Thursday, January 5, 2012

HAI NÀNG CÔNG CHÚA VÀ CUỘC MỞ MANG BỜ CÕI CỦA DÂN TỘC VIỆT

BS. Phan Giang Sang  2009 
Dẫn nhập
Trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam, nữ giới của mọi tầng lớp trong xã hội đã góp phần không nhỏ trong công cuộc đấu tranh sinh tồn, dựng nước và giữ nước. Nhìn lại lịch sử nước nhà có những anh thư liệt nữ đã đứng lên đấu tranh đánh đuổi xâm lăng dành lại nền độc lập cho dân tộc, được sử sách ghi công nhưng cũng có những bậc anh thư âm thầm đóng góp vào công cuộc mở rộng giang sơn bờ cõi.
Nếu nhắc đến công chúa Huyền Trân mở mang đất nước đến Châu Ô và Châu Lý (hai tỉnh Trị Thiên bây giờ), thì cũng phải nhắc đến công chúa Ngọc Vạn đã mang về cho tổ quốc hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa, góp phần tạo dựng nên vùng đất Nam Bộ của Việt Nam.
Huyền Trân Công Chúa và cuộc Nam Tiến
Sau khi dẹp hết quân Tàu xâm chiếm qua những trận lẫy lừng nhờ Hưng Đạo Vương đại phá quân Nguyên, nước ta được an lành. Sự giao hảo nước ta và Chiêm Thành cũng hòa thuận. Chỉ có nước Lào luôn kéo sang quấy phá rồi rút về núi rừng lẩn trốn, rất khó cho quân ta ngăn chặn, phải đợi tới danh Tướng Phạm Ngũ Lão dẹp họ mới yên.
Nhận thấy đất nước thanh bình an cư lập nghiệp, vua Nhân Tông nhường ngôi cho con, vào chùa Võ Lâm rồi sang chùa An Tử Sơn tu. Nhân chuyến du ngoạn bên Chiêm Thành (1301), Ngài lại hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm, lúc bấy giờ là Chế Mân. Vì Ngài muốn hai nước giao hảo, chung sống hòa bình, để rảnh tay dồn sức lực lo chống sự xâm lăng ở Bắc phương của quân Nguyên. Ít lâu sau (1304) vua Chiêm cho đem đồ sính lễ, triều thần phản đối, gây ra nhiều nghị luận, và khinh miệt người Chiêm, còn gọi là Chăm, là Hời.
Chế Mân đề nghị dâng Châu Ô và Châu Lý (1305) làm quà sính lễ. Vua Anh Tông và triều đình chấp nhận, và cho Chế Mân rước công chúa về nước vào tháng 6 năm Bính Ngọ1306.
"Nước non nghìn dậm ra đi, mối tình chi.
Mượn màu son phấn, đền nợ Ô-Ly,
Đắng cay vì đương đôi xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết, quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn với chì,
Khúc ly tao cớ sao mà mường tượng nghê thường
Thấy chim hồng nhạn bay đi, tình tha thiết,
Bóng dương hoa quỳ
Nhắn một lời Mân quân, nay chuyện mà như nguyện.
Đặng vài phân vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân.
Đắng cay trăm phần... "
Thân gái dậm trường làm sao không buồn, lòng dạ tan nát, nên đến đèo Hải Vân (1306), nàng có xin dừng kiệu, bùi ngùi ngắm nhìn sau lưng mình, phương Bắc, đất nước hùng vĩ của tổ tiên lần cuối... với nỗi niềm:
"Chiều chiều gió thổi Hải Vân,
Chim kêu ghềnh đá giẫm chân em buồn".
Vào năm sau 1307, vua Anh Tông đổi tên hai châu nầy là Thuận Châu và Hóa Châu. Bây giờ nó trở thành Thừa Thiên và Quảng Trị. Ngài còn cho Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị. Từ đây, bờ cõi nước ta từ từ mở rộng biên cương về phía nam, để tiếp tục cuộc Nam tiến sau nầy mà không tốn một cây tên và sinh mạng của quân dân hai bên. Đây là một thành công và là một thắng lợi to tát trong lịch sử Việt Nam, mà không dùng đao kiếm, gây cảnh nhà tan cửa nát, tàn sát sinh linh, nhân tâm đồ thán. Đây là bài học lịch sử mà hậu thế phải noi theo. Huyền Trân được phong làm hoàng hậu nước Chiêm. Được một năm sau Chế Mân băng hà.
Có người cho rằng vua Trần Anh Tôn sai tướng Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành đại diện nhà vua đi phân ưu vua Chiêm băng hà, nhưng để lập mưu đưa nàng về nước để khỏi bị hỏa thiêu theo chồng, vì Huyền Trân là hoàng hậu theo tục lệ Chiêm Thành, nhưng theo Tiến sĩ (Ts) Po Dharma, gốc Chăm, hiện là đại diện cho trường Viễn Đông Bác Cổ tại Mã Lai, cho lối giải thích trên không đứng vững. Trong bài "Góp phần tìm hiểu Chiêm Thành' đăng trong đặc san Champaka số 1-1999, Ts Po Dharma cho rằng công chúa Huyền Trân chưa đủ điều kiện để được lên dàn hỏa thiêu theo vua Chiêm, vì theo truyền thống Chiêm Thành, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được nhận vinh dự đó, mà Huyền Trân chưa phải hoàng hậu chính thức. (10)
Nếu như vậy thì có phải tướng Trần Khắc Chung ngang nhiên hành động không theo lịnh vua Trần Anh Tôn? Khi công chúa trở về, chính Thái Thượng Hoàng tiếp đón. Còn trăm quân hầu, vệ binh được gởi về Chiêm Thành và cáo lỗi về sự việc xẩy ra. Đây có phải là việc làm quá đáng, bất công, không có công bằng, đã gả đi rồi mà còn mưu toan cướp về. Đạo lý ta có cho phép không? Để giải đáp câu hỏi nầy, chúng ta đọc thơ vịnh công chúa Huyền Trân sau đây:
"Đổi chác xưa nay khéo nực cười,
Vốn đà chẳng mất lại thêm lời.
Hai Châu Ô lý vuông nghìn dậm,
Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi.
Lòng đỏ khen ai lo việc Nước,
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại Châu về đó,
Ngớ ngẩn trông nhau mấy chú Hời."

