Tuesday, December 13, 2011

13/12 QH đã quyết định nhiều vấn đề lớn, tạo tiền đề cho đất nước tiếp tục phát triển

16:24 | 13/12/2011

Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII, hầu hết các Ủy viên UBTVQH đều tán thành với nhận định: mặc dù cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, tuy nhiên, Kỳ họp thứ Hai trong tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, QH đã quyết định rất nhiều vấn đề lớn của đất nước, tạo tiền đề để cho đất nước tiếp tục phát triển...
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Kỳ họp đã quyết định rất nhiều vấn đề lớn của đất nước


Đây là báo cáo đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ Hai và rút kinh nghiệm từ Kỳ họp này để tiếp tục chỉ đạo cho Kỳ họp thứ Ba và tiếp theo. Tuy nhiên tôi thấy trong phần đánh giá mới nêu những công việc có tính chất báo cáo hành chính, chưa nêu bật được tầm, nội dung và ý nghĩa quan trọng của Kỳ họp thứ Hai vừa rồi đối với đất nước như thế nào trong sự phát triển.
Tôi cho rằng, Kỳ họp thứ Hai trong tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, QH đã quyết định rất nhiều vấn đề lớn của đất nước nhằm thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XI của Đảng như quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Quy hoạch đất đai đến 2015-2020 ở cấp quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia 16 chương trình lớn. Đó là chưa nói chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH Khóa XIII, nhiều báo cáo của các cơ quan trong hệ thống chính trị đều được trình bày. Tất cả những điều này đã tạo ra tiền đề cho đất nước phát triển như thế nào. Vấn đề này có lẽ phải bổ sung thêm.
Ý thứ hai, tôi cũng muốn góp ý thêm là trong đổi mới có lẽ đây là một tinh thần vừa kế thừa, vừa phát huy những khóa trước nhưng ngay tại phiên trù bị của kỳ họp thứ hai này ta đã áp dụng ngay những vấn đề đổi mới. Chính nhờ đổi mới này cho nên mới đạt được một số kết quả có chất lượng, vừa bảo đảm được công việc có chất lượng nhưng lại tiết giảm được thời gian và chi phí. Tôi cho đó là những cải tiến rất cụ thể nhưng mang lại hiệu quả.
Một vấn đề nữa, về tài liệu và chất lượng chuẩn bị, chỗ này cũng phải nói thẳng, bởi ngay trong Thường vụ, ở phiên họp gần sát kỳ họp QH, chất lượng chuẩn bị một số dự án, thời gian chưa bảo đảm, chất lượng chưa bảo đảm, quy trình, kỹ thuật chưa bảo đảm. Chỗ đó cũng phải nói rõ vào trong này và phải nói trách nhiệm của ai, chỉ ra một số cơ quan. Nếu nói chung chung như thế này cuối cùng kiểm điểm cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai...

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn: Kỳ họp hết sức thành công...

