Monday, January 23, 2012

Việt Nam: 5 trụ cột để hướng tới tương lai


Tác giả: TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH (*)

Tư duy duy lý, văn hóa dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội dân sự và quan trọng hơn hết, nhà nước pháp quyền là năm trụ cột được đặt ra như là định hướng cho tương lai. Năm trụ cột này là tiền đề cho một xã hội sáng tạo, làm nên đẳng cấp cho một dân tộc...
Mục tiêu trong tương lai của Việt Nam, như vẫn được xác định là "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", phản ánh một lý tưởng tương đối phổ quát, liên quan đến những giá trị căn bản lâu dài của xã hội và con người nói chung. Những mục tiêu này có thể áp dụng cho nhiều nước khác nhau, với chính thể, tôn giáo và trình độ phát triển khác nhau. Với một nước Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển như thế, hẳn chúng ta sẽ có được tầm quan trọng như chúng ta đáng phải có trên trường quốc tế. Thế nhưng, câu hỏi rất quan trọng và cũng rất thực tế, đó là, để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần đạt được qua những điều kiện trung gian nào?
Để trả lời câu hỏi này, người ta buộc phải suy nghĩ nhiều hơn về những điều kiện cụ thể của Việt Nam, về yếu tố lịch sử, thể chế hiện thời, mô hình kinh tế và cấu trúc xã hội. Đồng thời, chi tiết hơn nữa là những chính sách phát triển tương ứng trong từng lĩnh vực, từ giáo dục đến kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam như hiện nay, tôi cho rằng chúng ta cần vun đắp được năm trụ cột để có một tương lai phát triển bền vững hướng đến mục tiêu đã đề ra.
Thứ nhất, cần xây dựng được con người Việt Nam có tư duy duy lý. Mặc dù con người về cơ bản là tư duy theo logic, nhưng không phải dân tộc nào cũng đạt được trình độ tư duy duy lý. Trong lịch sử lâu dài của các dân tộc, có lẽ phương Tây chỉ tách ra như một nhóm nhỏ có tư duy duy lý từ thời đại Khai sáng. Nhiều người cho rằng thành tựu vĩ đại của sự duy lý phương Tây là khoa học máy móc hiện đại, là nhận thức về thế giới bằng khoa học rõ ràng khách quan. Nhưng tôi cho rằng thành tựu quan trọng hơn nhiều là thiết kế và tạo dựng được một xã hội, trong đó có những thiết chế cho phép khống chế được mối quan hệ duy cảm giữa người với người. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho một xã hội to lớn và phức tạp hoạt động trôi chảy. Người Việt Nam vẫn nổi tiếng là một dân tộc duy cảm, trọng tình hơn lý. Điều này hẳn đã giúp người Việt có sức mạnh quật cường khi bị đẩy đến chân tường.
Nhưng trong một thế giới ngày càng đa dạng, quan hệ kinh tế - chính trị ngày càng phức tạp, với quy mô dân số to lớn, cần nhiều hơn lối tư duy duy lý để trật tự xã hội được duy trì và quyền lợi của dân tộc được bảm đảm. Một ví dụ là tinh thần tôn trọng giao kèo, thực hiện hợp đồng hay tuân thủ các quy định chung. Để con người Việt Nam duy lý hơn, chúng ta cần nền giáo dục thực tế và hiện đại hơn, cũng như việc điều chỉnh hệ thống chính sách về giáo dục, văn hóa, xã hội, hay tín ngưỡng của chúng ta ngày hôm nay.
