Wednesday, November 17, 2010

17/11 PGS.TS Vũ Duy Thông: Chất vấn và trả lời chất vấn phải có tình, có lý

7:35 AM, 17/11/2010
Việt Hải

(Chinh phu.vn)- Dân mình có câu: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”, với tư cách một cử tri, PGS-TS, nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông đã nhận xét như vậy khi đề cập đến việc đối thoại, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội.

Truyền hình, phát thanh trực tiếp đầy đủ một số phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn là rất cần thiết, là sự thể hiện rõ nét việc tăng cường thực hiện quyền dân chủ trong xã hội ta, cần được duy trì và phát huy.

PGS. TS Vũ Duy Thông cho rằng: Việc đưa ra những nhận xét, chất vấn trong các kỳ họp QH là quyền của các đại biểu QH, nhưng khi những ý kiến ấy đến công chúng thì hiệu ứng của nó không còn theo ý chủ quan của người nói nữa. Vì vậy phải nói thế nào để ngắn gọn, rõ ràng, trúng vấn đề, thẳng thắn, nhưng đừng gieo hoang mang cho người nghe là điều hết sức cần thiết và phải trở thành nguyên tắc.

GS. TS Vũ Duy Thông cho biết vì ông là nhà thơ, đồng thời vừa làm văn học, vừa làm nhà báo, tức là làm loại công việc chuyển tải những thông điệp mà xã hội cần, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp lên. Từ khi Đổi mới, dân chủ được mở rộng và phát huy mạnh mẽ, xã hội có rất nhiều tiến bộ nhưng cũng có điều cần nhìn nhận cho đúng, nhất là khi Đảng và Nhà nước chủ trương công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước, ví dụ như tạo điều kiện để báo chí thông tin đầy đủ về các Kỳ họp QH.

Ông nói: Thực hiện quyền dân chủ là một quá trình vận động gian khó và lâu dài, cả hệ thống chính trị và từng người dân phải góp công sức, trí tuệ từ nhận thức về quyền dân chủ, nâng cao trình độ để có thể thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ.

Thực hiện quyền dân chủ (bao gồm cả mở rộng dân chủ và nâng cao quyền dân chủ) là một tồn tại xã hội, phải biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chờ đợi; vừa thể chế hóa nhưng cũng rất cần vận động, thuyết phục. Cần khắc phục khuynh hướng không sử dụng đầy đủ quyền dân chủ và cả khuynh hướng lợi dụng hoặc tùy tiện sử dụng quyền dân chủ.

Truyền hình, phát thanh trực tiếp đầy đủ một số phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn là rất cần thiết, là sự thể hiện rõ nét việc tăng cường thực hiện quyền dân chủ trong xã hội ta, cần được duy trì và phát huy.

Nhưng nhiều vấn đề được thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn thuộc diện bí mật quốc gia (nước nào cũng có những vấn đề bí mật quốc gia chưa thể công bố rộng rãi ngay) thì nên giải quyết như thế nào? Một vấn đề khác, chất vấn và trả lời chất vấn thuộc quyền của các đại biểu QH và các thành viên Chính phủ. Đó là những vấn đề họ được biết, được hỏi.

Tuy nhiên, những ý kiến hỏi và trả lời đó không cùng chất lượng như nhau, còn có một số ý kiến mới dừng lại ở cảm tính, chưa được xác minh. Vậy có cách nào để những thông tin đó khi vượt ra khỏi Hội trường QH, không ảnh hưởng đến cử tri, cả ở mặt tích cực và tiêu cực.

Thứ hai là việc phát biểu ý kiến, chất vấn và trả lời chất vấn tại QH. Theo dõi các phiên họp toàn thể tại hội trường qua báo chí, thấy tuy có tiến bộ nhưng việc phân bổ phát biểu không đều. Có đại biểu cả khóa không một lần phát biểu nhưng có đại biểu kỳ họp nào cũng phát biểu, thậm chí thảo luận về vấn đề gì cũng phát biểu, đi rất sâu vào chuyên môn dù chuyên môn đó rất xa với chuyên môn gốc của họ. Không rõ những đại biểu này có phải "cái gì cũng biết" không, nhưng qua phát biểu của họ, nhiều khi cử tri rất băn khoăn. Trong khi phát biểu, một vài người còn đưa ra những sự kiện, số liệu chưa được kiểm chứng, có tính cảm tính, suy diễn chủ quan, hiểu biết về luật không thật đầy đủ.

Việc đưa ra những nhận xét, chất vấn trong các kỳ họp QH là quyền của các đại biểu QH, nhưng khi những ý kiến ấy đến công chúng thì hiệu ứng của nó không còn theo ý chủ quan của người nói nữa. Nói cho đủ, còn để dành thời gian cho người khác. Nói cho khách quan, không né tránh nhưng với một thái độ xây dựng. Dân mình có câu: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. “Vừa lòng nhau”, tức là giữa những người đối thoại với nhau phải rõ cái tình (có tính trách nhiệm, xây dựng), cái lý (khoa học, hiểu biết, rõ ràng); “Vừa lòng nhau”, còn có nghĩa là phải có tác dụng tích cực đối với những người thứ ba, là đông đảo công chúng nghe mà thấy thẳng thắn, thuyết phục, nghe xong không còn u mê, chán nản, hoài nghi, càng vững tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

V.H

Vấn đề liên quan:
* Trong thử thách, khó khăn, càng cần chung sức, chung lòng
* Dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm khi phát ngôn trước công chúng

No comments:

Post a Comment