Trước hết, về đánh giá Kỳ họp thứ Hai về phần ưu điểm tôi đề nghị không nên nhấn mạnh thêm. Phải nói kỳ họp này có những đặc điểm khác kỳ họp trước. Kỳ họp này có một vị trí, một ý nghĩa hết sức quan trọng bởi vì tiếp tục triển khai các công việc còn lại của QH Khóa XII để lại như vấn đề giám sát chuyên đề, thông qua các dự án luật, các hoạt động quyết định liên quan đến Kỳ họp thứ Chín của QH Khóa XII để lại. Thứ hai, quyết định nhiều vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của QH cả nhiệm kỳ và năm 2012 gắn với việc tiến hành cải tiến, đổi mới một số nội dung được QH thông qua ở phiên trù bị. Nhưng với thời gian chuẩn bị giữa Kỳ họp thứ Nhất và thứ Hai rất ngắn, khoảng 2 tháng, khối lượng công việc rất nhiều, mà kết quả đạt được như chúng ta đánh giá là hết sức thành công.
Về những vấn đề rút kinh nghiệm. Thứ nhất, đối với các ĐBQH có lẽ sau này nên nghiên cứu và nhắc nhở hoặc trong điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng nên nhắc nhở hoặc gì đó trong gợi ý thảo luận. Đối với việc điều hành của Đoàn Chủ tịch tôi đề nghị ta nên thống nhất cần nhắc những đại biểu phát biểu quá 7 phút, có đại biểu quá 7 phút hơi dài vẫn được phát biểu, có đại biểu vừa chấm dứt tiếng chuông đã nhắc rồi hay đối với luật này phát biểu 7-8 phút cũng được nhưng luật khác quá 7 phút thì không được. Nói chung là cách điều hành phải làm sao cho mềm dẻo nhưng không để ức chế đối với ĐBQH. Những ĐBQH đã đăng ký phát biểu mà ý kiến trùng lắp thì tôi nghĩ Đoàn Chủ tịch cũng nên nhắc ý kiến đó đã phát biểu rồi để chuyển sang ý kiến khác...
Về dự kiến Kỳ họp thứ Ba thì đây là những dự kiến ban đầu, nhưng theo tôi cũng phải nghiên cứu. Ví dụ như cho ý kiến về 7 dự án luật mà 7 ngày, mỗi dự án luật một ngày, không nên bố trí như thế. Tôi biết rằng trong này vừa thảo luận ở tổ, vừa thảo luận ở Hội trường. Thảo luận ở tổ thì có thể 1/2 buổi là một nội dung, tôi thấy như thế là hợp lý, ở tổ phát biểu cũng nhanh, cũng nghỉ sớm, để ở tổ một buổi thì không nên mà ở tổ 1/2 buổi như vậy nó rút ngắn thời gian của 7 dự án luật cho ý kiến, lần đầu rút ngắn xuống khoảng gần 2 ngày.
Các nội dung kiến nghị của Văn phòng, nội dung 2.3 tôi thể hiện ý kiến cá nhân là vấn đề này cũng đã đưa ra ở các kỳ họp trước của QH Khóa XI. Tức là theo Điều 45 Nội quy kỳ họp thì tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa mới là đại diện Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam (lúc đó chưa có QH, cho nên chưa có UBTVQH được bầu) cho nên Ủy ban Mặt trận mới báo cáo ý kiến tổng hợp của cử tri. Nhưng từ kỳ họp thứ hai trở đi thì Báo cáo này của UBTVQH tổng hợp trên cơ sở tiếp xúc ý kiến của các cử tri về tổng hợp và báo với ĐBQH.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'Sor Phước: Cần tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri cả về hình thức và nội dung

Về dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp, cơ bản tôi đồng ý. Nhưng ở trang 3 tôi đề nghị ghi làm sao cho khiêm tốn hơn, đánh giá đúng thực trạng hơn. Ví dụ như chỗ chất vấn Chính phủ câu hỏi và trả lời nhìn chung là ngắn gọn, thuyết phục. Tôi đề nghị bỏ chữ "thuyết phục" bởi vì thật ra có nhiều cái mà đại biểu chưa ưng lắm, cho nên nói là thuyết phục thì cũng đã ai kết luận đâu mà thuyết phục, cũng chỉ là người hỏi, người trả lời thôi, cho nên người nghe cũng đã chấp nhận chưa hay chưa thì chưa phải, mình phải nói thẳng với nhau như vậy. Chứ không bây giờ mình ghi trong này là "thuyết phục" thì cũng khó.
Thứ hai, tôi đồng ý với ý kiến là nên bỏ chữ "không gay gắt và căng thẳng". Câu này để làm cái gì, mình có phải là muốn cho "nóng" lên, có "lửa bốc khói" ở trong hội trường đâu? Bên cạnh đó, tôi đề nghị cân nhắc chỗ "tính tranh luận, đối thoại cao hơn". Cao hơn là cao hơn như thế nào, tranh luận như thế nào? Nhưng nhìn chung tôi thấy ưu điểm của đợt này là hầu hết các đại biểu đăng ký hỏi đều được thực hiện, đó là ưu điểm rõ nhất so với các kỳ họp trước. Tôi đề nghị cần phải ghi rõ là các đại biểu đăng ký đã được nêu câu hỏi, thứ hai là các thành viên của Chính phủ đã trả lời các câu hỏi đó và các câu hỏi chưa được trả lời đã được các thành viên Chính phủ cam kết trả lời bằng văn bản. Ta phải ghi cho rõ, phải nói đúng câu chuyện đã xảy ra. Mình đừng nói câu "tính tranh luận, đối thoại". Bởi vì tôi thấy tính tranh luận không được bao nhiêu cả, vì nhiều người hỏi quá cho nên cũng chỉ trả lời phớt qua thôi, cho nên cái này cũng phải nghiên cứu thêm. Tôi rất đồng ý là có nhiều người được hỏi nhưng có lẽ tranh luận như thế nào, theo tôi kỳ họp tới có thể trong tất cả các câu hỏi, Chủ tọa sẽ lựa chọn những vấn đề cần phải tranh luận, sẽ nhấn mạnh thêm đồng chí A, đồng chí B vấn đề này đang là vấn đề nóng sẽ chấp nhận cho tranh luận thì có lẽ sẽ hay hơn. Ở câu "công tác điều hành phiên chất vấn thể hiện quyết liệt, linh hoạt", theo tôi bỏ từ "quyết liệt" đi, không có việc gì phải quyết liệt cả, ta làm bình thường thôi.
Về phần II, những nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, trong này dự thảo 6 nội dung, theo tôi phải thêm một số nội dung, vì tôi cho việc chỉ đạo như thế là rất tốt và đã làm được. Thứ nhất là cần tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri cả về hình thức và nội dung. Vừa rồi đã làm bước đầu, theo tôi một trong những vấn đề quan trọng nhất của người đại biểu là vấn đề tiếp xúc, hình thức tiếp xúc và nội dung tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Thứ hai là những vấn đề trọng tâm trong thời gian tới phải tiếp tục nắm bắt những vấn đề lớn, trọng tâm, bức xúc mà cử tri cả nước đang quan tâm. Tức là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và ĐBQH cần tiếp tục tập trung nắm bắt những vấn đề lớn, trọng tâm, bức xúc mà cử tri cả nước và địa phương mình đang rất quan tâm. Đây là nội dung phải giao nhiệm vụ cho các đại biểu và các cơ quan của Quốc hội phải quan tâm đến. Thứ ba, tôi đề nghị giao cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy căn cứ vào kết quả của kỳ họp tổ chức triển khai những hoạt động, những hội nghị để tổ chức cho các thành viên của Chính phủ và đại diện của các cơ quan của Nhà nước để giải trình những nội dung mà trong kỳ họp vừa rồi chưa làm mà Chủ tịch QH đã hứa là sẽ cho triển khai.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Tiến độ là thách thức quá lớn đối với các Ủy ban của QH

