Saturday, January 21, 2012

Những làng nghề góp hương xuân


21/01/2012
Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, người dân các làng nghề truyền thống như mứt phường Kim Long, TP Huế; làng nghề hoa giấy Thanh Tiên (huyện Phú Vang) tất bật để góp hương cho mùa xuân. Đã hàng trăm năm qua, người dân các làng nghề vẫn luôn tự hào với sản phẩm làm ra góp thêm hương vị cho ngày tết.

Nghề làm mứt gừng Kim Long.

Gìn giữ nghề mứt
Những ngày chúng tôi đến Kim Long, thành phố Huế,  người dân làng nghề tấp nập chế biến mứt gừng. Mứt gừng ở Kim Long có hương vị đậm đà vừa cay cay, ngọt ngọt thích hợp cho khẩu vị ngày tết.

Ông Trương Đình Thử, một trong những người có thâm niên làm nghề mứt lâu đời ở Kim Long, cho biết: “Người dân Kim Long chỉ làm trong tháng 12 (Âm lịch) để phục vụ tết. Trước đây, cả khu vực đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, nhà mô cũng có nghề làm mứt gừng. Nhà ít thì một vài tạ, nhà nào nhiều từ 2 đến 5 tấn gừng, nhờ rứa bà con có thêm tiền để sắm tết”.

Ngày nay do nhu cầu của thị trường, số hộ làm mứt gừng cũng giảm dần. Ở Kim Long hiện vẫn còn hàng chục hộ chuyên làm mứt gừng truyền thống vào dịp tết. Sở dĩ mứt Kim Long nổi tiếng hơn các địa phương khác là do người dân đã có những “bí quyết” rất đặc biệt. Tất cả các khâu từ chọn gừng, ra lát, rim đường cho đến việc cử người đứng lò đều rất quan trọng. Ngay từ lúc thời tiết chuyển mùa sang đông, những người dân làm mứt đã săn lùng củ gừng cay ở xứ Huế chuẩn bị cho mùa mứt.

Theo người dân làng nghề, củ gừng trồng tại Huế thường nhỏ nhưng được cái thơm, ít cay và bán rất đắt hàng. Bình quân mỗi ký mứt gừng có giá 50.000 đồng. Ở Kim Long có nhiều cơ sở sản xuất lớn như gia đình ông Trương Đình Tú, Trương Đình Toàn, Trần Văn Tuấn, Lê Thị Bé... Nhiều hộ dân làm mứt vừa bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, vừa đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh mứt trong dịp tết.

Anh Trương Đình Toàn, cho hay: “Gia đình tôi đã có 3 đời làm mứt gừng truyền thống, trung bình mỗi năm đầu tư trên 100 triệu đồng để làm mứt. Trừ tất cả các chi phí cũng kiếm được 10-15 triệu đồng”.
Hoa giấy khoe sắc
Nằm ở phía hạ lưu sông Hương, làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) có nghề truyền thống làm hoa giấy đã hàng trăm năm nay. Đầu tháng chạp người dân làng Thanh Tiên dù bận rộn thế nào cũng tranh thủ chăm chút từng nhành hoa giấy phục vụ tết. Hoa giấy ở đây không thể thiếu trong tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Hoa giấy, dùng đặt trên bàn thờ gia tiên, thờ phụng trong những ngày xuân về.

Ông Nguyễn Hóa, một người làm hoa giấy, bộc bạch: “Làm hoa giấy truyền thống vào dịp tết như thế này chỉ lấy công làm lãi, nhưng cái nghề truyền thống phải lưu giữ. Ngày làm đồng, đêm làm hoa giấy tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trước đây, người dân làng Thanh Tiên phải dùng một số loại lá cây để nhuộm giấy. Chẳng hạn màu vàng được nhuộm từ trái dành dành, màu tím từ hạt mồng tơi... Ngày nay, giấy làm hoa có đủ sắc màu được bán sẵn, nên những người thợ đỡ tốn công sức hơn trước.

Bên cạnh các công đoạn làm thủ công như phải ráp nhụy hoa, cánh hoa thì những người thợ của làng đã sử dụng nhiều khuôn hình khác nhau với các mẫu đài hoa, cánh hoa, búp hoa và lá của nhiều loài hoa khác nhau như mai, cúc, lan, đồng tiền... Trải qua gần 400 năm tồn tại, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên vẫn còn lưu giữ. Dù sản phẩm hoa giấy không còn tiêu thụ nhiều như trước nhưng dân làng vẫn duy trì nghề như một cách nhớ ơn tổ tiên.

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách hàng gần xa, các nghệ nhân làng Thanh Tiên cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm hoa sen đẹp về mẫu mã, trang nhã về màu sắc, uyển chuyển về hình dáng. Ngày thường, hoa sen giấy Thanh Tiên được bán với giá từ 8.000 - 9.000 đồng/bông, còn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán giá cao hơn: 10.000 - 12.000 đồng/bông.

Trong dịp tết, bình quân mỗi gia đình ở Thanh Tiên làm từ 3.000 đến 4.000 cặp hoa, gia đình nào làm nhiều 5.000 – 7.000 cặp, mỗi cặp hoa có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy từng loại khác nhau. Người dân làng Thanh Tiên tự tay đem sản phẩm của mình đi bán, nên ngày giáp tết hoa giấy Thanh Tiên khoe sắc khắp phố phường.
Phan Lê


No comments:

Post a Comment