Monday, September 12, 2011

12/09 Mỹ là nhân tố không thể thiếu để đảm bảo ổn định ở Đông Á



EmailInPDF.
Theo báo Nhật Bản "Sankei", 10 năm sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, trong khi Mỹ bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố, Trung Quốc đã tăng cường hành động nhằm nắm quyền chủ đạo trong việc xây dựng trật tự ở Đông Á. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước láng giềng của Trung Quốc, sự không tin tưởng vào Bắc Kinh đang tăng lên.Thế giới 10 năm sau vụ khủng bố 11/9 vẫn cần có Mỹ để đảm bảo sự ổn định.
Hoạt động của các tàu giám sát ngư nghiệp của Trung Quốc đã được thường xuyên hóa tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang bị tranh chấp với Nhật Bản. Tháng 8/2011, tàu giám sát ngư nghiệp Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản và chính phủ Nhật Bản đã kháng nghị mạnh mẽ.
Trong khi đó, việc Hàn Quốc không tin tưởng vào Trung Quốc xuất phát từ thái độ của Bắc Kinh đối với các hành động khiêu khích quân sự nhằm vào Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên hồi năm ngoái. Trong vụ chìm tàu Cheonan tháng 3/2010, ngay cả sau khi Ủy ban Điều tra Hỗn hợp Quốc tế đã làm rõ sự dính líu của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ quan điểm bảo vệ Bắc Triều Tiên. Trong vụ Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc đã yêu cầu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đang ở thăm Hàn Quốc sử dụng ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên, nhưng thái độ của Trung Quốc vẫn không rõ ràng.
Việc chính quyền Li Miêng Pắc chú trọng nhất sau khi được thành lập năm 2008 là tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Ông Li Miêng Pắc đã rút kinh nghiệm từ những tổn thất lớn trong môi trường an ninh sau khi chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Rô Mu Hiên chú trọng giữ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Li Miêng Pắc năm 2008 đã thỏa thuận với Tổng thống Mỹ khi đó là Geroge W. Bush về việc duy trì lực lượng 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama năm 2009, ông Li Miêng Pắc đã có được cam kết về đảm bảo an ninh bằng “ô hạt nhân” của Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận thức rằng hợp tác Nhật-Hàn là yếu tố không thể thiếu. Một quan chức Hàn Quốc cho rằng nếu Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác với nhau thì có thể đối phó được với cả Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. 
Trong khi đó, những tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ở Biển Đông đang nổi lên. Trung Quốc đang gấp rút tăng cường hoạt động kiểm soát trên thực tế đối với các đảo và vùng biển, dự định triển khai tàu sân bay đầu tiên ở Biển Đông. ASEAN đang kỳ vọng vào Mỹ, nước đã tuyên bố rõ phương châm can dự vào vấn đề Biển Đông. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đề nghị các nước liên quan làm rõ căn cứ pháp lý những đòi hỏi chủ quyền của họ. Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ sự can dự của Mỹ. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Bali, Inđônêxia vào tháng 11 tới, dư luận cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục các chiến thuật đấu tranh ngoại giao với nhau. Nếu không có sự can dự của Mỹ, rất có khả năng Biển Đông trên thực tế sẽ trở thành “biển của Trung Quốc”.
Báo trên kết luận: Thế giới 10 năm sau vụ khủng bố 11/9 vẫn cần có Mỹ để đảm bảo sự ổn định.
Theo Sankei
Hoàng Anh (gt)

No comments:

Post a Comment