Sunday, January 22, 2012

ÔNG TIÊU NHƯ PHƯƠNG - DOANH NHÂN KIỀU BÀO: Đầu tư về nước cần có cái tâm


Thứ Sáu, 20.1.2012 | 09:08 (GMT + 7)
Mái tóc bạc trắng cùng giọng nói nhỏ nhẹ và điềm đạm, ông Tiêu Như Phương luôn gây ấn tượng với người đối diện như một học giả lịch lãm, hơn là một doanh nhân luôn bận rộn với các con số lời lãi.
Ông Tiêu Như Phương.
Ông Tiêu Như Phương.
Là người đã đầu tư về Việt Nam (VN) từ năm 1985, tên của ông Tiêu Như Phương hiện gắn liền với sự thành công của các khu nghỉ dưỡng sang trọng ở VN.
Theo ông Phương, để có thể khơi thông nguồn vốn từ kiều bào, VN cần tạo một sân chơi rộng rãi hơn với các cơ chế bình đẳng nhằm thuyết phục người VN ở nước ngoài vượt qua sự e dè để đầu tư về nước.

Từng có câu nói rằng “tiềm lực kiều bào giống như một nguồn mỏ lộ thiên, nhưng vẫn chưa được khai phá”. Là một doanh nhân kiều bào thành công, theo ông, “công cụ” VN cần có để khai phá thành công nguồn mỏ này là gì?

- Không gì khác hơn là tạo sân chơi tốt, thuận lợi và bình đẳng để kiều bào mạnh dạn về nước đầu tư. Một thực tế cần nhìn nhận cho đúng, đó là người VN ở nước ngoài không phải là những người có nhiều tiền hay sở hữu những nguồn vốn lớn. Số tiền mà họ tích cóp được rất khiêm nhường, nhưng nếu đưa ra được những mô hình đầu tư tốt để họ có thể đóng góp công sức và tiền của, đó sẽ là một nguồn lực lớn cho kinh tế VN.
Tiềm lực của kiều bào cũng được thể hiện phần nào qua số tiền kiều hối liên tục tăng, cụ thể là hơn 9 tỉ USD trong năm 2011 vừa qua. Trong những năm qua, thị trường bất động sản đã biến động rất lớn và dễ đầu tư hơn. Kiều bào có thể gửi tiền về để mua nhà cửa. Đó chính là động cơ kinh tế giúp tăng lượng kiều hối. Cho đến nay, VN vẫn là một điểm đến đầu tư, một mảnh đất tốt để sinh lời với nhiều ưu đãi cho kiều bào.
Theo ông, đâu là những rào cản gây khó doanh nhân kiều bào?
- Sự cục bộ địa phương và cơ chế “trên thông, dưới khóa”. Chính phủ VN đã đưa ra những chủ trương, chính sách rất tốt nhằm thu hút đầu tư kiều bào,  song trên thực tế, kiều bào không tiếp xúc với trung ương mà làm việc với các ban, ngành ở địa phương nơi họ đầu tư. Chính những rào cản không đáng có ở địa phương, dù nhỏ nhưng rất phiền nhiễu khiến nhiều kiều bào nản lòng. Chúng ta cần phải giải toả điều này.
Cá nhân ông có từng thấy nản?
- Tôi đã quyết định trở về nước từ năm 1985, khi đó đất nước mới chuẩn bị mở cửa. Rào cản vào thời điểm đó, nếu so sánh với thời điểm hiện tại, là rất lớn. Nhưng tôi có quyết tâm và đó chính là động lực giúp tôi vượt qua tất cả các khó khăn.
Tôi nghĩ cái tâm của mình với đất nước mới là quan trọng. Nếu chỉ quyết định đầu tư về nước để mong kiếm tìm lợi nhuận thì sẽ khác. Còn khi nghĩ được rằng, chúng ta là những người con đất Việt xa xứ và nên đầu tư để đóng góp phần nào đó cho đất nước thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.
Song một doanh nhân kiều bào từng phát biểu, nếu Chính phủ chỉ hô hào yêu nước mà không tạo ra cơ chế hữu hiệu thì sẽ không ai mang tiền về đầu tư. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi hiểu rằng đã là doanh nhân thì phải luôn tính đến vấn đề bảo tồn vốn và củng cố được cơ sở làm ăn để từ đó tạo ra sự nghiệp và nguồn lợi lâu dài. Nhưng đã kinh doanh là mạo hiểm. Không thể yêu cầu nơi kêu gọi đầu tư phải đảm bảo rằng nếu tôi kinh doanh thì phải có lời. Những quốc gia như Châu Âu hay Mỹ cũng không làm được điều đó, mà điển hình là rất nhiều vụ phá sản tại đây. Nếu so sánh thực tế đầu tư giữa với quốc gia đã phát triển và VN, rõ ràng làm ăn ở VN dễ dàng hơn.
Tôi suy nghĩ, nhiều khi các con của tôi - sinh ra ở Đức, nói tiếng Đức, thấm nhuần văn hóa Đức - đã nói với tôi rằng: “Với trình độ vừa phải, với túi tiền vừa phải, nếu chúng ta đầu tư ở VN thì sẽ tạo dựng được sự nghiệp. Còn nếu phải cạnh tranh ở một quốc gia phát triển như Đức thì sẽ rất khó”. Nên nếu ai đó nói rằng môi trường VN kinh doanh khó thì không đúng đâu.
Nhiều doanh nhân kiều bào đã ta thán về sự quan liêu và cơ chế khi thực hiện dự án ở VN. Có người thậm chí đã nói nếu mang về 1-2 triệu USD cũng không biết đầu tư vào dự án nào? Ông có lời khuyên nào cho họ?
- Thực ra ở nước ngoài dù có tiền mà không có đầu óc kinh doanh thì cũng thất bại thôi. Ví dụ như nếu có số vốn 1 triệu USD mà chỉ đầu tư theo cảm tính thì cũng không thể thành công. Các doanh nhân kiều bào cần tìm hiểu kỹ về trình độ của công nhân, về thế mạnh của VN, sản phẩm nào đáng làm, không đáng làm. Đừng đầu tư duy ý chí để thất bại.
Là một doanh nhân đã thành công, đâu là những bí quyết ông có thể truyền lại cho những nhà đầu tư kiều bào tiềm năng?
- Vào thời điểm kinh tế thế giới đang khó khăn, tôi nghĩ các kiều bào có điều kiện nên về VN. Nếu chúng ta có tâm, có khả năng và có tiền, thì những rào cản khi đầu tư sẽ chỉ còn rất ít.  Tuy nhiên, cách đầu tư hiện nay phải tinh vi hơn trước đây vì sự cạnh tranh tại VN đã lớn hơn. Đã có những chuyến tàu rời sân ga và nếu muốn chạy theo thì không còn kịp nữa. Các kiều bào phải bắt những chuyến tàu mới, phải tìm hiểu về cơ hội và những lĩnh vực có thể thành công trước khi đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Ông Tiêu Như Phương sinh năm 1950, tại Rạch Giá. Năm 1968, ông du học Cộng hòa Liên bang Đức và học tại Đại học Stuttgart. Năm 1976 ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng tại Đức. Đầu tư về VN từ năm 1985 và thành danh trong lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại VN, nhưng trong những năm gần đây, doanh nhân Tiêu Như Phương được nhiều người biết đến qua các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.    
A.P
Phương Thuỷ thực hiện

No comments:

Post a Comment