07:00 | 03/12/2011
Theo ĐBQH NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (QUẢNG BÌNH), gốc rễ trong đổi mới hoạt động QH là bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, song trung tâm của đổi mới nằm ở các ĐBQH. Muốn QH gần dân, ĐBQH cũng cần nỗ lực hoạt động để QH được người dân theo dõi, giám sát quan tâm nhiều hơn, bởi lẽ QH mạnh khi ĐBQH luôn giữ cho tâm sáng, rèn luyện trí cao.
- Đổi mới hoạt động của QH – ngay đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đã được đặt ra, cụ thể là Đề án đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Ý kiến của Đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đổi mới hoạt động của QH là việc làm cần thiết trong điều kiện nước ta xây dựng nhà nước pháp quyền. Để xây dựng nhà nước pháp quyền, cần có một QH mạnh. QH mạnh cùng với hành pháp, tư pháp mạnh là cơ sở để bảo đảm cho nhà nước ta mạnh. Đây là vấn đề mà mười năm trước, chúng ta đã nghiên cứu về đổi mới hoạt động của QH, nhưng những vấn đề đặt ra trong đổi mới hoạt động QH mới đi vào chức năng của QH là chủ yếu, chứ chưa bám vào gốc rễ của vấn đề. Theo tôi, đổi mới hoạt động QH phải dựa vào chủ trương, đường lối của Đảng. Nghĩa là phải tuân thủ nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam tập trung thống nhất, có sự phân công, phân nhiệm giữa cơ quan nhà nước trong thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó là những khuôn khổ trong đổi mới hoạt động QH. Để từ khuôn khổ đó, chúng ta xác định vấn đề gì là gốc rễ trong đổi mới hoạt động QH. Gốc rễ chính là nguyên tắc hoạt động của QH. Nguyên tắc hoạt động QH nước ta, cũng như Nghị viện các nước là dân chủ, công khai, hoạt động tập thể, quyết định theo đa số. QH mạnh thì tính công khai, dân chủ phải thực chất theo hướng hoạt động QH phải được công khai để người dân giám sát. Vậy công khai hoạt động của QH như thế nào?
Thực tế, công khai hoạt động của QH chính là giúp các cơ quan chịu sự giám sát của QH, hay là các cơ quan chịu trách nhiệm trước QH hoạt động có hiệu quả và trách nhiệm hơn. Ví như Chính phủ và Viện kiểm sát khi báo cáo trước QH, khi được người dân theo dõi thì họ cũng chịu áp lực giám sát từ chính người dân. Do vậy, việc công khai các hoạt động QH là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều vấn đề nên công khai mà vẫn chưa được công khai, như báo cáo của cơ quan tư pháp trình trước QH, theo thông lệ chúng ta vẫn đóng dấu mật. Liệu có cần thiết không, khi mà những hoạt động đó liên quan trực tiếp đến người dân, người dân cần phải biết cơ quan tòa án người ta xét xử như thế có công bằng hay không? Cơ quan kiểm soát làm việc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân như thế nào? Đã là hoạt động chính yếu của cơ quan tư pháp có thể công khai, thì nên công khai. Đây cũng là biện pháp tạo áp lực đối với cơ quan tư pháp, đối với Chính phủ trong hoạt động điều tra, phòng chống tội phạm; trong hoạt động kiểm soát và thực hành quyền công tố và đối với tòa án nhất là trong hoạt động xét xử. Một lưu ý nữa trong bảo đảm tính công khai, dân chủ của QH là trong trình tự thảo luận, phải làm sao cho tất cả các ý kiến thiểu số đều có thể phát biểu được chính kiến của mình. Hiện nay, chúng ta đăng ký phát biểu theo danh sách nên có trường hợp, nhiều ĐBQH đăng ký, song có rất ít ý kiến được phát biểu trực tiếp trên hội trường. Hoặc cũng có trường hợp khi thảo luận theo trình tự tại QH, tất cả các ý kiến đồng ý đều dồn lên trước, còn những ý kiến trái chiều, ý kiến thiểu số không có cơ hội để phát biểu vì hết thời gian... Do vậy, cần cải tổ cách điều hành, thảo luận các phiên họp theo hướng xác định vấn đề cụ thể là như thế nào? Những ý kiến nào ủng hộ, những ý kiến nào không ủng hộ cần được ưu tiên phát biểu nhằm tạo sự trao đổi giữa các đại biểu có quan điểm khác nhau.
- Công khai hoạt động QH là để người dân dân giám sát hoạt động của QH. Nhưng thực tế, không phải người dân nào cũng theo dõi, giám sát thường xuyên các hoạt động của QH, thưa Đại biểu?
