu Á vào tháng 8 tại TP Ðà Nẵng.

PV: Ở cương vị một KTS có bề dày hoạt động, nhiều tâm huyết với nghề, ông có thể bộc bạch đôi điều về những tâm sự, mong ước của mình với kiến trúc Việt Nam hôm nay?

KTS Nguyễn Tấn Vạn: Giới kiến trúc chúng tôi đang sống trong một thời kỳ thuận lợi nhất để hành nghề. Ðất nước đang trên đà phát triển với những điều kiện tốt về kinh tế, công nghệ thông tin mới, hợp tác giao lưu quốc tế mở rộng. Tôi rất mong muốn giới KTS Việt Nam tạo được cái riêng của kiến trúc nước nhà trong một tổ chức, trật tự, điều kiện hoàn cảnh mà đất nước nhiệt đới này cho phép làm được. Chúng ta đang du nhập không gian sống căn hộ đóng cứng, khép kín, trong khi bản thân ngôi nhà truyền thống Việt mở, thoáng, gần gũi với thiên nhiên hơn rất nhiều. Bản sắc không nhất thiết là phải lấy hình dáng kiến trúc, theo con đường tìm dáng mái cong, năm gian ba chái,v.v. Vấn đề quan trọng là không gian sống. Làm thế nào để toát lên tiếng nói, hơi thở người Việt; thúc đẩy phát triển Kiến trúc Xanh trong điều kiện Việt Nam, phù hợp xu thế thế giới nhưng rất Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông.

No comments:

Post a Comment