Friday, January 20, 2012

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai


20/01/2012
TTCT - “Cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu trải lòng với Tuổi Trẻ Cuối Tuần những suy nghĩ của ông sau một năm trở về đầy bận rộn...
Giáo sư Ngô Bảo Châu - Ảnh: Duy Thanh
Giải pháp có sẵn ở điểm bế tắc
* Thưa giáo sư, lần đầu tiên kể từ khi thành danh ở xứ người, năm qua giáo sư đã dành thời gian làm việc tại quê nhà suốt ba tháng. Trong ba tháng đó, có gì làm giáo sư thất vọng hay ngược lại, giáo sư có điều gì để hi vọng?
- Giáo sư Ngô Bảo Châu: Không có gì phải thất vọng đâu chị, mặc dù khi tôi về mọi việc thật ngổn ngang. Tháng 6-2011, bộ máy hành chính của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán mới bắt đầu hoạt động. Khi ta muốn xây dựng một cái gì từ con số không thì khó khăn là tất yếu. Giáo sư Lê Tuấn Hoa, giám đốc điều hành của viện và tôi đã xác định trước là mình phải rất cố gắng trong giai đoạn này.
Hi vọng thì nhiều. Qua dịp hè vừa rồi, tôi cảm thấy sự ủng hộ của Chính phủ dành cho viện là tương đối chắc chắn. Tuy những khó khăn mang tính chất hành chính thì vẫn muôn hình vạn vẻ, nhưng tôi hi vọng giai đoạn này cũng sẽ chóng kết thúc để năng lượng được dồn vào những việc thật sự bổ ích là làm khoa học.
Cái không dễ chút nào của chúng tôi là việc giải thích với các bộ có chức năng rằng khoa học thật sự, đặc biệt là khoa học cơ bản, rất khó làm được trên nguyên tắc đơn đặt hàng. Vai trò của viện là nhìn thấy những nhóm nghiên cứu mới có tiềm năng, hỗ trợ họ về cơ sở vật chất, môi trường làm việc. Tôi rất hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà khoa học chủ động đến với viện với những dự định mà mình ấp ủ.
Nói như vậy không có nghĩa là Viện Nghiên cứu cao cấp về toán không chú trọng những đơn đặt hàng nghiên cứu toán ứng dụng. Đây là một hướng mà chúng tôi mong muốn sẽ làm được ngày một nhiều trong tương lai.
* Không chỉ các bạn trẻ trong nước đang chờ mong nhiều ở giáo sư mà nhiều bạn trẻ đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài cho biết họ hi vọng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ là mồi nhóm để thổi bùng ngọn lửa đam mê khoa học trong giới nghiên cứu, từ đó thay đổi môi trường làm việc trong các trường đại học. Giáo sư nghĩ sao?
- Tôi nghĩ rằng ngọn lửa đam mê khoa học đã có sẵn trong nhiều bạn trẻ rồi. Vấn đề là làm thế nào biến những người mang ngọn lửa đam mê ấy thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Tôi hi vọng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ làm được việc đó, đầu tiên là với toán, toán ứng dụng, sau đó là những ngành khoa học có liên quan đến toán như khoa học máy tính, vật lý lý thuyết. Nhưng với quy mô nhỏ của viện, chúng ta không thể chờ đợi nó giải quyết mọi vấn đề (rất nhiều) của khoa học Việt Nam.
Nếu ta muốn thật sự thay đổi diện mạo của khoa học Việt Nam, theo tôi, cái cần làm nhất (mà chắc ai cũng biết) là đặt chất lượng nghiên cứu khoa học lên như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các trường đại học. Tất nhiên, nếu tính chất ưu tiên hàng đầu không phải là nói suông thì sẽ kéo theo nhiều chính sách khác.
Nói đến chuyện thay đổi chính sách là tôi lại băn khoăn. Hình như cái mà ta làm cho đến nay là thấy cái gì chưa ổn thì ta sửa lại, sắp xếp lại, mà ít để ý đến sự vận động tự nhiên của cuộc sống.
* Giáo sư có thể giải thích rõ hơn nhận xét này?