Trụ cột thứ hai là nền văn hóa dân chủ. Nền dân chủ là niềm hãnh diện của các dân tộc văn minh, không phải vì nó được thể hiện như một tiêu chuẩn về mặt chính trị, mà vì nó cho phép thông tin được truyền tải và xử lý với quy mô lớn, nhờ thế khai thông nhận thức của các cá nhân, cộng đồng và giúp xã hội ra những quyết định đúng đắn hơn, bớt bất công và giảm tổn thương đến những nhóm thiểu số. Tuy nhiên, trước khi tiến tới thể chế dân chủ lành mạnh, một dân tộc cần được thấm nhuần trong một nền văn hóa dân chủ. Văn hóa dân chủ có thể tồn tại trước khi có một thể chế dân chủ, nếu một dân tộc có ý thức xây dựng nó. Mối quan hệ dân chủ cho phép hình thành con người độc lập về quan điểm, tư tưởng, nhân cách và lối sống, đồng thời chia sẻ, tôn trọng sự độc lập tương ứng như thế của người khác. Lối sống có văn hóa dân chủ cần được xây dựng và bồi đắp từ trong quan hệ gia đình cho tới công sở, từ quan hệ giữa những cá nhân riêng lẻ cho tới những nhóm lợi ích... Về bản chất, cốt lõi của văn hóa dân chủ là khả năng dung thứ và đón nhận. Trong mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa dân chủ và thể chế dân chủ, tôi tin rằng văn hóa dân chủ có vai trò làm nền tảng, vì một nền văn hóa dân chủ phát trển có thể dễ dàng sinh ra một nền chính trị dân chủ chân chính, trong khi đa phần những nền chính trị dân chủ được dựng lên từ một xã hội còn xa lạ với văn hóa dân chủ, đều có khuynh hướng biến thái thành những thể chế phi dân chủ một cách tinh vi.
Trụ cột thứ ba, giờ đây không còn xa lạ với Việt Nam, là nền kinh tế thị trường. Bản thân thị trường là một cơ chế tổ chức sản xuất cao cấp và ưu việt nhất mà con người từng biết tới, nên tự nó có khả năng đánh bại các hình thức tổ chức xã hội khác muốn đương đầu với nó. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình khẳng định sự toàn thắng của thị trường, cần nhiều nỗ lực che chắn cho thị trường khỏi bị tổn thương vì những hành động chính sách hay hệ tư tưởng cũ. Một ví dụ ở nước ta là dù đã thừa hưởng những thành tựu vượt bậc do kinh tế thị trường mang lại, trong nhiều bộ phận xã hội, các hình thái khác nhau của tư tưởng tập thể chủ nghĩa vẫn còn đào sâu bám rễ. Từ nỗ lực duy trì độc quyền của các tập đoàn nhà nước trong nhiều lĩnh vực dân sinh, đến thói quen đổ lỗi dễ dãi cho nhiều hiện tượng xã hội như thể là hậu quả của việc "chạy theo thị trường", cho tới các chính sách can thiệp kinh tế như trần lãi suất hay phổ cập mô hình "hàng bình ổn giá". Thị trường không chỉ là cỗ máy hữu hiệu để sản sinh ra của cải cho đất nước, mà nó còn là giảng đường vĩ đại truyền bá sức mạnh của sự cạnh tranh, thứ đức hạnh chỉ giúp dân tộc thêm mạnh mẽ.
Trong sự nghiệp phấn đấu lâu dài xây dựng một thị trường thống nhất và phát triển, chúng ta cần hướng thẳng vào mục tiêu vun đắp cho khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ và tự do, lấy đó làm nền tảng cho động lực phát triển và hội nhập kinh tế. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực cải cách kiên nhẫn trên nền tảng lịch sử để lại với khu vực kinh tế nhà nước to lớn còn đang hiện hữa, và tư duy cũ gắn liền với nó rằng kinh tế nhà nước phải có vai trò chủ đạo
