NGUYỄN LÊ
09/01/2012 14:24 (GMT+7)
Quyền gia nhập công đoàn của lao động nước ngoài tại Việt Nam vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài tại dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là một trong những nội dung được thảo luận khá sôi nổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 9/1.
Bên cạnh dự án Luật Công đoàn, tại hội nghị trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức này, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách cùng các vị khách mời sẽ thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục đại học.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, từ thành công của hội nghị này có thể sẽ có bước cải tiến quan trọng, là tổ chức họp Quốc hội theo hình thức trực tuyến ở một số nội dung cho phép.
Với dự án Luật Công đoàn, tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu ở các đầu cầu từ Bắc – Trung – Nam đều có thể tham gia ý kiến, với thời gian tối đa 7 phút, như thảo luận tại hội trường Quốc hội.
Báo cáo một số vấn đề cơ bản về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, bên cạnh ý kiến đồng tình, vẫn còn có ý kiến đề nghị không quy định về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài tại dự án luật.
Do vậy, thường trực Ủy ban đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến về cả hai phương án.
Ở phương án có quy định trong luật, Ủy ban đề nghị theo hướng, nếu có đơn gia nhập, thừa nhận điều lệ công đoàn Việt Nam, thời hạn lao động còn hiệu lực từ một năm trở lên kể từ ngày làm đơn xin gia nhập công đoàn, có giấy phép lao động thì người lao động là người nước ngoài có quyền gia nhập và hoạt động công đoàn.
Trong trường hợp không còn đủ các điều kiện nói trên thì đương nhiên chấm dứt việc tham gia công đoàn Việt Nam.
Tán thành phương án này, một số vị đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động người nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của luật.
Trên thực tế cũng đã có phát sinh mâu thuẫn, và công nhân là người nước ngoài cũng cần được tổ chức công đoàn bảo vệ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phân tích.
Bên cạnh nội dung này, hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về kinh phí công đoàn.
Do còn có ý kiến khác nhau nên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng vẫn đề nghị hai phương án. Một là theo quy định của dự thảo luật, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động.
Phương án khác là giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng góp với từng loại hình đơn vị, tổ chức doanh nghiệp như luật hiện hành.
No comments:
Post a Comment