Hoàng Thái Xuyên

CÔNG CHÚA NGỌC VẠN
Vua Miên nhường đất và cho phép ngườiViệt khai khẩn đất đai, phá rừng để làm ruộng rẫy năm 1623 (7), để khỏi bỏ đất hoang vu không kiểm soát được, vì nhiều lần các nước Xiêm và Lào muốn chiếm đoạt mà Miên không có khả năng gìn giữ. Bắt đầu từ đây người Việt Nam hợp pháp đặt chân khai phá mảnh đất hoang vu đầy thú dữ Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay để trồng trọt, cày cấy.
Theo André Migot và Christopho Borri, nhà truyền giáo Tây Phương, năm 1623, một phái bộ của Chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu cho lập sở thu thuế ở Prey Nokor tức Sài gòn để thu thuế người Việt và hàng hóa. Vua Chetta II chấp thuận. Lấy cớ là bảo vệ chánh quyền Chân Lập và giữ gìn an ninh trật tự, triều đình Thuận Hóa còn phái một tướng lãnh đến đóng ở Prey Nokor nữa. Chúa Nguyễn còn sai sứ giả đưa tàu lẫn binh lính, vũ khí giúp cho vua Chetta II để chống lại quân Xiêm. Khi sứ thần đến kinh đô thì dân chúng Chân Lập, thương nhân người Bồ Đào Nha, Nhật Bổn, Trung Hoa đã tụ tập đông đảo để tiếp đón và hoan nghinh.
Tại sao Vua Miên lại ưu đãi Việt Nam ta?
Nhìn lại cuộc Nam Tiến của Chúa Nguyễn, chúng ta mới thấy công chúa Ngọc Vạn đã góp công lao không nhỏ. Công chúa Ngọc Vạn là con của Chúa Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Vua Chân-Lạp (Căm-bốt) là Chey Chetta II muốn cầu thân với chúa Nguyễn, nhờ giúp đỡ để đối đầu với nước Xiêm. Nhân cơ hội nầy, năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân-Lạp Chey-Chetta II để liên minh, thắt chặt tình lân bang Việt-Chân Lạp.
Công chúa Ngọc Vạn không những là người tài sắc mà còn khôn khéo, dịu hiền, hết lòng làm tròn bổn phận người vợ hiền theo đúng nền văn hoá Khổng Mạnh. Công chúa ăn mặc, trang sức, theo phong tục và tập quán Miên, cùng nói ngôn ngữ và đọc, viết được chữ Miên nên được dân Miên thương mến , kính phục và được nhà vua yêu quí và sủng ái, phong làm Hoàng hậu , tức hoàng hậu Samdach (mặc dù vua Chetta II đã có hai bà Hoàng người Lào và Cam-bốt). Nhờ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn nên hai lần quân Chân-Lạp chiến thắng quân Xiêm (Thái-Lan) vào năm 1621 và 1623. Sau đó, Vua Miên dời đô từ Lovet đến Oudong tức Nam Vang ngày nay, rồi xây đồn đấp lũy chống quân Xiêm. Năm 1622, triều đình Xiêm cho hai đội quân đánh Oudong đều thất bại. Triều đình Ayutthaya Xiêm cho chiến thuyền tấn công vẫn bị thảm bại, nhờ sự hỗ trợ của chúa Nguyễn. Từ đó tình thông gia lân bang càng khắng khít, vua Miên cũng dễ dãi cho dân ta qua lại làm ăn sinh sống.
