Monday, November 21, 2011

21/11 Tạo sự đồng thuận giữa cơ quan lập pháp và hành pháp

15:34 | 21/11/2011

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân bên hành lang Kỳ họp thứ Hai, QH Khoá XIII, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng: Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp về Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, những chỉ tiêu, mục tiêu của Chính phủ được QH đưa ra bàn luận và có sự phân tích thấu đáo thì sẽ có những dự báo chính xác hơn, trúng hơn. Điều này, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận giữa QH và Chính phủ, tạo được thuận lợi cho công tác điều hành cũng như giám sát một cách tích cực hơn, hiệu quả hơn.
Trong 3 tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng đã có chiều hướng giảm. Đây có phải là tín hiệu lạc quan của nền kinh tế không thưa ông?
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Đúng như thế. Qua một thời gian thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 cũng như Nghị quyết của QH thì thấy rằng, ngày càng có những chuyển biến và kết quả tốt hơn. Trong đó, có thể thấy xuất khẩu tăng lên, tốc độ tăng trưởng đang có nhịp điệu tốt hơn kể cả công nghiệp và nông nghiệp. Về chỉ số giá, tháng sau giảm hơn tháng trước và tình hình lạm phát có chiều hướng giảm liên tục. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là kết quả của sự kiên trì và kiên quyết tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát như mục tiêu ban đầu đã đặt ra.

