Friday, January 6, 2012

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội


09:01 | 06/01/2012
(ĐCSVN) - Việc nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ mới; tạo sự đồng thuận xã hội, sự thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đặc biệt là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Kiên định, giữ vững nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có quan điểm, thái độ đúng đắn, khoa học trong hoạch định và thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là vấn đề hệ trọng, mang ý nghĩa sống còn đối với quốc gia, dân tộc, đối với chế độ ta; là quyền lợi, nghĩa vụ thiêng liêng và trách nhiệm cao cả của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và mỗi người dân Việt Nam yêu Tổ quốc .


Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn chặt với sự ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong các giải pháp cần triển khai nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình thuận lợi để xây dựng đất nước, thì đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng, lý luận, phê phán các quan điểm sai trái, phản động phải được coi là một giải pháp thiết thực, có hiệu quả, rất cần phải làm và làm quyết liệt.


Cũng như trước đây, trong bối cảnh hiện thời, đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng, lý luận, phải gắn liền với việc tích cực quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011); đường lối, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, chiến sĩ quân đội và trong nhân dân. Thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể này, các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên phải làm cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân, những người thân trong gia đình hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Đồng thời, giúp họ nhận thức đúng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn từ những năm đầu thế kỷ XX; đặc biệt là đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thể hiện trong hệ thống văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta từ năm 1986 đến nay. 

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận chống các quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải đồng thời gắn với cuộc đấu tranh phòng chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cá nhân chủ nghĩa. Bởi vì, căn bệnh này đẻ ra tất cả mọi tính hư, tật xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, bất lương, bất chính... Và chính căn bệnh này, không chỉ gây nguy hại, làm thoái hóa, biến chất con người và tổ chức, làm cho Đảng ta suy yếu, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng mà còn dẫn đến tình trạng khinh thường lý luận, phai nhạt lý tưởng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, rơi vào chủ nghĩa thực dụng...


Có thể khẳng định rằng, người mắc “căn bệnh chủ nghĩa cá nhân” cũng có nghĩa là đã bước ra khỏi đội ngũ của những người cộng sản, phản bội lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Chính những người này là đối tượng lôi kéo của các thế lực thù địch trong thực hiện mưu đồ chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đồng thời với quá trình đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống chủ nghĩa cá nhân, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới và đẩy mạnh giáo dục chính trị, nhất là giáo dục ý thức pháp luật và đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Bởi vì, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, được học hành tiến bộ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Con đường đi đến và đạt được mục tiêu đó là một quá trình dài lâu. 

Để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó, xã hội ta cần xác lập cho được ý thức đạo đức cộng sản chủ nghĩa: “mình vì mọi người và mọi người vì mình”. Đúng như Bác Hồ căn dặn: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa phải là người cách mạng, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”. Đây là một trong những điều mấu chốt, mang ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



Con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta lựa chọn từ đầu thế kỷ XX đã được triển khai và thực hiện trên đất nước Việt Nam. Chúng ta tự hào vì có Đảng quang vinh, có Bác Hồ vĩ đại, nhân dân và quân đội ta anh hùng, đã kế thừa và tô thắm thêm lịch sử truyền thống vẻ vang, bách chiến, bách thắng của ông cha ta qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước


Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu sâu sắc rằng, tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có, không phải một sớm, một chiều là có thể giải quyết xong những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phức tạp đã và đang đặt ra trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ tổ quốc.


Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, trở ngại trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đối với một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, dân trí thấp, hậu quả chiến trạnh còn để lại nặng nề... Chính vì vậy mà Người thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải có thời gian để vừa cải tạo, vừa xây dựng, vừa đổi mới, vừa phát triển, vừa làm, vừa học, rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Người khẳng định rằng, chủ nghĩa xã hội là một cuộc cách mạng khoa học, phải có cả biện pháp chứ không chỉ là đường lối, phải có mục đích và cách làm, tuyệt đối không được nóng vội, áp đặt chủ quan duy ý chí, hay giáo điều, rập khuôn, áp dụng máy móc kinh nghiệm của nước khác.


Trước sự vận động, biến đổi phức tạp của thời cuộc; thời cơ, vận hội đan xen với các nguy cơ, thách thức, hàng loạt vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự và quốc phòng, v.v., đang đặt ra bức xúc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta, cùng với toàn Đảng ta phân tích, làm sáng tỏ về mặt lý luận, thực tiễn để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trong điều kiện lịch sử mới. 


Tư tưởng xuyên suốt quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là kế thừa và phát triển nhanh, bền vững tất cả các mặt, các lĩnh vực và những thành tựu mà công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã giành được qua chặng đường 25 năm đổi mới toàn diện đất nước; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa, trí tuệ của nhân loại để đẩy nhanh quá trình đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là cơ sở khoa học vững chắc để chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng./.

Các từ khóa theo tin:
PGS.TS Nguyễn Bá Dương

No comments:

Post a Comment