Đất Miên bao lần bị Xiêm La tấn công quấy nhiểu chiếm đất, đều được Chúa Nguyễn đem quân tiếp viện. Để tỏ tình thông giao và lòng ái mộ công chúa và cám ơn chúa Nguyễn, vua Miên chấp thuận cho người Việt khẩn hoang vùng Đồng Nai và Mô Xoài. Hoàng hậu Samdach hạ sanh được hai hoàng tử, còn hai bà hoàng người Chân Lập và Lào cũng có con trai. Nhưng vì vua Chetta II qua đời đột ngột sau cơn bạo bịnh năm 1625, nên mọi quyền hành thuộc về phụ chính phó vương Prea Outney. Prea Outney lập hai người em họ lần lượt làm vua: Pona To (1625-1630) rồi Pona Nu (1630-1640). Hoàng-hậu Ngọc Vạn làm Hoàng Thái Hậu, được xếp cao hơn hai bà Hoàng người Lào và Cam-bốt.
Năm 1640, vua Pona Nu băng hà. Phó vuơng Prea Outney lập con mình lên ngôi, nhưng sau đó hai cha con phó vương Prey Outney bị nhóm thân Lào sát hại. Nhóm thân Lào đưa Rama Chan (Nặc Ông-Chân) là con trai của vua Chey Chetta II với bà hoàng người Lào lên ngôi vua năm 1642.
Nặc Ông-Chân chấp thuận lời yêu cầu của Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn, xin cho mẹ con bà cùng đoàn tùy tùng đến lập ấp ở vùng Mô Xoài, Đồng Nai (Bà Rịa, Biên Hòa) lập chùa tịnh tu. Về sau, vùng đất nầy trù phú, dân cư các nơi, kể cả người Việt, Lào, Cam-bôt kéo đến định cư lập nghiệp. Người Pháp, Bồ Đào Nha, Hòa Lan.. cũng đến buôn bán và truyền đạo. Nặc Ông-Chân cưới vợ người Mã Lai theo đạo Hồi. Vua lại muốn lấy Hồi giáo làm quốc giáo. Thế là có việc thanh trừng Phật giáo, nên xẩy ra thánh chiến.
Một số người trong hoàng tộc chống lại Nặc Ông-Chân, nhưng thất bại, nên chạy sang nhờ Hoàng Thái Hậu che chở. Thế là Nặc Ông-Chân tức giận, xua quân tấn công Biên Hòa và Bà Rịa. Bà kêu gọi cháu là chúa Hiền Vương đem quân cứu viện, dẹp loạn và bắt được Nặc Ông-Chân. Nặc Ông-Chan hiến đất, xin tha tội và hứa giữ đạo phiên thần, lo bề cống hiến, không xâm phạm dân sự ở ngoài biên cương.
Năm 1660 Nặc Ông-Chân (Rama Chan) qua đời, chúa Hiền phong cho Batom Reachea Potouna Raja (là con trai của Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn) làm vua nước Chân-Lạp. Người con thứ hai của Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn là Ang Non (Nặc Ông Nộn) được cho nhiều quyền hành vùng Đồng-Nai, Mô- Xoài (19). Quốc vương Batom Reachea Potouna Raja được chúa Nguyễn đưa lên làm vua, nên ký hoà ước nhận triều cống chúa Nguyễn, người Việt định cư trong lãnh thổ Chân Lạp được hưởng quyền lợi như người Chân Lạp, và được làm chủ phần đất khai hoang (20). Đến năm 1672, Vua Batom Reachea bị con rể soán ngôi giết chết. Hoàng tử Ang Chey, trưởng nam của Batom Reachea giết được phản đồ. Triều đình đưa Ang Chey lên kế vị, lấy hiệu là Nạc Ông Đài. Lúc nầy Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn đã qua đời.
Dưới thời Chetta II, chủ quyền khai thác vùng nầy không rõ ràng, nay Ponhea Chan và Batom Reachea minh thị xác nhận. Sử Cao Miên cũng ghi lại sự kiện nầy: Nhờ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn, quốc vương Batom Reachea ký hòa ước nhận triều cống chúa Nguyễn hằng năm, cho người Việt Nam làm chủ phần đất vừa khai hoang và người Việt được định cư trong lãnh thổ Chân Lập, được hưởng quyền lợi ngang hàng với người Miên.