-  Theo dự báo của Chính phủ thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2011 sẽ tăng 18% so với cùng kỳ. Ông đánh giá như thế nào về con số dự báo này?
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Con số dự báo nó phản ánh đúng tình hình vì sau 9 tháng chúng ta đã tăng 16% và 3 tháng sắp tới chúng ta đang đặt mục tiêu giảm mỗi tháng bình quân tháng 8%, tháng 7%, tháng vừa rồi có 3% thì bình quân là có khoảng 0,6 đến 0,7% thôi, thì hai tháng cuối năm này chắc chắn nó khoảng trên dưới 2%. Và trên dưới 2% nó cộng lại theo luỹ kế từ đầu năm đến giờ thành 18% là một chỉ tiêu nó thể hiện sự quyết tâm của chúng ta và nó cũng nằm trong khả năng dự báo của chúng ta về kiềm chế lạm phát năm nay.
- So với Nghị quyết mà QH đề ra mức lạm phát không quá 7% thì đây là một khoảng cách quá lớn thưa ông?
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Đúng. Đây là một khoảng cách quá lớn, vì nó có mấy lý do như sau:thứ nhất, ngay khi bàn những giải pháp của những chỉ số tăng giá năm 2011 thì Chính phủ đưa sang với mức như thế, trên tinh thần dự báo như vậy, QH cũng đã bàn và có những quyết định kiểm soát ở mức mà Chính phủ trình để chúng ta thể hiện quyết tâm chống lạm phát. Nhưng tình hình diễn biến quá nhanh do tác động từ bên ngoài và những cái yếu kém bên trong. Thứ hai, vấn đề tăng giá nguyên liệu, vật tư, tình hình khôi phục kinh tế thế giới đã tác động tới chúng ta, làm cho vốn và  tình hình thương mại cũng có vấn đề. Chúng ta phải điều chỉnh một loạt giá xăng dầu, điện, tỷ giá lãi suất…Và những yếu tố làm tăng giá do tình trạng tồn kho tăng lên, chi phí đầu tư nhiều, do từ nhiều năm qua chúng ta phải dồn sức cho các doanh nghiệp để chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế. Cho nên nguồn lực cũng thiếu đi, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp và của ngân hàng cũng yếu đi. Tất cả những yếu tố đó tác động một cách mạnh mẽ lên nền kinh tế nước ta và tạo nên diễn biến quá nhanh, khó kiểm soát. Do đó, lạm phát nó "bùng" lên ở mức 18%.
-  Theo ông, để Nghị quyết của QH và đích đến của Chính phủ xích lại gần nhau hơn thì cần phải có sự phối hợp như thế nào giữa hai cơ quan này?
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Chắc chắn là khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp, những chỉ tiêu, mục tiêu của Chính phủ được QH đưa ra bàn luận  có sự phân tích thấu đáo thì sẽ có những dự báo chính xác hơn, trúng hơn.  Điều này, chắc chắn tạo được thuận lợi cho điều hành và cho giám sát một cách tích cực hơn và bảo đảm động lực cho việc thực hiện. Những yếu tố ấy nếu chúng ta làm được thì rất có lợi và tạo điều kiện để chúng ta thực hiện phát triển kinh tế bền vững. Đây là một yếu tố theo tôi là phải có những phân tích, tổng kết, phải có bổ sung để hoàn chỉnh và tạo điều kiện cho QH - cơ quan lập pháp cũng như bên Chính phủ điều hành có sự xích lại gần nhau hơn, có sự đồng thuận, có cùng cơ sở nhận định, cùng chiều thì việc thực hiện cũng được thuận lợi hơn và công tác giám sát cũng chặt chẽ hơn.
Trong Phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình KT – XH, đa số ĐBQH cho rằng, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại được xem là một nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế nước ta.   Là người có nhiều năm gắn bó ở lĩnh vực này, ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm:Việc tái cấu trúc lại ngân hàng và doanh nghiệp cũng như phân bổ nguồn vốn là những yêu cầu của Nghị quyết Trung ương III, Đại hội lần thứ XI của Đảng. Thứ nhất, vì tất cả những vấn đề này là do yêu cầu bức xúc của nền kinh tế nước ta. Đó là yêu cầu phải đi lên để phát triển kinh tế bền vững cũng như những tác động của vấn đề kinh tế thế giới buộc chúng ta phải cơ cấu lại những lĩnh vực rất then chốt này. Trong đó có ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại là một chốt quan trọng vì nó phản ánh tình hình thực tại của ngân hàng chúng ta. Hiện nay, ngân hàng có mặt tốt nhưng nó cũng có biểu hiện thiếu an toàn nhất là về vấn đề nợ xấu, nợ quá hạn, khả năng thanh khoản, khả năng rủi ro lớn. Cho nên, trong tái cơ cấu nền kinh tế thì phải có tái cơ cấu và sắp xếp lại ngân hàng. Đây là một thời cơ, thời điểm mà chúng ta phải hành động vì thực tiễn hiện nay diễn ra hết sức bức thiết. Thứ hai, do cần phải bảo đảm yếu tố phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta nên việc cơ cấu là hợp lý. Tất nhiên, cơ cấu thành công như ý muốn hay không thì nó phụ thuộc vào cách điều hành chỉ đạo của chúng ta. Trước hết, nói riêng về hệ thống ngân hàng, cần phải có sự đánh giá rất chặt chẽ, rất cụ thể, phải có phân tích rõ ràng thực trạng của từng ngân hàng một để đưa ra những kế hoạch củng cố, nâng cấp, phát huy và khắc phục nó. Tuy nhiên, trong quá trình đó, nó cũng có những mặt yếu mà chúng ta cần có những giải pháp thích hợp như việc sáp nhập, nâng cao công nghệ, tăng cán bộ quản lý, như việc giải thể hay là Ngân hàng Nhà nước chi viện để giúp nó mạnh lên để quản lý sau này tốt hơn… Tất cả những giải pháp ấy chúng ta phải làm một cách có thứ tự, có lộ trình rõ ràng, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn cũng như hệ thống phân bổ nguồn lực, đặc biệt là phân bổ nguồn lực cho chi tiêu công. Chúng ta phát huy một cách tích cực, đồng bộ cả 3 lĩnh vực này thì nó mới tạo điều kiện cho tái cơ cấu lại ngân hàng, và khi đó ngân hàng mới có điều kiện tồn tại, phát triển bền vững.
- Có ý kiến cho rằng,  vừa qua chúng ta thiếu cơ chế giám sát trong quá trình tái cơ cấu tập đoàn. Vậy, để cơ cấu ngân hàng thương mại thực sự hiệu qủa, theo ông chúng ta cần phải có cơ chế giám sát như thế nào?
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Để giám sát trước tiên chúng ta phải có tiêu chí rõ ràng, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể. Căn cứ vào tiêu chí, giải pháp và lộ trình ấy chúng ta sẽ có sự phân đoạn ra; tiến hành kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ, một cách có trọng điểm và gắn giữa kiểm soát phát hiện, xử lý và giải quyết để chúng ta làm cho quá trình thực hiện ấy luôn luôn có sự uốn nắn, có sự điều chỉnh kịp thời để bảo đảm cho hoạt động của ngân hàng nhằm giảm thiểu những yếu tố rủi ro, yếu tố phát triển bền vững của ngân hàng sẽ tăng lên.
- Là thành viên của Uỷ ban Kinh tế, ông có thể cho biết, Uỷ ban cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả giám sát?
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, để nâng cao hiệu quả của công tác giám sát của Uỷ ban Kinh tế thì có mấy vấn đề: Một là, chúng ta tổ chức các cuộc giám sát thực tế ở những điểm, những chỗ mà chúng ta thấy nổi lên vấn đề đang được quan tâm, gây bức xúc, hoặc những nơi cần phải có sự can thiệp kịp thời về cách quản lý, điều hành. Hai là, cần phải tiến hành giám sát thông qua các bản thẩm định. Ba là, giám sát thông qua việc thực hiện sau giám sát, tức là khi chúng ta phát hiện ra những việc cần phải sửa, chúng ta phải phân đoạn ra và có những kế hoạch để giám sát sửa chữa khắc phục những hạn chế ấy. Có làm được như vậy mới bảo đảm cho hoạt động giám sát của uỷ ban đạt được kết quả thực chất.
Xin cám ơn đại biểu.
Hà An ( thực hiện)

No comments:

Post a Comment