Friday, January 6, 2012

Đổi mới phong cách làm việc của người lãnh đạo


16:37 | 06/01/2012
Phong cách làm việc của người lãnh đạo là tổng hợp phương pháp, biện pháp tiêu biểu, ổn định mà người lãnh đạo sử dụng hằng ngày để thực hiện nhiệm vụ của mình. Phong cách làm việc của người lãnh đạo được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, tâm lý, tri thức, điều kiện hoạt động và sinh sống của người lãnh đạo. 
Phong cách làm việc hình thành dưới sự tác động của các nhân tố cơ bản như: Truyền thống dân tộc, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, quan điểm chính trị, lập trường tư tưởng, vai trò tổ chức, nguyên tắc làm việc và sự nỗ lực của bản thân người lãnh đạo. Tâm lý cá nhân là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành phong cách làm việc của người lãnh đạo. 
Bởi vậy, ở mỗi cán bộ lãnh đạo, phong cách làm việc mang một sắc thái riêng, nhưng đều có chung một số đặc điểm chủ yếu sau: 

Thứ nhất, sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với sự năng động sáng tạo, nhạy cảm với cái mới. 
Đây là đặc điểm nổi bật nhất của phong cách làm việc khoa học. Phẩm chất hàng đầu của người lãnh đạo và mọi cán bộ nói chung. Phẩm chất này thể hiện xuyên suốt trong quá trình xem xét, giải quyết các vấn đề phải xuất phát từ quan điểm, đường lối, từ các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phải đặt lợi ích của cách mạng, Tổ quốc lên trên hết. Trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc; phải quán triệt mục đích phục vụ nhân dân và kiên định mục tiêu xây dựng CNXH. Biện chứng cuộc sống là mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động và phát triển trong sự phong phú và đa dạng. Bởi vậy, quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời với việc giữ vững quan điểm, lập trường, tính nguyên tắc, người cán bộ phải kết hợp chặt chẽ và phát huy tính năng động, sáng tạo và nhạy bén với cái mới để đưa những chủ trương, biện pháp lãnh đạo đến thắng lợi. 

Thứ hai, sự thống nhất giữa nhiệt tình cách mạng với tính trung thực, khách quan, khoa học. 
Nhiệt tình cách mạng là yếu tố cơ bản trong phẩm chất lãnh đạo. Lòng yêu nước, thương dân là động lực chân chính thôi thúc người cán bộ luôn tận tụy, trăn trở với mọi nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ, gương mẫu đi đầu trong hành động. Song, nhiệt tình cách mạng chỉ đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống khi được kết hợp chặt chẽ với tính trung thực, tính khoa học và tuân theo quy luật khách quan. 

Thứ ba, sự thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cá nhân cao. 
Vai trò, vị trí và sức mạnh của một cá nhân bắt nguồn từ tập thể và do tập thể, phụ thuộc một cách quyết định vào cách làm việc dân chủ, tập thể, tính quyết đoán và trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo. Do vậy, yêu cầu người cán bộ lãnh đạo trước hết phải có ý thức tập thể, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phải luôn có phong cách thực sự dân chủ, biết phát huy trí tuệ sáng tạo và sự năng động, nhiệt tình của mọi cán bộ, đảng viên và phải tạo được bầu không khí đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau, có tác phong dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết đoán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công. 

Thứ tư, sự thống nhất giữa nhận thức và hoạt động thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm. 
Đặc điểm này đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải có nhận thức lý luận sâu rộng, có năng lực tư duy khoa học, nắm được quy luật vận động của khách quan. Đồng thời còn phải có năng lực vận dụng tri thức khoa học vào thực tiễn để phân tích, đánh giá tình hình và xác định phương hướng, biện pháp lãnh đạo phù hợp. Lời nói đi đôi với việc làm là phong cách đầy sức thuyết phục, bảo đảm uy tín của người lãnh đạo trước đội ngũ cán bộ cấp dưới. Tránh lý luận suông, nói một đằng làm một nẻo làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với cán bộ lãnh đạo. 

Thứ năm, sâu sát cơ sở, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân
Đây là một đặc điểm về phong cách làm việc truyền thống của Đảng ta. Nhờ bám sát cơ sở, bám sát quần chúng, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, thường xuyên giác ngộ cho quần chúng, mà Đảng ta được bảo vệ, được nuôi dưỡng và rèn luyện để tồn tại và trưởng thành. Khắc phục tình trạng quan liêu, xa cấp dưới, xa cơ sở, xa dân. 

Phải biết phát huy vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đặc biệt, trong điều kiện một đảng cầm quyền, cùng với đổi mới tư duy lãnh đạo thì phong cách làm việc phải luôn hướng về cơ sở, gắn bó và liên hệ chặt chẽ với nhân dân bằng cách: có chương trình, kế hoạch đi cơ sở tiếp xúc với nhân dân để nghe dân nói, nói cho dân rõ và trực tiếp giải quyết các vấn đề vướng mắc từ cơ sở, chỉ đạo và đôn đốc các cơ quan chuyên môn, cán bộ thuộc quyền đi cơ sở để nắm và giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh. Duy trì nghiêm túc chế độ nghe báo cáo, chế độ tiếp dân và định kỳ tổ chức đảng báo cáo chương trình, kết quả hoạt động trước dân. 

Những đặc điểm cơ bản trên là một thể thống nhất, tạo thành phong cách làm việc khoa học của người cán bộ lãnh đạo, nó thể hiện ở hiệu quả công việc và uy tín của người cán bộ trước quần chúng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đổi mới công tác cán bộ. 

Như vậy, phong cách làm việc khoa học của người lãnh đạo là sản phẩm tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, phẩm chất chính trị, đạo đức là yếu tố nền tảng để hình thành và phát triển phong cách làm việc khoa học. Bởi chỉ có trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc, một lòng phục vụ nhân dân là cơ sở để người cán bộ say mê nghiên cứu, sâu sát cơ sở, gần dân, đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn. Cùng với đức tính đoàn kết, khiêm tốn, cầu thị, tin tưởng đồng nghiệp... là tiền đề hình thành phong cách làm việc dân chủ của người lãnh đạo. Tri thức là yếu tố chủ đạo để hình thành phong cách làm việc khoa học, đặc biệt trong điều kiện ngày nay, khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão. Hơn nữa, cách làm việc dân chủ, nói đi đôi với làm chỉ có thể là sản phẩm của trí tuệ. Cơ chế, chính sách là yếu tố có tác động mạnh mẽ, thường xuyên tới việc hình thành phong cách làm việc. Bởi lẽ, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chỉ có thể sản sinh ra những cán bộ thụ động, trông chờ, ỷ lại. Ngược lại, cơ chế mới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển phong cách làm việc năng động, sáng tạo, khoa học. 

Những yếu tố cấu thành phong cách làm việc khoa học của người cán bộ lãnh đạo không phải là sản phẩm tự nhiên, mà là kết quả của một quá trình rèn luyện công phu, bền bỉ của người cán bộ. Do đó người cán bộ cần căn cứ vào vị trí, chức năng và điều kiện công tác để phấn đấu rèn luyện, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(Theo TC Xây dựng Đảng)


No comments:

Post a Comment