Tuesday, November 22, 2011

22/11 Khi căn cứ Mỹ làm Rồng ngứa mắt


Tác giả: NGUYỄN HUY THEO NYTIMES

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng, Mỹ có kế hoạch triển khai 2.500 lính thuỷ đánh bộ tới Australia để củng cố liên minh ở châu Á, nhưng theo giới phân tích, động thái này đã gây ra phản ứng từ Bắc Kinh với cáo buộc ông Obama làm leo thang căng thẳng quân sự trong khu vực.

Thoả thuận với Australia được coi là việc mở rộng lâu dài đầu tiên của sự hiện diện quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nó xuất hiện cho dù là giữa áp lực cắt giảm ngân sách mà Lầu Năm Góc phải đối măt và sự gia tăng những quan ngại phản ứng ngược từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc - những người lập luận rằng, Mỹ đang tìm cách bao vây quân sự và kinh tế Trung Quốc.
"Nó có thể không thích hợp để tăng cường và mở rộng các liên minh quân sự, và cũng có thể không phải vì lợi ích của các nước trong khu vực này", Lưu Vi Dân, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc nói khi được hỏi về phản ứng với tuyên bố của ông Obama và nữ thủ tướng Australia Julia Gillard.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Australia hôm thứ Năm, ông Obama nói rằng, ông đã "thực hiện một quyết định thận trọng và chiến lược - là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn và lâu dài hơn trong việc định hình khu vực này và tương lai của nó".
Tổng thống Mỹ khẳng định, động thái trên không nhằm vào mục đích cô lập Trung Quốc, nhưng giới phân tích cho đây rõ ràng là dấu hiệu chứng tỏ rằng, Mỹ không ngại ngần thể hiện các ý định của mình.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào công cuộc hiện đại hoá quân sư và bắt đầu triển khai lực lượng không quân tầm xa, hải quân có khả năng hoạt động xa hơn, sâu hơn. Bắc Kinh cũng ngày một quả quyết hơn trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở các hòn đảo tranh chấp với các nước khác tại những vùng biển giàu tài nguyên năng lượng như Hoa Đông, Biển Đông.
Trong khi cam kết quân sự mới là tương đối khiêm tốn, thì ông Obama đã hứa rằng sẽ thúc đẩy nó như là nền tảng cho một chiến lược để đối phó trực tiếp hơn với các thách thức từ sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự Trung Quốc. Ông cũng có một số tiến triển trong việc tạo ra một khu vực tự do thương mới mới ở Thái Bình Dương nhằm cung cấp cho các đồng minh thị trường tự do của Mỹ trong khu vực không ít đặc quyền thương mại mà chưa lập tức mở rộng tới Trung Quốc.
Ông Obama mô tả việc triển khai quân đội nhằm đáp ứng mong muốn của các đồng minh dân chủ trong khu vực, từ Nhật Bản tới Ấn Độ. Một số đồng minh đã bày tỏ quan ngại rằng, Mỹ khi đối mặt với sự sa lầy chiến tranh và trì trệ kinh tế, có thể sẽ nhường lại vai trò lãnh đạo cho Trung Quốc. Tổng thống Mỹ tuyên bố, việc cắt giảm ngân sách ở Washington - và yêu cầu không thể tránh khỏi trong thu gọn chi tiêu quân sự - sẽ không hạn chế khả năng của ông theo đuổi cam kết trên. Cắt giảm quốc phòng "sẽ không, tôi nhắc lại là sẽ không tác động tới chi phí của châu Á - Thái Bình Dương", ông nói.
Một số nhà phân tích ở Trung Quốc và những nơi khác lo ngại rằng, các động thái trên có thể gặp phản ứng ngược, cùng nguy cơ tạo ra cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. "Tôi không nghĩ họ sẽ vui vẻ", Mark Valencia, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu châu Á ở Hawaii, người cho rằng chính sách mới cần nhiều tháng để thực hiện, nói. "Tôi không lạc quan trong dài hạn điều này sẽ thế nào".
Darwin, một cảng biên giới và là tiền đồn quân sự xuyên biển Timor từ Indonesia sẽ là trung tâm cho các hoạt động của việc triển khai quân sắp tới. 200 - 250 lính thuỷ đánh bộ Mỹ sẽ tới đây năm sau, hai nhà lãnh đạo cho biết. Mỹ sẽ không xây dựng các căn cứ mới trên lục địa này mà thay vào đó là sử dụng cơ sở của Australia
Theo ông Obama, lính thuỷ đánh bộ Mỹ sẽ chủ yếu tham gia công việc cùng đào tạo và luyện tập với phía Australia, đồng thời không quân Mỹ có thể sẽ gia tăng việc tiếp cận với các sân bay ở Vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia. "Chúng tôi sẽ ở một vị trí để tăng cường an ninh hiệu quả hơn với cả hai nước cũng như khu vực này", ông nói.
Dấu ấn của Mỹ