Trụ cột thứ tư cho xã hội Việt Nam văn minh, là sự phát triển của khu vực xã hội công dân. Đây là nơi mà các tổ chức, hiệp hội có tiếng nói độc lập với khu vực nhà nước và thị trường, phát huy ảnh hưởng nhờ bộc lộ những tri thức, nhu cầu bản địa hay ngầm ẩn trong lòng xã hội. Khu vực này đại diện cho những khía cạnh hay cấp độ quyền lợi mà thị trường và nhà nước không giải quyết trực tiếp được, hoặc nếu có thì hiệu quả không cao. Đặc biệt, việc phát triển một mạng lưới các tổ chức cộng đồng quy mô nhỏ, hiệp hội của những tổ chức - cá nhân có cùng lợi ích, hành động không vì lợi nhuận nhằm bảo vệ những quyền lợi thiết thực của các thành viên trên khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống theo cách nhan văn hơn.
Ở Việt Nam, truyền thống xã hội công dân còn sơ khai và mong manh, nếu so sánh với khu vực nhà nước và thị trường. Việc xây dựng khu vực này thực sự cần tầm nhìn chia sẻ, sự thấu hiểu của giới lãnh đạo và người làm chính sách. Khác với thị trường, khu vực xã hội công dân thực sự cần có cơ chế phù hợp để trưởng thành, đặc biệt một cơ chế khai thông nguồn tài trợ từ dân chúng và doanh nghiệp. Gần gũi với các tổ chức dân sự là các tổ chức nghiên cứu khoa học và giáo dục tư nhân. Bên cạnh đó, để tiếng nói, nguyện vọng và tri thức của khu vực này lan tỏa, cần sự gắn bó của giới truyền thông và báo chí.
Trụ cột cuối cùng, và quan trọng bậc nhất, là một nhà nước pháp quyền. Có lẽ đây là một trong những mục tiêu đã được đặt ra từ rất sớm và liên tục được duy trì. Đã có nhiều thành tựu trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Thế nhưng một nhà nước pháp quyền thực sự không phải chỉ là một nhà nước xây dựng được những luật pháp tốt, mà bản thân nó phải đặt được toàn bộ xã hội, trong đó gồm chính những cơ quan nhà nước cao nhất, nằm dưới pháp luật. Thường thì điều này không giải quyết được trong thực tế và ngay cả trong lý thuyết, nếu bản thân nhà nước không bao gồm những thành phần vừa độc lập, vừa có quyền lực giám sát, chi phối lẫn nhau.
Phải thừa nhận rằng người Việt Nam và người Á Đông không có một nhân sinh quan truyền thống rõ ràng về một xã hội được sắp xếp như vậy. Ví dụ như truyền thống Lễ trị của Khổng giáo ngay từ đầu đã có một hàm ý có một nhóm những người quản lý xã hội ở tầng cao nhất không cần bị điều chỉnh bởi pháp luật, mà tự họ làm gương cho xã hội noi theo. Nếu có điều chỉnh, chỉ cần điều chỉnh thông qua những quy tắc đạo đức hay sự phê bình để sửa sai (điều chỉnh bằng lễ). Chỉ có thứ dân mới cần tuân thủ những luật lệ do những tầng lớp tinh hoa đó đề ra. Hiện tượng này sau hơn 2.000 năm đã có nhiều thay đổi, nhưng nhìn sâu vào bản chất cấu trúc xã hội của Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta vẫn thấy dấu vết của quan niệm này, đặc biệt trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, với tầng lớp lãnh đạo trong Đảng và phần còn lại của xã hội. Để kiến tạo một xã hội pháp quyền, do đó, cần một sự sáng suốt và can đảm, để vun đắp một truyền thống pháp trị toàn diện trên cơ sở thiết kế một cấu trúc xã hội thực thụ phù hợp.
Theo tôi, năm trụ cột nêu trên, nếu được phát triển vững chắc và cân đối, sẽ làm chỗ dựa cho một nền tảng mà trên đó dân tộc Việt Nam phát triển trong trạng thái hài hòa với thế giới và khu vực, phát huy nguồn sức mạnh nội tại một cách đều đặn và thăng bằng, tinh thần dân tộc và nhân cách con người Việt Nam được cởi mở. Nói một cách khác, đó là năm trụ cột giúp Việt Nam hướng tới tương lai.
(Theo Sài gòn Tiếp thị số Tết)
____________________
(*). TS Nguyễn Đức Thành là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội

No comments:

Post a Comment