- Đơn cử hai vấn đề có tính thời sự hiện nay là việc phát triển mạng lưới đại học và lương giáo viên. Căn cứ vào tỉ lệ số lượng sinh viên trên tổng số người ở độ tuổi đi học, ta nhận thấy Việt Nam có tỉ lệ rất thấp so với các nước khác, đã phát triển hoặc đang phát triển. Ta suy ra rằng cần phải có thêm bao nhiêu sinh viên, mở thêm bao nhiêu trường đại học.
Câu chuyện này thoạt nghe thì có vẻ rất đơn giản, mạch lạc. Cũng giống như lương giáo viên, ai cũng thấy là rất thấp, không đủ để giáo viên tái tạo sức lao động, vì vậy cần phải tăng lương cho giáo viên và công nhân viên chức nói chung. Đặt ra vấn đề như vậy là rất đúng rồi, nhưng phương pháp luận trong việc giải quyết vấn đề thì có thể chưa ổn.
Thay vì ồ ạt mở thêm trường đại học, nâng cấp cao đẳng lên đại học, hoặc là tăng lương công chức một cách đồng loạt, nên chăng coi đó như là một xu hướng để nhân cái đà đó mà cải thiện chất lượng các trường, cải thiện năng suất và chất lượng lao động của công chức nhà nước?
Nói cách khác, những cái bất hợp lý hiện tại có thể làm đòn bẩy cho tương lai, làm điểm tựa cho những vận động tích cực của xã hội. Tôi cũng hiểu là bàn chung chung như thế này thì dễ, làm cụ thể như thế nào thì khó hơn nhiều. Nhưng rõ ràng những biện pháp thuần túy mang tính hành chính sẽ làm triệt tiêu cái đòn bẩy, lợi thế duy nhất của sự bất hợp lý.
Trong chuyện tăng lương cũng vậy. Tôi cảm thấy hình như việc tăng lương đồng loạt cho viên chức không cải thiện mức sống của họ mà chỉ làm tăng lạm phát. Chính phủ có thể tác động lên thu nhập của giáo viên bằng những quy định cởi mở và minh bạch hơn.
Tôi lấy ví dụ chuyện chạy trường mà ai cũng biết. Liệu có thể cho phép một số trường tốt có một cơ số học sinh trái tuyến với quy định minh bạch mức lệ phí, có thể rất cao cho học sinh trái tuyến? Lệ phí được thu một cách minh bạch có thể sử dụng trả một mức phụ cấp cho giáo viên một cách minh bạch. Phụ cấp có thể thấp, cao hoặc rất cao tùy thuộc vào năng lực của giáo viên. Câu chuyện này thực chất đang xảy ra trong thực tế nhưng dưới những hình thức không minh bạch. Nếu có quy định rõ ràng, Nhà nước cũng sẽ có thêm phương tiện để điều chỉnh.
Không ai độc quyền chân lý
* Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?
- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
* Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu?
- Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.
* Để tận dụng được khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định?
- Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.
Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.
* Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó?
- Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.
* Cảm ơn giáo sư!
* Mùa hè 2011, giáo sư dành nhiều thời gian để giao lưu với giới trẻ nhiều tỉnh thành. Những cuộc giao lưu đó mang đến cho giáo sư cảm xúc như thế nào và các bạn trẻ ấy có tạo được những ấn tượng đặc biệt với giáo sư?
- Cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp.
Ấn tượng tích cực nhất tôi có được trong những buổi gặp gỡ đó là tính hướng thiện của các bạn trẻ. Còn có một sự khác biệt tương đối rõ nét giữa những người trưởng thành mà tôi quen biết với các bạn trẻ mà tôi gặp trong các buổi giao lưu.
Nếu như nhiều người tôi quen, những người có vị trí xã hội, thành công trong sự nghiệp hoặc đơn giản là rất giàu, có một cái nhìn rất bi quan về thực tế xã hội thì các bạn trẻ vẫn tràn trề lạc quan và đầy niềm tin vào tương lai.
THƯ HIÊN thực hiện

