Năm 2010, nhân kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Pa-ven An-tô-côn-xki đã có bài viết này trong cuốn sách 'Người Nga nói về Hồ Chí Minh' do Hội Hữu nghị Nga - Việt, Viện Viễn Ðông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, Viện Kinh tế - Pháp quyền Mát-xcơ-va liên kết ấn hành. Chúng tôi xin dịch bài viết đó từ nguyên bản tiếng Nga.
Tháng 11-1958 người viết những dòng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiến tại dinh thự của Người ở Hà Nội.
Ðúng 6 giờ 30 sáng chúng tôi đã tới gặp Người. Khi vừa tới cửa phòng khách thì một người trung niên, không cao lắm, da sạm nắng, mặc bộ ka-ki mầu sáng, đi xăng-đan không tất bước tới. Người tươi cười chào đón chúng tôi. Ở đây đã viết 'trung niên' là do tôi đã biết rõ tuổi của Hồ Chí Minh. Ðúng hơn thì nên gọi Người là con người phi tuổi tác. Người có râu tóc hoa râm, dáng người gầy, ăn mặc gọn gàng tươm tất; dáng điệu đi đứng, cử chỉ của Người như vẫn còn trẻ trung, nhanh nhẹn, hoạt bát, vẻ đôn hậu và luôn tươi vui.
Vừa mới sáng sớm, nhưng nhìn Chủ tịch khó đoán được rằng Người vừa mới bắt đầu ngày làm việc của mình. Nói đúng hơn, có thể hình dung rằng dường như trên đầu Người mặt trời không bao giờ lặn, rằng giấc ngủ của Người ngắn ngủi, nhạy cảm, giống như người lính nơi lều trại dã chiến, hay người thủy thủ giữa hai phiên gác.
Sau này, khi nghiền ngẫm các tư liệu về tiểu sử Hồ Chí Minh, tôi hiểu rằng do đâu có ấn tượng ban đầu đó, và hiểu rằng đó quả là đúng.
Chủ tịch mời chúng tôi ngồi vào bàn, trên đó có bình cà-phê đặc cùng hoa quả. Người hoạt bát, mau lẹ, vui vẻ rót cà-phê vào các chén. Tôi báo cáo với Người về những công việc đã làm sau một tháng đến Việt Nam. Tôi nhắc lại rằng, một trong những tạp chí của Việt Nam vừa mới đây đã đăng những bài thơ của Người. Một sự đáp lại hoàn toàn bất ngờ! Người cười vui vẻ. Ở mắt Người ánh lên những tia sáng hài hước:
- Ấy chết! Không phải thế đâu, tôi có phải nhà thơ đâu mà. Ðơn giản là trong những năm kháng chiến, khi chúng tôi ẩn núp trong những hang động của núi rừng Việt Bắc, thật tiếc là chúng tôi có nhiều thời gian rỗi, nên chúng tôi đã tán chuyện với nhau bằng thơ. Tôi cũng như các đồng chí khác ấy mà. Ở Việt Nam tất cả mọi người đều làm thơ. Nhưng nay thì thơ của chúng tôi là những con số. Vâng, đó là những con số về mùa màng, về thu hoạch lúa. Thơ ca của chúng tôi đấy!
Ðoạn trường thoại này Chủ tịch nói thành thạo bằng tiếng Pháp, còn tiếng Nga thì người hiểu tốt, không cần phiên dịch. Khi từ giã chúng tôi, Người viết vào sổ tay tôi dòng chữ Nga rất chuẩn: 'Lời chào anh em - Hồ Chí Minh'.
Tôi hình như thấy rằng Người không đúng khi từ chối sự sáng tạo thi ca của mình. Tôi đã nhận ra điều đó khi dịch tập thơ 'Nhật ký trong tù' viết năm 1942-1943 của Người khi còn là người tù của Quốc dân đảng, Người đã nén chặt những ý nghĩ và tình cảm không vui của mình trong những bài thơ tứ tuyệt Bốn tháng rồi.