Như vậy, nhờ Công Chúa Ngọc Vạn mà Cao Miên mới khỏi nạn diệt vong, nước ta mới có phần đất mới khẩn nầy. Người Miên chạy về đây lánh nạn thánh chiến, ở luôn cùng người Việt phát triển làm ăn buôn bán. Từ đó vùng nầy trở nên sầm uất. Thấy vậy, Chúa Hiền phong cho người con thứ hai của Công chúa Ngọc Vạn là Ang Non làm Nhị Vương đóng đô ở Prey Nokor tức Sài gòn. Từ đây nước ta có chủ quyền ở Miền Nam nầy. Đây không phải là xâm chiếm hay cướp đất, mà là một thỏa thuận tương giao, nương tựa để khai khẩn rừng rú hoang dã, chống bịnh tật và thú dữ, để sống còn trong thanh bình của hai nước lân bang. Đến năm 1698 Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh (Kim) mới chính thức lập chủ quyền và đặt nền tảng hành chánh tại phủ Gia Định. Năm 1674, Nặc Ông-Đài nghe theo xúi giục của nhóm thân Xiêm và Lào, đem quân đến vùng Đồng-Nai, Mô-Xoài đánh đuổi chú ruột là Nặc Ông-Nộn (Ang Non). Nặc Ông-Nộn cầu viện chúa Nguyễn. Chúa Hiền-Vương cho quân sang đánh Nặc Ông Đài. Nặc Ông Đài thua chạy và bị đồng bọn giết chết. Em là Nặc Ông-Thu (Ang Saur) được đưa lên làm đệ nhứt quốc vương, hiệu là Chetta IV, nắm quyền ở Lục-Chân-Lạp,và Nặc Ông Nộn (Ang Non) làm đệ nhị quốc vương nắm quyền hành ở Thủy-Chân-Lạp, đóng đô ở Prey Nokor (vùng Gia-định Bến-Nghé hay Sài-Gòn). Năm 1688, Nặc Ông-Thu chống lại không thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đem quân tiến đánh, bắt vua Chân Lạp phải thần phục và triều cống. Năm 1732, vua Chân Lạp nhường vùng Mỹ Tho và Vĩnh Long cho chúa Nguyễn. Năm 1739, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên đánh chiếm Hà Tiên, bị chúa Võ Vương sai Nguyễn Cư Trinh đánh dẹp, Nặc Nguyên cầu hòa và dâng đất Gò Công, Tân An. Nghe lời xàm tấu của kẻ xấu, Nặc Nguyên liên kết với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh phá Miền Nam năm 1756. Thống Suất Nguyễn Cửu Vân vâng lịnh chúa ta đem quân dẹp êm quân Miên. Năm sau 1757, Ông ta qua đời, người chú là Nặc-Nhuận muốn lên ngôi nên tự ý dâng hai xứ Preah Trapeang và Bassac, tức Trà Vinh-Ba Thác- Sóc Trăng, để xin cầu phong. Nặc Nhuận lại bị con rể Nặc Hinh giết chết và soán ngôi. Con Nặc Nguyên là Nặc Tôn bèn chạy sang Hà Tiên cầu cứu Mạc Thiên Tứ. Chúa Võ Vương chấp nhận cho Nặc Tôn làm vua Chân Lạp, đoạn cho Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ hộ tống Nặc Tôn dẹp Nặc Hinh. Để tri ân, Nặc Tôn xin hiến dâng vùng Tầm Long Phong, giữa sông Tiền và sông Hậu. Vùng đất nầy không gì khác hơn là Châu Đốc, Tân Châu, Kiến Phong, Sa-Đéc và Vĩnh Long. Vì nhờ Mạc Thiên Tứ giúp đỡ, nên vua Chân Lập cũng