Monday, January 23, 2012

Tập trung đào tạo “con người công nghệ cao”



Thứ Hai, 23/01/2012 11:26

(NLĐO) - Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn, Báo Người Lao Động đã có cuộc trò chuyện cùng PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, về những mục tiêu, định hướng phát triển của Khu công nghệ cao và của TPHCM trong năm mới 2012 và tương lai.

* Phóng viên: Theo ông, những hạn chế trong năm 2011 và thách thức trong năm 2012 của quá trình phát triển khoa học – công nghệ (KH-CN) tại Khu Công nghệ cao (CNC) nói riêng và TPHCM nói chung là gì?
 - PGS. TS Lê Hoài Quốc: Tuy đã đi vào hoạt động ổn định nhưng trong năm 2011, Khu CNC TPHCM vẫn còn tồn nhiều những vấn đề. Đầu tiên là tiến độ thi công một số công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Khu CNC TPHCM. Các dịch vụ phục vụ nhà đầu tư (nhà lưu trú, nhà văn hóa, nơi ăn uống…) triển khai còn chậm chưa đáp ứng chu cầu cho công nhân.


PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM - Ảnh: C.Trung
Tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao đã ảnh hưởng và thách thức đến việc triển khai đầu tư của doanh nghiệp.
Mối liên kết giữa Khu CNC với các viện, trường và các cơ quan quản lý KH – CN trong đào tạo chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước (nhất là lực lượng lượng nhà khoa học Việt kiều) về tham gia còn mỏng, nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu.
* Trong năm 2011, Khu CNC TPHCM đã có những điểm nhấn, kết quả gì nổi bật, thưa ông?
- Trong năm 2011, Khu CNC TPHCM đã có thêm 58 doanh nghiệp trong và ngoài nước xin cấp phép đầu tư mới và đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD (tăng gấp đôi so với 2010). Giá trị xuất khẩu của Khu CNC trong năm 2011 đạt trên 1,9 tỉ USD, gấp đôi so với năm trước đó.
Công tác triển khai nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo để xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ cao trong năm 2011 cũng đạt những kết quả nổi bật. Cụ thể Khu CNC đã hoàn thành đầu tư thiết bị bổ sung cho 2 phòng thí nghiệm lớn; duyệt thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, cấp nhà nước, trong đó có những đề tài hữu ích cho xã hội như bộ kit ELISA phát hiện nhanh melamine trong thực phẩm, chế tạo thành công pin mặt trời… .
Các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học cũng đã được tiếp thị để thương mại hóa tại Trung tâm R&D. Khu Công nghệ cao cũng đã ươm tạo được 6 doanh nghiệp, chuẩn bị tiền ươm tạo thêm 2 doanh nghiệp khác, thành lập được Quỹ đầu tư Công nghệ cao… .
Khu CNC cũng đã mở các khóa đào tạo kỹ thuật, an toàn lao động, tiếng Anh… cho trên 2.000 học viên. Tổ chức các ngày hội việc làm, chương trình đưa doanh nghiệp đến với sinh viên, đưa các học viên được đào tạo vào ký hợp đồng chính thức với các doanh nghiệp, đưa người đi đào tạo tại Nhật, ký kết được các hợp tác đào tạo công nghệ với các trường Đại học nước ngoài…
* Hướng phát triển của Khu CNC trong năm 2012 và những năm tiếp theo, thưa ông?
- Trong năm 2012, Khu CNC xây dựng một khu “Không gian khoa học” mới để phục vụ nghiên cứu, đào tạo về KH&CN; hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng dự án nhà lưu trú cho công nhân; tiếp tục đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật để thu hút các nhà đầu tư…
Nhiệm vụ năm 2012 của Khu Công nghệ cao là đào tạo nhân lực công nghệ cao. Ảnh: Khu Công nghệ cao
Đi kèm với đó là cải thiện môi trường đầu tư (về chính sách, dịch vụ…) để cố gắng thu hút được 5-6 dự án mới và đạt giá trị xuất khẩu hơn 1,5 tỉ USD trong năm mới.
Khu CNC cũng sẽ tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ cao đồng thời tăng cường thêm nhân sự chuyên môn công nghệ cao vào làm việc.
* Tại Khu CNC nói riêng cũng như tại TPHCM hiện nay có rất đông đảo đội ngũ làm KH-CN có tuổi đời rất trẻ. Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ làm KH-CN này?
- Đội ngũ làm KH-CN trẻ có nền tảng kiến thức tốt, có lòng say mê nghiên cứu KH-CN, có tinh thần gắn bó các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, đào tạo.
Tuy nhiên đội ngũ này vẫn còn những hạn chế như thiếu các kỹ năng mềm, tiếng Anh chưa tốt. Ngoài ra hiện nay thu nhập của đội ngũ này vẫn còn rất thấp, điều kiện sống còn chật vật, do đa số họ ở các tỉnh lên, có phần ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, triển khai, sản xuất công nghệ cao.
Đây là điều mà chúng tôi hết sức lo lắng và sẽ cố gắng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho anh em để họ yên tâm làm việc tại Khu CNC.
Hiện nay chúng tôi đang triển khai liên kết chặt chẽ với các trường đại học để đưa thông tin về hoạt động của Khu CNC đến với sinh viên để thu hút được nguồn nhân lực trẻ.
*Phóng viên: Theo ông trong năm 2012 cũng như tương lai xa hơn chúng ta nên tập trung đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu những lĩnh vực gì cho Khu CNC nói riêng và cho TPHCM nói chung?
- Hiện nay có những lĩnh vực nổi bật như vi mạch, bán dẫn, sinh học… đã và đang có những đóng góp đáng kể cho Khu CNC. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, điều mà tôi đã và đang rất trăn trở và lo lắng đó là những lĩnh vực này thực tế đang hoạt động dưới hình thức gia công, sản xuất với nguồn nguyên vật liệu nhập ngoại. Chúng ta hiện chỉ là những người “lắp ráp” và hoàn thiện sản phẩm mà thôi. Chính vì thế giá trị giá gia tăng của các sản phẩm làm ra còn rất thấp.
Các hoạt động sản xuất, nghiên cứu tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP)
Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ nguồn nguyên vật liệu, năng lượng sẵn có trong nước để sản xuất tốt hơn. Nếu chúng ta tự làm được nguyên vật liệu từ các nguồn tài nguyên, khoáng sản có sẵn trong nước, sử dụng các nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, gió…để chế tạo ra sản phẩm thì sản phẩm chúng ta làm ra sẽ có giá trị gia tăng cao.
Do đó, theo tôi chúng ta nhất thiết phải đẩy mạnh hai lĩnh vực KH-CN trong lĩnh vực vật liệu và năng lượng sẵn có trong tương lai. Về lĩnh vực vật liệu, chúng ta phải cải thiện và thực hiện tự tạo ra nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất và tính đến hướng xuất khẩu.
Với lĩnh vực năng lượng, phải đẩy mạnh việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh sẵn như năng lượng mặt trời, gió. Những nguồn năng lượng xanh dồi dào này nếu được triển khai áp dụng vào sản xuất sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều chi phí, xây dựng được nền “kinh tế xanh” không gây ô nhiễm môi trường.
*Xin cảm ơn PGS. TS Lê Hoài Quốc.
CHÁNH TRUNG thực hiện

No comments:

Post a Comment