'Nhật ký trong tù' của đồng chí Hồ Chí Minh được đăng một phần trên các tạp chí của Hà Nội vào năm 1959, tới năm 1960 thì in thành một cuốn sách. Ðó là một tài liệu thi ca về giai đoạn gian khổ nhất trong cuộc đời của tác giả, về mười bốn tháng bị tù đày của vị lãnh tụ đại diện cho nhân dân Việt Nam đấu tranh trong các nhà tù của Quốc dân đảng Trung Quốc vào những năm 1942-1943. Trước mắt chúng ta có một trăm bài thơ tứ tuyệt đầy sức thuyết phục nhân tính và đậm chất thi ca.
Tính chân thực và tình cảm chân thành của tác giả có sức cuốn hút mạnh mẽ. Thường xuyên bị đói, các nhà ngục bẩn thỉu ngập ngụa mùi hôi thối và côn trùng, sự cô đơn và phiền muộn, những chuyến di chuyển kiệt sức từ nhà lao này tới nhà lao khác, từ thành phố này tới thành phố kia trong gông cùm, xiềng xích... Tất cả những điều đó được kể lại rất chân thực, chính xác không cường điệu, không úp mở, không bóng gió...
Ðôi khi tình cảm mạnh mẽ bùng phát ra như bực tức, phẫn nộ, tủi nhục, buồn nhớ quê hương, xót xa vì không thể làm được gì trong lúc vận mệnh của nước Việt đấu tranh đang được định đoạt. Chính những cảm xúc đó đang dâng trào. Mục đích của tác giả hoàn toàn khác: Người luôn cố gắng xác định chấp nhận hoàn cảnh và môi trường chung quanh, khắc họa bản sắc con người và mối quan hệ lẫn nhau. Ðó chính là cảm xúc nghệ thuật của Người.
Kết quả là cuốn nhật ký này hết sức cô đọng và đầy đủ: đầy rẫy những nhân vật giữ trọng trách lớn của bọn Trung Hoa dân quốc, bọn quan lại hống hách, những tên cai ngục, cảnh sát đủ loại, bọn máu mê cờ bạc, bọn ăn hối lộ, lính tẩy, lính thú, me tây ngu xuẩn... Bên cạnh đó là những người tù oan sai nghèo khổ tội nghiệp, những người vợ tới thăm chồng bị tù mà chỉ được đứng ngoài cửa sổ im lặng nhìn; những người vợ và con dại của tù nhân bị bắt ngồi tù thay chồng trốn tù; những người phu làm đường ngày đêm dầm mưa, dãi nắng mà người, xe qua lại chẳng ai đoái hoài... Và cũng có những nhân vật thoáng qua như một vài người dân thành phố tỏ rõ sự thân thiện với tác giả, một viên cai ngục có thái độ nhân từ với tác giả...
Trong tập thơ này không chỉ những con người sống thực. Tác giả còn rất quan tâm và thiện cảm với cảnh vật chung quanh. Có những nhân vật sống động trong nhật ký này như chú gà trống hằng sáng báo thức cho tù nhân; có đóa hoa hồng dù đã tàn mà hương thơm vẫn bay vào qua chấn song sắt với người tù; cả những tiếng sáo đầy ý buồn thương; những bụi cây ven đường bạn của người đi; rồi cả chiếc gậy bạn đường thân thiết của tác giả bị tên lính ngục đánh cắp, và cả những quân cờ...