http://tuoitre.vn/Giao-duc/474615/Giao-su-Ngo-Bao-Chau-Ban-tre-van-day-niem-tin-tuong-lai.html




(11)
Định hướng và thực tế!
28/01/2012 18:08:48
Toán học là chìa khóa cho nhiều lĩnh vực cuộc sống. Nhưng viện toán sẽ giúp gì cho vấn đề quản lý xã hội hiện nay ở Việt Nam: Ví dụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, bất hợp lý về lương và thu nhập ở Việt Nam...?
HUU MINH
Lưu giữ và chân truyền
27/01/2012 08:54:29
Giới trí thức – trong một nghĩa nào đó – chính là nơi lưu giữ và chân truyền các giá trị trí tuệ của nhân loại, trí thức nắm giữ “chìa khóa” đi đến tương lai, trí thức dẫn dắt tư tưởng và định hướng xã hội... Để làm được những điều trên thì không thể thiếu "phản biện xã hội".
LEBINH
Cũng khó...
26/01/2012 09:28:15
Cũng thật khó nói. Bác S. Hawking đã đề cập đến thời điểm mà trái đất chật ních người và nó sẽ "bốc cháy" chỉ vì năng lượng cơ thể chúng ta. Năm 2012, Việt Nam chưa đến nỗi thế nhưng cái "chợ đen" đằng sau thị trường việc làm hàng ngày đã đốt cháy rất nhiều ước mơ cống hiến. Khi người ta chưa có một viên gạch, giấc mơ nó cứ là giấc mơ dai dẳng. GS Châu quá xuất sắc nên đã vượt qua mọi giới hạn, nhưng còn nhiều bạn trẻ tài năng non kém hơn thì đành chịu. Mong là GS có giải pháp thì mới là tuyệt.
NGUYỄN TRÍ NGUYÊN
Hiền tài phải đóng góp cho đất nước
26/01/2012 08:45:15
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, các vị được cho là hiền tài phải đóng góp tiếng nói của mình cho việc lãnh đạo đất nước, vì thuyền có đi đến đích hay không là do người cầm lái
MỘT BẠN ĐỌC
Ngọn lửa của đam mê!
25/01/2012 07:33:32
Tôi là một người còn rất trẻ theo nghĩa nào đó. Và khi tôi đọc được bài này thì thấy rằng: những gì tôi đang làm chỉ đóng góp 1 chút nhỏ cho xã hội. Và tôi mong có thật nhiều người như giáo sư để xã hội ta thêm phát triển và mang lại ấm áp cho những người bất hạnh.
HẠNH NGUYỄN
Việt Nam tự nào vì có Ngô Bảo Châu như đã có...
22/01/2012 19:38:46
Cảm ơn anh Ngô Bảo Châu đã tâm huyết với tri thức trẻ Việt Nam... Chúc anh và gia đình một năm mới an khang!

DANGTHANH
Tiếp thêm sức mạnh
22/01/2012 13:39:17
Đọc xong bài phỏng vấn này, tôi thích nhất câu "cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp". Thật sự giáo sư đang cho tôi một sức mạnh để tiếp tục con đường học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Một món quà ấm lòng trong mùa tết nơi đất khách. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ và giáo sư Ngô Bảo Châu.
LE THI CUC
Cảm ơn
22/01/2012 04:14:42
Hôm nay là ngày cuối của năm, lòng nhiều bâng khuâng khó tả... Ngủ không được nên tìm đến bạn Tuổi trẻ Online tâm sự thì gặp được những lời định hướng của giáo sư, tôi thấy mình thêm niềm tin vào năm mới Nhâm Thìn. Hi vọng mọi người cũng thế!
TRẦN QUỐC DỰ
Niềm tin ở tương lai
21/01/2012 10:06:47
Bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư đã gợi mở cách thức giải quyết nhiều "điểm ngẽn" trong xã hội hiện nay. Thời điểm xuất hiện bài phỏng vấn này rất hợp lý, mong rằng sự bình tâm và thanh thản của những ngày đầu xuân sẽ giúp mọi người, đặc biệt là các nhà quản lý lưu tâm thực hiện. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ, Giáo sư Ngô Bảo Châu và phóng viên Thư Hiên rất nhiều. Rất mong được thấy kết quả nối tiếp trên thực tế từ nội dung bài phóng vấn này. Chúc mọi người và gia đình đón xuân Nhâm Thìn bình an và niềm vui trong mọi việc.
TA MINH THANH

1 comment:

  1. GỬI VÀI LỜI VỚI CHÂU GIÁO SƯ
    Tháng Một 24, 2012 — nguyencuvinh

    Mình gọi Châu giáo sư ( Nhà toán học Ngô Bảo Châu) chứ không gọi là Giáo sư Châu là có ý có tứ cả chứ không gọi lộn.
    Châu trả lời Tuổi trẻ nói về trí thức. Trả lời xong thì trên mạng nóng rực vì bất bình.
    Mình văn hóa lùn, không dám coi mình là trí thức, nhưng mình cũng nhắc khẽ Châu, khéo Châu lại nhầm mình là trí thức, dù Châu nhận được cái giải lớn về một đề tài nghiên cứu lớn nhưng không biết để làm gì vào thời buổi này.
    Thành công của Châu rất quý.
    Năng khiếu của Châu rất quý.
    Đóng góp của Châu thì nó nằm ở đâu, ở mớ lý thuyết đâu đâu, còn nước nhà thì hùa theo ăn theo vài bữa vì danh thôi, chẳng có gì.
    So với Châu, mình chỉ là thằng nhà văn quèn, cũng nhận được nhiều giải thưởng quèn trong nước, cũng nhận được đồng tiền còm nhờ chữ nghĩa, chẳng dám đứng trên bục cao răn dạy ai, chẳng dám nghĩ tới cái lúc được vinh danh vinh diếc, suốt ngày chỉ cắm mặt vào viết, thế thôi, trí thức cái gì loại nhà văn như bọn mình Châu nhỉ? Cho nên Châu cũng đừng lo ( theo quan niệm của em) là tụi mình đang lao tới dành nhau cái chức vị trí thức. Chỉ là người cầm bút thôi, bằng sức lực và mồ hôi của mình thôi.
    Làm cái gì trên đời này, nhà chính khách, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà văn, hay giáo sư như Châu, hay một chị quét rác, điều quan trọng bậc nhất là trách nhiệm sống của mình với cộng đồng, ý thức cộng đồng Châu ạ. Trí thức trí thiếc bàn làm cái gì nếu anh ta ( coi như trí thức ấy) bàng quan với cuộc sống nhân dân, thấy người dân khổ mà không xót, thấy bất công trắng trợn mà không màng lên tiếng, thấy kẻ cường hào mới đang chà đạp nhân dân, chà đạp pháp luật mà làm ngơ, trí thức ấy là trí ngủ, là trí giả, cũng chỉ là thứ danh hão, đôi lúc vỗ ngực ta đang nghiên cứu nghiên kiếc, thí nghiệm thí nghiếc, rồi bỏ trốn trách nhiệm với nhân dân, trí thức ấy không chừng, vì đơn đặt hàng lớn, vì tiền lớn, lại vẽ vẽ, tính tính, toán toán, khéo chế tạo ra cả bom hạt nhân nguyên tử giết người hàng loạt như đã từng xảy ra.
    Người dân cần đến trí thức là cần đến sự hướng dẫn đường đi cho họ, cần đến lẽ phải, cần đến sự vun đắp tâm hồn, vun đắp nhân cách, vun đắp dũng khí đấu tranh vì lẽ phải cho họ. Họ nuôi mình, cho mình sống, cho mình có chữ có nghĩa, có suy có nghĩ, có trí có tuệ thì phải vì họ, hy sinh vì họ.
    Châu được nhà nước tặng cả căn hộ gần 20 tỷ để ở tạm mỗi khi về nước, tốt quá.
    Châu được anh Tuyển tặng cả biệt thự 3 triệu đô để Châu và đồng nghiệp thỉnh thoảng ghé qua, nghỉ dưỡng sau những tháng ngày nghiên cứu. Quá tốt.
    Châu được nhà nước giao cho Viện toán với hơn 600 tỷ đồng để muốn làm gì cũng được, không phát minh ra cái gì cũng được, mời các viện sĩ toán thế giới qua qua lại lại, để đạt cho được chỉ tiêu Việt Nam xếp thứ 40 về phát triển toán học của Thế giới hay cái gì đó, thôi kệ, nhà nước cho Châu thì em cứ dùng.
    Nhưng Châu đừng vội nghĩ Châu là trí thức nhé.
    Châu đừng vội nhầm mình là trí thức nhé.
    Châu chỉ là một người làm nghề toán. Làm nghề toán và một nhà trí thức đôi khi cả đời Châu vươn tới cũng không tới.
    Giáo sư Châu và Châu giáo sư khác nhau đấy.
    Châu nói trí thức là những người lao động bằng trí óc.
    Châu nghe chị Thương, chị Hiền ( vợ anh Đoàn Văn Vươn, anh Đoàn Văn Quý) ở Tiên Lãng nói này: Họ đang chịu nhiều thiệt thòi, nhiều cái mất để mang lại cái được cho nhiều người. Được gì thế? Được một sự cải cách to lớn về Luật đất đai sau vụ Tiên Lãng. Được vạch mặt chân dung bọn cường hào mới. Được cái ý thức đấu tranh không khoan nhượng với sự bỉ ổi của các quan chức hư hỏng. Nói được như chị Thương, chị Hiền là cách nói của giới trí thức đấy Châu ạ dù họ nông dân xịn.

    xem tiep >>
    http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/01/24/g%E1%BB%ADi-vai-l%E1%BB%9Di-v%E1%BB%9Bi-chau-giao-s%C6%B0/

    ReplyDelete