cắt nhượng dâng cho họ Mạc 5 phủ: Kompong Som Hương Úc, Kompt Cần Bột, Chưng rum Trực Sâm, Cheal Meas Sài Mạc và Linh Quynh. Họ Mạc lại dâng cho chúa Nguyễn. Đến năm 1847, vua Thiệu Trị giao trả phần nầy lại cho Cam Bốt. Chúa cũng giao vùng đất Hà Tiên cho Mạc Thiên Tứ cai quản. Vùng nầy được chia thành 2 đạo: Kiên Giang đạo và Long Xuyên đạo (Long Xuyên ở đây không phải là tỉnh Long Xuyên ngày nay, mà là vùng Cà Mau)
Kêt luận
Công chúa Huyền Trân vì lợi ích dân tộc mà vâng lời vua cha về làm vợ vua Chiêm để lấy hai châu Ô Lý, mở thêm bờ cõi về phương Nam.
Công chúaNgọc Vạn đã đem về cho quốc gia dân tộc một dãy giang san gấm vóc trù phú được mệnh danh là vựa lúa miền nam. Nếu không có bà và các tiền nhân vô danh hy sinh phấn đấu khắc phục thiên nhiên, khai khẩn rừng rậm hoang vu, đầy thú dữ, thì chúng ta không có mảnh đất thân thương sông nước Nam Kỳ Lục Tỉnh hôm nay.
Tài liệu tham khảo :
  1. Huynh Minh, Tây Ninh Xưa và Nay, 1972.
  2. Lãng Nhân. Công Nương Ngọc Vạn và Công Nương Ngọc Khoa, Làng Văn trang 25-28.
  3. Lê Quang Hiền. Di Chỉ Giòng Nỗi Bến Tre, TS ĐN & CL số 1, 3/2007, tr 29.
  4. Mường Giang, Champa, Chiêm Thành tự làm vong quốc. Văn Nghệ 17/08/06 Sydney.
  5. Nam Sơn Trần Văn Chi, 300 năm Văn Minh Miệt Vườn. Việt Luận 4/12/07, tr 28
  6. Ngô Kim Khôi: Huyền Trân và Công Chúa Vương Quốc Chiêm Thàmh, Chiêu Dương18/12/04 tr 54...
  7. Nguyên Văn Khậy, Kampuchea Trong Bối Cảnh Chiến Tranh Đông Dương, 2003
  8. Nguyễn Viết Kế: Kể chuyện các nhà vua đời Nguyễn, NXB Đà Nẵng, 2006.
  9. Phạm Thế Định: Chung quanh nhân vật lịch sử: Huyền Trân Công Chúa. Việt Luận số 1033 (Tues. Oct. 17, 1997)
  10. Phan An: Người Hoa ở Nam Bộ, NXB Khoa Học Xã Hội 2000
  11. Phan Giang Sang: Tuyển Tập PGS 1, 2007 tái bản 2007
  12. Phan Lạc Phúc: Huyền Trân Lịch sử, TB Việt Luận ngày 25/3/05, số1975 tr 50-51
  13. Thái Văn Kiểm: Đất Việt Trời Nam.
  14. Thi Long: Nhà Nguyễn Chín Chúa mười ba Vua, NXB Đà Nẵng, 2005
  15. Thi Long: Truyện kể về các Vương Phi, Hoàng Hậu nhà Nguyễn, NXB Đà Nẵng, 2006.
  16. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược tr 19, 167, Đại Nam XB 1971
  17. Trương Đình Tin: Vua Chúa Việt Nam qua các triều đại, NXB Đà Nẵng.
  18. Vĩnh Long Đia Linh Nhân Kiệt, Hội Đồng Hương Vĩnh Long Ấn hành, 2006.
  19. Võ Sĩ Khải: Văn Hóa Đồng Bằng Nam Bộ, NXB KHXH, 2002

__,_._,___

From:
 Dzung T <dzungthedinh@yahoo.com>
To: ""Exryu-ww-Forum@yahoogroups.com"" <Exryu-ww-Forum@yahoogroups.com>; ""exryu-ww-vannghe@yahoogroups.com"" <exryu-ww-vannghe@yahoogroups.com>
Sent: Thursday, January 5, 2012 1:38 PM
Subject: [Exryu-ww-Forum] HAI NÀNG CÔNG CHÚA ... CỦA DÂN TỘC VIỆT 

http://www.dongnaicuulongucchau.org.au/tapsan04/subpages/nc_anhthunuocviet.html



No comments:

Post a Comment