Muốn thu hút người dân theo dõi hoạt động của QH thì trước tiên ĐBQH phải hoạt động hết mình, vì đại biểu là trung tâm của QH. Đại biểu do nhân dân bầu ra, đại biểu không nỗ lực hoạt động thì sẽ không được cử tri tín nhiệm. Do vậy, cần tạo động lực để ĐBQH hoạt động tốt. Cụ thể như, ĐBQH hoạt động không tốt thì sẽ không được cử tri tín nhiệm, bỏ phiếu nữa. Song, hiện nay, câu chuyện đại biểu vẫn còn lệ thuộc vào cơ cấu, như khi chúng ta đưa ra danh sách ứng cử, thì trong 5 người do cơ quan tổ chức giới thiệu, cử tri chỉ lựa chọn để loại một hoặc hai người thôi. Hay, việc các đại biểu phải được chọn để đại diện cho các ngành, các lĩnh vực chẳng hạn... Mô hình chung cũng thể hiện những mặt trái, như có thể có đại biểu trẻ hoạt động tốt song lại không được cơ quan đoàn thể giới thiệu nữa, vì sau 5 năm, đại biểu không còn trẻ nữa, thể theo cơ cấu, sẽ có người trẻ hơn thay thế. Cho nên ĐBQH chưa hẳn do cử tri quyết định. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của người đại biểu, chưa tạo động lực cho người đại biểu gắn bó hết mình với cử tri, với hoạt động của QH.
- Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, đổi mới là làm cho QH gần dân hơn - để gần dân, QH cũng cần tạo cơ hội để người dân đến gần hơn với QH, thưa Đại biểu?
Để gần dân, thì khâu tiếp xúc cử tri rất quan trọng. Điều quan trọng là phải làm cho người dân thấy được lợi ích thực sự từ việc tiếp xúc cử tri. Hiện, tiếp xúc cử tri nước ta còn theo hướng định một số thành phần trong dân để tiếp xúc mà chưa do đại biểu tự tiếp xúc với dân, người dân bất kỳ ai cần cũng có thể tới gặp đại biểu. Tôi cho rằng, để người dân gần hơn với QH, với ĐBQH, thì mỗi ĐBQH nên có những văn phòng riêng, có những ngày nhất định làm việc tại địa phương, nhằm giúp người dân dễ dàng gặp gỡ, trao đổi với đại biểu hơn. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đội ngũ giúp việc cho đại biểu trong công tác gặp gỡ, tiếp xúc người dân. Tất nhiên, lúc đó ĐBQH thực hiện đúng vai trò người đại biểu nhân dân.
- Đổi mới hoạt động QH bắt đầu từ các Ủy ban của QH. Trong phương thức, cách thức hoạt động của Ủy ban còn điều gì khiến Đại biểu trăn trở không?
Hoạt động của QH phải được thực hiện chủ yếu ở các Ủy ban. Ủy ban hoạt động tốt cũng cần phát huy được vai trò của đại biểu chuyên trách, và đại biểu kiêm nhiệm tại các Ủy ban. Tuy nhiên, đại biểu kiêm nhiệm không thể hoạt động thường xuyên được, trong khi đó, các đại biểu chuyên trách chỉ là một bộ phận có thể quyết định hoặc kiến nghị những vấn đề mang tính chất thường trực, chứ không phải là ý kiến của đa số Ủy ban. Tôi mong muốn tập thể Ủy ban sẽ có 100% đại biểu chuyên trách, để xây dựng đội ngũ đại biểu chuyên nghiệp, hoạt động hết mình vì Ủy ban và QH.
- Từng công tác ở Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, có nhiều cơ hội tiếp xúc với các hoạt động của QH, có lẽ Đại biểu không còn bỡ ngỡ khi được bầu làm ĐBQH nhiệm kỳ này?
Trước đây khi là cán bộ giúp việc, tuy đã biết về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của QH, nhưng khi làm ĐBQH tôi vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ. Bởi lẽ, khi ở một bộ máy giúp việc thì tính chất công việc cũng khác, tôi chỉ chuyên nghiên cứu ở một mảng vấn đề thôi. Khi trở thành ĐBQH, tôi phải nghiên cứu, tham khảo tất cả các vấn đề từ kinh tế, ngân sách, khoa học xã hội cho đến vấn đề pháp luật, tư pháp... Lẽ dĩ nhiên, mình là ĐBQH, mình không tham gia nghiên cứu về vấn đề đó, thì mình không thể làm được. Như vậy, bản thân mỗi ĐBQH phải nghiên cứu tất cả những mảng rất rộng, dù cho là vụ giúp việc chuyên môn, và vụ giúp việc chung, nhưng đại biểu có nghiên cứu thì mới biết vấn đề gì mình biết, vấn đề gì không biết mà yêu cầu các vụ giúp đỡ.
Thứ hai, khi là ĐBQH, tôi có trách nhiệm hơn trước tiếng nói của mình. Không nắm chắc thì không nên phát biểu, phát biểu phải sâu sắc, nội dung có chất lượng, có ý nghĩa thì mới phát biểu; không thể phát biểu để cho có mặt, có xuất hiện hoặc phát biểu lấy số lượng được.
- 500 ĐBQH, mỗi đại biểu có một cá tính khác nhau. Với cá nhân, đại biểu muốn xây dựng cho riêng mình một cá tính như thế nào?
Cá tính của mỗi đại biểu do mỗi đại biểu tạo ra. Với tôi, cá tính của mình trước đây thế nào, thì giờ cũng vậy. Điều quan trọng là giữ cho tâm sáng để hoạt động tốt, thực hiện đúng trách nhiệm của người đại biểu dân cử, không phụ lòng cơ quan giới thiệu và cử tri tín nhiệm. Đồng thời tiếp tục phát huy năng lực, trình độ để nâng cao chất lượng hoạt động của người đại biểu, hoạt động vì lợi ích quốc gia và lợi ích của chính cử tri bầu ra mình.
- Xin cám ơn Đại biểu!
Hoàng Ngọc thực hiện
No comments:
Post a Comment