Tôi cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Hai.
Tại trang 3 tôi thống nhất với ý kiến đánh giá tính tranh luận đối thoại cao hơn. Ở đây có đưa ra một vấn đề là nhiều vấn đề đưa ra được làm rõ, đi đến cùng. Theo tôi chưa thể nói nhiều vấn đề đi đến cùng. Đơn cử một ví dụ là giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công thương cùng trả lời trước QH, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về xăng dầu lời hay lỗ. Do đó theo tôi nên nói là nhiều vấn đề được đưa ra làm rõ. Còn nói đi đến cùng phải cân nhắc lại. Tôi đề nghị việc đánh giá có lẽ nên đánh giá lại kỹ hơn.
Đối với chuẩn bị cho chương trình Kỳ họp thứ Ba, tôi đồng ý với ý kiến và quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. Có lẽ cũng phải giải thích rõ thêm về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi thảo luận tổ xong, hàng loạt các Bộ, gọi là Chính phủ nhưng thực chất là các Bộ trình dự án luật đó làm một bản giải trình. Bộ làm, Bộ không làm, rất không đồng bộ. Tôi nghĩ chỗ này phải làm rõ. Tôi đồng ý với quan điểm của anh Phùng Quốc Hiển là có thể sau khi thảo luận tổ một số vấn đề cần làm rõ thêm thì chúng ta cũng cho phép Chính phủ rộng đường để giải thích những chính sách Chính phủ trình ra Quốc hội để ĐBQH có thông tin thêm. Còn bước giải trình, tiếp thu là bước sau khi kết thúc lần đầu tiên và UBTVQH sẽ chịu trách nhiệm theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Viết như tại trang 4 viết không chuẩn. Viết thế này đọc tôi cũng không hiểu. Tôi rất băn khoăn, bước này không nằm trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chưa bao giờ QH có một bước như thế này.
Điểm thứ hai, tôi cũng đồng ý với ý kiến của anh Phan Trung Lý là tiến độ là một thách thức quá lớn đối với các Ủy ban của QH. Không biết Kỳ họp thứ Ba có khắc phục nổi không. Ủy ban tôi là ngày 18, 19, mặc dù Chủ tịch cũng khuyến cáo là không nên họp sát kỳ họp, nhưng không họp ngày đó thì không biết họp ngày nào, không có dấu đỏ không họp được. Có luật là tập trung hết rồi, không có dấu đỏ thì xem như cũng chưa hợp thức để tổ chức một phiên họp thẩm tra chính thức. Vì vậy, phải tổ chức trực tiếp một phiên họp có dấu đỏ của Chính phủ mới tiếp tục họp được. Tôi đề nghị phía Chính phủ phải tích cực hơn việc này, còn không tiến độ vẫn là thách thức rất lớn.
Ý kiến cuối cùng, tôi đề nghị bổ sung trong các vấn đề KT - XH, giám sát các vấn đề quan trọng khác ở trang 2 có một nhóm vấn đề nữa đó là các báo cáo theo luật định. Hiện nay Ủy ban chúng tôi kỳ họp đầu năm có 2 báo cáo. Một là báo cáo về quỹ bảo hiểm xã hội hàng năm theo Luật Bảo hiểm xã hội. Báo cáo thứ hai là báo cáo mục tiêu bình đẳng giới theo Luật Bình đẳng giới. Những báo cáo này là báo cáo thường xuyên phải báo cáo trước QH và gửi đại biểu đọc để nghiên cứu. Ngoài ra các Ủy ban khác thì tôi không biết còn sót báo cáo nào không, do vậy nếu có thể bổ sung thêm thì phải bổ sung thêm vì đây là theo luật định bắt buộc gửi cho ĐBQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm

Về Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Hai, theo tôi cần đánh giá rút kinh nghiệm những vấn đề sau:
Thứ nhất, tôi thấy đại biểu vắng rất nhiều nhất là những buổi quan trọng như thông qua các nghị quyết, thường vắng khoảng 10%. Nếu chúng ta chấp nhận điều này thì cũng nên xem lại điều hành, bố trí thời gian thông qua biểu quyết các nghị quyết và các dự án luật. Phải có thời điểm thích hợp, ví dụ thứ hai và thứ sáu là không ổn. Nếu vắng 10%, trong đó không đồng ý hay không biểu quyết khoảng 5% nữa thì mất 15%, điều này tôi thấy không hay lắm.
Điểm thứ hai, vấn đề bố trí thời gian thảo luận các dự án luật tôi thấy cũng cần lưu ý. Ví dụ kỳ họp vừa rồi chúng ta có 2 Bộ luật còn thảo luận sôi nổi, tức là còn nhiều ý kiến, nếu có thời gian ta thảo luận nữa, đó là Luật Giáo dục đại học và Bộ Luật Lao động (sửa đổi) thì cân nhắc có thể bố trí thêm, thay vì 1 buổi có thể là 1 ngày vì đây là những vấn đề thiết thực tới cuộc sống và nó cũng còn gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn mà chúng ta cần ban hành luật để chúng ta điều chỉnh nó phù hợp hơn.
Vấn đề thứ ba, tôi thấy cũng rất quan trọng là vấn đề lấy ý kiến. Tôi thấy lấy ý kiến thường cũng có 2 mặt. Một là đoàn thư ký lấy ý kiến nhanh quá, lấy hôm nay mai phải nộp lại, thậm chí lấy thứ năm thì thứ sáu nộp. Bên tôi có một dự thảo vào thứ sáu đúng là rất khó, mặc dầu mình kết nối rất chặt chẽ với các đoàn thư ký của các đoàn đại biểu ở địa phương nhưng thu lại không nhiều. Cái này chúng ta nên rút kinh nghiệm, có thể tổ chức lấy ý kiến sớm hơn, đoàn thư ký cũng phải gắn chặt với các thư ký của đoàn ĐBQH các địa phương chắc chắn chúng ta sẽ lấy ý kiến tốt hơn. Lấy ý kiến khi tham gia như vậy thì chúng ta thấy nó phong phú hơn và chúng ta sẽ tiếp thu hoặc chúng ta cũng thấy sự chuẩn bị biểu quyết nó chắc chắn hơn.
Một vấn đề nữa, tôi thấy cũng quan trọng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chúng ta đánh giá có sự cải tiến, có sự tiến bộ, tuy nhiên bên cạnh đó tôi thấy cũng có vài mặt chúng ta cần cân nhắc như bố trí thời gian, nêu câu hỏi, vấn đề tài liệu,
Theo tôi, cái được lớn nhất là khi tiến hành đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của QH đã đi vào cuộc sống rất tốt. Có thể đổi mới này rất phù hợp, tất cả các đại biểu tại Kỳ họp thứ Hai đều rất hài lòng.
Minh Vân lược ghi

No comments:

Post a Comment