Mỹ có các căn cứ quân sự và lực lượng lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc tại phía bắc Thái Bình Dương kể từ khi Thế chiến II kết thúc, nhưng sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á đã giảm đáng kể vào đầu những năm 1990 khi đóng cửa những căn cứ chính ở Philippines. Thoả thuận mới với Australia sẽ khôi phục lại dấu ấn đáng kể của người Mỹ ở gần Biển Đông, một lộ trình thương mại quan trọng - bao gồm cho cả xuất khẩu Mỹ - đang nóng lên bởi những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á.
Mỹ và các nước khác ở Vành đai Thái Bình Dương cũng đang thương thảo để thành lập khối tự do thương mại gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, mà ban đầu không gồm Trung Quốc - nước xuất khẩu cũng như nhà sản xuất hàng hoá lớn nhất thế giới.
Kế hoạch cho hiệp định thương mại là chủ đề cuối tuần qua ở Honolulu, nơi ông Obama chủ trì diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hàng năm, và sẽ được đề cập trở lại vào tuần này khi ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở Bali, Indonesia.
Với Trung Quốc, những diễn biến trong tuần có thể bị xem là sự bao vây kể cả về kinh tế và quân sự. Các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này chưa bình luận trực tiếp gì về phát biểu của ông Obama. Nhưng người phát ngôn họ Lưu đã nhấn mạnh rằng, là Mỹ chứ không phải Trung Quốc đang tìm kiếm việc sử dụng sức mạnh quân sự để ảnh hưởng tới các sự kiện ở châu Á.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, đã thể hiện phản ứng mạnh mẽ hơn trong một bài xã luận. Báo này nói rằng, Australia nên thận trọng về việc cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự để "gây tổn hại Trung Quốc" và có nguy cơ "dễ bắt lửa".
Theo giới phân tích, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mất cảnh giác bởi những gì họ xem như là một chiến dịch của Mỹ để khuấy động sự "bất mãn" trong khu vực. Trung Quốc có thể đã tính toán sai lầm trong vài năm gần đây bằng cách tái khẳng định tuyên bố chủ quyền lâu đời ở Biển Đông.
Mỹ tự mô tả động thái của mình như sự phản ứng trước hành xử quả quyết mới của Trung Quốc trong khu vực khiến các đồng minh Mỹ phải báo động. Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton gần đây viết trên tờ Chính sách Đối ngoại đã đề cập tới việc mở rộng sự can dự của Mỹ ở châu Á và Bộ trưởng Quốc phòng Leon E. Panetta thì cho là sự phát triển quân sự của Trung Quốc thiếu minh bạch và chỉ trích hành xử của Trung Quốc trong các vùng biển của khu vực.
Khi tuyên bố kế hoạch triển khai quân mới, ông Obama đã đề cập tới Trung Quốc. "Quan điểm cho rằng chúng tôi sợ Trung Quốc là sai lầm,  quan điểm cho rằng chúng tôi muốn ngăn chặn Trung Quốc là sai lầm".
Tổng thống Mỹ khẳng định, Trung Quốc sẽ được hoan nghênh tham gia thoả thuận thương mại mới nếu Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu tự do thương mại quy định với các thành viên. Nhưng yêu cầu này sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải nâng giá đồng nhân dân tệ, bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất nước ngoài và hạn chế hoặc chấm dứt trợ cấp với các doanh nghiệp nhà nước...Tất cả sẽ đòi hỏi cuộc đại tu lớn với toàn bộ chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Obama từng huỷ bỏ hai kế hoạch viếng thăm Australia vì những yêu cầu trong nước và ông nhắc lại trong bữa tiệc tối vừa qua rằng, ông đã tới thăm xứ chuột túi hai lần lúc còn nhỏ, khi mẹ ông làm việc tại Indonesia cho một chương trình phát triển. Lần này, là một tổng thống, Obama tới quốc hội nước Australia trong sự đón chào nồng nhiệt dành cho nguyên thủ một siêu cường.
Hai nước là đồng minh nhiều thập niên nay, và hợp tác chặt chẽ trong Thế chiến II khi hàng chục căn cứ không quân, hải quân và quân đội Mỹ được xây dựng ở Australia và quân chiến đấu Australia hoạt động dưới sự chỉ huy của người Mỹ.
Một mục đích khác cho chuyến công du của ông Obama là để kỷ niệm quan hệ giữa hai nước. "Mỹ không có đồng minh nào mạnh mẽ hơn", ông nói. Australia đã sát cánh với Mỹ trong hầu hết mọi cuộc chiến của thế kỷ 20, và gần đây là tại Iraq, Afghanistan. Mặc dù vậy, cuộc chiến tại Afghanistan ngày càng không được ủng hộ và hầu hết người dân Australia đều muốn quân đội của họ về nhà lập tức.

No comments:

Post a Comment