Friday, October 29, 2010

28/10 Đại biểu Quốc hội góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng

8:43 PM, 28/10/2010

(Chinhphu.vn) – Cương lĩnh xây dựng đất nước cần nêu bật được bài học về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; chiến lược xóa đói giảm nghèo cần cụ thể hơn… là những ý kiến các đại biểu Quốc hội đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) phát biểu tại buổi góp ý. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 28/10, Quốc hội họp theo tổ, đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Chiến lược kinh tế phù hợp với từng thời kỳ, lĩnh vực


Nhiều đại biểu tán thành với nội dung trong các Dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị cần có những nhận định, đánh giá, giải pháp cụ thể cho từng vấn được đề cập trong các Dự thảo, qua đó có chiến lược phù hợp với từng thời kỳ, lĩnh vực.


Trăn trở trước các vấn đề xã hội bức xúc hiện nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị, trong Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH cần nêu được các giải pháp mang tính chiến lược về xóa đói giảm nghèo bền vững cụ thể hơn nữa, không nêu chung chung, khi mà nền kinh tế nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị trong Dự thảo văn kiện cần làm rõ một số khái niệm cơ bản để bám sát thực tiễn khi triển khai thực hiện như: “Nền kinh tế thị trường có mâu thuẫn với nền kinh tế nhà nước là chủ đạo?”, “Đảng viên làm chủ doanh nghiệp, sử dụng lao động có bị coi là bóc lột không? “Cụm từ “bóc lột” hiện nay được hiểu như thế nào?”

“Nếu chúng ta xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì rồi đây, những nguyên tắc của kinh tế thị trường sẽ được áp dụng như thế nào. Đó là những vấn đề lý luận lớn mà tôi đề nghị trong Văn kiện phải thể hiện”, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào kiến nghị.

Xác định đột phá chiến lược về thể chế kinh tế

Vấn đề thể chế kinh tế cũng được nhiều đại biểu quan tâm, TS. Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, tại Đại hội XI của Đảng cần kiểm điểm lại việc thực hiện những chính sách, giải pháp đã đề ra tại Đại hội X. Theo ông Trần Du Lịch, về đột phá chiến lược thì quan trọng nhất vẫn là chính sách tam nông.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông lại đề cập đến việc xây dựng nền kinh tế hài hòa, chất lượng cao. Qua đó, phát huy được thế mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó lấy thước đo chất lượng phát triển kinh tế làm nền tảng.

Các đại biểu Vũ Hồng Anh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) kiến nghị, Dự thảo văn kiện cần có đánh giá về vai trò của kinh tế tư nhân, bởi đây là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta hiện nay. Cần phải tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.


Về phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng, Dự thảo cần bổ sung luận điểm về xây dựng thiết chế, mô hình doanh nghiệp nhà nước, không để buông lỏng quản lý như thời gian qua.

Các đại biểu tổ Lạng Sơn, Cao Bằng góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng. Ảnh: Chinhphu.vn


Đề cập vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và công tác cải cách tư pháp, các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đều cho rằng, dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước cần phải nêu bật được bài học về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đại biểu Lê Thị Nga quan tâm đến công tác cải cách tư pháp tuy đạt nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Bên cạnh việc đánh giá những tồn tại của công tác cải cách tư pháp cần chỉ ra yếu kém, tồn tại đó nằm ở khâu nào, cơ quan nào...

“Trong hoạt động tư pháp, điều tra hình sự là khâu quan trọng nhất, quyết định đến các tiến trình sau của hoạt động tư pháp như truy tố, xét xử. Vì vậy cần phải cải cách cơ quan điều tra theo hướng độc lập và thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng cơ quan và cán bộ điều tra”, đại biểu Nga kiến nghị.

Lê Sơn - Quỳnh Hoa

No comments:

Post a Comment