Sự thể hiện ý chí và sức mạnh tinh thần của tác giả là tính hài hước luôn luôn sẵn có trong thơ. Cái cười mỉa mai và độ lượng trước cuộc sống vô nghĩa, quan hệ tình người rắm rối trong cái thế giới phi đạo đức và kiêu ngạo, hợm hĩnh. Thực ra, nỗi bất hạnh lớn nhất với con người là bị mất tự do, bị gông cùm xiềng xích, bị hạ nhục và oan ức. Nhưng nhà thơ vẫn cười khẩy với việc hài hước ví mình như một khanh tướng mang đội mũ mão, cân đai. Vì Người bị trói chặt bằng dây gai, coi đây như là những 'tua kim tuyến' của quan văn, quan võ... Ở Trung Hoa dân quốc thời đó những kẻ ham mê cờ bạc bị bỏ tù để cải tạo cái ham muốn nguy hại đó, nhưng trong nhà tù thì họ được đánh bạc tự do, ngày đêm sát phạt nhau trong những canh bạc đỏ đen. Tất cả những điều lố bịch, sự ngụy tạo đó của xã hội và cuộc sống được nhà thơ mô tả hết mực chân thực nhưng cũng rất sâu cay.
Ở mọi lúc, mọi nơi, hình ảnh cuộc sống thật linh hoạt, nhiều sắc màu và luôn biến đổi; còn sự thật của cuộc sống thì ba lần đáng nguyền rủa và bảy lần đáng khoan hòa.
Như vậy là tầm mắt của một con người bị tước mất tự do, sống nơi tù ngục đất khách rõ là rất rộng lớn. Người không cảm thấy thiếu thốn mà lại còn giàu hơn, phong phú hơn nhờ con mắt tinh đời và đôi tai thính nhạy, nhờ tâm hồn rộng mở của mình.
Khi bị là người tù của Trung Hoa Quốc dân đảng, Người đã phân biệt đối lập Quốc dân đảng với nhân dân Trung Quốc. Người nhắc nhở rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc với bọn quân phiệt Nhật vừa mới bùng lên, rằng trên sức mạnh của nhiều triệu người đó có thể làm chỗ dựa cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những giờ phút thao thức không ngủ, trước mắt Người hiện lên một hình ảnh tuyệt vời, niềm hy vọng của nhân loại cần lao: ngôi sao vàng năm cánh!
Tất cả cái đó thể hiện sinh động trong các bài thơ ngắn của nhật ký, là bầu không khí, là hệ huyết mạch, là giai điệu bên trong của thơ.
Nhiệm vụ của nhà thơ - dịch thuật như thường lệ là: bằng những phương tiện ngôn ngữ và văn hóa thi ca Nga, chuyển tải thật chính xác và đầy đủ hiện thực cuộc sống mà tác giả đã viết ra trong cuốn nhật ký thơ này. Dịch thơ Việt Nam đặc biệt khó, vì từ ngữ tiếng Việt rất ngắn gọn, do vậy một câu dòng sáu chữ hay tám chữ rất hàm súc về nội dung so với một câu dòng tiếng Nga tương ứng. Hoàn toàn không trùng khớp âm điệu của câu thơ Việt với câu thơ Nga. Những điều nêu trên đã giải thoát cho người dịch ở một mức độ nào đó, nhưng đồng thời có sự ràng buộc anh ta: phải tìm ra những tương đồng khác như cách gieo vần, ngữ điệu, cú pháp... để chuyển tải đặc tính của một ngôn ngữ thi ca khác của một nền văn hóa dân tộc khác.
Người dịch thơ trước hết muốn sao cho công việc của anh ta được thể hiện là một yếu tố của thi ca Nga. Chỉ có trong tấm gương phản chiếu thi ca như vậy người đọc mới thấy được rõ ràng và thấu hiểu tác giả cùng thế giới chung quanh ông.
Ðúng, có thể trên nền xanh thẳm của tấm huy chương vẫn còn lưu lại những ánh đỏ của ráng hồng thời chiến trận; có thể là những vết trầy xước của những viên đạn. Ðúng, đó có thể là theo các vết sẹo đen trên đó, theo những khe rãnh do chính thời gian kẻ vạch ra, có thể đọc thấy cả cuộc đời đặc biệt phi thường của Hồ Chí Minh, cuộc đời của một trong những con người kiệt xuất nhất của thế kỷ chúng ta.
TRIỆU HẢI (dịch từ nguyên bản tiếng Nga)
No comments:
Post a Comment